Tuổi Trẻ Cuối Tuần: Bản “Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam” của nhóm Đối thoại giáo dục (VED) do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì đang được dư luận quan tâm dưới nhiều góc độ. Giáo sư Ngô Bảo Châu tiếp tục trả lời một số câu hỏi từ độc giả và những người quan tâm tới giáo dục đại học về vấn đề này.
Câu hỏi 1 – Trong phần quan điểm, VED cho rằng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần được cải cách “cơ bản và sâu sắc”, hướng tới mô hình của các nước đã phát triển, nhưng cũng “cần lưu ý tới một số đặc thù của xã hội và nền giáo dục đại học của Việt Nam” để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả. Anh sẽ khái quát ngắn gọn những “đặc thù” đó là gì?
Những “đặc thù” chính đã được phân tích trong 5 kiến nghị của VED. Hướng đến đến các giá trị phổ quát đã được định hình trong hệ thống giáo dục đại học các nước đã phát triển, tưởng như là điều hiển nhiên, vậy mà không phải tất cả mọi người đều đồng ý với quan điểm đó. Đối với nhóm VED, lựa chọn này có thể coi là “tiên đề”. Các đặc thù của đại học Việt Nam cần được lưu ý tới để thiết kế một lộ trình hiệu quả, giảm thiểu xung đột. Cái đích mà đại học VN cần hướng tới, theo chúng tôi, là những giá trị đại học mang tính phổ quát.
Câu hỏi 2 – – Bản khuyến nghị đưa ra 5 nhóm vấn đề. Nhưng phản hồi chủ yếu từ những người quan tâm tới những khuyến nghị này đang tập trung ở nhóm vấn đề thứ hai “cải cách tài chính trong hệ thống GD ĐH”, theo cách hiểu nhóm cổ súy cho việc tăng học phí đại học với lập luận rằng điều đó sẽ giúp cho người nghèo. Nhóm có bất ngờ trước sự chú mục này? Các anh có được hiểu đúng? (Câu này em không biết hỏi khéo thế nào nữa đâu, chả lẽ viết thiên hạ đang phát điên lên vì nghĩ các anh cổ súy tăng học phí hehe).
Tôi không nghĩ rằng kiến nghị số 2 về cải cách tài chính quan trọng hơn các kiến nghị khác. Các kiến nghị được sắp xếp theo thứ tự từ khó nhiều đến khó ít, nhìn từ góc độ triển khai.
Để có những trường đại học vững mạnh, tăng cường khả năng tài chính là việc hiển nhiên, mà trong đó việc tăng học phí chỉ là một trong các biện pháp. Mức học phí gốc cần được hạch toán đúng để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Mức học phí thực của mỗi người sẽ bằng mức học phí chung trừ đi mức hỗ trợ của nhà nước, của địa phương, của trường đại học cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng hỗ trợ nhà nước cần được tập trung vào các sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn là cào bằng thông như hiện nay, thông qua một mức học phí thấp mà không rõ được tính toán trên cơ sở nào. Chúng tôi cũng nêu rõ việc tăng học phí gốc cũng cần được thực hiện một cách dè dặt, ràng buộc vào mức độ tăng GDP và cam kết lập quỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Ngoài ra các trường đại học cần có những nguồn thu khác từ đầu tư nhà nước cho nghiên cứu khoa học và tài trợ thiện nguyện của xã hội.
Nhóm VED ủng hộ định hướng tự chủ tài chính cho các trường đại học: về lâu dài học phí sẽ không phải do nhà nước quyết định trực tiếp nữa, mà sẽ được điều tiết theo qui luật cung cầu và do đó sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các trường, các địa phương, các ngành học. Vận hành theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo nguồn cung dồi dào và có chất lượng cao hơn, cũng như khi nhà nước xoá bỏ chế độ tem phiếu đối với nhu yếu phẩm.
Tuy vậy, không thể coi giáo dục đại học như một hàng hoá thông thường. Nhà nước trung ương và địa phương vẫn cần đầu tư vào đại học thông qua học bổng, tín dụng sinh viên và hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Thông qua các kênh này, chính phủ có thể ủng hộ những ngành học đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, như khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, nhưng không được thị trường lao động ưu tiên.
Ai cũng mong ước giáo dục công lập, cả phổ thông và đại học, đều miễn phí hoặc hầu như miễn phí. Mong ước này khó trở thành thực tế trong điều kiện kinh tế hiện tại. Chúng tôi cho rằng cần đảm bảo giáo dục phổ thông là bắt buộc và miễn phí, theo tinh thần của hiến pháp. Trong khi đó, việc đi học đại học có thể coi như một lựa chọn cá nhân, một quyết định đầu tư quan trọng cả về tài chính cũng như về thời gian cho tương lai của chính mình. Vì thế, học phí đại học cũng cần được điều tiết để cân đối cung và cầu.
Trong bối cảnh này, có lẽ cũng nên có vài lời về một số nước châu Âu, nơi có giáo dục đại học hầu như miễn phí. Điểm rõ nhất là các trường đại học này phải tiếp nhận một lượng sinh viên lớn ở trong khuôn khổ kinh phí khá eo hẹp, dẫn đến tình trạng sinh viên ít được các giảng viên quan tâm hơn, có ít điều kiện tiếp cận với nghiên cứu hơn, có xu hướng học lâu hơn, và sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi tìm việc làm. Có thể nói, nhiều nhược điểm chung giữa đại học châu Âu và đại học Việt Nam đều bắt nguồn từ sự yếu kém về tài chính của các trường. Ngoài ra, học phí thấp ở châu Âu được cân bằng bởi mức thuế thu nhập rất cao, một yếu tố nữa khiến việc duy trì mô hình châu Âu trong điều kiện kinh tế của một nước như Việt nam khó thực hiện.
Câu hỏi 3 – Những khiếm khuyết và bất lợi của việc tăng học phí ở các trường ĐH nước ngoài, nhất là Mỹ gần đây với những gánh nặng nợ lớn trên người học đã được dẫn chiếu để phản bác nhóm trong đề nghị tăng học phí (Báo cáo năm 2014 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng số nợ của sinh viên Mỹ đã vượt hơn 1.300 tỉ USD từ năm 2013 – cao hơn cả nợ tín dụng). VED sẽ nói gì với lập luận này? Các anh có tin rằng mình đã đánh giá được hết gánh nặng học phí?
Cũng như giảm học phí không nhất thiết đem lại những ưu điểm của đại học châu Âu, việc tăng học phí hoàn toàn không nhất thiết dẫn đến tất cả những nhược điểm của đại học Mỹ. Tín dụng sinh viên của Mỹ tăng nhanh không chỉ vì học phí tăng mà còn vì số lượng sinh viên tăng và khả năng tiếp cận các khoản vay cho sinh viên khá dễ dàng ở Mỹ. Hệ thống giáo dục đại học Mỹ có tính thị trường rất cao, các trường tự quyết định mức học phí còn sinh viên và phụ huynh tự đánh giá hiệu quả đầu tư của việc vay tiền đi học. Bên cạnh một số trường hợp quyết định sai lầm như chọn nhầm ngành hay không lượng đúng sức mình, học đại học nhìn chung vẫn được đánh giá là một khoản đầu tư hiệu quả.
Giáo dục đại học ở Mỹ cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn, tiêu biểu là mức tăng học phí quá cao trong 30 năm gần đây. Trong số nhiều nguyên nhân mà chúng tôi không thể phân tích hết ở đây, một bên phải kể đến mức tăng quá cao của chi phí quản lý, và cũng phải lưu ý đến làn sóng du học của sinh viên quốc tế, đặc biệt từ một số nước châu Á, trong đó có nhiều người sẵn sàng bỏ ra những món tiền khổng lồ để được theo học tại các trường đại học có tên tuổi.
Câu hỏi 4: Một trong ba đề nghị của VED là tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội. Nhưng các số liệu liên quan (phụ lục 1) của Mỹ mô tả sự sụt giảm rất mạnh mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các trường ĐH công. Làm thế nào mà VN – với tình hình thâm hụt ngân sách và nợ công như hiện nay- lại có thể đi ngược lại, trong khi uy tín của các trường ĐH chưa đủ cao để huy động sự đóng góp của xã hội vào đây?
Tính trên con số tuyệt đối, ở Mỹ, mức đầu tư của liên bang cho các đại học và nghiên cứu khoa học vẫn tăng lên. Tuy vậy, cả thu và chi của các đại học Mỹ đều tăng cao trong 30 năm qua, và vì thế tỉ lệ tài trợ của ngân sách trong tổng thu giảm đi.
Trong thực tế mức nhà nước liên bang và các tiểu bang ở Mỹ hỗ trợ cho một sinh viên ở đại học công vẫn gần như không thay đổi từ năm 1987 đến năm 2012 (khoảng US$11,000 cho một sinh viên). Số lượng sinh viên ở Mỹ đang tăng từ 1980 tới nay cùng với xu hướng chung toàn thế giới, vì vậy mức độ hỗ trợ của ngân sách vẫn tăng nếu xét tới con số tuyệt đối. Tuy nhiên do nhà nước đang ưu tiên một số khoản chi khác hơn như bảo hiểm y tế (Medicare: tăng từ 10% lên 25% ngân sách), giáo dục tiểu học và trung học cơ sở… cho nên tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang giảm đi. Theo số liệu tài khóa năm 2012, các tiểu bang vẫn chi tới 81,3 tỷ USD cho các đại học công, bằng một nửa cho tiểu học và trung học cơ sở (primary & elemetary schools), nhưng cao hơn số tiền chi cho giao thông và cho các nhà tù.
Vấn đề nợ công của VN đáng lo ngại và chính phủ cần hạn chế chi tiêu để giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Nhưng ngân sách cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải được ưu tiên hàng đầu, nhất là khi tỷ lệ đầu tư vào giáo dục đại học trên GDP hay trên đầu người của VN vẫn còn thấp so với thế giới. Chúng tôi vẫn kiên trì với khuyến nghị tăng đầu tư vào giáo dục đại học dù chính phủ phải tiết giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác.
http://chronicle.com/article/From-Public-Good-to-Private/145061
Câu hỏi 5- Thành viên của VED hầu hết làm việc ở các trường ĐH nước ngoài. Điều đó khiến có nhận xét rằng các anh đang nhìn về GD ĐH VN bằng con mắt “người ngoài”. VED nghĩ như thế nào về đánh giá này? Các thành viên của nhóm đang kết nối với đại học trong nước như thế nào?
Tuy các thành viên của VED đều có những trải nghiệm và hiểu biết nhất định về môi trường đại học ở Việt nam, tôi phần nào đồng ý với nhận xét cho rằng góc nhìn của VED là góc nhìn của “người ngoài”. Quan điểm của VED chắc chắc cần được bổ sung bởi ý kiến của những người trực tiếp tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học Việt nam. Với cả ưu điểm và hạn chế của góc nhìn “ngoài cuộc”, mục đích chúng tôi là đưa ra những phân tích, kiến nghị rõ ràng và nhất quán, hướng đến những mục tiêu đề ra ban đầu.
Câu hỏi 6 – Cho đến nay, VED đã nhận được phản hồi như thế nào từ phía các vị lãnh đạo có thẩm quyền về giáo dục về bản khuyến nghị này? Cụ thể là phản ứng của Bộ GD&ĐT?
Trước khi lưu hành rộng rãi, báo cáo tổng kết của nhóm VED đã được gửi đến lãnh đạo các bộ, các cơ quan có liên quan trực tiếp đến cải cách giáo dục đại học. Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực của bộ trưởng Nguyễn Quân và thứ trưởng Bùi Văn Ga. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD & ĐT sẽ nghiên cứu nghiêm túc các kiến nghị của VED.
Câu hỏi 7- Nhiều ý kiến cho rằng các khuyến nghị của VED không quá mới mà đã được nói đến từ lâu. Cơ sở nào để VED tin rằng từ đây sẽ có các thay đổi mới được?
VED cố gắng đưa ra một số nhận định chung và những kiến nghị rõ ràng, nhất quán. Trong nghiên cứu chính sách, việc đưa ra một tập hợp khuyến nghị rõ ràng và nhất quán đòi hỏi một quá trình làm việc nghiêm túc. Tất nhiên, nghiên cứu chính sách dù khó đến đâu cũng không thể khó bằng triển khai, đặc biệt là triển khai một cách nhất quán kiên định. Nhưng để hướng tới một xã hội tốt đẹp, dường như không có cách nào khác.
Câu hỏi 8 – Tại sao VED lại đưa ra các giải pháp và khuyến nghị lớn, có tính tổng thể và dài hạn như vậy mà không hướng đến những lời giải thực tiễn cho những vấn đề cụ thể, theo từng bước nhỏ?
Trong báo cáo VED đã đưa ra những khuyến nghị có tính định hướng, trong số đó có những khuyến nghị tương đối cụ thể. Nếu lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành liên quan, các trường đại học, đồng ý với những định hướng chung này, tôi tin rằng họ sẽ tìm ra những phương án, lời giải thực tiễn hơn, phù hợp hơn theo từng thời điểm và địa điểm.
Câu hỏi 9- Một học sinh lớp 12 muốn biết VED nhận định như thế nào về xu hướng biến đổi của GD ĐH toàn cầu với I-Generation, MOOCs, E-learning và Mobile Learning? Bản khuyến nghị không cho thấy mối quan tâm của VED tới vấn đề này.
Nên coi MOOCS, E-learning … như những dạng thức học liệu mới, không thể thay thế tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Trong kiến nghị số 4, chúng tôi có nêu việc sử dụng các học liệu MOOCs để thay đổi cách dạy, giảm giờ đứng lớp, tăng giờ làm bài tập, làm đề án.
(Người trả lời phỏng vấn, NBC, cảm ơn sự hỗ trợ quý giá của các thành viên khác của nhóm VED).
Ngô Bảo Châu
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/chuyen-de/20150626/dich-huong-toi-la-cac-gia-tri-dai-hoc-mang-tinh-pho-quat/767316.html
Tôi có một số ý kiến như sau đây, hi vọng ông Châu và các ông trong VED sẽ đệ trình bộ giáo dục giúp cho tôi.
A) Đại học dân lập:
Có lẽ không nên bắt buộc mức điểm sàn cho ĐH dân lập bởi học đại học là quyền của tất cả mọi người. Kinh doanh đại học cũng là quyền của tất cả mọi người. Tuy nhiên Bộ Giáo Dục cũng có thể đánh giá xếp hạng tín nhiệm ĐH dân lập hàng năm hoặc 3-5 năm một lần. Những ĐH nào đáp ứng một số tiêu chí cơ bản, (ví dụ điểm xét tuyển sinh viên đầu vào đạt mức sàn nào đó theo quy định của Bộ Giáo Dục, số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ Master, PhD, số lượng xuất bản tại các tạp chí uy tín) thì sẽ được cấp giấy chứng nhận ĐH Khả Tín theo hàng năm hoặc đánh giá lại theo 3 năm, 5 năm.
B) Đại học công lập:
Như cái link ở đây nói đã đề xuất tăng mức học phí đại trà 17-18 triệu/năm. Thật ra có thể tăng ở mức 30 triệu cho năm. Hơn nữa cũng nên phân loại mức học phí theo vùng miền. (Để so sánh, mức học phí của hệ thống chương trình liên kết do Việt nam cấp bằng hiện nay vào khoảng 40 triệu/năm là khá ổn rồi)
Tuy nhiên, tăng học phí cao thì phải đi kèm với phát triển hệ thống Ngân hàng/Tín dụng Sinh viên cho phép sinh viên vay tiền với lãi suất rất thấp, thời hạn trả nợ lâu, ví dụ cho phép trả nợ trong vòng 10-15 năm.
Thật ra ở Mỹ cũng rất nhiều người nghèo không có tiền cho con học đại học. Nhưng con cái họ dễ dàng vay tiền chính phủ để học hoặc đăng lính để được quân đội nuôi.
Có hai cách có thể tăng tiền tài trợ cho giáo dục.
1) Bán Giấy Miễn Nghĩa Vụ Quân Sự
Hiện nay nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với mọi thanh niên nam từ 18-28 tuổi. Trước giờ vẫn có 1 số người “chạy” tiền để trốn nghĩa vụ. Nay chính phủ có thể bán Giấy Miễn Nghĩa Vụ Quân Sự để tăng quỹ hỗ trợ giáo dục. Mỗi giấy có thể bán với giá 30-50 triệu/người, tùy theo khu vực. Chỉ nên bán ở 1 nơi duy nhất để tránh tiêu cực, ví dụ cho phép 1 cơ quan của Bộ Giáo Dục hoặc Bộ Quốc Phòng bán giấy này. Người mua sẽ chuyển tiền qua bưu điện hoặc tài khoản ngân hàng. Lập database công khai tên người mua, tuổi, địa chỉ để tăng tính minh bạch.
Tổng số thanh niên 18 tuổi đông gấp 15-20 lần số thanh niên 18 tuổi được vào các trường công lập. Thế nên số tiền thu được sẽ không nhỏ. Nếu quá nhiều người mua, dẫn đến thiếu hụt quân nhân thì có thể tăng số tiền lên. Số tiền thu được sẽ ưu tiên tài trợ cho các trường quân đội trước, còn lại thì tài trợ cho các trường công lập khác.
2) Lệ Phí Hỗ Trợ Giáo Dục Quốc Gia dành cho du học sinh.
Mỗi người trước khi xuất cảnh du học sẽ phải trả Lệ phí Hỗ Trợ Giáo Dục Quốc Gia rồi trình giấy biên nhận cho hải quan. Có thể trả Lệ Phí này ở một cơ quan của Bộ Giáo Dục theo tài khoản, hoặc theo đường bưu điện. Chỉ nên 1 cơ quan duy nhất của Bộ Giáo Dục quản lý thu tiền lệ phí để giảm tiêu cực. Mức phí có thể từ 5 triệu – 40 triệu, tùy quốc gia và tùy độ dài của khóa học. Ví dụ học một chương trình 1 năm ở Trung Quốc phải trả 5 triệu, trong khi 1 chương trình học đại học 4 năm ở Mỹ có thể phải trả 40 triệu cho toàn khóa. Mỗi lần học một chương trình mới phải nộp lệ phí một lần. Theo link dưới đây, riêng năm 2013, VN có 125000 người đi du học. Năm 2015 có lẽ có khoảng 150000 người du học. Như vậy, nếu tính trung bình mỗi người du học phải trả 20 triệu, thì sẽ đủ tiền hỗ trợ cho 200000 sinh viên đại học công lập trong nước, mỗi người 15 triệu đồng/năm. Đây là một con số đáng kể bởi tổng số sinh viên đại học công lập từ năm 1 đến năm 4 chỉ khoảng 600000 thôi.
Số tiền thu được có thể dành để cấp học bổng cho sinh viên khá giỏi và sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/hoc-phi-dai-hoc-tang-vot-462076.html
http://www.hotcourses.vn/study-abroad-info/latest-news/luong-sinh-vien-vietnam-du-hoc-trong-nam-2013-tang-15/
Kiều Dung
HTN: Nhóm VED tự gửi kiến nghị của mình qua đường bưu điện và thư điện tử. Chị có thể vào website của Bộ GD ĐT để có địa chỉ gửi thư.
Tôi có một số ý kiến phản hồi bài này như sau.
Ý 1) thầy Châu có thể cụ thể hơn về các giá trị phổ quát của đại học. Tôi tin là tác giả nói đúng và hay nhưng hơi trừu tượng, chung chung. Hy vọng đã có cụ thể trong bài khác, xin vui lòng cho đường dẫn.
Ý 2) theo tôi biết sinh viên du học có các nhóm sau.
– nhà nghèo nhưng giỏi, có học bổng, vẫn đi du học với chi phí cao ở các trường tốt và người ta có tiêu chí để tài trợ. Kinh nghiệm cụ thể là gì, nhóm này là “tài nguyên” quý (nghèo mà giỏi) nước ta nên để họ cách gì ích nước lợi nhà, kể cả du học hay ở lại học trong nước?
– có tiền nhưng học giỏi, đi du học có học bổng và tự phí, vấn đề tài chính thật dễ cho họ, nhưng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” chúng ta có cách gì để họ có thể học trong nước ( tiền không mất cho nước ngoài) mà có “giá trị phổ quát” hoặc du học xong một bộ phận lớn quay về?
– có tiền chỉ du học “cho khuất mắt” bố mẹ (nhất là quan chức) vì học dốt, để “oai”, đề mua danh, mua bằng…giá cao. Kể ra giữ được tiền này trong nước, vào học phí thì tốt, cho đỡ phí phạm. Vì nhóm này du học về cũng rỗng tuyếch, thậm chí sinh hư. Nên có cách gì?
– nhóm khác, muốn học, có quyền học, muốn du học…dù giàu, nghèo, sẵn sàng chi hay là không? Phải đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu xã hội như thế nào? Phân loại phân nhóm như thế nào để người học, nhà trường, xã hội đều đạt mục tiêu?
Tóm lại tôi đồng tình nhóm thầy Châu về vấn đề tài chính nhưng rất mong được giải đáp thêm mấy vấn đề trên.
Các ý khác) tôi sẽ gửi thêm câu hỏi hoặc ý kiến sau. Xin cảm ơn các thầy.
HTN: http://hocthenao.vn/2015/06/11/phuong-huong-cai-cach-dai-hoc-o-viet-nam-doi-thoai-giao-duc/
Thật ra ở Mỹ, sinh viên con nhà nghèo cũng đăng lính để được tài trợ học đại học. Cả nam và nữ đều có thể đăng lính. Khi họ đã được chấp nhận vào 1 trường đại học họ có thể đăng lính. Chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ tiền học phí cho họ, trợ cấp thêm tiền sinh hoạt (nhà, xe ô tô, bảo hiểm y tế….). Nhưng đổi lại, khi Mỹ can thiệp quân sự vào nước nào, họ có thể bị điều ra chiến trường ngay lập tức. Nghĩa là có thể chết hoặc trở thành thương binh bất kỳ lúc nào. Dĩ nhiên, cũng có những người may mắn không bị gọi đi nếu đăng lính đúng vào thời gian Mỹ ít hoặc không có can thiệp quân sự vào các nước khác.
Thông thường các trường đại học công mới có các chương trình đăng lính kiểu này, bởi ở đại học tư học phí rất đắt.
Đấy là cách người Mỹ kinh doanh quân nhân. Việt nam cũng có thể tư duy kinh doanh quân nhân bằng cách bán Giấy Miễn Nghĩa Vụ Quân Sự.
Tôi viết bài này chủ yếu để phản hồi ý kiến của ông Châu về việc tăng học phí, thế mà lại bảo là chị tự gửi kiến nghị, là sao? Dĩ nhiên là tôi hiểu tại sao.
HTN: Ngay đầu comment chị viết là nhờ VED gửi bộ giáo dục: “Tôi có một số ý kiến như sau đây, hi vọng ông Châu và các ông trong VED sẽ đệ trình bộ giáo dục giúp cho tôi.”