Tên đầy đủ của đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu côngnghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện  kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bản báo cáo tóm tắt đề án dài 20 trang A4, xin vui lòng download báo cáo ở đây.

Đề án gồm 5 phần và 8 phụ lục:

“Đề án gồm 5 phần: (1) Sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; (2) Thực trạng giáo dục và đào tạo Việt Nam; (3) Định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; (4) Tổ chức thực hiện; (5) Những vấn đề xin ý kiến Trung ương.

Kèm theo Đề án có 08 phụ lục”.

 Học Thế Nào xin trích đăng một số đoạn.

Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương.

II. Quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

* Phương án 2:

Các văn kiện của Đảng về giáo dục đã nêu nhiều quan điểm chỉ đạo còn nguyên giá trị phải tiếp tục được quán triệt và thực hiện: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước; giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; mục tiêu của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, những tiến bộ khoa học – công nghệ và củng cố quốc phòng – an ninh; đa dạng hóa các loại hình giáo dục; học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình, xã hội; thực hiện công bằng trong giáo dục; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách.

Để tiến hành thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong hoàn cảnh hiện nay, cần quán triệt thêm một số quan điểm chỉ đạo sau:

1. Giáo dục là một nhân tố giữ vai trò quyết định để thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; ưu tiên lãnh đạo và đầu tư về tài chính và nhân lực.

2. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân).

3. Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục.

4. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập; thực hiện xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

5. Phát triển giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển hài hòa, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục các vùng, miền.

6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập để phát triển đất nước. Việc hội nhập phải trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa và độc lập dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển bền vững giáo dục nước nhà.

III. Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tới năm 2030

Các mục tiêu được nêu trong Đề án là mục tiêu định hướng, vì vậy Đề án không nêu số liệu cụ thể như trong các Chiến lược đã được ban hành. 

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội để giáo dục và đào tạo trở thành một nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế.

a) Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả – thực học, thực nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước;

b) Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giáo dục mầm non tập trung giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, góp phần hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1.

Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu của từng địa phương.

b) Giáo dục phổ thông tập trung nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), tin học, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Xây dựng mới chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản; học sinh trung học phổ thông phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.

c) Giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và xuất khẩu.

d) Giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự đổi mới tri thức, sáng tạo của người học.

Có mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; phát triển một số trường ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phong phú về công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

đ) Giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng diện chính sách được học tập ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ nhằm nâng cao dân trí, trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động; củng cố bền vững kết quả xóa mù chữ.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp

Để thực hiện được những quan điểm và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Đề án đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp.

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục

Nhiệm vụ và giải pháp này nhằm thay đổi nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về giáo dục. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa trước mắt, vừa lâu dài quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học

Nhiệm vụ và giải pháp thứ hai nhằm chuyển từ giáo dục chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học.

3. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học

Nhiệm vụ và giải pháp thứ ba nhằm xây dựng hệ thống đánh giá kết quả giáo dục một cách khoa học, hiệu quả, góp phần tạo ra một nền giáo dục thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. 

4. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Nhiệm vụ và giải pháp thứ tư nhằm khắc phục những bất hợp lý của hệ thống giáo dục khép kín, thiếu mềm dẻo, thiếu liên thông; xây dựng hệ thống giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và tăng hiệu quả giáo dục.

5. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Quản lý tốt là tiền đề căn bản để dạy tốt và học tốt

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, điều đặc biệt quan trọng là phải đổi mới căn bản quản lý giáo dục; trong đó tập trung vào việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của ngành giáo dục, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục.

6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo

Nhiệm vụ và giải pháp thứ sáu nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về trách nhiệm nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; đây là giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục.

7. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục

Nhiệm vụ và giải pháp thứ bảy khẳng định nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng đầu tư xã hội cho giáo dục, đồng thời vẫn đa dạng hóa và phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư khác cho giáo dục.

8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lí để giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

9. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo

Chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm và các mô hình giáo dục tiên tiến đi đôi với phát huy nội lực, giữ vững bản sắc dân tộc, độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

1. Thành lập Uỷ ban quốc gia đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết.

2. Các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, bổ sung các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương và hàng năm kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện.

3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời thể chế hóa những nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục và đào tạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để thực hiện Nghị quyết.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến các cấp ủy đảng, chi bộ và đảng viên; chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.


Phụ lục 4 – Đề xuất hoàn thiện cơ cấu giáo dục quốc dân Việt Nam

Phụ lục 5 – Tích hợp và phân hóa trong giáo dục phổ thông

Phụ lục 6 – Đổi mới chương trình và sách giáo khoa

Phụ lục 7 – Đổi mới thi