Đó cũng là một trong những chủ để mà ba vị khách mời (GS. Ngô Bảo Châu, Đại học Chicago; PGS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana tại Bloomington và PGS. Đỗ Quốc Anh, Học viện Khoa học Chính trị Paris) thảo luận rất sôi nổi trong chương trình Đối thoại Chính sách phát sóng trên VTV1 ngày 13/8 vừa qua. Trong khi PGS. Ngọc Anh cho rằng giáo dục đại học (GDĐH) đúng là một thị trường thì GS. Châu lại có quan điểm ở chiều ngược lại; còn PGS. Quốc Anh dường như có quan điểm trung dung ở giữa 2 người đồng nghiệp.

Trong thực tế, đây cũng là một trong những chủ đề nóng được giới nghiên cứu và quản lý GDĐH trên toàn thế giới thảo luận sôi nổi trong suốt hơn 20 năm qua. Và cũng như kết quả tại buổi đối thoại giữa GS. Châu, PGS. Ngọc Anh và PGS. Quốc Anh kể trên, câu trả lời cho vấn đề này, ở phạm vi quốc tế, cho đến nay vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

Một cách ngắn gọn, có thể chia các ý kiến đánh giá về chủ đề này theo “2 trường phái”: ủng hộ và chống với hai đại diện tương ứng tiêu biểu nhất là các nhà nghiên cứu cho World Bank và UNESCO.

Từ góc độ kinh tế, World Bank định nghĩa một loại hàng hoá là tư nhân (tương ứng với thị  trường) nếu thuộc tính hàng hoá đó thoả mãn hai điều kiện (i)  tính “loại trừ” – excludable (chỉ những người trả tiền mới được sử dụng hàng hoá) và tính “cạnh tranh” – rival (việc người này sử dụng hàng hoá kéo theo việc người khác không sử dụng được hàng hoá đó). Ví dụ: bánh mỳ là một loại hàng hoá tư nhân bởi ai có tiền thì mới mua được nó và khi người này mua một chiếc bành mỳ rồi thì người khác sẽ không thể mua lại được nó nữa. Ngược lại, sự bảo vệ của quân đội, tài liệu, sách báo online miễn phí truy cập qua các máy tính tại các thư viện lại là hàng hoá công cộng vì người không có tiền cũng có thể được thụ hưởng những loại hàng hoá đó; đồng thời việc sử dụng hàng hoá đó của người này không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người khác. Từ cách phân loại này, GDĐH, theo World Bank là hàng hoá tư nhân bởi sinh viên vẫn phải đóng học phí và số ghế trong giảng đường đại học thì hữu hạn.

Từ góc độ xã hội, UNESCO có quan điểm ngược lại. Theo UNESCO, GDĐH là hàng hoá công vì nó có “tác động ngoại biên” – externalities lớn; tức là, một người được học không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân người đó (thu nhập cao hơn, hiểu biết hơn) mà còn đem lại tác động “dương tính” (tốt) cho cả xã hội thông qua việc người đó hành động có trách nhiệm hơn, năng suất lao động tốt hơn, ít phụ thuộc vào trợ cấp xã hội hơn…. Một khía cạnh khác khiến những người theo “trường phái UNESCO” tin rằng GDĐH không phải thị trường là ở chỗ GDĐH có tính phi đối xứng thông tin cao – asymmetric information; tức là, GDĐH khác các hàng hoá tư nhân ở chỗ người tiêu dùng (sinh viên) không có khả năng và điều kiện đánh giá về chất lượng thực của hàng hoá (GDĐH) trước, trong và thậm chí là trong một khoảng thời gian nhất định sau khi đã kết thúc việc tiêu dùng (học xong, lấy bằng). Chính vì vậy, GDĐH cần phải có sự can thiệp của nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng (sinh viên).

Thực tiễn GDĐH thế giới 20 năm qua dường như đang “ủng hộ” quan điểm của World Bank, thể hiện rõ nhất qua việc chỉ còn rất ít nước (chủ yếu là tại Tây Âu) vẫn duy trì hình thức bao cấp học phí cho sinh viên. Các nhà khoa học theo trường phái World Bank phản bác lại hai luận cứ của UNESCO. Theo họ, GDĐH đúng là có tác động ngoại biên nhưng rõ ràng lợi ích cá nhân của một người tốt nghiệp đại học vẫn lớn hơn nhiều so với lợi ích cộng đồng mà tấm bằng của anh/chị đó đem lại[1]. Về tính thông tin phi đối xứng, những người theo trường phái World Bank thừa nhận tính chất này nhưng cũng cho rằng nó đang mờ nhạt dần đi trong GDĐH so với các bậc học khác bởi người tiêu dùng (sinh viên) ngày nay, cùng với hỗ trợ của internet đã trở nên hiểu biết và có khả năng đánh giá tốt hơn rất nhiều so với ngày xưa (PGS. Ngọc Anh cũng nói quan điểm này trong chương trình Đối thoại chính sách vừa qua).

Tuy vậy, xu hướng GDĐH chuyển dịch từ hàng hoá công sang hàng hoá tư trên phạm vi toàn cầu hơn 20 năm qua không phản ánh sự thay đổi quan điểm của các nhà quản lý và làm chính sách GDĐH (những người là vốn được thụ hưởng nền GDĐH công khi còn đi học và do đó, một cách rất tự nhiên bị thấm nhuần bởi trường phái UNESCO)[2]. Ngược lại, dường như sự chuyển dịch này lại bắt nguồn từ một nguyên nhân khác: đó là do sự gia tăng rất nhanh của “bên cầu”. Nói cách khác, sự bùng nổ dân số, cộng với yêu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức đã tạo ra nhu cầu ngày càng tăng từ phía người dân đối với GDĐH, đến mức, không còn nhiều chính phủ còn đủ sức bao cấp toàn bộ chi phí cho sinh viên ở bậc học này. Chính sách học phí buộc phải được ban hành, mặc dù, trong phần lớn các trường hợp đó không phải là ý muốn của các nhà làm chính sách.

Các tiếp cận bị động này, thoạt nhiên không gây nên quá nhiều hậu quả sau khi chính sách bao cấp học phí mới được xoá bỏ. Bởi trong thời gian đầu, nhu cầu đi học từ phía người dân vẫn chưa thật nhiều, học phí ban hành vẫn ở mức thấp và quan trọng hơn cả, chất lượng đào tạo vẫn chưa bị xói mòn trầm trọng. Tuy vậy, sau một vài chục năm, tất cả những vấn đề kể trên ngày càng lộ ra nhiều hơn, đa dạng hơn và phức tạp hơn. Nhưng các nhà làm chính sách, như phân tích ở trên, vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm GDĐH là hàng hoá công nên trong nhiều trường hợp, không đưa ra được các chính sách, biện pháp hoặc cách lý giải hiệu qủa theo cách làm, công cụ của thị trường cho những diễn biến mới của thị trường GDĐH đã được hình thành và phát triển ngày càng nhanh và đa dạng.

Thực tế trên, dường như, cũng xảy ra với chính GDĐH ở nước ta trong gần 30 năm qua.

Điều này được phản ánh qua việc chúng ta chần chừ gỡ trần học phí mặc dù biết Nhà nước không thể đầu tư hơn nữa; hay việc chúng ta vội vàng cho dừng 207 chương trình đào tạo bằng một quyết định hành chính thay vì sử dụng kết quả của một chương trình đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn kiểm định đã được ban hành. Hoặc việc ban hàn quá nhiều quy định ngặt nghèo hơn mức cần thiết đối với khu vực GDĐH ngoài công lập, qua đó, tạo nên sân cơi bất bình đẳng giữa các đại học tư và công như phản ánh tại Hội nghị Đánh giá 20 Năm Phát triển Mô hình GDĐH ngoài công lập vừa qua cũng là minh chứng cho nhận định trên.

Quay trở lại với câu hỏi ban đầu: GDĐH có phải là một thị trường? Theo quan điểm của người viết bài này, với thực tế ở nước ta hiện nay, nếu muốn phát triển, chúng ta buộc phải thừa nhận GDĐH là một thị trường. Thực vậy, với khả nguồn lực có hạn của Nhà nước và với nhu cầu ngày càng tăng từ phía người dân, chúng ta không còn một lựa chọn nào khác. Bản thân các nhà khoa học của UNESCO cũng có những thay đổi nhất định trong quan điểm của họ về vấn đề này trong những năm gần đây[3]. GS. Châu, người có vẻ như ủng hộ quan điểm GDĐH là hàng hoá công nhất trong số 3 diễn giả tại buổi đối thoại trên VTV1 vừa qua, lúc cuối chương trình cũng thừa nhận, về lâu dài, ông tin vào sự tất yếu của một nền GDĐH đa dạng (chứ không phải đồng phục) – một đặc điểm thường thấy của thị trường GDĐH.

Tuy vậy, xin lưu ý, với tính chất tác động ngoại biên và bất đối xứng thông tin vốn có của GDĐH, Nhà nước cũng không thể buông lỏng cho thị trường tự điều tiết hoàn toàn và để cho thị trường này trôi nổi đến đâu thì đến. Nhưng những điều tiết đó, nếu có cũng phải dựa trên những công cụ của thị trường, nhằm hướng đến mục tiêu vừa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần cung cấp dịch vụ GDĐH khác nhau, đồng thời lại đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng (sinh viên) chứ không thể bằng các quyết định hành chính một chiều hay từ tư duy của việc vẫn coi GDĐH vẫn là hàng hoá công.

[1] Nhiều nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra tỷ lệ tương ứng giữa 2 lợi ích này.

[2] Australia là một trong số ít các nước sớm thay đổi quan điểm và nhìn ra GDĐH là một thị trường để có những điều chỉnh phù hợp với thị trường này. Đối với sinh viên trong nước, một mặt Chính phủ nước này bắt đầu thu học phí từ cuối những năm 1980; nhưng song song lại ban hành chương trình tín dụng hiệu quả nhằm hỗ trợ sinh viên không có khả năng tài chính. Đối với sinh viên nước ngoài, Chính phủ nước này thực sự coi đây là những khách hàng 100% và đã áp dụng rất nhiều chương trình quảng cáo, tuyển sinh ngay từ đầu những năm 1990 (cho đến nay, GDĐH là ngành xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao thứ 4 của nước này và thứ nhất nếu chỉ xét trong các ngành dịch vụ).

[3] Xem A new dinamic: private higher education