Học Thế Nào: Sự phát triển của công nghệ đã và đang làm thay đổi các mô hình đào tạo và ảnh hưởng đến chiến lược của các tổ chức giáo dục. Bài viết Giáo dục đẳng cấp thế giới – Salman Khan đã giới thiệu trang mạng khanacademy.org là một trang mạng giáo dục cung cấp các bài giảng miễn phí trên Internet với nhiều chủ đề khác nhau. Hôm nay, Học Thế Nào xin giới thiệu một mô hình đang được nhiều trường ĐH hàng đầu trên thế giới áp dụng: mô hình MOOC.

MOOC là gì?

Khoá học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course – MOOC) được tiên phong bởi các GS trường ĐH Stanford, và như tên gọi của nó, là một khoá học trực tuyến (online) nhắm tới số lượng lớn người tham gia trên phạm vi rộng lớn (massive), được truy cập miễn phí qua mạng internet (tính mở – open). Do là khoá học trực tuyến, mỗi khoá học có thể thu hút hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn thế giới. Hầu hết các khoá học MOOC là phi tín chỉ (non-credit) và học viên sau khi hoàn thành khoá học có thể được cấp chứng nhận.[1, 9]

Mỗi khoá học MOOC không chỉ gồm tài liệu, hướng dẫn và các video bài giảng chất lượng cao và chuyên nghiệp (do nhiều GS của các trường ĐH danh tiếng tham gia) mà còn đan xen các bài tập hay bài kiểm tra giúp tăng cường việc hiểu và nhớ bài. Ngoài ra tính mở của khoá học thế này còn thể hiện ở khả năng gắn kết và tương tác giữa người dùng – những học viên, giảng viên, trợ giảng qua hình thức diễn đàn trao đổi, tạo nên cộng đồng người dùng.[2, 8]

MOOC chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo đại học từ xa. Sự phát triển nhanh chóng của MOOC trong những năm gần đây đã khiến cho việc học trở nên dễ dàng cho mọi người, ở mọi nơi và miễn phí.

Các bài thi trong MOOC

Có ba dạng hoạt động thường được tiến hành trực tuyến trong MOOC: (1) trình bày thông tin ở dạng bài giảng hay video; (2) tương tác để khai thác thông tin, ví dụ qua các diễn đàn trao đổi, và (3) các bài thi, đánh giá qua các bài kiểm tra hoặc các câu hỏi. Các bài kiểm tra có lẽ là hoạt động khó tiến hành trực tuyến nhất và dạng kì thi trực tuyến khá khác biệt so với kì thi truyền thống trong đó giám thị có thể tiếp xúc trực tiếp với sinh viên và bài thi. Thực tế với các kì thi trực tuyến, việc giám sát thi và vấn đề gian lận thi cử đã được quan tâm đặc biệt hơn.

Hai phương pháp thông dụng nhất của các kỳ thi MOOC là: (1) phương pháp thi trắc nghiệm và bài thi được chấm bằng máy tính, và (2) phương pháp viết luận bình duyệt (peer-reviewed written assignments). Ngoài ra phương pháp cho máy tính chấm điểm các bài tập/ bài luận cũng đang được xây dựng.

Phương pháp bình duyệt (peer review) được tiến hành dựa trên một mẫu các câu trả lời hướng dẫn người cho điểm với mỗi câu trả lời khác nhau thì cho bao nhiêu điểm. Mẫu hướng dẫn này không phức tạp bằng mẫu dành cho các trợ giảng, nhưng phương pháp này giúp cho học viên học được nhiều hơn từ việc chấm bài của học viên khác lẫn việc được chấm bởi học viên khác.

Để phục vụ việc giám sát, các kỳ thi có thể diễn ra ở các trung tâm thi theo từng vùng (điều này có thể hạn chế số lượng học viên theo học), hoặc học viên có thể làm bài thi tại nhà hoặc văn phòng làm việc nhưng phải sử dụng webcam hoặc bị giám sát việc nhấp chuột và gõ bàn phím.

Hình thành và phát triển

MOOC bắt nguồn từ năm 2008 trong trào lưu tài nguyên giáo dục mở (open educational resources – OER). Nhiều khoá học ban đầu dựa trên thuyết gắn kết nhấn mạnh rằng việc học và kiến thức được hình thành từ một mạng lưới những liên kết. Thời kỳ đó nội dung khoá học được cung cấp theo dạng luồng tin RSS, và học viên có thể tham gia bằng các công cụ như luồng trao đổi trên Moodle, các bài viết trên blog, hay gặp mặt trực tuyến.

Không bao lâu sau đã hình thành các khoá học MOOC khác dựa trên nền tảng những bài viết, những hệ thống quản lý học tập trên mạng và những cấu trúc kết hợp hệ thống quản lý học tập trên mạng nhiều nguồn tài nguyên mở khác trên mạng.

Mùa thu năm 2011, ĐH Stanford mở ba khoá học trực tuyến, và mỗi khoá học có khoảng 100,000 người đăng ký. Điều này dẫn đến việc khai trương Coursera – công nghệ được phát triển tại chính Stanford – với hai khoá học: Học máy bởi GS Andrew Ng và Cơ sở dữ liệu bởi GS Jennifer Widom. Đây chính là hai khoá học MOOC đầu tiên của Stanford. Sau đó Coursera tuyên bố là đối tác với vài trường ĐH khác, trong đó có Pennsylvania, Princeton và Michigan. Đến nay riêng Coursera cung cấp nền tảng MOOC cho hơn 70 trường (trong đó có ĐH Yale mới gia nhập).

Cùng trong trào lưu này, MIT khai trương nền tảng trực tuyến mở và miễn phí MITx vào mùa thu 2011. Mùa xuân 2012 ĐH Harvard tham gia vào và nền tảng này đổi tên thành edX. Mùa hè năm đó các trường ĐH California, ĐH Berkeley cũng tham gia edX [7]. Đến nay edX được cung cấp cho nhiều trường ĐH khác trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại trong nhóm Ivy League ở Mỹ chỉ có Darthmouth là chưa liên kết với nhà cung cấp MOOC nào [2] (Ivy League gồm 8 trường ĐH ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ: Brown, Columbia, Cornell, Darthmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania và Yale).

Chỉ trong một năm, trào lưu MOOC đã nhanh chóng lan sang Châu Âu, tới các nước Anh, Đức, Hà Lan vv. và sang châu Á (Úc, Nhật, Hồng Kông) [1, 6, 10]. Thời báo New York gọi năm 2012 là “Năm của MOOC”, và MOOC đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong giáo dục. Tạp chí Time thì cho rằng những khoá học MOOC miễn phí đã mở ra cánh cửa tới “Ivy League đại trà”. [1]

Những MOOC đầu tiên chủ yếu tập trung vào các ngành khoa học như toán học và khoa học máy tính. Theo thời gian, các môn học lĩnh vực khác cũng được đưa vào MOOC như ngôn ngữ học, văn học vv. Tính đến tháng 3/2013, Coursera đã mở ra 325 khoá học, trong số đó 30% là về khoa học, 28% về nghệ thuật và nhân văn, 23% về công nghệ thông tin, 13% về kinh doanh và 6% về toán học.

Các loại hình tương tự MOOC

Nhiều tổ chức khác như ALISON, Học viện Khan, P2PU (Peer-to-Peer University) và Udemy được xem là có mô hình và nền tảng tương tự nền tảng MOOC, nhưng khác ở chỗ chúng không hoạt động trong hệ thống trường ĐH, hoặc chủ yếu cung cấp các bài học riêng lẻ mà mỗi học viên có thể học tuỳ theo tiến độ của riêng họ chứ không phải là có số lượng lớn học viên tuân theo một lịch trình học chung.

Ngoài Coursera và edX thì Udacity cũng là tổ chức cung cấp các khoá học MOOC có nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên Udacity khác Coursera và edX ở chỗ nó không có thời khoá biểu – học viên có thể bắt đầu một khoá học bất cứ lúc nào.

Lợi ích của MOOC

Hiện nay việc học trực tuyến đã trở thành phương thức chuẩn trong việc cung cấp các khoá học. Rất nhiều trường ĐH nhận thấy tầm quan trọng của việc học trực tuyến đối với chiến lược cung cấp khoá học của mình [1, 4]. Các trường ĐH đó đều có chiến lược về đào tạo trực tuyến để mở rộng phạm vi các lớp học ra toàn thế giới. Nhiều trường như Yale có tham vọng dùng chính đào tạo trực tuyến để phát triển các phương pháp giảng dạy mới tích hợp công nghệ để đưa vào các lớp học truyền thống.

Các lợi ích cụ thể của một khóa học MOOC: [12]

  • Vì là hình thức học trực tuyến, nên có thể tổ chức khóa học MOOC với bất kỳ hệ thống nào được kết nối (ví dụ mạng Internet, mạng LAN).
  • Dựa trên nền tảng MOOC nào đó, người ta có thể tổ chức lớp học bằng bất kỳ ngôn ngữ nào (tất nhiên phải lưu ý ngôn ngữ mà đối tượng học viên mục tiêu sử dụng).
  • Bất kỳ công cụ trực tuyến nào cũng có thể được sử dụng trong khóa học MOOC miễn là phù hợp với vùng miền của học viên hoặc học viên đã từng sử dụng các công cụ đó.
  • Vượt qua được ranh giới về thời gian và địa lý.
  • Khóa học có thể được tổ chức nhanh chóng.
  • Nội dung khóa học có thể được chia sẻ bởi tất cả mọi người tham gia.
  • Việc học được diễn ra thoải mái hơn (bớt chính quy hơn).
  • Học viên có thể tiếp thu kiến thức mới không theo dự tính từ việc những người tham gia chia sẻ, trao đổi những ghi chép về môn học.
  • Người tham gia có thể kết nối với nhau giữa các môn học, các lĩnh vực, các tổ chức, công ty.
  • Bạn không cần phải có bằng cấp gì để theo học, chỉ cần bạn mong muốn được học.
  • Tham dự một MOOC, bạn có thể bổ sung vào môi trường học tập suốt đời của chính bạn cũng như các mối quan hệ của bạn.
  • Bạn sẽ nâng cao khả năng học suốt đời vì tham dự một MOOC bắt buộc bạn phải suy nghĩ sâu sắc về việc học hay việc tiếp thu kiến thức của chính mình.

Như vậy MOOC áp dụng phương pháp giảng dạy mới, nhiều hoạt động và tương tác hơn cho học viên, và đem lại nhiều lợi ích hơn cho học viên. Học viên trao đổi với nhau, liên kết với nhiều người hơn trong cộng đồng mạng. Không những thế, chính các giảng viên cũng có những ích lợi qua việc nhận được nhiều phản hồi hơn từ học viên [3].

Các thách thức với MOOC

Bên cạnh các ích lợi nêu trên, các khóa học cộng tác MOOC cũng tiềm tàng những thách thức: [2, 9, 12]

  • Dễ xảy ra lộn xộn, hỗn loạn thông tin do học viên có thể tự tạo ra nội dung của riêng họ (các bài viết, nhận xét vv.). Hàng nghìn lời bình luận và câu hỏi trên diễn đàn thảo luận cũng là thách thức đối với giảng viên trong việc trả lời hoặc trao đổi với học viên.
  • MOOC đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về công nghệ, sử dụng được các công cụ trực tuyến, hay nói cách khác là phải có “kỹ năng mạng” – tham gia, tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng và tránh bị ngập bởi lượng thông tin gần như là vô tận.
  • Học viên phải đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực, nhất là khi họ muốn học với tốc độ cao.
  • Học viên cần có kỹ năng tự điều chỉnh, kiểm soát việc học của mình cũng như phải đặt ra mục tiêu học tập cần đạt được.
  • Khó khăn trong việc thay đổi cách thức giảng truyền thống. Không dễ gì thực hiện được bài giảng mà không có học viên trước mặt cũng như không thấy phản ứng của họ. Trong các bài giảng truyền thống, tuy số lượng học viên ít, số lượng phản hồi không nhiều bằng khóa học MOOC nhưng sự phản hồi là tức thì theo thời gian thực (real-time).
  • Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, sự phát triển của MOOC có thể gây ảnh hưởng tới các khóa học thông thường của các trường ĐH, nhất là các trường danh tiếng có học phí cao.
  • Khó khăn trong cách thức đánh giá hiệu quả của việc học qua MOOC, và khả năng loại bỏ gian lận xảy ra trong các kì thi.

Về công nghệ của MOOC

Sản xuất và đưa các khóa học MOOC đến với số lượng lớn học viên thực sự là một thách thức công nghệ. Không như các khóa học truyền thống, MOOC cần người quay và hiệu chỉnh video, người thiết kế dạy học (instructional design), chuyên gia CNTT và chuyên gia về từng nền tảng ứng dụng (Coursera, edX vv.). Các nền tảng này được thiết kế để phục vụ hàng trăm nghìn học viên tại mọi thời điểm trong suốt từng khóa học, do đó chúng có cùng các yêu cầu về kỹ thuật giống như các website chia sẻ nội dung lớn. Việc truyền tải các khóa học phải lưu ý đến sự truy cập không đồng bộ (không cùng thời điểm và không cùng tiến độ) tới các bài giảng, các bài thi và các diễn đàn trao đổi. Do vậy các MOOC phải sử dụng các công nghệ tân tiến bao gồm cả điện toán đám mây (cloud computing). [3, 5]

Không giống hầu hết các tổ chức MOOC khác phát triển nền tảng của riêng họ (ví dụ Coursera phát triển phần mềm ứng dụng cho trang mạng đặc thù của họ), edX cung cấp nền tảng của họ ra công chúng để cùng nhau xây dựng một nền tảng MOOC nguồn mở XBlock SDK. Cam kết đầu tư công nghệ trong giáo dục, tháng 9/2012 hãng công nghệ Google cũng đã ra mắt nền tảng nguồn mở Course Builder.[13]

Lời kết

Mặc dù có ý kiến cho rằng trào lưu MOOC đang bị thổi phồng thái quá, nhưng không thể phủ nhận vai trò của MOOC trong giáo dục hiện đại. Các nhà cung cấp MOOC và các trường ĐH thậm chí đang tranh cãi kế hoạch chuyển đổi các khóa học MOOC thành các khóa học đại học, tức là có tín chỉ và thu phí, có thi cử và giám thị, và thay thế các khóa học truyền thống thông thường.

Người học tại Việt Nam có thể tận dụng những lợi ích chung của các khóa học MOOC chất lượng cao như những sinh viên trên toàn thế giới. Rào cản lớn nhất có lẽ là ngôn ngữ – tiếng Anh. Tuy nhiên sinh viên Việt Nam có thể dùng MOOC để luyện tập việc học trong môi trường tiếng Anh: làm quen với các bài giảng bằng tiếng Anh; nghe video; đọc hiểu tài liệu các môn học bằng tiếng Anh… Điều này giúp ích cho việc học nói chung của sinh viên cũng như giúp ích các sinh viên đang học ở nước ngoài hoặc mong muốn đi du học ở nước ngoài.

Nguyễn Ngọc Tuấn

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM)

Similar Posts