1.Mỗi một trường ngoài công lập được ra đời do nhà sáng lập là một thầy giáo về hưu còn lưu luyến với nghề, một ông hiệu trưởng về hưu còn ham quản lí, nhà doanh nghiệp có tiền và có máu giáo dục…, cũng có thể là một tổ chức xã hội, hoặc một tổ chức kinh tế. Tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng thể thì hệ thống ngoài công lập ra đời chính do thực tế cuộc sống và nhất là thực tế giáo dục.


Rất có thể là năm 1989 Bộ GD không cho phép trường dân lập đầu tiên Lương Thế Vinh đi vào hoạt động. Có rất nhiều lí do để không cho phép. Chẳng hạn trước đó ông bộ trưởng đã nói một cách dứt khoát tại hội nghị giáo dục ở Vũng Tàu: Trong ngành GD không thể có mô hình trường dân lập, tư thục. Chúng ta đã xóa bỏ được nó thì không có lí do gì để quay lại phục hồi nó ! Nếu như thế thì năm 1989 chưa có trường dân lập đầu tiên, nhưng tôi tin rằng có thể chậm đi một vài năm, thậm chí dăm ba năm, cuối cùng hệ thống trường dân lập vẫn cứ phải ra đời. Nó không phải do sáng kiến của một cá nhân nào, hoặc do cái gật đầu của một quan chức nào, mà do đòi hỏi của cuộc sống. Cách đây hai hôm tôi có khách là ông hiệu trường một trường tư thục ở Thượng Hải, mà tôi quên mất tên trường. Ông ta nói trường ông là trường tư thục đầu tiên ở Thương Hải , ra đời cách đây 10 năm. Như vậy là hệ thống dân lập ở Thượng Hải cuối cùng cũng ra đời, dẫu chậm hơn Hà Nội 13 năm. Có lẽ thực tế cuộc sống ở đó không cho phép chậm trễ thêm. Tôi cũng tin chác rằng ở các nước XHCN Triều Tiên và Cu-Ba sớm hay muộn cũng sẽ có các trường ngoài công lậpDịch vụ giáo dục, cũng như mọi dịch vụ khác, nhằm phục vụ cho những nhu cầu về cuộc sống của khách hàng với những mức độ khác nhau do sự đa dạng của khách hàng. Bởi vậy dịch vụ giáo dục hiện nay và trong tương lai ở nước ta không thể rập khuôn theo mô hình công lập cứng nhắc và cũ kĩ.Phải có những mô hình khác với các trường công lập là một yêu cầu thực thế.2.Một thực tế là các trường công lập ở Hà Nội chỉ nhận được khoảng 3/4 các học sinh học xong bậc THCS. Như vậy nếu không có hệ thống ngoài công lập thì mỗi năm có 1/4 học sinh học xong lớp 9 không được vào lớp 10. Bây giờ mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, mà chỉ cần một con thất học thì đó là điều đại bất hạnh cho gia đình đó. Mặt khác nếu không được đi học thì đâu phải họ ở nhà. Khi bố mẹ đi làm thì các em đó đi ra đường, phóng xe máy, tụ tập nhau trong các quán nhậu, đi vào quán chơi trò chơi điện tử thâu đêm suốt ngày, và còn nhiều trò nhảm nhí khác. Đúng là một sự bất ổn lớn cho xã hội.

Chúng ta đánh giá cao những trường dân lập đã dũng cảm nhận những học sinh có điểm đầu vào thấp. Ít ra các em được ngồi ở trường, có thầy có bạn, có người quản lí , được giáo dục và được học tập như bạn bè của mình. Nhưng các trường dân lập đó đã làm được hơn thế nhiều. Những con số về tỉ lệ tốt nghiệp không hề thấp của họ đã chứng mình sự nỗ lực cao của nhà trường đối với những trẻ em mà trường nhà nước không nhận vào.

Như vậy khi nhà nước chưa thể phổ cập bậc THPT thì hệ thống trường dân lập đã giải quyết được vấn đề thất học: mỗi học sinh muốn học PTTH đều được học.

Ở Hà Nội đã phổ cập bậc học THCS. Điều đó có nghĩa là mọi học sinh lớp 5 đều được vào học lớp 6 ở một trường công nào đó. Nhưng tại sao các trường ngoài công lập vẫn có thể nhận được học sinh vào học, thậm chí nhận không hết được học sinh có nguyện vọng? Ở đây lại là vấn đề chất lượng của dịch vụ giáo dục. Một số bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế muốn con mình được vào các trường dân lập mà ở đó sự đi lại, ăn ở , học tập, rèn luyện nhân cách đều được đáp ứng theo yêu cầu. Như vậy các trường dân lập đó đã thỏa mãn được những yêu cầu cao của một bộ phận phụ huyng có điều kiện.

3.

Tất thảy các trường công lập đều giống nhau về cơ bản. Hồi tôi ở Nga, cách đây 45 năm, tôi rất ngạc nhiên khi các ngôi trường phổ thông đều xây dựng giống hệt như nhau (cùng rập khuôn theo một thiết kế giống nhau), thậm chí tất thảy các trường đều mặc đồng phục như nhau… Ở ta hiện nay không đến nỗi như thế mà các trường công chỉ giống nhau về cơ bản: về chương trình, về sách giáo khoa, về phân chia tiết này tiết nọ cho các chương, bài trong SGK, về số đầu điểm cho mỗi môn học, về ngày giờ khai giảng thậm chí về chương trình của lễ khai giảng…

Trong lúc đó mỗi trường dân lập đều có những nét riêng biệt của minh, không trường nào giống trường nào: trường thu học phí thấp, trường thu cao thậm chí rất cao; trường một cấp học, trường nhiều cập học; trường bán trú, trường nội trú; trường có xe đưa đón; trường lấy điểm vào không cao, trường lấy điểm vào cao hoặc rất cao, trường có thi đầu vào, trường không thi…

Về chương trình học thì cố nhiên phải theo chương trình của Bộ , không được cắt xén, nhưng bổ sung thêm thì nhiều và mỗi trường theo một hướng khác nhau. Có trường dạy 6 tiết toán một tuần, có trường còn nhiều hơn. Nhiều trường đặt yêu cầu cao về tiếng Anh nên số tiết dành cho môn học này khá nhiều, nhiều trường phân ban theo cách của mình, nhiều trường sắp xếp lại tiến độ sao cho cuối năm 12 có nhiều thì giờ để ôn thi tốt nghiệp và luyện thi đại học.

Như vậy hệ thống trường ngoài công lập đã tạo nên sự đa dạng cho bộ mặt giáo dục, từ đó cho ta những cách quản lí, điều hành giáo dục linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn với mục đích phù hợp với đối tượng học sinh của trường mình.

Cũng cần nói thêm là những khác biệt đối với trường công ấy không phải lúc nào cũng được sự chấp thuận của các nhà quản lí giáo dục. Còn nhớ một thời người ta bắt buộc các trường ngoài công lập phải bắt đầu năm học sau ngày 5/9. Thế nhưng có trường dân lập lại muốn học từ thàng 7, lấy lí do là học sinh mình yếu kém phải có nhiều thời gian để học cho kĩ . Và thế là phải học chui, mà phải chui cho khéo mới lọt. Ngộ nhỡ sở về kiểm tra thì liệu bề mà chống chế. Sau đó sở thương tình cho học sớm hơn nhưng không được học bài mới mà chỉ được ôn tập bài cũ mà thôi. Có vẻ như các trường dân lập đã có lí khi học sớm, cho nên hiện nay Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã cho phép các trường công bắt đầu năm học từ 15/8. Một ví dụ trên chứng tỏ rằng các nhà quản lí dần dần cũng thay đổi quan niệm của mình, mà kết quả đó do một phần từ khối ngoài công lập.

4.

Trước đây trong giáo dục hình như không có cạnh tranh về mặt chất luợng. Có chăng chỉ là cạnh tranh về danh hiệu thi đua. Trường này được bao nhiêu huân chương lao động? Có bao nhiêu giáo viên là anh hùng, là chiến sĩ thi đua? Trường đó là trường tiên tiến hay xuất sắc? Nhưng dần dần khách hàng (tức là phụ huynh và học sinh) càng thông minh hơn và họ tìm hiểu để đánh giá một trường học qua cái chất lượng và hiệu quả giáo dục của trường đó. Và thế là xảy ra hiện tượng bỏ trường công dù đủ điểm để sang trường dân lập, và xu thế này năm sau mạnh hơn năm trước… Điều đó tạo ra một không khí cạnh tranh lành mạnh, buộc các ông hiệu trưởng trường công cũng như tư phải lưu ý. Trong sự cạnh tranh này thuận lợi có vẻ như nghiêng về các trường dân lập, vì trường dân lập không bị vòng kim cô siết chặt như quốc lập. Chẳng hạn trường dân lập có thể mời thầy giỏi ở trường công sang thỉnh giảng, nhưng trường công thì không thể mời như thế đươc. Mà chất lượng thầy giáo là khâu quyết định quan trọng số một. Trường dân lập có thể chấm dứt hợp đồng đối với một giáo viên không đạt yêu cầu thậm chí đối với cả hiệu trưởng, nhưng trường công lập thì không thể. Trường dân lập có thể dạy 10 tiết toán một tuần nếu cần, nhưng trường quốc lập thì không thể…

Như vậy hệ thống các trường ngoài công lập đã góp phần tạo ra một sự cạnh tranh trong giáo dục và điều đó rất có lợi cho người học, có lợi cho sự phát triển giáo dục.

5.

Đã hai mươi ba năm qua, có thể nói hệ thống các trường dân lập đã xác lập được vị thế chắc chắn của mình. Mỗi trường dân lập đều khác nhau, nhưng nếu chúng ta trả lời đúng được hai câu hỏi sau đây thì chúng ta đều có thể vững vàng tiến bước. Đó là: “Ai đang cần Ta?” và “Ta đang cần Ai?”

Câu hỏi “Ai đang cần Ta?” luôn luôn phải đặt ra cho bất kì một nhà doanh nghiệp tư nhân nào. Ông chủ hiệu phở 20 ngàn một bát, và bà chủ hiệu phở 950 ngàn một bát đều phải đặt câu hỏi “Ai đang cần Ta?” như vậy, và cụ thể hơn nữa là số người cần bát phở của ta chiếm tỉ lệ là bao nhiêu phần trăm người ăn phở mỗi sáng? Trong giáo dục nếu tiểu học và trung học cơ sở đã phổ cập rồi phải chăng không ai cần ta phải mở các trường dân lập cho hai cấp đó? Đúng như thế, nếu ta cũng làm y xì như công lập thì không ai cần, còn nếu ta có dịch vụ giáo dục tiên tiến và chất lượng cao thì khối người cần ta.

Câu trả lời cho câu hỏi “Ta đang cần Ai?” cố nhiên cũng quan trọng không kém! Cố nhiên ta cần học sinh, nhưng cụ thể là học sinh như thế nào? Một trường dân lập ở thành phố Hồ Chí Minh xác định là họ cần học sinh ngoại tỉnh. Vậy là họ phải xây trường nội trú, có chỗ ăn ở đàng hoàng , phụ huynh học sinh yên tâm không phải lo lắng gì…, và họ đã thắng. Khi ta biết “ta đang cần ai” thì mục tiêu của ta là phải làm cho “ai phải cần ta”.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, vượt qua mọi khó khăn vất vả, chúng ta ngày càng đáp ứng được những yêu cầu rất đa dạng và phong phú của xã hội về giáo dục, và trong tương lai gần những người đang cần chúng ta sẽ lớn hơn nhiều.