Tóm lược:
Lựa chọn ưu tiên thực sự (không phải ưu tiên kiểu gai mít) trong các hướng phát triển giáo dục Việt Nam là một vấn đề cấp bách. Tham luận này sẽ trình bày giáo dục năng khiếu và tài năng (Gifted and Talented Education – viết tắt là GATE) như là một hướng ưu tiên trong việc cải tổ giáo dục ở Việt Nam với những lợi thế và tiềm năng của mình trong lĩnh vực này. Phần chính của tham luận là một số giải pháp tiền đề trong phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng tại Việt Nam, có tính đến hướng liên kết và thúc đẩy phát triển trong khu vực ASEAN, áp dụng các mô hình thành công quốc tế tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc.
Một là, tại sao phải xác định giáo dục năng khiếu và tài năng như là một hướng ưu tiên thực sự? Phân tích sẽ chỉ ra 3 lý do cơ bản. (1) Bồi dưỡng, phát triển nguồn nguyên khí quốc gia, “gia cố lại” một trong ba chân kiềng quan trọng mà ngành giáo dục đã chỉ ra trong mục tiêu của mình là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. (2) Tập trung một nguồn lực hữu hạn nhất định để làm đầu tầu, hoa tiêu, thí điểm cho công cuộc cải tổ giáo dục trên diện rộng. (3) Giáo dục năng khiếu và tài năng không phải là một “đặc ân” cho một số nhỏ “tinh hoa”, mà thực sự là việc đáp ứng quyền và nhu cầu được phát triển theo khả năng và đặc điểm riêng trong học tập và rèn luyện của các học sinh sinh viên có năng lực và cố gắng vượt trội.
Hai là, một số giải pháp tiền đề trong giáo dục năng khiếu và tài năng? Sẽ có 3 đề xuất cơ bản. (1) Tạo dựng nền tảng lý luận về giáo dục năng khiếu và tài năng trên cơ sở đúc kết các lý thuyết, mô hình đã và đang áp dụng trên thế giới. (2) Phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng theo hướng mở, trong đó nhà trường chỉ là một mắt xích trong tổng thể các yếu tố nhà trường – gia đình – cộng đồng, cùng vun đắp phát triển tài năng với các nguồn lực đa dạng và linh hoạt (3) Thiết lập và tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng.
Ba là, hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN trong thời gian gần, việc thiết lập mô hình nghiên cứu và ứng dụng mang tầm khu vực về giáo dục năng khiếu và tài năng là điều cần thiết. Tham luận sẽ điểm qua 3 mô hình cơ bản có thể học tập áp dụng tại khu vực ASEAN: (1) NAGC – Hiệp hội quốc gia về trẻ em năng khiếu (Hoa Kỳ), với mô hình một Hiệp hội liên bang. (2) TalentDay – Ngày vì Tài năng, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng toàn Châu Âu, với mô hình một cuộc vận động mang tính khu vực EU, tương tự như Cộng đồng ASEAN trong tương lai. (3) GERRIC – Trung tâm nghiên cứu và cung cấp ứng dụng về Giáo dục tài năng (Úc), với mô hình là một trung tâm hàng đầu nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này, trực thuộc một trường Đại học trong một nhà nước liên bang.
1. Bối cảnh chung về giáo dục năng khiếu và tài năng (GATE)
1.1. Thế giới
Trước hết, xin điểm qua đôi chút về khái niệm năng khiếu (giftedness) và tài năng (talent). Thực ra, chưa có một sự thống nhất ở mức quốc tế nào về các khái niệm này. Do không gian giới hạn của bài viết, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm tiêu biểu của Gagné (1985, trong NAGC, 2011) trong đó ông phân biệt năng khiếu như là việc có khả năng thiên phú (natural abilities) ở ít nhất một khía cạnh năng lực cơ bản (về trí tuệ và/hoặc thể chất ở dạng tiềm năng) và tỉ lệ % số trẻ em được coi là năng khiếu trong cùng độ tuổi là khoảng 10%. Trong khi đó, tài năng được ông chỉ ra là có năng lực một cách hệ thống hay kĩ năng, kiến thức nổi trội được xác định bằng thành tựu (performance) trong một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể, với khoảng 10% số lượng người được coi là tài năng so với tổng số trong cùng độ tuổi. Gagné cũng là tác giả tiêu biểu chỉ rõ tiến trình phát triển tài năng (talent development) từ khả năng tự nhiên (năng khiếu) tới thành tựu (tài năng), trong đó các yếu tố xúc tác từ môi trường và bản thân cá nhân năng khiếu đều tác động lên quá trình này. (Xem thêm bản mềm tại Gagné, 2009). Hiệp hội trẻ em năng khiếu Hoa Kỳ dùng chung khái niệm “gifted” (năng khiếu) để chỉ ra rằng “Cá nhân năng khiếu là những người thể hiện mức độ vượt trội về tiềm năng (xác định bằng khả năng xuất sắc trong tư duy và học hỏi) hoặc năng lực (thành tựu cá nhân được ghi nhận hoặc thành tích nằm trong top 10% hoặc ít hơn) trong một hoặc nhiều lĩnh vực (cả học thuật lẫn nghệ thuật, thể thao).” (Xem chi tiết hơn về các định nghĩa khác nhau và lịch sử tóm lược của giáo dục năng khiếu và tài năng tại trang web của Hiệp hội trẻ em năng khiếu Hoa Kỳ (NAGC, 2011)) Ở góc độ quan niệm chung, có những nơi cho rằng có một tỷ lệ nhỏ trong tổng số dân nói chung có năng khiếu, trong khi đó ở nơi khác cho rằng, mọi đứa trẻ đều tiềm ẩn năng khiếu và miễn là nỗ lực chăm chỉ thì tài năng sẽ phát lộ. (Freeman, 2011)
Nhìn chung, dù quan điểm thế nào chăng nữa, có một xu hướng chung rất mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cho trẻ em năng khiếu và tài năng phát triển qua các cơ hội giáo dục trong một lĩnh vực có tên Giáo dục Năng khiếu và Tài năng – Gifted and Talented Education- GATE (thường được gọi tắt là Gifted Education). Xin nêu một vài ví dụ:
- Israel có một Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục chuyên trách về GATE trong việc đánh giá và cung cấp giáo dục năng khiếu, tài năng ( từ cấp độ tiểu học đến trung học, ghi chú của người viết)
- Ả rập Xê út có 22 chương trình Hè cho 960 trẻ em năng khiếu.
- Dự án Pinnacle (Hoa Kỳ) tuyển chọn những học sinh năng khiếu nổi bật tham gia giao lưu với những nhà bác học được giải Nobel
- Quỹ Incan ở Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho trẻ em nghèo có năng khiếu được nhận học vào môi trường bồi dưỡng năng khiếu nội trú.
- Ấn Độ có hơn 500 trường cho trẻ em năng khiếu từ các vùng nghèo khó. (Freeman, 2011)
- Tại tiểu bang New South Wales, Úc (nơi có dân số hơn 7 triệu người, xấp xỉ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) – một hệ thống tương đối hoàn chỉnh do một bộ phận chuyên trách trực thuộc Bộ giáo dục tiểu bang đảm nhiệm, với chính sách tuyển chọn và bồi dưỡng chặt chẽ, hợp lý tại 74 trường tiểu học có các lớp năng khiếu (hay lớp cơ hội – opportunity classes) từ cuối cấp tiểu học (lớp 5, lớp 6) và 46 trường trung học tuyển (selective schools) hoặc bán tuyển (có lớp chuyên nằm trong trường bình thường).
Các nước phương Tây phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Australia đều có những chương trình đa dạng, thậm chí từ lứa tuổi mầm non để hỗ trợ và phát triển tài năng và năng khiếu. 4 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi như nhóm 4 con hổ kinh tế của Châu Á là Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông đều có cam kết mạnh mẽ và mô hình nổi bật hàng đầu Châu Á trong giáo dục năng khiếu và tài năng. Tựu chung, không như quan niệm đơn thuần tại Việt Nam coi giáo dục năng khiếu và tài năng chỉ là “trường chuyên lớp chọn”, có tới ít nhất 70 loại hình bồi dưỡng năng khiếu, tài năng khác nhau trên thế giới, từ gia đình cho tới nhà trường và trong cộng đồng, không chỉ do nhà nước xúc tiến mà các tổ chức tư nhân cũng chủ động đứng ra tổ chức với các hoạt động phong phú (Kim, 2011a)
1.2. ASEAN
Tất cả các nước ASEAN đều có chủ trương phát triển giáo dục tài năng, năng khiếu. Nếu như 7 nước : Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan, Indonesia, Phi-lip-pin xếp GATE nằm trong Giáo dục đặc biệt (bao gồm cả giáo dục dành cho trẻ khuyết tật, thiểu năng) thì Việt Nam, Singapore và Malaysia xếp GATE tách khỏi Giáo dục đặc biệt ( chỉ dành riêng cho trẻ khuyết tật, thiểu năng). Tiêu biểu có thể kể đến Singapore, với Bộ phận chuyên trách về giáo dục năng khiếu trực thuộc Bộ Giáo dục Singapore, điều phối hoạt động bồi dưỡng năng khiếu từ cấp tiểu học với các lớp chọn đến cấp trung học với các trường năng khiếu chuyên biệt. Tại Malaysia, hàng trăm trường năng khiếu khoa học và trường chuyên nội trú đã và đang phát triển trên toàn quốc. Tại thủ đô Viêng chăn (Lào), Trường học sinh năng khiếu và dân tộc trực thuộc ĐH Quốc gia Lào chu cấp học bổng và cả chỗ ở nội trú cho học sinh năng khiếu tỉnh xa về học. Tại Phi-líp-pin, bên cạnh hệ thống trường phổ thông trung học chuyên về khoa học, Quỹ trường Phổ thông trung học khoa học Phi-líp-pin tìm kiếm và gây dựng các nguồn lực tài chính để bù đắp khoảng cách giữa ngân sách do nhà nước cấp và nhu cầu thực tế của hệ thống trường năng khiếu khoa học này. Tại Indonesia và Thái Lan, mỗi nước đều có hơn 150 trường với các loại hình khác nhau bồi dưỡng học sinh năng khiếu. (Kim, 2011b)
1.3. Việt Nam
Tại Việt Nam, hệ thống bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tài năng bắt đầu từ những năm 1960 (tại miền Bắc) với các kì thi học sinh giỏi toàn miền Bắc và mô hình lớp “Toán đặc biệt” của trường ĐH Tổng hợp. Sau năm 1975, hệ thống các trường chuyên và môn chuyên được mở rộng và phát triển, kết hợp với các kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp 1, cấp 2, cấp 3. Từ khi có nghị quyết TƯ 2 khóa VIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam (1996) và sau này được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục 2005 với chủ trương chỉ triển khai trường chuyên với khối Trung học phổ thông; khối chuyên tại trường Trung học cơ sở (THCS – hay nói đơn giản là cấp 2) và tiểu học (cấp 1) gần như bị xóa sổ. Điều này cộng với việc xóa hẳn kì thi chọn học sinh giỏi toàn quốc cấp tiểu học và THCS – theo ý kiến của chúng tôi – là một bước lùi trong giáo dục năng khiếu và tài năng tại Việt Nam. Thực tế, hiện nay vẫn tồn tại một cách không chính thức một số lớp tuyển chọn (có thi tuyển đầu vào) trong các trường THCS (thậm chí tiểu học) có uy tín. Một số hình thức khác của kì thi học sinh giỏi quốc gia ở các cấp học này như Olympic Toán Tuổi thơ, Cuộc thi giải Toán (www.violympic.vn ) và cuộc thi Tiếng Anh toàn quốc trên internet (www.ioe.vn); hay cuộc thi cấp khu vực phía Nam như Kỳ thi Olympic truyền thống 30 tháng 4 đang diễn ra hết sức sôi nổi và hấp dẫn. Các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đang thu hút và tạo môi trường khích lệ học sinh giỏi trong các địa phương trên toàn quốc. Điều này chứng tỏ thực tiễn sinh động của nhu cầu bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh từ lứa tuổi này qua các lớp tuyển chọn và kì thi chọn học sinh giỏi là không thể phủ nhận.
Cho đến nay, một cách chính thức, “toàn quốc có 76 trường và khối THPT chuyên, trong đó có 68 trường THPT chuyên và 9 khối THPT chuyên trong các đại học và trong trường THPT không chuyên. Tính đến tháng 6/2009, tổng số học sinh THPT chuyên trên toàn quốc là 49.904, chiếm 1,74% số học sinh THPT.” (Nguyễn, 2009). Ở cấp độ đại học, từ năm học 1997-1998 đã triển khai đầu tiên mô hình Cử nhân tài năng (Đào, 2009) và từ năm 1998 có khóa Kĩ sư tài năng đầu tiên (ĐH Bách khoa Hà Nội, 2011). Đầu vào chủ yếu của các chương trình này là học sinh có thành tích cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế và tuyển sinh đại học; và phải trải qua các kì thi chuyên môn, IQ, hiểu biết xã hội… Chúng tôi chưa tiếp cận được thống kê hay báo cáo tổng thể nào của các loại hình bồi dưỡng phát triển tài năng tại bậc đại học, tuy một số ghi nhận ban đầu về số lượng lớn các sinh viên của chương trình cử nhân/kĩ sư tài năng được học bổng tiếp tục học tập, nghiên cứu bậc cao hơn tại nước ngoài. (Nguyễn, 2011)
Thành tích của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kì thi Olympic học thuật quốc tế là đáng ghi nhận. Một ví dụ tiêu biểu là đội tuyển Toán Việt Nam. Tham gia từ năm 1974, cho đến nay thứ tự xếp hạng của Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10. Tuy nhiên, gần đây có báo hiệu về sự “xuống hạng” của không chỉ đội tuyển Olympic Toán Việt Nam (năm 2010 tất cả các đoàn dự thi Oympic quốc tế của Việt Nam chỉ đoạt 2 Huy chương Vàng. Đội tuyển Toán Việt Nam năm 2011 xếp hạng 31 với 6 Huy chương Đồng, thấp nhất trong lịch sử tham dự kỳ thi này của Việt Nam tính từ năm 1974). Nhiều lý giải và kiến nghị cho sự xuống cấp này đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông, như việc bất cập trong tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, việc ưu đãi vào thẳng đại học cho học sinh giỏi quốc gia để các em yên tâm tham gia các kì thi học sinh giỏi (gần đây bị gỡ bỏ và sắp tới có dự kiến khôi phục), hoặc việc tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh giỏi, hay một lý giải khác là các em hiện tại quan tâm đến các lĩnh vực khác vốn được coi là “thực dụng”, “thực chất” hơn… Theo chúng tôi, cũng như thể thao, việc cần có cả hai, “thể thao thành tích cao” và “thể thao quần chúng” trong một tổng thể chung là không phải bàn cãi. Đã đi thi là phải hướng tới mục tiêu đoạt giải cao, chứ không chỉ dùng từ quen thuộc là “cọ xát”. (chúng ta có quyền tự tin và quyết tâm về điều này, hơn nữa xét về tương quan thì “trí tuệ” Việt Nam hơn hẳn “cơ bắp” Việt Nam trên các đấu trường khu vực và quốc tế). Vì vậy phải nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân xuống cấp trên phần lớn là do sự không nhất quán của các chính sách và thiếu vắng các nghiên cứu, đề xuất có tính thực tiễn, tính hội nhập và tính tổng thể trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng.
Bên cạnh các mô hình đào tạo, bồi dưỡng của nhà nước, gần đây việc nở rộ các mô hình của các cá nhân, tổ chức tư cũng rất đáng ghi nhận. Xin nêu 2 ví dụ tiêu biểu:
a) Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ FPT (FYT) (thông tin từ www.fyt.vn)
Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ FPT (FYT) được thành lập năm 1999 từ ý tưởng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, với việc hội tụ được những học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế và các sinh viên giỏi của các trường Đại học ở Hà Nội (thông qua thi tuyển, phỏng vấn). Qua 12 năm, trung tâm đã thu hút 256 thành viên, bao gồm 120 học sinh đạt giải quốc tế, 207 giải quốc gia trong các môn Toán, Tin học, Vật Lý, Hóa Học và Sinh học. Ngoài việc cấp học bổng, việc bồi dưỡng các sinh viên này cũng rất đa dạng, bao gồm kiến thức lịch sử văn hóa, kĩ năng mềm, giao lưu học hỏi người thành đạt trên nhiều lĩnh vực… Từ cái nôi FYT, hầu hết các thành viên hiện đang học tập và nghiên cứu tại các quốc gia phát triển; hoặc trở về và sáng lập các công ty công nghệ thông tin với nhiều sản phẩm trực tuyến hàng đầu Việt Nam như VNG; Peacesoft, VC Corp.
b) Dự Án Phát Triển Hạt Giống Lãnh Đạo Doanh Nghiệp (IPL) (thông tin từ www.ipl.edu.vn)
Dự án IPL (Tên đầy đủ là Dự án Phát Triển Hạt Giống Lãnh Đạo Doanh Nghiệp) là một Dự án giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận (Not-for-profit Educational Project), do các doanh nhân, trí thức tâm huyết và Trường Doanh Nhân PACE cùng phối hợp sáng lập và triển khai thực hiện. Đích đến của Dự án là góp phần phát hiện và phát triển nhân tài lãnh đạo tương lai cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần biến những “hạt giống lãnh đạo” (Born Leaders / Potential Leaders) thành những “lãnh đạo tài năng” (Talented Leaders) trong tương lai, bằng các chương trình đào tạo đúng chuẩn quốc tế với một cơ chế hỗ trợ tài chính đặc biệt dành riêng cho họ. Chiến lược phát hiện và phát triển “hạt giống” lãnh đạo (nhân tài lãnh đạo) của chương trình hay còn gọi là “Chiến lược 5-9-5” (trong vòng 06 năm): 5 vòng thi tuyển sinh; 9 tháng được đào tạo và 5 năm tự trải nghiệm. Đến nay có 2 Khóa đã và đang đào tạo và tạo điều kiện trải nghiệm cho tổng số 73 học viên xuất sắc từ 21-28 tuổi, được tuyển chọn trên toàn quốc.
(Một số mô hình “dân lập” khác chúng tôi cũng điểm qua tại: http://on.fb.me/1a9m24H )
2. Lý do chọn GATE như một ưu tiên trong Cải tổ giáo dục Việt Nam
Chúng tôi xin đưa ra 3 lý do căn bản để GATE là một ưu tiên thực sự trong Cải tổ giáo dục Việt Nam.
2.1. Bồi dưỡng, phát triển nguồn nguyên khí quốc gia, “gia cố lại” một trong ba chân kiềng quan trọng mà ngành giáo dục đã chỉ ra trong mục tiêu của mình là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Nhiều bản kiến nghị về đổi mới/cải tổ/chấn hưng giáo dục của cá nhân và các nhóm trí thức gần đây đã chỉ ra khâu “bồi dưỡng nhân tài” trong ba mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục chưa được thực sự thúc đẩy. Nhiều phân tích cũng chỉ ra rằng “bồi dưỡng nhân tài” trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại mới chỉ dừng lại ở hình thức “trường chuyên lớp chọn”, với cách tuyển chọn và bồi dưỡng chưa thực sự trúng và đúng đối tượng năng khiếu, tài năng (xem thêm Phạm, 2010; Đào và cộng sự, 2004; Tôn và cộng sự, 1997). Thực tế, năm 2010, Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kí ban hành, với tổng kinh phí 2.312,758 tỷ đồng (hơn hai ngàn ba trăm tỷ đồng Việt Nam), với 3 nhóm hoạt động cơ bản: (1) Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học – 1.660,722 tỷ đồng, tương đương 72%; (2) Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý – 624,290 tỷ đồng, tương đương 27%; (3) Phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục – 27,746 tỷ đồng, tương đương 1%. (Chinhphu.vn, 2010) Chúng tôi không phân tích bình luận khoảng cách giữa việc đầu tư “phần cứng” (cơ sở vật chất) với “phần mềm” (chương trình) và vấn đề nhân lực (giáo viên, đội ngũ quản lý). Tuy nhiên, có ý kiến đáng lưu ý cho rằng đề án này thiếu hẳn đề cập tới việc hỗ trợ khối phổ thông chuyên của các trường Đại học, nơi “xuất xưởng” phần lớn các giải thưởng Olympic học thuật quốc tế của học sinh Việt Nam (xem thêm Hồng, 2010).
Điều quan trọng, theo chúng tôi, là vai trò của “hệ điều hành” – tức là những lý thuyết, mô hình bồi dưỡng năng khiếu, tài năng – và các “nhà máy sản xuất phần mềm, cung cấp nhân lực và nghiên cứu triển khai hệ điều hành” – các trường sư phạm; các viện, trung tâm nghiên cứu – chưa được nêu ra ở đây. Chúng tôi cũng chưa thấy một cách tiếp cận tổng thể theo các cách thức bồi dưỡng đa dạng và gắn với các độ tuổi dưới trung học phổ thông – lứa tuổi thực sự mới là các mầm non nhiều tiềm năng cần chăm dưỡng. Việc rà soát tiến tới tái thành lập các mô hình bồi dưỡng học sinh năng khiếu tại cấp tiểu học và THCS (thậm chí có thể thí điểm ở cấp mầm non) là việc cần được xem xét nghiêm túc và cầu thị, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Để có cơ quan thường trực triển khai công tác cột trụ quan trọng này, việc lập Cục Đào tạo phát triển tài năng như dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2007 cần xúc tiến kịp thời. (tham khảo Bảo, 2007)
2.2. Tập trung một nguồn lực hữu hạn nhất định để làm đầu tầu, hoa tiêu, thí điểm cho công cuộc cải tổ giáo dục trên diện rộng.
Khi nói đến một cuộc cải tổ hay chấn hưng, đổi mới giáo dục sâu rộng, rất nhiều trí thức/nhóm trí thức đã lên tiếng và đề xuất về các gói giải pháp tổng thể, thay vì vụn vặt (xem thêm Hoàng, 2009; Hồ và cộng sự, 2008; Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, 2009). Tuy nhiên, như Giáo sư Hoàng Tụy cũng chỉ ra “việc chuẩn bị cải cách có thể mất một vài năm. Trong thời gian đó, cần chú ý một số vấn đề cấp bách cần giải quyết để tạo cơ sở và mở đường chuyển dần sang cải cách một cách thuận lợi.” (T. Hoàng, 2009) hay như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc cũng nêu lên
“Về kế hoạch thời gian biểu, cần tỉ mỉ từ nhỏ đến lớn. Trước hết, cần khoảng 2 năm để một mặt hoàn chỉnh lý luận, mặt khác để biến đổi dần dần thực tiễn và thực nghiệm từng bước những gì về lý luận đã thống nhất được. Sau đó, cần 3 năm triển khai thực nghiệm mở rộng khi đã đúc kết được kinh nghiệm ở 2 năm đầu. Như vậy, cần 5 năm để tập dượt thí điểm cải cách hiện đại hoá giáo dục.” (xem thêm Nguyễn, 2008)
Giáo sư Trần Nam Bình (Úc) đã chỉ ra “những biện pháp cải tổ giáo dục khả thi có lẽ là những đề xuất:
· ít tốn kém tài lực;
· quy mô nhỏ và dần dần […]”
Nghĩa là “các đề xuất này nên bắt đầu bằng những thử nghiệm quy mô nhỏ tại một vài trường sở địa phương nào đó, trước khi mang ra ứng dụng cho toàn quốc.” (theo Trần, 2006)
Trong Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020 (Chinhphu.vn, 2010) cũng nêu ra “Các trường trung học phổ thông chuyên là hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục”. Theo chúng tôi, không chỉ các trường trung học phổ thông chuyên, mà các mô hình đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tài năng nói chung cần và hoàn toàn có thể đóng vai trò “hoa tiêu” trong công cuộc cải tổ giáo dục Việt Nam, theo quy trình từ “điểm” tới “diện”, từ “đỉnh cao” tới “đại trà”.
2.3. Giáo dục năng khiếu và tài năng (GATE) không phải là một “đặc ân” cho một số nhỏ “tinh hoa”, mà thực sự là việc đáp ứng quyền và nhu cầu được phát triển theo khả năng riêng trong học tập và rèn luyện của các học sinh sinh viên có năng lực và cố gắng vượt trội.
Việc tranh luận về GATE trong công bằng xã hội là một chủ đề thường gặp ở ngay cả quốc gia phát triển. Một số ý kiến cho rằng GATE triệt tiêu dân chủ, công bằng xã hội và là một thứ “a-pác-thai” (phân biệt chủng tộc) trong giáo dục. Tuy thế, những mô hình bồi dưỡng đội tuyển trẻ/hạt giống trong thể thao, nghệ thuật ngay từ lứa tuổi nhỏ được đầu tư cấp độ quốc gia một cách dễ dàng hơn nhiều và không gặp những phản đối gay gắt như các hạt giống năng khiếu học thuật trong trường học phổ thông. (xem thêm Kim, 2011c) Điều này không là ngoại lệ với Việt Nam (Luật Giáo dục không cấm mô hình trường năng khiếu nghệ thuật, thể thao dưới cấp độ trung học phổ thông).
Các ý kiến phê phán gần đây trên một số mặt báo Việt Nam về mô hình trường chuyên lớp chọn thường chỉ trích về khoản đầu tư “vô lý” (?), độ vất vả hay học lệch và thiếu kĩ năng sống của học sinh hệ chuyên, và qua đó nhiều ý kiến thậm chí đề nghị…đóng cửa hệ thống trường chuyên. Điều này cũng tương tự như ta sẽ cấm lưu thông tất cả các loại xe cơ giới để tránh…tai nạn. Giáo sư hàng đầu về giáo dục năng khiếu và tài năng Miraca Gross (Úc) đã ví von rất hình ảnh là để đạt cái gọi là “công bằng”, nhiều người có ý định cắt tỉa tất cả những khóm hoa cao lớn hơn (cut down the tall poppies), hay như cách nói ở Việt Nam ta, thôi thì, cho tất cả “cá mè một lứa”.
Thực ra, điều quan trọng là cần nhìn nhận xu thế tổng thể và các kinh nghiệm đi trước của thế giới. Mặc dù còn nhiều tranh luận, nhưng các nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, học sinh năng khiếu và tài năng có quyền và nhu cầu được thừa hưởng môi trường và phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng và đặc trưng của mình. Hay nói cách khác, “công bằng” không có nghĩa là “cào bằng”. Báo cáo “Một đất nước mê lầm – Các trường học đã kìm hãm những học trò sáng dạ nhất Hoa Kỳ thế nào?” (A Nation Deceived – How schools hold back America’s brightest students) năm 2004 đã “thức tỉnh” nước Mỹ và cộng đồng quốc tế trong giáo dục năng khiếu và tài năng (tham khảo http://www.accelerationinstitute.org/Nation_Deceived/Get_Report.aspx , được dịch ra 9 thứ tiếng khác nhau và cho download miễn phí), với việc nhấn mạnh phải tạo ra những cơ hội và cách thức phù hợp với cấp độ học nhanh, sâu và đa dạng của các em học sinh năng khiếu, tài năng. Có một thuật ngữ phổ biến dành để nói về các em học sinh năng khiếu và tài năng khi phải tiếp nhận cách giáo dục cào bằng là “underachievers” – nôm na là “tài năng (bị) thui chột” – những em học sinh này có xu hướng chán nản (thậm chí gây ra tâm lý “phá đám”) với môi trường giáo dục nhàm tẻ, chậm chạp (thậm chí kì thị) xung quanh. Nói chung, các em học sinh năng khiếu và tài năng rất dễ bị tổn thương tâm lý do sự khác biệt của mình và các nhà chuyên môn lưu ý việc hỗ trợ nhu cầu tư vấn xúc cảm và xã hội, bên cạnh việc tạo các cơ hội học tập đúng với khả năng và nỗ lực vượt trội của các em.
Tất nhiên, “công bằng” chỉ thực sự diễn ra khi các em học sinh có năng lực và nỗ lực vượt trội được tạo cơ hội phát triển, bất kể vị trí xã hội và điều kiện kinh tế của gia đình các em. Xin chia sẻ sự đồng tình với điểm dưới đây trong Đề án cải cách giáo dục Việt Nam của nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam:
“ Không ai ngăn cản việc có một kênh giáo dục ưu tú cho những học sinh ưu tú, trong đó nhà nước có thể chi phí lớn hơn cho các phương tiện học tập và lương bổng của giáo chức. Nhưng đây phải là những trường miễn phí, mọi người phải có quyền có cơ hội giống nhau dự tuyển vào những trường thuộc kênh giáo dục ưu tú, qua các kỳ thi tuyển chọn học sinh ưu tú.” (Hồ và cộng sự., 2008)
3. 3 nhóm giải pháp căn bản để phát triển GATE tại Việt Nam
Trên cơ sở những phân tích trên đây, chúng tôi xin đề xuất 3 nhóm giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng tại Việt Nam
3.1. Tạo dựng nền tảng lý luận về giáo dục năng khiếu và tài năng trên cơ sở đúc kết các lý thuyết, mô hình đã và đang áp dụng trên thế giới.
Như đã phân tích ở mục 2.1, cái chúng ta thiếu nhất không phải là nguồn lực (vật chất và kể cả con người), mà là ở “hệ điều hành”, tức là nền tảng lý luận và thực tiễn quốc tế, cụ thể hơn là đúc kết các lý thuyết và mô hình trong giáo dục năng khiếu và tài năng đã và đang áp dụng khắp nơi trên thế giới. Chúng ra rất dễ nghe quen tai những luận điệu như tổ chức lớp năng khiếu riêng biệt là “gây quá tải cho học sinh”, “mất công bằng”, thậm chí “phản khoa học””… Vấn đề là “khoa học” ở đây là “khoa học” gì? Thay vì đóng góp ý kiến để cải tiến các mô hình này tại Việt Nam, các phản biện lại có xu hướng phủ nhận và, như đã nói, một số ý kiến đòi xóa bỏ mô hình giáo dục năng khiếu tài năng trên cơ sở cảm tính chung chung. Mặt khác, việc coi những gì đã là “đinh đóng cột” như chủ trương không triển khai lớp chuyên tại các cấp học dưới Trung học phổ thông hay không còn các kì thi học sinh giỏi quốc gia ở các cấp này (một cách chính thức) cũng là những biểu hiện của chủ quan duy ý chí. Chúng ta không nên tự biến mình thành những ốc đảo riêng biệt và tự “coi trời bằng cái miệng giếng” khi bỏ qua những kinh nghiệm quý báu trên thế giới.
Có 3 ví dụ cụ thể về việc tích cực học hỏi và áp dụng các lý thuyết/mô hình của thế giới.
a) Tại bang New South Wales, Australia, việc áp dụng quan điểm của Gagné (nhà khoa học giáo dục người Canada, xem mô hình phát triển tài năng của ông qua bản mềm tại Gagné, 2009) là rất rõ ràng, được nêu trong Khuyến nghị về chính sách và triển khai chiến lược trong giáo dục tài năng và năng khiếu toàn bang. Trong đó, có việc phân biệt rõ khái niệm “năng khiếu” (tố chất tiềm năng) và “tài năng” (thành tựu hữu hình) và quá trình “phát triển tài năng” (với sự xúc tác của môi trường xung quanh cũng như bản thân tài năng), từ đó đưa đến những lựa chọn xác đáng trong việc tuyển chọn từ lứa tuổi tiểu học (không chỉ căn cứ vào bài thi học thuật mà còn có đề cử của phụ huynh và giáo viên, kèm với kết quá quá trình học tập và bài kiểm tra đánh giá tố chất tiềm năng của tư duy) và bồi dưỡng hỗ trợ (toàn diện, đa dạng hóa (gia đình – nhà trường – xã hội) và cá nhân hóa cả về thể chất, tinh thần và học thuật).
b) Vương quốc Anh không hề “bảo thủ” trong giáo dục năng khiếu và tài năng, bằng chứng là gần đây họ tiến hành 2 đợt khảo sát ở mức độ toàn cầu về giáo dục năng khiếu và tài năng, qua đó đưa ra các kiến nghị cho các hoạt động GATE trong nước (dù đã ở cấp độ hàng đầu thế giới). Một là bản báo cáo trình Bộ Giáo dục và Kĩ năng về Giáo dục năng khiếu và tài năng ngoài nhà trường (out of schools) dày tổng thể 241 trang trong đó riêng phần Tổng kết và Đề xuất là 57 trang. Bản báo cáo này “quét” qua hoạt động GATE ngoài nhà trường tại khoảng 50 nước và vùng lãnh thổ khắp các châu lục (rất tiếc, không có Việt Nam), từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng tại Úc, Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha; các trung tâm năng khiếu và tài năng ở Brazil và Canada; cho tới khóa bồi dưỡng năng khiếu cuối tuần ở Nam Phi, hệ thống Cung thiếu nhi trên khắp Trung Quốc cho đến các chương trình đa dạng bồi dưỡng năng khiếu từ bậc tiểu học tại Israel – quốc gia đầu tư 10% ngân sách cho giáo dục…(xem kĩ bản mềm tại Freeman, 2002) Bản khảo sát thứ hai thực hiện năm 2010 – Khảo sát quốc tế về các hoạt động phát triển năng khiếu và tài năng toàn cầu – bằng phỏng vấn 850 chuyên gia về giáo dục tài năng và năng khiếu trên khắp thế giới, đã vẽ ra một bức tranh rất sống động về hoạt động bồi dưỡng cho học sinh năng khiếu và tài năng ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, qua đó đưa ra các xu hướng chính và khuyến nghị cần thiết. (tham khảo bản mềm tại Freeman, Raffan và Warwick, 2010)
c) Hungary có thể nói là một đất nước của tài năng khi mà chỉ với dân số 10 triệu, cho đến nay có tới 13 nhà khoa học người Hung hoặc gốc Hung đạt giải Nobel. Họ triển khai rất mạnh mẽ các chương trình phát triển năng khiếu và tài năng trên toàn quốc (năm 2008 Quốc hội Hungary thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tài năng trong 20 năm, và hơn 400 trung tâm/mô hình bồi dưỡng phát triển tài năng được thành lập triển khai từ năm 2007 đến nay, kết nối với nhau trong một mạng lưới thống nhất hỗ trợ lẫn nhau). Hungary cũng vừa là nước khởi xướng Ngày vì Tài năng toàn Châu Âu (sẽ nói rõ hơn ở mục 4. bên dưới) Và, họ cũng rất cầu thị khi vừa tổ chức một nhóm khảo sát tỏa đi khắp các nước gồm Áo, Phần Lan, Đức, Anh, Israel, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ để viết nên “Kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ tài năng – Các mô hình tiêu biểu nhất trong và ngoài Châu Âu” dày 250 trang (tham khảo bản mềm bằng tiếng Anh sẵn có tại Győri, 2011). Đây chỉ là một trong 21 đầu sách công phu về giáo dục năng khiếu và tài năng mà họ mới xuất bản (chủ yếu bằng tiếng Hung, có sẵn bản mềm tại http://geniuszportal.hu/geniuszkonyvek) .
3.2. Phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng theo hướng mở, trong đó nhà trường hay ngành giáo dục nói chung chỉ là một mắt xích trong tổng thể các yếu tố nhà trường – gia đình – cộng đồng, cùng vun đắp phát triển tài năng với các nguồn lực đa dạng và linh hoạt
Cải tổ giáo dục nói chung theo nhiều ý kiến đã và đang bàn thảo, là việc không thể chỉ riêng của ngành chủ quản giáo dục . Thực tiễn chuyên ngành hẹp giáo dục năng khiếu và tài năng trên thế giới cũng vậy, các tổ chức tư nhân, các hiệp hội cha mẹ, các cộng đồng dân cư, các mạng lưới chuyên gia…đã và đang góp phần phát triển giáo dục tài năng và năng khiếu trên bình diện rộng. Có tới ít nhất 70 loại hình bồi dưỡng năng khiếu và tài năng khác nhau trên thế giới, từ trong gia đình ( homeschooling (dạy tại nhà, không tới trường), parenting ( làm cha mẹ – nuôi dạy con cái)) tới nhà trường (lớp chọn, trường chuyên, phân nhóm giỏi trội trong lớp, học nhảy lớp, học cấp tốc, lớp tuyển liên trường, học sinh kèm học sinh v.v…) và cả cộng đồng, xã hội (trực tuyến, chương trình hè, tham gia học một số môn với các anh chị sinh viên đại học, học tại bảo tàng/thư viện/triển lãm, trung tâm năng khiếu tư…). ( xem thêm danh mục tài liệu về các loại hình này tại Kim, 2011a). Những dấu hiệu của các cá nhân và tổ chức tư tham gia vào công tác phát triển tài năng (cả học thuật lẫn nghệ thuật, thể thao) tại Việt Nam đang khởi sắc (xem thêm Kim, 2009) . Bởi vậy, việc phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng thực sự là trách nhiệm và cũng là quyền tham dự của mọi đối tượng có khả năng và nguyện vọng trong xã hội. Nhà nước và các tổ chức đoàn thể có thể hỗ trợ cho việc “xã hội hóa” này bằng các chính sách như tôn vinh, gây quỹ, miễn giảm thuế, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cơ sở vật chất, phân bổ ngân sách hỗ trợ theo hình thức “đấu thầu”… Chúng ta có những “Ngày vì người Nghèo” rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng với các Mạnh thường quân ủng hộ tổng cộng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lẽ nào không có những “Ngày vì người Tài”??? Tóm lại, về góc độ hoạch định chính sách, chúng ta cần “khơi thông dòng chảy” để các thuyền bè thoải mái đi lại và hướng ra biển lớn thay vì nhà nước tự tay đóng và điều khiển tất cả các loại tàu lớn nhỏ.
3.3. Thiết lập mạng lưới và tăng cường nghiên cứu, ứng dụng trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng.
Ở quy mô quốc gia, có không ít những nghiên cứu và đề xuất chính sách, chiến lược về năng khiếu và tài năng trong 30 năm qua. Có thể nêu ra một số: Đề tài “ Phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu” (1987-1990 – Chủ nhiệm PGS.PTS Bùi Hiền); Đề tài “Chính sách đối với thanh thiếu niên có năng khiếu và tài năng” (1990 – Chủ nhiệm đề tài: GS.TS Hoàng Đức Nhuận –Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam); Đề tài “Các con đường và hình thức phát hiện bồi dưỡng và phát huy các tài năng trong một số loại hình lao động” (1994 – Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Trọng Bảo). Gần đây là “Dự án thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” (2004 – ĐH Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng, xem thêm Đào, 2007), trong đó có những mục tiêu mà cho đến hiện tại (2011 – thời điểm dự kiến kết thúc Dự án) chúng tôi chưa tiếp cận được thông tin để kiểm chứng tiến độ và kết quả:
“Trong vòng 5 năm (từ 2004-2010), dự án sẽ đào tạo cho đất nước 700 nhân lực tài năng, bao gồm 350 nhà khoa học công nghệ, trong đó có khoảng 35 nhà khoa học đầu ngành tầm cỡ khu vực về các ngành khoa học cơ bản, những ngành công nghệ cao và những ngành kinh tế-xã hội mũi nhọn; khoảng 175 doanh nhân tài năng, trong đó có nhiều doanh nhân tầm cỡ khu vực và 175 cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý tài năng.” (Hoàng, 2004)
“…dự án phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2011 với tổng số tiền là 325 tỉ đồng.
Ngoài ra, dự án sẽ nhận được trên 11,5 triệu USD (tính theo định mức thấp nhất) hoặc 45 triệu USD (tính theo định mức cao nhất) thông qua dự án đào tạo cán bộ khoa học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn học bổng quốc tế.” (K.Hưng, 2004)
Mới đây hơn, vào tháng 3 năm 2011, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam triển khai Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (xem thêm Hiền, 2011), hứa hẹn thêm một kỳ vọng mới cho công tác giáo dục năng khiếu và tài năng.
Rõ ràng là công tác triển khai thực hiện cũng như kế thừa phát triển, rà soát rút kinh nghiệm những mặt đạt được hay chưa đạt được của những nghiên cứu, đề xuất, đề án này; để biến các dự định tốt đẹp thành những hành động thiết thực mang lại lợi ích cụ thể, đã và đang là vấn đề tồn tại sâu sắc. Do vậy, việc ra đời một Viện hay Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cấp quốc gia về vấn đề phát triển tài năng nói chung hay giáo dục năng khiếu, tài năng nói riêng là vấn đề cấp bách. Từ đó, Trung tâm hay Viện này, cùng các Hiệp hội; Tổ chức đoàn thể xã hội hiện có như Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam (http://www.nhantai.org.vn/); Trung tâm phát triển khoa học, công nghệ và tài năng trẻ (http://www.dstc.org.vn – trực thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và các tổ chức cùng mục đích, thiết lập các mối quan hệ trong nước và quốc tế cần thiết để vừa học hỏi, vừa đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này. Nếu có thể, chúng tôi đề xuất Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam đứng ra làm đầu mối kết nối các trung tâm, tổ chức trong cùng lĩnh vực, tạo ra một mạng lưới kết nối chặt chẽ và làm cầu nối đối với các mạng lưới tương tự của các quốc gia khác trên thế giới.
Ở quy mô quốc tế, có thể kể ra một số tổ chức tiêu biểu để chúng ta thiết lập quan hệ và/hoặc gia nhập với tư cách thành viên hay đối tác như:
Hội đồng thế giới về trẻ em năng khiếu và tài năng (https://world-gifted.org/): Đây là tổ chức lớn nhất tầm toàn cầu về giáo dục năng khiếu và tài năng, được thành lập năm 1975 tại Anh.
Liên đoàn Châu Á Thái Bình Dương về năng khiếu: http://www.apfgifted.org/apf/ : Tổ chức phát triển và giáo dục trẻ em năng khiếu và tài năng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thành lập năm 1990 và hiện có các thành viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Ả-rập Xê-út, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. (chưa có Việt Nam!)
Hiệp hội quốc gia về trẻ em năng khiếu của Hoa Kỳ ( www.nagc.org): Là tổ chức mạnh mẽ và đông đảo số 1 thế giới trong việc thúc đẩy nhận thức, vận động chính sách cũng như hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng trong giáo dục năng khiếu và tài năng. (sẽ đề cập cụ thể hơn ở mục 4 bên dưới).
4. Mô hình gợi ý cho hợp tác trong khu vực ASEAN trong lĩnh vực GATE
ASEAN đang từng bước tiến tới thiết lập mô hình Cộng đồng ASEAN trong tương lai gần, từ đó nảy sinh nhu cầu thiết lập những liên kết hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực cụ thể, mà giáo dục năng khiếu và tài năng là một ví dụ sống động và thiết thực cho sự phát triển của các nước thành viên. Việt Nam cần chủ động tham gia thiết lập các tổ chức và hoạt động mang tầm khu vực trên cơ sở học hỏi các kinh nghiệm của thế giới.
4.1 NAGC – Hiệp hội quốc gia về trẻ em năng khiếu (Hoa Kỳ), với mô hình một Hiệp hội liên bang. (http://nagc.org/)
Dù toàn bộ 50 bang của Hoa Kỳ đều có Hiệp hội giáo dục năng khiếu, tài năng cũng như hàng trăm tổ chức, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực, Hiệp hội quốc gia NAGC vẫn là một thực thể có những hoạt động, tiếng nói và kết nối mang tầm liên bang, với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các chính sách và mô hình thực tiễn để phát triển tài năng và năng khiếu của thanh thiếu nhi Hoa Kỳ. Có thể nêu ra một số hoạt động tiêu biểu của Hiệp hội quốc gia này: (1)Thiết lập tiêu chuẩn chung: cho các khái niệm căn bản; cho các chương trình giáo dục năng khiếu và tài năng từ mẫu giáo cho tới hết lớp 12; cho các chương trình đào tạo giáo viên trong lĩnh vực năng khiếu và tài năng; cho các chương trình đào tạo sau đại học về lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng; (2) Phát triển các mạng lưới chuyên sâu : Phân theo khu vực địa lý, phân theo chủ đề nghiên cứu và thực tiễn hoặc phân theo đối tượng (nghiên cứu sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà quản lý giáo dục…); (3) Nghiên cứu và phát triển: Qua các ấn bản chuyên đề, các sách và tài liệu chuyên ngành, các nghiên cứu liên bang, các hội thảo, khóa bồi dưỡng cho chuyên gia và trẻ em năng khiếu, tài năng.; (4) Vận động chính sách: Nâng cao nhận thức xã hội, vận động các nhà lập pháp cấp tiểu bang cũng như các nghị sỹ của lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ đề xuất và phê chuẩn các chính sách phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng; (5) Xây dựng và phát triển các Quỹ hỗ trợ : Hỗ trợ giáo viên, tư vấn viên, nhà vận động chính sách, nhà quản lý giáo dục, giải thưởng cho học sinh xuất sắc…
Một Liên đoàn về giáo dục năng khiếu và tài năng khu vực ASEAN, trên cơ sở kết nối các Hiệp hội quốc gia (mà ở Việt Nam có thể là Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam) là một khả năng hiện thực. Với mô hình và hoạt động tham khảo từ NAGC đã nêu ở trên, hiệp hội khu vực này (có thể mang tên ASEAN Federation of Giftedness and Talent, viết tắt là AFGT) như một mạng lưới hỗn hợp các thành viên khối nhà nước và tư nhân, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận và các cá nhân vì mục tiêu học hỏi, chia sẻ, hỗ trợ và cùng hợp tác đẩy mạnh phát triển năng khiếu, tài năng của khu vực.
4.2 GERRIC – Trung tâm nghiên cứu và cung cấp ứng dụng về Giáo dục tài năng (Úc), với mô hình là một trung tâm hàng đầu nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này, trực thuộc một trường Đại học trong một nhà nước liên bang. (http://gerric.arts.unsw.edu.au/)
Chính thức thành lập năm 1997, Trung tâm thông tin, hỗ trợ và nghiên cứu giáo dục năng khiếu GERRIC ( ĐH New South Wales, Úc) là trung tâm đầu tiên tại Nam Bán Cầu trong triển khai nghiên cứu, giảng dạy và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục năng khiếu.
Bên cạnh công tác nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục năng khiếu và tài năng, Trung tâm còn đảm nhiệm giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học và cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn cho các giáo viên đang dạy các chương trình tài năng, năng khiếu tại Úc, New Zealand, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc… Điểm đặc biệt, Trung tâm cũng triển khai các khóa bồi dưỡng năng khiếu ngắn hạn cho học sinh năng khiếu. Trung tâm cũng là cơ quan được Chính phủ và Bộ Giáo dục Úc “đặt hàng” biên soạn bộ tài liệu tập huấn cho giáo viên đang giảng dạy năng khiếu và tài năng trên toàn nước Úc cũng như các khóa bồi dưỡng kiến thức trong lĩnh vực cho các phụ huynh học sinh năng khiếu. Ảnh hưởng của Trung tâm GERRIC lên các chính sách về giáo dục năng khiếu và tài năng của bang New South Wales (Úc) là rất đáng ghi nhận: các chính sách, hướng dẫn căn bản của tiểu bang trong lĩnh vực này đều có sự tham vấn hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm. Ở góc độ hợp tác quốc tế, Trung tâm cũng kết nối hợp tác nghiên cứu và trao đổi học giả với các Trung tâm hàng đầu khác.
Học tập mô hình Trung tâm này, ASEAN có thể tiến hành thành lập một Trung tâm tương tự trực thuộc một trường ĐH hàng đầu, và tốt nhất là có thế mạnh sẵn có về nghiên cứu và hợp tác khu vực và quốc tế trong giáo dục. Viện quốc gia về Giáo dục – trực thuộc ĐH Nanyang – Singapore (http://www.nie.edu.sg) có thể là một ứng viên đỡ đầu cho sự ra đời của Trung tâm này.
4.3 TalentDay – Ngày vì Tài năng, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực giáo dục năng khiếu và tài năng toàn Châu Âu, với mô hình một cuộc vận động mang tính khu vực như Liên minh Châu Âu, tương tự như Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) trong tương lai.
Từ năm 2006, Hungary cùng với vài nước láng giềng Slovakia, Ru-ma-ni và Serbia đã tổ chức các Ngày vì Tài năng hàng năm. Đứng vai trò là Chủ tịch EU trong nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2011, mới đây Hungary đã khởi xướng Ngày vì Tài năng toàn Châu Âu (www.TalentDay.eu). Đây là một chuỗi các hoạt động (Hội thảo; Bàn tròn; Triển lãm các mô hình điểm; Trình diễn của các tài năng trẻ; Ngày vì Tài năng Châu Âu; Ra tuyên bố chung…) để từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân và chính giới toàn Châu Âu trong việc hỗ trợ và phát triển tài năng trong khu vực cũng như tạo dựng và tăng cường mạng lưới học hỏi, hợp tác giữa các thành viên của Liên minh Châu Âu trong lĩnh vực phát triển tài năng.
ASEAN có thể tiến hành hoạt động này để tiến tới thành lập một Liên đoàn của Khu vực trong lĩnh vực năng khiếu và tài năng. Trên thực tế, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) vào năm 2009 đã chấp thuận thành lập một Trung tâm khu vực về giáo dục đặc biệt tại Malaysia (SEAMEO Regional Centre for Special Education – bao gồm cả giáo dục cho trẻ em khuyết tật và năng khiếu, tài năng). Tuy mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, nhưng với vị thế của mình (trực thuộc SEAMEO) và địa điểm đặt tại một đất nước đang có những hoạt động mạnh mẽ trong giáo dục năng khiếu, tài năng như Malaysia, việc Trung tâm này khởi tạo một cuộc vận động mang tính khu vực như mô hình TalentDay của Châu Âu là một khả năng có thể đạt được. (Lưu ý, theo chúng tôi, Trung tâm này không thể thay thế một Trung tâm nghiên cứu phát triển nằm trong một trường Đại học tiên tiến của khu vực mà chúng tôi đã đề cập trong mục 4.2)
Tóm lại, chúng tôi xin đề xuất 3 điểm đối với phát triển giáo dục năng khiếu và tài năng tại Việt Nam và 3 điểm đối với ASEAN trong bối cảnh từ năm 2015 trở về sau có sự gắn chặt về phát triển kinh tế – xã hội của các nước này, với tầm nhìn Cộng đồng ASEAN trong tương lai không xa.
A) Với Việt Nam:
1. Thiết lập một Viện hay Trung tâm nghiên cứu – ứng dụng cấp quốc gia về phát triển tài năng (có thể trực thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Nhiệm vụ của Viện hay Trung tâm này là tạo dựng nền tảng lý luận về giáo dục năng khiếu và tài năng trên cơ sở đúc kết các lý thuyết, mô hình đã và đang áp dụng trên thế giới. Từ đó, Trung tâm hay Viện này, cùng các Hiệp hội; Tổ chức đoàn thể xã hội hiện có như Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam (http://www.nhantai.org.vn/); Trung tâm phát triển khoa học, công nghệ và tài năng trẻ (http://www.dstc.org.vn – trực thuộc TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và các tổ chức cùng mục đích, thiết lập các mối quan hệ trong nước và quốc tế cần thiết để vừa học hỏi, vừa đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.
2. Rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục 2005, tạo điều kiện cho việc tái thành lập các mô hình bồi dưỡng học sinh năng khiếu tại cấp tiểu học và THCS, tái thành lập các Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia lớp 5 và lớp 9.
3. Thiết lập Cục Đào tạo phát triển tài năng như dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2007. Cục sẽ quản lý về nhà nước với hệ thống trường chuyên và các kì thi Học sinh giỏi các cấp; cũng như tham khảo ý kiến của các Viện/Trung tâm, nhà chuyên môn và phụ huynh học sinh trong lĩnh vực này, để đề xuất ban hành các chủ trương, chính sách phát triển tài năng.
B) Với ASEAN:
1. Thành lập Liên đoàn về giáo dục năng khiếu và tài năng khu vực ASEAN, trên cơ sở kết nối các Hiệp hội quốc gia (mà ở Việt Nam có thể là Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam) là một khả năng hiện thực. Với mô hình và hoạt động tham khảo từ NAGC đã nêu ở trên, hiệp hội khu vực này (có thể mang tên ASEAN Federation of Giftedness and Talent, viết tắt là AFGT) như một mạng lưới hỗn hợp các thành viên khối nhà nước và tư nhân, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận và các cá nhân vì mục tiêu học hỏi, chia sẻ, hỗ trợ và cùng hợp tác đẩy mạnh phát triển năng khiếu, tài năng của khu vực.
2. Thành lập một Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phát triển tài năng khu vực ASEAN, trực thuộc một trường ĐH hàng đầu, và tốt nhất là có thế mạnh sẵn có về nghiên cứu và hợp tác khu vực và quốc tế trong giáo dục. Viện quốc gia về Giáo dục – trực thuộc ĐH Nanyang – Singapore (http://www.nie.edu.sg) có thể là một ứng viên đỡ đầu cho sự ra đời của Trung tâm này.
3. Trên thực tế, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) vào năm 2009 đã chấp thuận thành lập một Trung tâm khu vực về giáo dục đặc biệt tại Malaysia (SEAMEO Regional Centre for Special Education – bao gồm cả giáo dục cho trẻ em khuyết tật và năng khiếu, tài năng). Tuy mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, nhưng với vị thế của mình (trực thuộc SEAMEO) và địa điểm đặt tại một đất nước đang có những hoạt động mạnh mẽ trong giáo dục năng khiếu, tài năng như Malaysia, việc Trung tâm này có thể khởi tạo một cuộc vận động “Ngày ASEAN về phát triển tài năng” mang tính khu vực như mô hình TalentDay của Châu Âu là một khả năng có thể đạt được.
Ghi chú: Bài viết trên cơ sở tổng hợp tham luận tại Hội thảo Tạo dựng môi trường khác biệt thích hợp cho trẻ em năng khiếu của Hội đồng thế giới về trẻ em năng khiếu và tài năng (Praha- Cộng hòa Séc – tháng 8 năm 2011) và Hội thảo Việt Nam và các nước ASEAN trước thử thách (Singapore – tháng 8 năm 2011). Bài viết có mặt trong ký yếu Hội thảo khoa học “Công tác nhân tài ở Việt Nam- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (Hà Nội – tháng 9 năm 2011). Chúng tôi chưa đề cập tới các chương trình “Cầu hiền” của các địa phương, công tác bồi dưỡng tài năng trẻ nghệ thuật, thể thao hay các giải thưởng, học bổng trong nước và du học quốc tế cho các tài năng trẻ hay học sinh giỏi bởi tham luận này tập trung vào khâu “giáo dục, bồi dưỡng” về học thuật ở lứa tuổi học đường. Ở một bức tranh lớn hơn, những nghiên cứu, thống kê hay đề xuất riêng biệt hoặc tổng thể về phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, ưu đãi, trọng dụng (không phải sử dụng) tài năng (ở các độ tuổi và lĩnh vực khác nhau) tại Việt Nam và trên thế giới là rất cần thiết.Việc cập nhật với tình hình hiện tại (2013) và đối chiếu với những chi tiết đề cập tới giáo dục năng khiếu và tài năng trong Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu côngnghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”(2013) cũng rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay.
Kim Ngọc Minh
Thạc sỹ giáo dục, Đại học New South Wales, Úc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
Bảo, A. (2007). 9 chương trình bồi dưỡng nhân tài. Chi tiết: http://vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/2007/09/741021/.
Chinhphu.vn. (2010). Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 – 2020. Chi tiết: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=95359 .
Đào, T. T. (2007). Việt Nam với chiến lược nhân tài. Chi tiết: http://tintuc.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N2597/Viet-Nam-voi-chien-luoc-nhan-tai.htm.
Đào, T. T. (2009). Mô hình cử nhân tài năng thuở phôi thai. Chi tiết: http://honorsprogram.wordpress.com/2009/02/22/mo-hinh-cử-nhan-tai-nang-thuở-phoi-thai/#more-83.
Đào, V. V., Nguyễn, T. Q., Trịnh, T. A. H., Lê, V. A., & Hà, B. T. (2004). Nghiên cứu đánh giá quy trình tuyển chọn học sinh vào trường chuyên THPT. Hà Nội: Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục.
ĐH Bách khoa Hà Nội. (2011). Lịch sử hình thành & phát triển TT Đào tạo tài năng và chất lượng cao. Chi tiết: http://ctes.hut.edu.vn/lich-su.
Freeman, J. (2002). Out-of-school educational provision for the gifted and talented around the world. Education. London. Chi tiết:http://www.joanfreeman.com/pdf/Text_part_one.pdf.
Freeman, J. (2011). What the world does for the gifted and talented. Chi tiết: http://www.conference2011.talentday.eu/sites/all/files/images/tartalomkepek/honlapra%20Prof%20JFreeman%20paper%20for%20Budapest%208%20April%2011_3.pdf
Freeman, J., Raffan, J., & Warwick, I. (2010). Worldwide provision to develop gifts and talents – An international survey. London. Chi tiết:http://hkage.org.hk/en/download/Teacher/Resources/LearningTeachingResources/ProvisionsLT/Tower_Report_2010.pdf.
Gagné, F. (2009). Building gifts into talents : Brief overview of the DMGT 2.0. Chi tiết: http://www.giftedconference2009.org/presenter_files/gagne_p12_therealnature.pdf.
Győri, J. G. (Ed.). (2011). International Horizons of Talent Support – Best Practices Within and Without the European Union. Magyar Tehetségsegítő Szervezetek Szövetség. Chi tiết: http://geniuszportal.hu/sites/default/files/18_kotet_net+color.pdf.
Hiền, H. (2011). Xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chi tiết:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30077&cn_id=452686.
Hoàng, L. A. (2004). 45 triệu USD để đào tạo 700 nhân tài. Chi tiết: http://nld.com.vn/96864p0c1002/45-trieu-usd-de-dao-tao-700-nhan-tai.htm.
Hoàng, T. (2009). Kiến nghị cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Chi tiết: http://www.ndanghung.com/bai-viet/2011/04/02/ban-kien-nghi-ve-giao-duc-cua-gs-hoang-tuy-ma-chua-duoc-nhieu-nguoi-biet.html/.
Hồ, T. B., Trần, N. B., Trần, H. D., Ngô, V. L., Trần, H. Q., Hồng, L. T., et al. (2008). Đề án cải cách giáo dục Việt Nam – Phân tích và đề nghị của nhóm nghiên cứu giáo dục Việt Nam. Chi tiết: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_NhomNghienCuu.htm.
Hồng, H. (2010). Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng! Chi tiết: http://dantri.com.vn/c25/s25-439471/de-an-2300-ty-dong-phat-trien-truong-chuyen-dau-tu-chua-cong-bang.htm.
K.Hưng. (2004). Nhân tài đang ở đâu? Chi tiết: http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=43041&ChannelID=3.
Kim, N. M. (2009). Từ Đồ Rê Mí đến giáo dục Việt Nam. Chi tiết: http://on.fb.me/1a9m24H
Kim, N. M. (2011a). Academically Gifted Programs and Services’ Formats – an annotated bibliography. Chi tiết: http://unsw.academia.edu/KimMinh/Papers/700499/Academically_Gifted_Programs_and_Services_Formats_-_an_annotated_bibliography.
Kim, N. M. (2011b). Gifted Education in Vietnam and ASEAN – The need of regional cooperation in research and practice. (thuyết trình tại Hội thảo Tạo dựng môi trường khác biệt thích hợp cho trẻ em năng khiếu của Hội đồng thế giới về trẻ em năng khiếu và tài năng (Praha- Cộng hòa Séc – tháng 8 năm 2011))
Kim, N. M. (2011c). Gifted Education – Vietnam and international perspectives. Chi tiết: http://www.1vietnamedu.com/2011/06/gifted-education-vietnam-and.html.
NAGC. (2011). What is Giftedness? Chi tiết: http://www.nagc.org/index.aspx?id=574.
Nguyễn, H. (2009). Trường THPT chuyên sẽ là mẫu hình tương lai của các trường THPT. Chi tiết: http://www.gdtd.vn/channel/2741/200912/Truong-THPT-chuyen-se-la-mau-hinh-tuong-lai-cua-cac-truong-THPT-1920322/.
Nguyễn, V.N. (2008). Lại thêm một đề xuất về cải cách giáo dục. Chi tiết: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Lai-them-mot-de-xuat-ve-cai-cach-giao-duc/20801729/478/.
Nguyễn, V.N. (2011). Đào tạo cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Chi tiết:http://tintuc.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N5787/dao-tao-cu-nhan-khoa-hoc-tai-nang,-chat-luong-cao-o-dai-hoc-Quoc-gia-Ha-Noi.htm.
Phạm, M. H. (2010). Tiếp tục đổi mới hệ các trường chuyên theo quỹ đạo khoa học. Chi tiết: http://nhantainhanluc.com/vn/401/3285/contents.aspx.
Trần, N. B. (2006). Đổi mới giáo dục tại Việt Nam – Một vài nhận định từ quan điểm chính sách kinh tế. Chi tiết: http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/doimoigiaoductaivietnam.htm.
Tôn, T., Tô, G., Lê, Q. P., Nguyễn, H. T., Đỗ, N. T., & Nguyễn, N. T. (1997). Nghiên cứu về vị trí, mục tiêu và định hướng của trường chuyên hệ trung học. Hà Nội: Viện Khoa học Giáo dục.
Viện Nghiên cứu Phát triển IDS. (2009). Kiến nghị Cải cách, hiện đại hóa giáo dục. Hà Nội. Chi tiết: http://niemtin.free.fr/kiennghigiaoduc.htm.