Giáo dục đẳng cấp thế giới – Salman Khan, Đào Minh Châu dịch

Giáo dục đẳng cấp thế giới – Salman Khan, Đào Minh Châu dịch

Lời người dịch: Salman Khan sáng lập Học viện Khan năm 2009 với trang mạng – khanacademy.org – là một trang mạng giáo dục cung cấp các bài giảng miễn phí trên Internet với nhiều chủ đề khác nhau. Hơn 75 triệu người đã học qua trang mạng này. Khan thảo luận về ý tưởng này trong cuốn sách của ông – “Ngôi trường chung cho toàn thế giới: Giáo dục được hình dung lại”, xuất bản năm 2012. Cuốn sách đưa ra một phương án trả lời cho câu hỏi chúng ta dạy và học như thế nào trong thời đại mới – thời đại Cách mạng Thông tin. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chương nhập đề của cuốn sách.


Bìa cuốn “Ngôi trường chung cho toàn thế giới: Giáo dục được hình dung lại”. Ảnh: Amazon.com.

Giáo dục đẳng cấp thế giới cho bất cứ ai, tại bất cứ nơi nào, miễn phí

Salman Khan

Tên tôi là Sal Khan. Tôi là người sáng lập và là giáo viên chính của Học viện Khan, một tổ chức nghiêm chỉnh nhằm cung cấp giáo dục miễn phí cho bất cứ ai, tại bất cứ nơi nào. Tôi viết cuốn sách này vì tôi tin tưởng rằng cái cách chúng ta dạy và học đang ở vào bước ngoặt mà cả ngàn năm mới có một lần.

Mô hình lớp học truyền thống dường như không thích hợp với những nhu cầu đang thay đổi của chúng ta. Đó cơ bản là một cách học thụ động, trong khi thế giới đòi hỏi xử  lý thông tin chủ động hơn và hơn nữa. Mô hình cũ là gom người học theo lứa tuổi với một chương trình giảng dạy với một tốc độ chung cho tất cả và hy vọng người học sẽ tiếp nhận được điều gì đó trong quá trình giảng dạy. Không rõ đó có phải là mô hình tốt nhất cho một trăm năm qua không; chắc chắn hiện nay nó không tốt chút nào. Trong khi các công nghệ mới đang mang đến các hy vọng cho các phương thức dạy và học hiệu quả hơn thì cũng đồng thời làm nổi lên những nhầm lẫn, thậm chí sơ hãi; công nghệ mới thường chỉ được dùng nhiều hơn chút ít như các cửa sổ trang trí.

Giữa cách dạy cũ và mới có một vết nứt trong hệ thống, và trẻ em trên toàn thế giới đang ngã xuống đó hàng ngày. Thế giới đang thay đổi với một tốc độ ngày một nhanh, một thay đổi có tính hệ thống, khi thay đổi diễn ra nó chuyển động lạnh lùng và nhiều khi sai hướng; hàng ngày – trong từng tiết học – cái khoảng cách giữa phương pháp dạy học sinh và cái chúng thật sự cần học ngày càng lớn lên.

Tất nhiên, nói về điều này thật là dễ dàng. Trong những ngày này, ca ngợi hay chê bai, ai cũng nói về giáo dục. Các nhà chính trị nhắc đến giáo dục trong mỗi bài diễn văn của họ. Cha mẹ lo lắng ồn ào về sự thua kém tương đối của con cái họ so với những tiêu chuẩn rất quyền uy, huyền bí và mập mờ hay với kẻ cạnh tranh cách đó hai hàng ghế hay nửa vòng trái đất. Giống như các tranh luận về tôn giáo, người ta thường thấy các quan điểm nóng bỏng nhưng thiếu vắng chứng cớ kiểm chứng. Liệu trẻ cần nhiều hay ít hơn các cấu trúc?  Kiểm tra thi cử quá nhiều hay quá ít? Nói về thi cử, liệu các bài kiểm tra chuẩn có đo được kết quả học tập hay chi đo được kỹ năng làm bài kiểm tra? Liệu chúng ta đang thúc đẩy sáng kiến, sự hiểu biết thấu đáo và tư duy độc đáo hay là đang tiếp tục một trò chơi trống rỗng?

Người lớn cũng lo cho chính bản thân mình. Cái gì sẽ xảy ra cho khả năng học tập của chúng ta một khi giáo dục chính thức đã kết thúc. Làm sao chúng ta có thể rèn luyện trí óc mình để nó không trở nên lười biếng và khô cứng? Liệu chúng ta còn có thể học được những cái mới? Ở đâu và thế nào?

Tất cả những thảo luận như thế này về giáo dục là lành mạnh bởi vì chúng khẳng định tầm quan trọng tuyệt đối và trung tâm của học tập trong thế giới cạnh tranh và kết nối của chúng ta. Vấn đề là thảo luận chưa biến thành sự cải thiện. Ở đâu đó hành động diễn ra thì lại thường là các chính sách của chính phủ từ trên xuống, chúng làm hại cũng như giúp đỡ. Có những nhà giáo và nhà trường phi thường đã chỉ ra rằng sự xuất sắc là có thể, nhưng thành công của họ thường rất khó áp dụng và nhân rộng. Mặc dù nhiều tâm huyết và tiền bạc đã đổ ra để giải quyết vấn đề nhưng tiến bộ là không đáng kể. Điều đó dẫn đến chủ nghĩa yếm thế sâu sắc, liệu giáo dục có thể được cải thiện một cách hệ thống ?

Nguy hại hơn, nhiều người dường như cách này hay cách khác bỏ qua những dữ liệu cơ bản  về khủng hỏang cái gì. Đó không phải là tỷ lệ tốt nghiệp hay điểm số các kỳ thi. Mà là tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với kết quả cuộc sống của con người. Đó là tiềm năng được hiện thực hóa hay vùi dập, là phẩm giá được nâng cao hay chối bỏ.

Điều thường được trích dẫn là học sinh trung học phổ thông ở Mỹ xếp thứ 23 trên thế giới về sự thông thạo các môn khoa học tự nhiên và  toán. Theo cách nhìn lấy Mỹ làm trung tâm thì điều này thật thất vọng; nhưng những bài kiểm tra để đưa ra đánh giá này chỉ là thước đo rất hẹp những cái đang diễn ra ở một nước. Tôi tin rằng, ít nhất trong một tương lai gần, Hoa Kỳ vẫn sẽ giữ được vị trí lãnh đạo trong khoa học và công nghệ mặc cho bất cứ sự đi xuống có thể nào trong hệ thống nhà trường của chúng ta. Đặt những lời mang tính cảnh báo sáng một bên, Hoa Kỳ không mất vị thế quan trọng của mình vì sinh viên ớ Estonia giỏi hơn sinh viên Mỹ về phân tích đa thức. Các khía cạnh khác của văn hóa Mỹ – một sự kết hợp độc đáo của tính sáng tạo, tinh thần kinh doanh, chủ nghĩa lạc quan và vốn – đã làm  Mỹ thành mảnh đất mầu mỡ nhất thế giới cho cách tân. Đó là lý do vì sao mọi trẻ em thông minh từ khắp nơi trên thế giới đều mơ ước có được thẻ xanh để đến đây làm việc. Trên cách nhìn toàn cầu và hướng về tương lai, mọi xếp hạng quốc gia ở chừng mực nào đó là không quan trọng.

Tuy nhiên, khi không chú ý đến những cảnh báo, sự tự mãn có thể dẫn thẳng đến thảm họa. Không có cái gì trong ADN Mỹ cản trở tinh thần kinh doanh và sự sáng chế, và vị thế lãnh đạo của chúng ta chỉ có thể bị suy yếu khi chúng ta thất bại giữ cho nó bật lên bằng những bộ óc tươi mới và được giáo dục tốt.

Ngay cả khi Mỹ vẫn là nguồn năng lượng cho sáng tạo thì ai được hưởng lợi từ điều đó? Liệu do chỉ có một phần nhỏ sinh viên Mỹ có thể hưởng nền giáo dục để có thể tham gia mà các công ty Mỹ cần sẽ buộc các công ty phải tiếp tục nhập khẩu tài năng để bù sự thiếu hụt. Liệu số phần trăm những người trẻ của chính nước Mỹ không có việc làm hoặc không được làm đủ thời gian có tăng lên vì họ không có các kỹ năng cần thiết?

Các câu hỏi tương tự cũng cần được hỏi nhân danh tuổi trẻ toàn thế giới. Liệu các tiềm năng của họ có bị vùi dập hay bị hướng vào các hướng nguy hiểm  chỉ vì họ không được cung cấp các công cụ và cơ hội  làm lớn lên chiếc bánh kinh tế? Liệu nền dân chủ đích thực tại thế giới đang phát triển sẽ không thể đứng vững chỉ vì các trường học tồi tệ và một hệ thống đổ vỡ và tham nhũng?

Những câu hỏi này có cả khía cạnh thực tiễn lẫn đạo đức. Niềm tin của tôi là mỗi người chúng ta có phần trong nền giáo dục cho tất cả chúng ta. Ai biết một thiên tài sẽ xuất hiện tại đâu? Rất có thể một bé gái trong một ngôi làng ở Châu Phi có tiềm nằng tìm ra thuốc chữa ung thư. Con trai một người đánh cá ở New Guinea có thể có một hiểu biết không thể ngờ tới về sức khỏe của các đại dương. Tại sao chúng ta lại để các tài năng như thế bị bỏ phí? Làm sao chúng ta có thể biện minh cho việc đã không cung cấp cho các trẻ em đó một nền giáo dục đẳng cấp thế giới khi mà công nghệ và nguồn lực để làm việc đó có – một khi chúng ta có thể liên kết tầm nhìn và quyết tâm làm cho điều đó xảy ra?

Thế nhưng thay vì hành động, mọi người luôn nói phải thay đổi từ từ. Có thể ví thiếu một trí tưởng tượng, hoăc một sự sợ hãi làm chao đảo con thuyền, mọi thảo luận dừng lại trước khi đưa ra các câu hỏi có tính nền tảng mà nền giáo dục thiểu năng đang đòi hỏi phải trả lời. Thay vào đó người ta chú ý vào một số vấn đề quen thuộc bị ám ảnh nhầm như kết quả kiểm tra và tỷ lệ tốt nghiệp. Tất cả những cái đó trên bất cứ nghĩa nào đều tầm thường. Điều thực sự quan trọng là liệu thế giới có được một nhân dân quyền năng, làm việc có kết quả, trong những thế hệ đang tới, một nhân dân có thể huy động tiềm năng của mình và thực thi trách nhiệm của mình một cách có ý nghĩa với một nền dân chủ thực sự.

Giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ xem lại các giả thuyết mang tính nền tảng. Mọi người thực sự học như thế nào? Mô hình lớp học chuẩn – những bài giảng ở trường và làm bài tập về nhà một mình vào buổi tối – vẫn còn có ý nghĩa trong thời đại  số hóa? Tại sao hoc sinh lại quên rất nhiều những cái được cho là họ đã “học được” ngay sau khi họ trả thi? Tại sao cảm giác về sự không liên quan giữa cái họ học trong trường và những cái họ làm ngoài đời ngày càng lớn? Đây chính là những câu hỏi cơ bản nhất chúng ta cần phải hỏi. Ngay cả như vậy, vẫn có một sự khác biệt rất lớn giữa than vãn về thực trạng của giáo dục với làm việc thực sự để thay đổi nó.

Năm 2004 – với sự tình cờ trong mức độ nào đó, mà tôi sẽ giải thích sau – tôi bắt đầu thí nghiệm một số ý tưởng và dường như chúng làm việc. Nhìn chung, đó là sự thể hiện mới của những nguyên lý đã được chứng minh từ lâu. Mặt khác, kết hợp với sự xuất hiện và  tiếp cận các công nghệ mới đã chỉ ra các khả năng để tư duy lại giáo dục như chúng ta vẫn biết.

Trong nhiều thí nghiệm khác nhau, một thí nghiệm đã có cuộc sống riêng của nó đó là việc tôi đưa lên mạng YouTube các bài học về toán. Tôi không biết làm thế nào là tốt nhất, cũng không biết liệu ý tưởng đó có làm việc không, không biết liệu có ai xem các bài học đó không. Tôi hành động theo cách thử đúng và sai (tất nhiên, sai lầm là cho phép) trong khuôn khổ hạn chế về thời gian áp đặt do đòi hỏi của công việc hàng ngày của người làm phân tích của một quĩ phòng vệ. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn vài năm, điều rõ ràng với tôi là niềm đam mê và cái nghiệp đời tôi là trong lĩnh vực giảng dạy trong không gian ảo; năm 2009 tôi bỏ việc để tập trung toàn bộ thời gian vào công việc mà sau này sẽ có hình dáng là Học viện Khan.

Nếu cái tên có vẻ to lớn như thế, thì nguồn lực cho cái cơ sở mới này lại bé nhỏ đến nực cười. Hoc viện chỉ có một máy tính giá trị 20 đô la với màn hình và phần mềm, một bảng viết bút giá 80 đô la; đồ thị và các phương trình được vẽ nguêch ngoạc bằng một chương trình miễn phí có tên là Microsoft Paint. Ngoài  các video, tôi dùng một số phần mềm đặt câu hỏi chạy trên trang mạng do tôi làm chủ với chi phí 50 đô la một tháng. Giáo viên, đội ngũ kỹ sư, nhân viên hành chính và phục vụ tất cả đều một mình tôi đảm nhiệm. Ngân sách là khoản tiền tiết kiệm của tôi. Phần lớn thời gian hàng ngày tôi măc áo thun giá 6 đô la quần vải bông nói chuyện với máy tính và dám ước mơ lớn.

Tôi không mơ thiết lập được một trang mạng phổ biến hay là một tia chớp trong thảo luận về giáo dục. Có lẽ tôi là một người ảo tưởng, nhưng tôi đã mơ thành lập một cái gì đó dài lâu và có tính biến đổi, một tổ chức cho thế giới có thể tồn tại vài trăm năm và giúp chúng ta tư duy lại một cách căn bản việc dạy học có thể thực hiện như thế nào.

Bây giờ, tôi nghĩ, là thời điểm đúng cho một cuộc đánh giá lại cơ bản như thế. Những cơ sở giáo dục và mô hình giáo dục mới xuất hiện vào những điểm ngoặt trong lịch sử. Harvard và Yale được thành lập không lâu sau khi quá trình thuộc địa hóa hoàn thành ở Bắc Mỹ. MIT, Stanford và các hệ thống đại học bang là sản phẩm của cuộc Cách mang Công nghiệp và công cuộc mở rộng lãnh thổ Mỹ. Chúng ta hiện giờ đang ở vào giai đoạn đầu của một điểm ngoặt lịch sử mà tôi tin rằng sẽ để lại nhiều hệ quả trong lịch sử: cuộc Cách mạng Thông tin. Và trong cuộc cách mạng này, tốc độ của sự thay đổi vô cùng tức tốc làm cho tư duy phản biện và sáng tạo sâu không còn là một lựa chọn, chúng không còn là xa hoa nữa mà trở thành kỹ năng sống còn. Chúng ta cũng không còn có thể chấp nhận rằng chỉ có một bộ phận nào đó của dân số thế giới được hưởng giáo dục đầy đủ. Với tất cả những ý nghĩ đó tôi đưa ra một sứ mệnh với một tham vọng khủng khiếp nhưng – với sự trợ giúp của các công nghệ đã có nhưng lại không được tận dụng một cách phi lý – là hoàn toàn có thể đạt được: Cung cấp giáo dục đẳng cấp thế giới cho bất cứ ai, tại bất cứ nơi nào, miễn phí.

Triết lý dạy học cơ bản của tôi ngắn gọn và cá tính một cách sâu sắc. Tôi muốn dạy theo cách mà bản thân tôi muốn được dạy khi đi học. Nói vậy, tôi hy vọng truyền một niềm hạnh phúc lớn lao của việc học, sự sảng khoái khi hiểu biết vũ trụ. Tôi muốn truyền cho người học không chỉ logic mà còn là vẻ đẹp của toán học và khoa học. Hơn nữa, tôi muốn làm điều đó theo cách hữu ích cho cả trẻ em học môn học lần đầu lẫn người lớn muốn làm mới lại kiến thức của mình; cho học sinh đang phấn đấu làm bài tập cũng như cho người lớn đang hy vọng giữ cho trí tuệ mình tích cực và linh hoạt.

Cái tôi không muốn là quá trình buồn tẻ thường diễn ra trong các lớp học – học thuộc lòng và nhớ các công thức nhằm hướng đến không phải cái gì dài lâu và có ý nghĩa hơn là có điểm tốt trong kỳ thi sắp tới. Không, tôi hy vọng giúp cho người học nhìn thấy những mối liên hệ, sự tiến triển giữa bài học này và bài học tiếp theo, phát triển trực giác của họ thay vi tiếp nhận thông tin, tiếp thu từng khái niệm mỗi lần, và làm chủ mỗi môn học. Nói gọn, tôi muốn phục hồi lại niềm hứng khởi – sự chủ động tham gia trong học tập và hứng khởi tự nhiên đi kèm với nó – điều mà các chương trình bình thường dường như đã làm cùn đi.

Trong những ngày đầu tiên của cái sẽ trở thành Học viện, tôi có một học trò, Nadia. Cô ấy tình cờ là em họ tôi.

Đến giữa năm 2012, Học viện Khan đã lớn lên không chỉ còn mình tôi. Chúng tôi đã giúp đỡ về giáo dục cho hơn sáu triệu người học mỗi tháng – nhiều hơn số người đã đến học tại Harvard tính từ khi thành lập trường vào năm 1636 đến nay hơn 10 lần – và con số này tăng 400 phần trăm mỗi năm. Các video đã được hơn 140 triệu lượt người xem và người học đã làm hơn nửa tỷ bài tập thông qua các phần mềm của chúng tôi. Cá nhân tôi đã đưa lên mạng hơn ba nghìn video bài giảng – tất cả đều miễn phí không thương mại – về nhiều môn học từ số học cơ sở đến toán cao cấp, từ vật lý đến tài chính đến sinh học, từ hoa học cho tới Cách mạng Pháp. Chúng tôi cũng tích cực thuê các nhà giáo dục và các chuyên gia phần mềm hàng đầu thế giới giúp đỡ. Học viện đã trở thành một sân giáo dục được sử dụng rộng rãi nhất trên mạng được tạp chí Forbes miêu tả là “một trong những câu chuyện mà không hiểu sao không ai nghĩ đến đang trở thành một tổ chức giảng dạy có ảnh hưởng mạnh nhất hành tinh”. Bill Gates đã đưa ra sự đánh giá cao khi công khai thừa nhận ông đã dùng trang mạng của chúng tôi để giúp con ông học toán.

Cuốn sách này, một phần, là câu chuyện về sự lớn lên và được tiếp nhận nồng nhiệt đặc biệt của trang khanacademy.org – và quan trọng hơn là sự lớn lên đó nói cho chúng ta biết điều gì về thế giới mà chúng ta đang sống.

Chỉ ít năm trước, Học viện Khan mới được một nhóm nhỏ học sinh trung học cơ sở biết đến – đó là họ hàng và những người bạn của gia đình. Làm thế nào và tại sao chỉ từ một nhóm nhỏ thân hữu ban đầu danh tiếng của trang này lại lan truyền ra toàn cầu đến những người thuộc mọi lứa tuổi và hoàn cảnh kinh tế, những người khát khao học tập? Tại sao các học sinh lại nói với bạn mình về trang này và còn nói với cả giáo viên của họ nữa? Tại sao các giáo viên lại nói về nó với trưởng bộ môn của mình?  Tại sao cha mẹ không chỉ dùng trang này để giúp con em họ học tập mà còn dùng nó để làm mới trí nhớ và tạo hứng thú học tập cho chính họ?

Hỏi gọn là nhu cầu nào chưa được thỏa mãn đã được Học viện đáp ứng?

Tại sao Học viện có thể động viên và khích lệ học sinh theo cách mà các chương trình phổ biến không làm được? Về kết quả, liệu chúng tôi có thể chứng minh bằng số liệu thực rằng Học viện đã giúp đỡ được mọi người học tập?  Nó có thực sự nâng cao điểm số thi kiểm tra? Quan trong hơn, có đúng cách dạy của Học viên giúp người học giứ được sự hiểu biết thực sự lâu bền hơn? Có đúng cách dạy đó thưc sự giúp học sinh một cách nhất quán vượt ra ngoài khuôn khổ đánh giá theo thang điểm trong nhà trường? Liệu các video bài giảng và các phần mềm giao tiếp hữu ích nhất như các phương tiện bổ sung cho lớp học truyền thống hay nó đang chỉ ra một đường lối giáo dục tương lai khác về chất – trên tất cả đó là chủ động và theo tốc độ của bản thân người học?

Đối với mỗi cá nhân người học, tám hay tám mươi tuổi, mỗi video bài hoc tiếp theo luôn là một khám phá cá nhân. Mỗi nhóm vấn đề hay bài tập tiếp theo luôn tạo ra những thách thức mà mỗi cá nhân tiếp cận theo nhịp độ riêng của mình; không có bất cứ sự xấu hổ hay kì thị nào bởi vì tiến bộ chậm chạp; không có những thời điểm sợ hãi khi lớp học phải tiếp tục. Các video được lưu trữ sẽ không biến mất và học sinh có thể xem lại nhiều bao nhiêu như họ cần. Lỗi lầm được cho phép! Học sinh không phải sợ hãi vì thầy cô giáo đang thất vọng nhìn qua vai hay vì đã tỏ ra đần độn trước con mắt của các bạn cùng một lớp.

Tôi đam mê tin tưởng rằng Học viện Khan là một công cụ ít nhất cho phép một mô hình gần đúng chỉ ra giáo dục tương lai phải như thế nào – đó là sự kết hợp nghệ thuật giảng dạy với khoa học trình bày thông tin và phân tích số liệu; khoa học thực hiện các chương trình rõ ràng nhất, cho tất cả mọi đối tượng, thích đáng nhất với chi phí thấp nhất có thể. Tôi có nhiều lý do để tin như thế cả về mặt công nghệ lẫn kinh tế. Nhưng có lẽ điều thuyết phục nhất chính là các phản hồi chúng tôi nhận được từ những người học.

Trong vài năm qua chúng tôi đã nhận được hàng nghìn bức thư phản hồi điện tử từ những người học đã hưởng lợi từ Học viện. Những lời xác nhận này đến từ các thành phố của Châu Âu,  từ những khu phố ngoại ô của nước Mỹ, từ những xóm làng của Ấn Độ và từ các thị trấn ở Trung Đông nơi những cô gái nhiều khi phải bí mật nỗ lực để có được giáo dục. Một số bức thư ngắn và buồn cười; một số khác rất chi tiết và cảm động; một số tác giả các bức thư là các em nhỏ đang phải vật lộn ở trường học và có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân; số khác là những người lớn đang lo lắng họ bị mất khả năng học tập.

Tát cả những bức thư đó làm nổi lên một số chủ đề. Rất nhiều trẻ em thông minh và ham học đang bị đối xử không tốt bởi thực tế giáo dục của các em – tại các trường giàu có và tinh hoa cũng như tại các trường nghèo. Có quá nhiều trẻ em bị tổn thương niềm tin; thậm chí nhiều học sinh được coi là “thành công” đã thừa nhận rằng các em đạt điểm tốt nhưng không học được bao nhiêu. Trẻ em cũng như người lớn thấy tính tò mò ham hiểu biết của mình bị mất đi bởi vì sự buồn chán trong lớp học hay tại nơi làm việc và bởi sự ầm ỹ liên tục không nghỉ của cái văn hóa đại chúng bãi rác.

Đối với những người này, Học viện Khan là một thiên đường một nơi để di tản, nơi mà họ có thể làm cho họ những điều mà lớp học và chỗ làm việc không làm được. Liệu xem các bài giảng qua video và sử dụng các phần mềm giao tiếp có làm cho con người ta thông minh hơn? Không. Nhưng, tôi lập luận rằng chúng giúp làm một số việc tốt hơn: tạo môi trường cho phép con người ta tự do tò mò, cho lòng ham học tự nhiên được thể hiện vì thế họ có thể hiện thực hóa cái thông minh sẵn có của họ.

Hơn tất cả, chính những lời phản hồi của người học đã thuyết phục tôi viết cuốn sách này. Tôi nghĩ về nó như một bản tuyên ngôn – trên cả hai phương diện một lời tuyên bố của cá nhân và cũng là lời kêu gọi xung trận. Giáo dục chính thống phải thay đổi. Nó phải sánh bước với thế giới như thế giới đang là; phải hài hòa với cách học tập và phát triển thực sự của con người.

Khi nào và ở đâu con người có thể tập trung tốt nhất? Câu trả lời tất nhiên là tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Có người sắc sảo nhất vào buổi sáng; có người tiếp thu tốt nhất vào lúc đêm khuya. Có người chỉ có thể tập trung trong phòng yên tĩnh, người khác chỉ có thể suy nghĩ rõ ràng trong tiếng nhạc hay trong tiệm cà phê ồn ào. Với sự đa dạng như thế, tại sao chúng ta vẫn nhất quyết rằng phần nặng nhất của dạy và học phải thực hiện trong lớp học với nhịp độ vô cảm của chuông báo giờ bắt đầu và kết thúc.

Công nghệ có sức mạnh giải phóng chúng ta khỏi những hạn chế đó, làm giáo dục trở nên chuyển động, linh hoạt và mang tính cá nhân; tăng cường sáng kiến và trách nhiệm cá nhân; phục hồi lại niềm vui thích săn tìm kho báu cho quá trình học tập. Công nghệ cũng mang lại một lợi ích tiềm năng khác đó là  Internet làm cho tiếp cận giáo dục trở nên rất, rất dễ dàng, vì thế tri thức và cơ hội được chia sẻ rộng rãi và công bằng hơn rất nhiều. Chất lượng giáo dục không còn phụ thuộc vào trường sở. Không còn những lý do kinh tế ngăn cản trẻ em ở khắp mọi nơi không được tiếp cận những bài học như bài học của con Bill Gates.

Có một câu nói từ xa xưa đời là trường học. Nếu câu nói này đúng thì điều sau đây cũng đúng, thế giới của chúng ta đang trở nên nhỏ bé hơn, mọi người trên thế giới trở nên kết nối với nhau không thể chia tách, bản thân thế giới trở thành một ngôi trường lớn bao trùm tất cả. Trong ngôi trường đó có người trẻ hơn, có người già hơn, có người gần hơn, có người xa hơn với giáo dục trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Tại mỗi thời điểm, chúng ta vừa là học trò vừa là thầy giáo; chúng ta học bằng nghiên cứu nhưng cũng học bằng cách giúp đỡ người khác thông qua việc chia sẻ và giảng giải những điều ta biết.

Tôi thích nghĩ về Học viện Khan chính là thực tế ảo của cái ngôi trường toàn thế giới đó. Ở đó mọi người đều được chào đón, tất cả được mời dạy và học, tất cả được khuyến khích làm điều đó một cách tôt nhất họ có thể. Thành công tự xác định mình; chỉ có một thất bại đó là đầu hàng. Về bản thân mình, tôi đã học được rất nhiều từ Học viện cũng như đã dạy rất nhiều. Tôi đã nhận lại được rất nhiều – sự thỏa mãn về trí tuệ, làm mới tính tò mò, cảm giác kết nối với các bộ óc khác, với mọi người – nhiều hơn những gì tôi đóng góp. Niềm hy vọng của tôi là mỗi học viên của Học viện và mỗi bạn đọc của cuốn sách này cũng sẽ có cơ hội để nói như vậy.

Người dịch: Đào Minh Châu.