Nhân dịp ở Việt Nam mình vừa có kết quả kỳ thi THPT, cũng như còn chưa tới một tháng nữa là bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, tôi xin giới thiệu với mọi người một mẫu đề thi đại học hết sức độc đáo và gợi mở nhiều suy nghĩ về triết lý giáo dục.

Đây là bộ đề tuyển sinh năm học 2014-2015 của trường đại học Bard College nằm tại tiểu bang New York của nước Mỹ. Dù có sĩ số sinh viên khá khiêm tốn là chỉ hơn 2,000 người, nhưng trường Bard College hiện đang ở trong top 40 trường đại học tốt nhất nước Mỹ, và được đánh giá là một trong những trường có quy trình tuyển sinh thuộc hàng khó nhất cả nước. Kể từ năm 2013, bên cạnh việc tuyển sinh theo cách truyền thống của Mỹ bấy lâu nay là xét tuyển hồ sơ (bao gồm bài luận tự giới thiệu, học bạ cấp 3, điểm thi SAT/ACT, danh sách hoạt động ngoại khóa, v.v.) thì trường Bard còn đưa ra thêm một lựa chọn khác dành cho các học sinh nào cảm thấy mình không phải là con ngoan trò giỏi theo các tiêu chí kể trên, nhưng lại có khả năng hay đam mê đặc biệt. Đó là việc vượt qua được bộ đề thi đại học có lẽ là khó nhất quả đất. Trong năm 2013 vừa qua, đã có 41 em học sinh mạnh dạn làm đề thi này trong số gần 7,000 người nộp đơn vào trường Bard, và kết quả là có 17 người được nhận, trong đó trẻ nhất là 15 tuổi, còn lớn nhất là 19.

Quy chế của đề thi này là như sau: Thí sinh phải chọn ra 4 trong số 21 câu hỏi được đăng trên website của trường (http://www.bard.edu/bardexam/). Các câu hỏi này được chia làm 3 nhóm, và thí sinh phải chọn ra ít nhất 1 câu hỏi từ mỗi nhóm. Chiều dài hợp lý cho mỗi câu trả lời là khoảng 2,500 từ, trừ các câu hỏi yêu cầu giải toán (câu C1 và C3) hay yêu cầu sáng tác nhạc (câu B2). Thời gian để thí sinh làm bài thi là từ ngày 2-6 cho đến ngày 1-11 năm nay. Nếu em nào được điểm bình quân là B+ trở lên (có lẽ là tương đương 7.5-8 điểm của Việt Nam) thì sẽ được tuyển thẳng vào trường. Em nào chỉ được B thì sẽ phải nộp đơn theo kiểu truyền thống như các bạn khác, nhưng việc được điểm B sẽ là lợi thế đáng kể trong lúc xét tuyển hồ sơ.

Sau khi dịch và xem qua các câu hỏi, thì tôi có mấy nhận xét như thế này:

–        Các câu hỏi về phần chính trị – xã hội đòi hỏi thí sinh phải có tư duy phản biện và phê phán sâu sắc, cũng như hiểu biết về thực tại xã hội để so sánh và đối chiếu với các lý thuyết được nêu ra trong đề. Với tư cách là một người có kinh nghiệm làm việc trong ngành báo chí, tôi cũng thực sự sửng sốt về chiều sâu của những câu hỏi này.

–        Không có “vùng cấm” nào trong nội dung ra đề: các đề tài như bất bình đẳng xã hội, Liên Hiệp Quốc hay Hiến pháp đều có thể được đưa ra mổ xẻ và bàn luận thoải mái, thậm chí có cả câu yêu cầu viết lại Quốc ca. Đây thực sự là bằng chứng của triết lý giáo dục tự do và khai phóng tư duy con người.

–        Các câu hỏi trong phần nghệ thuật không dừng ở mức yêu cầu thí sinh chỉ biết tầm chương trích cú hay bình luận tác phẩm mà còn phải biết nhìn rộng ra về những vấn đề ở tầm cao hơn và biết sử dụng kiến thức triết học để phân tích (nghệ thuật – nhân sinh, chân – thiện – mỹ, v.v.). Có cả câu hỏi về cảm nhận hội họa và nhiếp ảnh, điều mà chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta hoàn toàn chưa hề có.

–        Các câu hỏi trong phần khoa học không dừng lại ở phần yêu cầu học sinh phải biết áp dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề mà còn đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ được quy trình nghiên cứu khoa học, thậm chí là còn đi vào cả những vấn đề cốt lõi của triết lý khoa học (điển hình là câu hỏi về Thiên Vương Tinh). Học sinh không chỉ được yêu cầu phải hiểu và phân tích được những bài báo và công trình khoa học mà còn phải dám đặt ra nghi ngờ và phản biện lại bằng cách tiếp cận riêng của mình. Nói cách khác, học sinh không chỉ dừng ở việc biết cách “đứng trên vai những người khổng lồ” mà còn phải dám “đạp đổ” những người khổng lồ này nếu thấy cần thiết.

Việc có những em học sinh ở độ tuổi 15-19 vượt qua được kỳ thi này là bằng chứng cho thấy rằng ở nước Mỹ thực sự có những thiếu niên cùng lúc có hiểu biết sâu rộng cũng như tư duy sắc bén về các lĩnh vực lịch sử, chính trị – xã hội, nghệ thuật và khoa học. Một quốc gia mà có những người trẻ tuổi như vậy thì liệu còn có điều gì mà họ không thể làm được?

Nhóm A: Chính trị, Triết học & Xã hội

Câu 1: “Bàn về quyền được nói dối” là tên một bài luận của triết gia người Đức Immanuel Kant, trong đó ông trả lời một nhà phê bình mang tên Benjamin Constant. Bài luận này thể hiện khá nhiều tư tưởng quan trọng của Kant, và do đó thường xuyên được đính kèm làm phụ lục cho cuốn “Phê phán lý tính” của ông. Constant đã đặt ra câu hỏi là nếu căn cứ theo lý thuyết của Kant, thì không lẽ nếu 1 kẻ sát nhân định tìm giết hàng xóm của ta và đến hỏi ta về vị trí của người hàng xóm thì ta vẫn có trách nhiệm phải nói đúng sự thật cho hắn chứ không được nói dối? Sau khi xem câu trả lời của Kant, em hãy cho biết là:

(a) Kant đã trả lời Constant như thế nào

(b) Ý của Kant là gì khi ông nói rằng chúng ta thực ra không được quyền lựa chọn là có nên nói thật hay không?

(c) Ý của Kant là gì khi trong đoạn kết ông viết rằng “các ngoại lệ sẽ xóa bỏ tính phổ quát”? Tại sao Kant cho rằng đây là một điểm rất quan trọng? Theo em thì nó có thực sự quan trọng đến như vậy hay không?

Câu 2: Sau khi xem xong bản Hiến pháp Mỹ (http://www.archives.gov/exhibits/charters/constitution_transcript.html) cũng như Tuyển tập Luận cương về Thể chế Liên bang (Federalist Papers), em hãy cho biết ý kiến của mình về việc liệu Hiến pháp có còn là công cụ hữu hiệu nhất để xây dựng nên nền tảng cho các hoạt động của bộ máy nhà nước hay không? Em hãy tham khảo nội dung Hiến pháp cũng như Tuyển tập Luận cương để đưa ra câu trả lời của mình về vấn đề này. Theo em thì liệu có mâu thuẫn nào giữa hoàn cảnh ra đời Hiến pháp so với thực tại nền chính trị hiện nay?

Chú thích của người dịch: Tuyển tập Luận cương Liên bang là tập hợp 85 bài luận nói về việc tổ chức nhà nước Mỹ cũng như việc tại sao nước Mỹ cần phải có Hiến pháp. Tác giả của các bài luận này là ba vị học giả kiêm chính trị gia hàng đầu nước Mỹ vào thời điểm lập quốc là Alexander Hamilton (Tham mưu trưởng của George Washington kiêm Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ), James Madison (người soạn thảo 10 Tu chính án Hiến pháp đầu tiên cũng như là tổng thống thứ tư của Mỹ) và John Jay (người ký hiệp định Paris với đế quốc Anh để chính thức chấm dứt chiến tranh cách mạng Mỹ, cũng như là vị Chánh án Tòa án Tối cao đầu tiên của Mỹ).

Câu 3: Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử có nói rất nhiều về chữ Nhân, vốn được thể hiện qua nhiều thái độ và hành vi khác nhau. Tuy nhiên, Khổng Tử cũng nói rằng là có một tư tưởng chung xuyên suốt qua những lời dạy của ông. Cho đến nay, giới học giả vẫn còn đang bàn cãi về điều này. Theo em thì tư tưởng đó là gì? Tại sao nó có thể đóng vai trò thống nhất được một loạt các giá trị đạo đức được bàn tới trong Luận ngữ? Em hãy trích dẫn và diễn giải những đoạn trong Luận ngữ để minh chứng cho quan điểm của mình.

Câu 4: Tình trạng gia tăng bất bình đẳng tài sản hiện đang là đề tài thảo luận sôi nổi trong dư luận nước Mỹ. Bên cạnh đó, việc có cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình cũng được xem là một quyền quan trọng của con người. Em hãy cho biết ý kiến của mình về việc liệu bảo đảm bình đẳng kinh tế có nên là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách hay không. Giả sử em là một nhà hoạch định chính sách ở tầm quốc gia (có thể là Mỹ hay là quê nhà của em), em sẽ sử dụng những luận điểm kinh tế như thế nào để bảo vệ quan điểm của mình?

Câu 5: Vào năm 1919, triết gia kiêm sử gia Max Weber đã có 2 bài giảng dành cho các sinh viên Đức, vốn đang hoang mang sau thất bại của nước Đức trong Thế chiến thứ Nhất. Với tên gọi là “Chính trị như một nghề chuyên môn” và “Khoa học như một nghề chuyên môn”, 2 bài giảng này đã đề cập đến các vấn đề về bản chất của giáo dục, học thuật cũng như chính trị. Em hãy đọc kỹ 2 bài giảng này và phân tích một luận điểm của Weber mà em cảm thấy là mình muốn bày tỏ ý kiến nhất (đồng ý hoặc không đồng ý). Theo em thì các quan điểm của Weber có còn phù hợp trong thời đại ngày nay hay không, khi mà gần cả 1 thế kỷ đã trôi qua?

Chú thích của người dịch: Max Weber được xem là một trong 3 ông tổ của ngành xã hội học hiện đại, bên cạnh Emile Durkheim và Karl Marx. Ông là người đưa ra định nghĩa về nhà nước là thực thể được hợp pháp độc quyền bạo lực, cũng như quan điểm về xu hướng tất yếu của xã hội loài người là tiến đến mô hình nhà nước pháp quyền.

Câu 6: Liên Hiệp Quốc là một tổ chức được thành lập bởi các nước thắng trận trong Thế chiến thứ 2, trong đó Hội đồng Bảo an là cơ quan đóng vai trò chủ chốt. Liệu một cơ quan được lập nên từ năm 1945 và liên tục chịu sự chi phối của 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) có còn khả năng đáp ứng với những thách thức toàn cầu hiện nay hay không? Làm sao để cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm bảo đảm quyền lợi của các nước thành viên khác, cũng như tính hiệu quả của cả Liên Hiệp Quốc? Để trả lời câu này, em có thể tham khảo Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như một bản báo cáo của cựu Tổng Thư ký Kofi Annan viết vào năm 2005.

Nhóm B: Văn học & Nghệ thuật

Câu 1: Trong tác phẩm “ABC of Reading” của mình, nhà thơ Ezra Pound có nói rằng: “Ai mà quá lười biếng tới mức không muốn mất công tìm tòi thêm một chút để hiểu được tác phẩm của Chaucer thì không bao giờ xứng đáng được đọc sách hay nữa”. Em hãy đọc “Chuyện kể người đi xá tội” (http://www.librarius.com/cantales/pardotal.htm) của Chaucer và từ đó cho biết ý kiến của mình về câu nói của Pound. Trong câu trả lời của mình, em cũng cần phải so sánh tác phẩm của Chaucer với ít nhất một tác phẩm khác cùng thời, chẳng hạn như “Anh dân cày Piers” (http://www.ancientgroove.co.uk/books/PiersPlowman.pdf) của William Langland hay “Trường ca hiệp sĩ Roland” (http://www.gutenberg.org/cache/epub/391/pg391.html).

Chú thích của người dịch: Geoffrey Chaucer (1343-1400) là một nhà văn thời Trung cổ của nước Anh, và được xem là cha đẻ của nền văn học Anh ngữ. Ezra Pound (1885-1972) là một trong những nhà thơ kiêm nhà phê bình vĩ đại nhất của văn học Mỹ, với công lao phát hiện lăng xê những tên tuổi như Ernest Hemingway, Robert Frost, James Joyce và T.S. Eliot.

Câu 2: Nhiều người hay than phiền rằng quốc ca Mỹ hiện nay vừa khó nhớ lại vừa khó hát, và phần lời cũng không phải là có ý nghĩa cho lắm. Em hãy viết một bản quốc ca mới theo phong cách tự chọn, với phần lời dựa trên đoạn mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ:

“Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn trái đất vị thế độc lập và bình đẳng mà các quy luật của tự nhiên và Thượng đế đã ban cho họ, thì sự tôn trọng đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi họ phải tuyên bố những nguyên nhân đã dẫn họ đến quyết định đó.

Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.” (dựa theo bản dịch trên Wikisource)

Câu 3: Tác phẩm “Cái mũi” (http://www.gutenberg.org/files/36238/36238-h/36238-h.htm#Page_67) của Nikolai Gogol (viết năm 1835) được xem là một trong những tác phẩm hài hước xuất sắc nhất của nền văn học Nga. Đây là truyện ngắn kể về một người đàn ông sáng sớm thức dậy bỗng dưng không thấy cái mũi của mình ở đâu cả. Trong phần dẫn chuyện, Gogol đã viết rằng “Điều khó hiểu nhất là tại sao có tác giả nào lại đi chọn một đề tài như vậy”. Kể từ thời Hy Lạp cổ đại, các học sinh đã được dạy rằng phải biết chắt lọc trí tuệ từ các tác phẩm văn học. Theo em thì em có thể học được gì từ những câu chuyện có vẻ mang đầy chất phi lý như “Cái mũi”?

Câu 4: Liệu một bức họa hay một tấm ảnh có giá trị bằng 1,000 từ ngữ thật hay không? Em hãy chọn ra 3 tác phẩm từ trang này (http://www.bard.edu/bardexam/question4/) và từ đó dành ra dưới 1,000 từ cho từng tác phẩm để giải thích ý nghĩa của tác phẩm đó cũng như ý định của tác giả.

Câu 5: Từ lâu nay, các tác giả cũng như nhà phê bình đã đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau về quan hệ giữa 2 khái niệm Chân (sự thật) và Mỹ (cái đẹp) trong nghệ thuật. Theo em thì mối quan hệ đó là như thế nào? Để trả lời câu này, em có thể tham khảo tác phẩm “Tìm hiểu nguồn gốc những ý tưởng về cái đẹp của chúng ta” của triết gia người Ireland Edmund Burke (http://www.gutenberg.org/files/15043/15043-h/15043-h.htm).

Câu 6: Em hãy đọc tác phẩm “Bắt trói Prometheus” của nhà biên kịch người Hy Lạp cổ đại Aeschylus (http://www.gutenberg.org/files/27458/27458-h/27458-h.htm). Tại sao các vị thần trên đỉnh Olympus lại quyết định trừng phạt Prometheus vì đã dạy cho loài người biết cách làm ra lửa?

Câu 7: Cuốn tiểu thuyết “Frankenstein” của nữ nhà văn Mary Shelley (http://www.gutenberg.org/files/84/84-h/84-h.htm) là một tác phẩm rất nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, nhờ đã được nhiều lần chuyển thể thành phim. Tuy nhiên, tác phẩm này không chỉ đơn giản là kể về câu chuyện của con quái vật Frankenstein, mà còn chứa đựng nhiều tư tưởng triết học sâu sắc. Theo em thì “Frankenstein” mang tính triết học ở những khía cạnh nào? Quan điểm của tác phẩm về bản chất cũng như lý trí của con người là ra sao?

Nhóm C: Toán & Khoa học

Câu 1: Em hãy xem xét trò chơi này mang tên “Đừng quá tham lam”, trong đó 2 người chơi thay phiên nhau lấy sỏi từ một đống sỏi trên bàn, với các luật chơi như sau:

(a) Ai lấy ra viên sỏi cuối cùng là người chiến thắng

(b) Trong lượt đi đầu tiên của mình thì không ai được phép lấy hết sỏi ra khỏi bàn

(c) Số sỏi được rút trong một lượt không được phép nhiều hơn số sỏi đã rút trong lượt trước đó.

Giả sử đống sỏi này có 12 viên, thì theo em ai sẽ là người chiến thắng trò chơi này, nếu giả sử là cả 2 bên đều lựa chọn chiến lược tối ưu của mình?

Câu 2: Em hãy đọc bài báo khoa học này (http://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1205037) nói về chuyện sử dụng phương pháp cấy ghép phân người để chữa nhiễm khuẩn Clostridium difficile (chú thích: đây là loại vi khuẩn gây bệnh viêm đại tràng màng giả). Dựa theo những gì được nêu trong bài báo, em hãy thiết kế một thí nghiệm để kiểm tra xem là chúng ta có thể sử dụng một vi sinh vật khác từ cơ thể người để điều trị một căn bệnh khác được hay không.

Câu 3: Tại sao việc tìm thừa số nguyên tố lại là một vấn đề rất khó trong ngành toán-tin?

Chú thích của người dịch: Việc tìm thừa số nguyên tố là nền tảng của thuật toán mã hóa RSA, một trong những thuật toán mã hóa an toàn nhất cho tới thời điểm này. Một ví dụ cụ thể là vào năm 2007, một hệ thống mạng máy tính của 3 trường đại học tại Thụy Sĩ, Đức và Nhật đã phải mất tới 11 tháng cùng hợp lực để tìm được thừa số nguyên tố của một con số có 307 chữ số.

Câu 4: Nguồn gốc của hiện tượng bất đối xứng hay không trùng vật – ảnh (chirality) là một câu hỏi luôn thường trực trong rất nhiều chuyên ngành của các ngành khoa học tự nhiên. Chúng ta đã biết rõ về cấu trúc của các dạng phân tử như protein, enzyme, DNA và RNA là được cấu tạo từ các loại amino acid và đường mang tính chirality. Trong một chuỗi bài báo khoa học gần đây, Ronald Breslow và các cộng sự của mình đã thực hiện một số thí nghiệm cho thấy là việc hình thành chirality có thể chịu ảnh hưởng từ các amino acid đặc biệt, như đã được phát hiện thấy trong hòn thiên thạch Murchison được khám phá tại Australia vào năm 1969. Em hãy đọc kỹ các bài báo đó và từ đó thiết kế ra một thí nghiệm có thể chứng minh hoặc phủ định quan điểm của Breslow.

Các bài báo của nhóm Breslow:

http://www.pnas.org/content/103/35/12979.full.pdf

http://www.pnas.org/content/107/13/5723.full.pdf

http://www.pnas.org/content/early/2009/05/28/0904350106.full.pdf

Câu 5: Trong một công trình nghiên cứu vào năm 1970 của mình, tiến sĩ Francis Crick (một trong những cha đẻ của mô hình DNA) đã bảo vệ thành công những quan điểm của ông về các nguyên lý cơ bản của sinh học phân tử, trong đó ông nói về việc chuyển giao thông tin giữa DNA-RNA-protein như thế nào. Dựa theo công trình của Crick, em hãy giải thích là các căn bệnh prion (được phát hiện bởi tiến sĩ Stanley Prusiner, người đã nhận giải Nobel năm 1997 nhờ thành tựu này) có thể được phân loại như thế nào dựa trên các nguyên lý cơ bản. Em cũng hãy giải thích tại sao cơ chế lây nhiễm prion là rất khó có thể chứng minh bằng phương pháp thí nghiệm.

Công trình của Crick: http://profiles.nlm.nih.gov/ps/access/SCBCCH.pdf

Công trình của Prusiner: http://www.pnas.org/content/95/23/13363.full.pdf

Chú thích của người dịch: Prion là một loại protein có khả năng tự sinh sản không ngừng và lây nhiễm từ chủ thể này sang chủ thể khác, từ đó có khả năng gây ra tác hại đối với hệ thần kinh. Công trình được giải Nobel của tiến sĩ Prusiner chính là nói về việc prion là tác nhân gây ra bệnh bò điên như thế nào.

Câu 6: Đây là một bản báo cáo về việc dự án DeepQA của hãng IBM đã xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo Watson như thế nào để giành được chức vô địch trong trò chơi truyền hình Jeopardy!: http://www.aaai.org/Magazine/Watson/watson.php. Dựa trên những gì được nêu ra trong bản báo cáo này, em hãy giải thích tại sao máy tính có thể đánh bại con người trong một số trò chơi nhất định, nhưng lại không thể làm vậy trong những trò khác.

Câu 7: Trong một bài giảng vào năm 1963 (http://www.feynmanlectures.caltech.edu/I_07.html), nhà vật lý được giải Nobel Richard Feynman có kể về việc vào thế kỷ 19 thì giới vật lý thiên văn đã để ý quỹ đạo chuyển động kỳ lạ của Thiên Vương Tinh, từ đó đi đến việc phát hiện ra một hành tinh mới trong hệ Mặt trời là Hải Vương Tinh. Diễn giải một cách cụ thể hơn thì khi các nhà thiên văn nhận thấy rằng chuyển động của Thiên Vương Tinh không ăn khớp với các tính toán lý thuyết, họ đã đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng này là do tác động từ trọng lực của một hành tinh khác nằm gần đó. Giới vật lý đã tính toán vị trí của hành tinh này, và sau đó khi các đài thiên văn tập trung quan sát vị trí đó thì họ đã phát hiện được Hải Vương Tinh.

Em hãy tưởng tượng thử là chuyện gì sẽ xảy ra nếu như các đài thiên văn không phát hiện ra được một hành tinh nào ở vị trí đó? Một bất ngờ như vậy sẽ đặt ra những câu hỏi như thế nào đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học? Làm sao để họ có thể kiểm chứng được những giả thuyết khác về quỹ đạo chuyển động của Thiên Vương Tinh?

Câu 8: Theo em thì tại sao đoạn văn dưới đây lại mang tính chất khoa học chứ không phải là văn chương? (đoạn cuối cùng trong cuốn “Nguồn gốc muôn loài” của Charles Darwin)

“Thật thú vị làm sao khi chúng ta thưởng ngoạn một bờ sông nhộn nhịp được bao phủ bởi nhiều loại cây cỏ, rồi được nghe tiếng chim hót trong bụi cây, thấy lũ côn trùng bay lượn qua lại, rồi lại hình dung tiếp những con giun đang bò lổm ngổm dưới lòng đất ẩm ướt; để rồi ta chợt nhận ra rằng những cơ thể sống phức tạp như vậy, vốn vừa khác biệt nhau nhưng cũng lại vừa phụ thuộc vào nhau theo đủ cách phức tạp, là đều được tạo nên bởi những quy luật đang vận hành quanh ta. Nếu diễn đạt một cách tổng thể thì những quy luật đó chính là Tăng trưởng đi kèm với Sinh sản; Thừa kế, vốn là một hệ quả của Sinh sản; Biến dị tùy theo các tác động trực tiếp và phi trực tiếp từ bên ngoài, cũng như việc sử dụng hay bỏ mặc một bộ phận nào đó; Tốc độ Gia tăng dân số cực nhanh dẫn tới việc Đấu tranh Sinh tồn, từ đó kéo theo Chọn lọc Tự nhiên, từ đó dẫn tới việc Phân ly các tính trạng và sự Tuyệt chủng của các cá thể kém phát triển hơn. Như vậy, cuộc chiến trong lòng thế giới tự nhiên, đi kèm với những cơn đói và cái chết, chính là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tạo thành những hình thái động vật bậc cao hơn. Từ cái nhìn này, chúng ta nhận ra vẻ lộng lẫy của Sự sống cùng với những sức mạnh của nó, vốn đã được trao cho một hay vài dạng sinh vật nguyên thủy; và ta cũng nhận ra rằng, trong khi từ xưa đến nay hành tinh này vẫn tiếp tục quay vòng theo những định luật bất biến về trọng lực, thì có vô kể các dạng sinh vật đẹp đẽ và tuyệt vời nhất vẫn đang không ngừng tiếp tục tiến hóa từ một khởi đầu rất đỗi bình thường”.

Trần Tuấn Minh

Biên dịch và chú thích

10-6-2014