Kì thi đầu vào (Joint Entrance Examination JEE) của Học viện Công nghệ Ấn Độ (Indian Institutes of Technology IIT) có lẽ là kì thi mang tính cạnh tranh nhất trên thế giới. Trong năm 2012, nửa triệu học sinh trung học Ấn Độ tham dự JEE. Hơn sáu tiếng kiệt sức với các câu hỏi về hóa học, vật lý, và toán học, các sinh viên sẽ giành lấy một trong mười nghìn suất tại các trường đại học kĩ thuật có uy tín nhất của Ấn Độ.

Khi các sinh viên hoàn thành kỳ thi, đó là kết thúc của một quá trình học tập hơn hai năm. Hầu hết các sinh viên đều dành bốn giờ một ngày học các đề tài khoa học nâng cao mà không được dạy ở trường, họ thường thức dậy trước bốn giờ sáng để tham dự các lớp huấn luyện trước khi bắt đầu đi học.

Phần thưởng là một suất tại một trường đại học mà các sinh viên không hề cường điệu khi ví von điều đó như “một tấm vé đổi đời.” Các Học Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) là một hệ thống các trường đại học kĩ thuật ở Ấn Độ có thể sánh với Học viện Công nghệ Massachusetts hoặc Học viện Công nghệ California về sự uy tín và chặt chẽ. Cựu sinh viên của trường bao gồm nhà đồng sáng lập Vinod Khosla của Sun Microsystems, nhà đồng sáng lập Narayana Murthy của gã phần mềm khổng lồ Infosys, và cựu Giám đốc điều hành Arun Sarin của Vodafone. Các con đường phổ biến sau khi tốt nghiệp bao gồm theo đuổi  bằng MBA hoặc những bằng cấp sau đại học tại những trường đại học danh giá của Ấn Độ và phương Tây; hoặc nhận được những lời mời của các nhà tuyển dụng như McKinsey và Morgan Stanley  ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Trợ cấp của chính phủ có thể giúp bất cứ sinh viên nào đủ tiêu chuẩn cũng học được ở IIT. Kì thi tuyển sinh JEE là tiêu chí tuyển sinh duy nhất –  chương trình ngoại khóa, bài luận cá nhân, tên họ, và gần đây, ngay cả bảng điểm trung học, tất cả đều không liên quan . Các thí sinh đạt điểm cao sẽ được nhận nhập học, trong khi phần còn lại thì không.

Điều này có nghĩa là bài kiểm tra sẽ cuốn các sinh viên từ nền tảng kinh tế xã hội thấp nhất gia nhập vào đội ngũ những tinh hoa toàn cầu chỉ trong một buổi chiều. Toàn bộ các gia đình chờ đợi bên ngoài các trung tâm tuyển sinh như thể họ cũng tham gia vào việc học, làm bài kiểm tra giống như những đứa con mà họ đã đặt toàn bộ hy vọng vào đó. Có trường hợp đặc biệt, cha mẹ đã bán đất đai để thuê thuê gia sư luyện thi JEE cho con.

Chỉ có 2% sinh viên sẽ được tưởng thưởng cho sự chăm chỉ cật lực của họ. Trong năm 2012, Harvard nhận vào 5,9% đơn xin nhập học. Những trường kĩ thuật hàng đầu MIT và Stanford có tỷ lệ chấp thuận là 8,9% và 6,63%. Nhưng tỉ lệ chấp thuận của những học viện thuộc IIT chỉ là 2%, và đó cũng là tỉ lệ vượt qua được JEE. Hàng năm, khi những kết quả được công bố và các phương tiện truyền thông vây quanh những sinh viên được nhận vào, và 490.000 sinh viên nhận được tin tức đáng thất vọng.

Hoa Kì có những “mẹ hổ”, có các lớp luyện thi SAT, và các trường mầm non chuyên Manhattan. Nhưng kì thi JEE đã đẩy cuộc đua cho giáo dục lên một tầm cao hơn. Nó tạo ra doanh thu 3,4 tỷ đô la, các quỹ đầu tư mạo hiểm đứng sau ngành công nghiệp luyện thi, khuyến khích hàng triệu thanh thiếu niên Ấn Độ từ bỏ tiệc tùng, giao tiếp xã hội, và ngủ để theo đuổi việc học hành; và hàng năm gây ra một cơn sốt truyền thông cuốn hút sự quan tâm của cả nước.

Đây là câu chuyện về kì thi JEE, một nỗ lực hàng năm để chọn ra mười ngàn sinh viên thông minh nhất trong một đất nước có 1,2 tỷ người.

Các học viện mũi nhọn của quốc gia

Học viện đầu tiên thuộc IIT được thành lập tại Kharagpur vào năm 1950, ba năm sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ Anh. Trước đây nơi này là một trại cải tạo. Ủy ban đứng sau IIT Kharagpur đã hình dung bốn IIT, một cho miền Đông, Tây, Bắc và Nam của Ấn Độ. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru, đã hỗ trợ kế hoạch này. Ông muốn đào tạo ra một tầng lớp kĩ sư ưu tú  làm nguồn lực tăng trưởng cho Ấn Độ. Từ năm 1958 đến năm 1961, thêm bốn IIT đã được thành lập: IIT Bombay, IIT Madras, IIT Kanpur, và IIT Delhi.

Thông qua Đạo Luật “Học viện Công nghệ”, chính phủ Ấn Độ đã cấp cho các IIT gần như đầy đủ quyền tự chủ từ nhà nước, được xem như “Học viện mũi nhọn quốc gia” và được tài trợ nhiều hơn rất nhiều so với các học viện nghiên cứu khác. Việc thành lập IIT Guwahati vào năm 1994 và việc chuyển đổi của Đại học Roorkee vào năm 2001 đã đưa tổng số IIT của Ấn Độ lên bảy viện.

Những người sáng lập ra IIT có ước mơ lớn, tưởng tượng rằng các trường đại học của Ấn Độ sẽ ngang tầm với các học viện ưu tú ở nước ngoài . Và  ở phạm vi lớn hơn, họ đã thành công. Mặc dù phong trào chống tham nhũng rộng khắp Ấn Độ trong năm 2011 đã nói về bệnh tham nhũng ở địa phương (hàm ý tham nhũng cả ở trong các học viện vùng), nhưng các kì JEE sẽ vẫn tuyển chọn nhân tài năm này qua năm khác. Vụ bê bối lớn duy nhất , vụ tiết lộ câu hỏi thi trong năm 1997, dẫn đến việc JEE phải tổ chức thi lại. Trợ cấp học phí hào phóng giúp cho tất cả những ai vượt qua được kì thi tuyển đều có thể đi học.

Các sinh viên đã tốt nghiệp IIT mà chúng tôi có dịp trò chuyện đã mô tả chất lượng nghiên cứu và cơ sở hạ tầng của các IIT thấp hơn các trường đại học ưu tú ở Mỹ, nhưng nói chung các trường đại học rất tận tình hỗ trợ  và các nguồn lực thì vượt xa các tiêu chuẩn ở Ấn Độ. Mặc dù nằm giữa hơn 20 triệu dân số hỗn loạn ở Mumbai, IIT Bombay lại là một ốc đảo yên tĩnh. Một cựu sinh viên ví sinh viên có cuộc sống như ở New York và học tập tại Central Park.

Điều quan trọng nhất, các học viện IIT luôn thu hút những bộ óc thông minh nhất của Ấn Độ. Mặc dù chỉ tập trung vào các lĩnh vực kĩ thuật, các học viện IIT đã và vẫn là những trường đại học tốt nhất của Ấn Độ. Những thanh niên Ấn Độ sẽ nộp đơn dự thi bất kể họ có ý định là kĩ sư hay không. Ấn Độ ngày nay tự hào có một nền kinh tế hiện đại và một hệ thống giáo dục đại học được cải thiện, nhưng sức hấp dẫn của các học viện IIT, lời hứa đanh thép của thành công vẫn còn.

Cuộc đua marathon và cú nước rút

“Khi tôi đang học, mẹ tôi thậm chí còn không cho tôi tự tay pha trà cho mình.”

~ một sinh viên IIT chia sẻ trên chương trình 60 Minutes

Việc chuẩn bị cho kỳ thi JEE thường bắt đầu từ hai năm trước khi các sinh viên tham dự bài kiểm tra, tức là trong suốt hai năm cuối cấp của họ. Có người bắt đầu từ năm lớp 8 hoặc 9 – hoặc một số ít trường hợp từ sớm hơn. Các câu hỏi trong JEE vượt xa hơn những gì được dạy trong các chương trình trung học phổ thông, vì vậy sinh viên cần phải học thêm tài liệu khácthay vì chỉ ôn tập các khóa học trong trường của họ. Có nghĩa là phải mua sách hóa học, vật lý, toán học nâng cao để học. Ngày nay điều này hầu như có nghĩa là học sinh phải đăng ký một lớp học tương ứng hoặc các khóa học tại “lò luyện thi” có mặt ở khắp mọi nơi để chuẩn bị cho JEE.

Bình thường thì sự chuẩn bị sớm và tốt cho phép bạn giữ một thời khóa biểu hợp lý và cười tự mãn khi bạn thấy những thí sinh luyện thi đến phút cuối cùng. Nhưng không phải như vậy đối với JEE, nơi mà sự cạnh tranh khốc liệt đến từ nửa triệu thí sinh giỏi. Vipul Singh, người xếp thứ năm trong JEE 2010, đã cho những IITian (chỉ sinh viên IIT tâm huyết) tham vọng  những lời khuyên sau đây:

“Theo tôi, đó là quản lý thời gian cùng với sự tự tin. Mỗi thời điểm mà bạn đang lãng phí cho các hoạt động vô bổ, hàng ngàn đối thủ cạnh tranh khác đang phấn đấu cật lực để vượt lên bạn. Vì vậy, bạn chỉ đơn giản là không được lãng phí thời gian. Nghỉ ngơi một chút và sau đó tiếp tục học tập là việc bắt buộc, nhưng bạn cũng nên kiềm chế cảm giác ‘Tôi đã học đủ’.”

Một cựu sinh viên IIT nói rằng 4-6 giờ học tập mỗi ngày là một quy tắc. Hầu hết các lò luyện thi đều tổ chức các buổi học từ 4:30 đến 8:00 sáng, cho phép sinh viên có thể học được nhiều kiến thức về JEE trước khi bắt đầu ngày học bình thường. Dĩ nhiên, vì ít hơn 2% thí sinh vượt qua JEE nên họ cũng cần phải học để thi vào các trường đại học khác.

Áp lực để thành công có thể cực kì lớn. “Cả gia đình đều tham gia vào bài kiểm tra,” một sinh viên giải thích.  Khác với các gia đình có điều kiện cho con nộp đơn vào những trường đại học nước ngoài hoặc những lựa chọn hấp dẫn khác, thì rất nhiều người xem kì thi như một cơ hội duy nhất trong đời để thấy con trai hoặc con gái họ có thành tựu lớn. Một sinh viên IIT, con trai của một người bán hàng rong tại một thị trấn nghèo, đã trở thành một nhà khoa học tại một trường đại học ở Bỉ, một kết quả không hẳn là ngoại lệ… Thường thì toàn bộ gia đình sẽ chờ đợi bên ngoài các trung tâm khảo thí trong khi con cái của họ làm bài. Một số cựu sinh viên IIT khác mà chúng tôi đã được nói chuyện kể lại rằng gia đình của họ không gây áp lực cho họ hoặc lo lắng về bài thi. Nhưng với mỗi ứng viên IIT nghiêm túc, dù thành công hay không, đã phải hi sinh tuổi thanh thiếu niên bình thường thời gian của họ dành cho phim ảnh, hay Facebook, họ đã bỏ qua những kì nghỉ, và học xuyên suốt những ngày nghỉ của trường

Bất chấp việc “đặc quyền” của các  IIT, không chỉ có các thiên tài mới luyện tập cho kì thi. Người đậu kì thi JEE năm 1999, Archana Sekhar đã nói với chúng tôi rằng hầu hết bạn cùng trường của cô đều học cho kỳ thi JEE “với những mức độ nghiêm túc khác nhau”. Tanmay Saksena, một thí sinh ở cuối thập kỉ 90, đồng tình: “Thực tế là tất cả những người tôi biết đều tham gia.”

Tại Ấn Độ, ngành kĩ thuật không phải là ngành học được lựa chọn vì yêu thích mà đó là lựa chọn an toàn nhất hoặc là một dấu hiệu của sự uy tín. Saksena nói với chứng tôi “Tự do hóa chỉ đến với Ấn Độ trong những năm 90. Các gia đình sợ rủi ro, họ muốn [con cái họ] theo ngành y học, kĩ thuật, luật; và các học viện IIT thì lại rất hứa hẹn. Cha mẹ thấy các cựu sinh viên IIT thành đạt và khuyến khích con cái đi theo con đường của các IIT.” Những sinh viên học nghệ thuật, thương mại, hoặc văn chương buộc chính mình hoặc bị ép buộc phải đi theo con đường kĩ thuật, làm cho nó trở nên phổ biến đối với hầu hết các sinh viên có học lực khá và giỏi đều thi JEE.

Lựa chọn môn chuyên hoặc chuyên ngành tại IIT cũng theo logic như vậy. Thí sinh vượt qua JEE được xếp hạng dựa trên điểm số của họ, những thứ hạng cao nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn cơ sở IIT và lĩnh vực họ sẽ học. Giống như máy đồng hồ, sinh viên sẽ chọn môn học dựa trên sự uy tín của nó: những thứ hạng cao chọn khoa học máy tính, sau đó đến điện kĩ thuật, tiếp theo là hóa học và cơ khí, thiết bị, luyện kim, sản xuất, dệt may và dân sự. Điều này nâng cao sự phân hóa của kì thi tuyển sinh. Các sinh viên ở những thứ hạng cuối cùng phải chấp nhận những cơ sở và các lĩnh vực nghiên cứu ít nổi tiếng nhất. Chỉ vài trăm thí sinh đứng đầu có thể theo học khoa học máy tính tại IIT Bombay, một nơi nổi tiếng nhất và là nơi thường dẫn đầu mức lương cao nhất sau khi tốt nghiệp.
3,4 tỷ USD cho “gia sư”
V.K. Bansal là một kĩ sư tại một nhà máy tại Kota, Ấn Độ. Ông bắt đầu dạy kèm toán cho sinh viên vào năm 1981. Là một giáo viên tài năng, ông đã giúp học sinh của mình vượt qua kì JEE. Năm 1986, một trong những sinh viên của ông đứng thứ nhất. Đến giữa những năm 90, một số kĩ sư trước đây bắt đầu quay lại thành lập các trung tâm luyện thi trong thành phố, thậm chỉ tuyển cả những sinh viên đã tốt nghiệp IIT để làm giảng viên.

Các trường luyện thi ở Kota là đại diện cho một khía cạnh thái quá của các lò luyện thi – một số lượng lớn sinh viên đến thành phố để nhập học và hứa với cha mẹ chúng rằng chúng sẽ trở thành những kĩ sư. Nhưng các trung tâm luyện thi là một chuẩn mực trên khắp Ấn Độ. 95% học sinh vượt qua JEE đã giúp cho nó trở thành ngành công nghiệp trị giá 3.37 tỉ USD (Có thể so ​​sánh với ngành công nghiệp luyện thi SAT, ước tính trị giá 500 triệu USD ở Mỹ và 1 tỷ USD trên toàn cầu). Những sinh viên chúng tôi đã phỏng vấn, hầu hết đều tham gia lớp luyện thi, còn gia đình họ có đủ khả năng trả học phí hàng năm lên tới $ 1700.

Các trung tâm yêu cầu các học viên tuân theo kỷ luật nghiêm khắc. Các lớp học trước bình minh bao gồm các bài kiểm tra vài lần một tuần, và số lượng sẽ tăng lên đều đặn khi kì JEE đến gần. Sinh viên rất ganh đua, tuy nhiên các IITians quả quyết với chúng tôi rằng mọi người vẫn rất thân thiện với nhau và đó thậm chí là “môi trường vui vẻ”. Những câu chuyện đùa vẫn đồng thời hiện diện với tốc độ học không nghỉ ngơi của các trung tâm.

Cung cấp cho các sinh viên Ấn Độ (và những bậc cha mẹ giàu có của họ) dịch vụ nâng cao khả năng đậu JEE cho những học sinh Ấn Độ chính là mỏ vàng kinh doanh. Mặc dù mỗi học sinh trả một khoản tiền xa xỉ tương đương với GDP bình quân tính trên đầu người của Ấn Độ, các trung tâm luyện thi vẫn thường nhồi đến 200 học sinh trong một lớp. Một IITian Tanmay Saksena đã nói với chúng tôi “Đó là một xí nghiệp bóc lột tàn tệ để chỉ để có nhiều người đi học. Mục tiêu chính của họ là tăng tối đa hóa số lượng học sinh và duy trì sự hiện diện của mình bằng cách yêu cầu học sinh đã đậu JEE nói những lời ca ngợi.” Ở Kota, giáo viên có lương từ 50.000 USD đến 100.000 USD, một con số được thổi lên do các lò tranh giành giảng viên của nhau.

Khởi đầu khiêm tốn, các chương trình luyện thi giờ đây đã trở thành những tập đoàn lớn, được niêm yết trên thị trường chứng khoán Ấn Độ, thu hút đến mười triệu đô la vốn đầu tư từ quỹ tư nhân. Một số gia đình nghèo ở Ấn Độ đã bán đất để trả tiền học phí nhưng vẫn thất bại trong việc đưa con của họ vào tầng lớp ưu tú của Ấn Độ. Nhiều nhà khá giả hơn đã phung phí tiền của vô ích. Nhưng những sinh viên xuất sắc thì được hưởng lợi.

Trong suốt cơn điên cuồng của báo chí mỗi khi công bố kết quả hàng năm, bất cứ học sinh nào vượt qua JEE đều có thể hi vọng sẽ được lên trang bìa của một tờ báo địa phương. Cơn điên này được các trung tâm luyện thi cổ vũ. Trong khi sinh viên kiểm tra kết quả trực tuyến bằng cách sử dụng duy nhất một số báo danh, những nơi luyện thi đã nhanh chóng công bố tên của từng thí sinh đã đậu, với thứ hạng của họ. Những người có điểm số hạng đầu trở nhanh chóng trở thành người nổi tiếng toàn quốc, được phỏng vấn, được xin chữ kí.

Đối với những trung tâm luyện thi, những sinh viên này cũng là  những tờ quảng cáo của họ. Họ được trả tiền để xuất hiện  hiện trên bảng quảng cáo với tên của trung tâm luyện thi họ đã học, hoặc là nhấn mạnh mối liên hệ đó trong các cuộc họp báo và bài viết. Các trung tâm luyện thi lớn chi hàng ngàn dollar mỗi năm trong kim tự tháp phân phối đó, chỉ vài thí sinh ở thứ hàng đầu được nhận phần chia “của sư tử”. Đạt điểm số trong tốp 1000 thường bảo đảm một sinh viên kiếm được vài ngàn dollar Mỹ. 10 thứ hạng hàng đầu thậm chí mang về 10.000 USD.

Đó cũng là một ngành công nghiệp khốc liệt. Anand Kumar điều hành một chương trình gọi là “ Siêu 30.” Ông là một thần đồng toán học, nhưng không thể theo học tại Đại học Cambridge vì không đủ khả năng chi trả học phí. Mỗi năm ông chọn lựa và dạy cho 30 sinh viên xuất sắc có những gia cảnh nghèo khó của Ấn Độ để chuẩn bị cho JEE. “Siêu 30” là một thành công rất lớn, với gần 100% học sinh vượt qua JEE. Nhiều người ở Ấn Độ và thế giới xem Kumar như một người hùng. Ông cho rằng các trung tâm luyện thi thương mại quá sợ hãi với thành công của ông nên đã đe dọa giết ông. Hiện nay, ông có vệ sĩ riêng, có vũ trang, suốt ngày.

Trong năm 2009, một trung tâm luyện thi đối thủ đã hối lộ thành công ba sinh viên trong nhóm “Siêu 30” nói rằng họ học ở các trường đó chứ không phải học ở nhóm “Siêu 30”.  Tin đồn này rất phổ biến. Vipul Singh, người ở vị trí thứ 5 nói với chúng tôi “Tôi đã nghe nói về việc các lớp luyện thi cho một số sinh viên một khoản tiền rất lớn để họ có thể nói rằng đó là sinh viên của lớp họ, tuy nhiên việc đó không xảy ra với tôi.”

4 năm đẹp nhất trong đời bạn
Mặc dù mức độ của việc chuẩn bị và cống hiến cần thiết để vượt qua JEE có thể biến những sinh viên IIT khuôn mẫu thành những phần mềm học tập  được lập trình tốt nhưng thật ra không phải vậy. Cuộc sống tại các IIT được đánh giá là cũng sôi động giống như bất kỳ trường đại học nội trú nào.

Một sinh viên IIT Bombay giải thích trên Quora trong khi mô tả ký túc xá của anh ấy: Yale không phải là trường đại học duy nhất để có thể đem ra so sánh với “trường Hogwart”:

“Tôi là thành viên của phòng 4-2 ở KTX 5. Mỗi phòng đều cho rằng đó là phòng tốt nhất / tuyệt vời nhất theo nhận thức chủ quan của mình. Mỗi ký túc xá cũng có tính cách riêng của mình, như mỗi “Nhà” của “Hogwart” vậy. KTX 5 tự hào về việc học tập làng nhàng và tính huyên náo của mình. Trong đó, phòng của tôi cũng hãnh diện về việc gây ồn ào, hiếu chiến. Ganh đua về với chúng tôi là phòng 6-2 đối diện. Chúng tôi sẽ bắn tên lửa làm từ vỏ chai vào nhau ở Diwali.”

Việc trở nên xoàng xĩnh trong một lớp học nghe qua có vẻ vô lí đối với những sinh viên đã được tuyển chọn nhưng nó cũng giống như sinh viên Harvard ngày càng tụt dốc trong các lớp học. Archana Sekhar, sinh viên IIT Madras khóa 04 phản ánh: “Đột nhiên được tự do tách khỏi gia đình, và không phải chịu áp lực thi cử, và có cả những sinh viên không đến lớp vào năm thứ 2”.

Những chỉ trích về IIT đã mô tả giáo dục giống một tuần trăng mật hơn là uy danh của các trường đại học nên có. Những người trẻ Ấn Độ, nhận thức rằng họ đã trở thành những người đàn ông và những người phụ nữ nhờ vào việc đậu JEE, từ đó chùng lại trong học tập. Trong khi các IITian sẵn sàng thừa nhận rằng nhiều sinh viên đã buông lơi học tập, họ chủ yếu nhấn mạnh rằng đó là một phần của cách sống lành mạnh.

Vipul Singh của IIT Bombay cho chúng tôi biết “Mọi người ít chăm chỉ hơn, nhưng họ không hẳn là ngừng học tập. Họ bắt đầu hướng tới khám phá những hoạt động khác như văn hóa, thể thao và ít tập trung hơn vào viêc nghiên cứu khi đã vào IIT. Cũng không hẳn là không tốt, điều đó góp phần phát triển một tính cách tốt. “

Nếu điều tốt nhất của việc vượt qua bàn tay sắt của quá trình thi tuyển IIT mang đến cho sinh viên sự tự do để thôi không bị ám ảnh về học tập cũng như uy tín, thì chính điều đó được sinh viên rất cảm kích. “Trong số các IITian, vẫn còn rất nhiều người đang tập trung vào việc học tập, người thì mong muốn áp dụng trí óc vào việc nghiên cứu, ngườithì  muốn trở thành doanh nhân, v.v…”, Singh tiếp tục, “ Vì vậy, về tổng thể, đó là một kết hợp hài hòa giữa những người thông minh, yêu học hành,ca sĩ, vũ công, vận động viên, và cả kẻ say rượu”.

Tanmay Saksena thấy sự tự do này đặc biệt quan trọng tuy cho rằng không phải ai cũng phù hợp với khuôn mẫu của một sinh viên kĩ thuật bay bổng:

“IIT là môi trường có tính hỗ trợ tương đối cao. Tôi rất cám ơn nhóm bạn học của tôi, họ biết rằng học tập không phải là thước đo duy nhất bạn là người tốt đến mức nào. Người ta vào IIT vì nó được xem như là cách duy nhất để thành công, vì vậy bạn tìm thấy những con người có trái tim là những nghệ sĩ và họ tìm cách để thành công mà công mà không cần phải thể hiện bằng những thành tích cao trong lớp”.

Với một học viện có nhiệm vụ rõ ràng là đào tạo ra kĩ sư, sinh viên IIT cũng mô tả một môi trường văn hóa ấn tượng có lợi cho những lý tưởng nghệ thuật tự do. Ảnh hưởng của các trường đại học nước ngoài lên sự sáng tạo của IIT nghĩa là các môn học còn bao gồm các khóa học cần thiết của ngành khoa học xã hội và nhân văn. Saksena cho biết “Đó là một trải nghiệm rất toàn diện, đào tạo bạn trở thành một nhà lãnh đạo tổng quát . Một số khóa học yêu thích của tôi là văn học hiện đại Mỹ và Anh”.

Chúng tôi hỏi đâu là các khía cạnh thú vị nhất của bạn ở IIT. “Đó  quyền tự do thể hiện bản thân một cách sáng tạo khi giao tiếp với nhóm của mình. Bạn có thể khám phá những điều về bản thân mà bạn chưa bao giờ biết. Ngay cả sau khi tốt nghiệp, các IITians vẫn làm việc, liên lạc với nhau để có được sự nhận xét trung thực nhất và để sống thật với nhau.”

Nhưng không phải ai cũng có quan điểm tương tự. Một IIT đã tốt nghiệp cho biết các sinh viên theo đuổi đạt điểm cao (hoặc ngược lại) thế nào phụ thuộc vào việc môn học đó có nằm trong tiêu chí của các nhà tuyển dụng hoặc cán bộ xét tuyển trong tương lai hay không. Anh trầm ngâm “Việc đó đáng buồn. Mọi người biết rõ ràng điều mình muốn ngoài chương trình.”

Một cuộc tranh luận đa diện về việc liệu các IIT có cung cấp được một sự đào tạo tương xứng với uy tín và mong mỏi do JEE tạo ra hay không. Như các cuộc tranh luận ác liệt khác về chất lượng của giáo dục của “Ivy League”, các IITian và nhiều nhà bình luận mong muốn tham gia tranh luận có thể không đồng tình.

Theo một bài viết của tờ “Economic Times”: “Mọi người có một chút nghi ngờ khi IIT bị đánh giá kém cỏi khi nhìn nhận từ khía cạnh cơ sở nghiên cứu.” Đây là một tuyên bố gây tranh cãi. Ngoại trừ hệ đại học, các viện IIT không có sự độc quyền ở hệ sau đại học và các giáo sư. Vì vậy, trong khi nhiều IITian nói tốt về các trợ giảng và giáo sư của họ, các trường đại học nước ngoài với kinh phí lớn có thể dễ dàng tuyển dụng các giảng viên ngôi sao với mức lương tốt hơn, kinh phí nghiên cứu dồi dào hơn, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu tốt hơn. Bài báo còn đề cập “Đây là những gì mà các giám đốc điều hành đang cố gắng sửa chữa.” Các IIT đang dành nhiều tiền hơn vào việc nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ngoài ra, một số IITianđã chỉ ra rằng điểm yếu của IIT là ứng dụng thực tế của công nghệ. Về chất lượng nói chung, một số IITian kiên định với quan điểm rằng việc học các chương trình sau đại học tại các trường đại học Mỹ là một làn gió mới sau những vất vả ở IIT, trong khi những sinh viên khác xem việc học ở IIT là tuần trăng mật cho các sinh viên, những người đã có tấm vé đưa họ lên đoàn tàu của tinh hoa toàn cầu.

Dù là người chểnh mảng/lười biếng hay không, các IITian đồng ý rằng tài sản lớn nhất của các IIT là tầm vóc của các sinh viên. Các học viện IIT phải đối mặt với những lời chỉ trích như các trường Ivy League là việc thổi phồng quá mức sự thông minh  của sinh viên, đặc biệt là tạo ra vai trò quan trọng cho các trung tâm luyện thi và các lợi thế kinh tế xã hội có thể tạo ưu thế trong việc tuyển sinh.

Những giới hạn trong việc trọng dụng nhân tài

Năm 2012, Ấn Độ đứng thứ 94 trên 174 quốc gia trong bảng xếp hạng “chỉ số nhận thức tham nhũng” của chương trình “Minh bạch Quốc tế.” Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand giữ vị trí số một, là những nước ít tham nhũng nhất trên thế giới. Lần gần đây nhất, năm 2010 Ấn Độ xếp thứ 4, cùng với Afghanistan, Cameroon, và Iraq với hơn 50% dân số công nhận có trả tiền hối lộ trong những năm trước đấy.

Ở một đất nước mà từ rất lâu đã cho rằng bất kì vị trí hoặc đặc quyền nào cũng có thể mua được với giá hợp lý thì IIT và JEE là một ngoại lệ. Một IITiancho chúng tôi biết: “Không bao giờ có câu hỏi nào về việc dùng tiền để vào được IIT. Điều này chắc chắn cộng thêm uy tín cho đất nước mà việc đút lót  có mặt ở khắp mọi nơi”. Mặc dù thành công của Ấn Độ trong việc giữ cho JEE công bằng, tuy nhiên  không ai không có bất cứ ảo tưởng rằng kết quả là hoàn toàn trong sạch.

Thất bại rõ ràng nhất là là chỉ có 10% -12% sinh viên IIT là nữ. Khoảng cách về giới tồn tại từ lâu mặc dù phụ nữ chứng tỏ mình tốt hơn đàn ông trong hầu hết kết quả học tập và chiếm hơn 60% trong một số trường đại học.

Archana Sekhar, một nữ sinh tốt nghiệp IIT cho biết “Cũng như ở Mỹ, phụ nữ ít hiện diện trong chương trình toán học và khoa học. Có một nhận thức rằng bạn phải rất giỏi mới học được toán và làm khoa học, điều này không khuyến khích phái nữ. Bạn cũng phải ở trong ký túc xá, xa nhà và điều đó cũng gây khó khăn cho nữ sinh cũng như cha mẹ của họ. Các câu hỏi về sự an toàn và an ninh làm cho các bậc cha mẹ không muốn để con gái họ một mình đến các lớp học luyện thi ở nơi khác trong thành phố hoặc cho cô ấy sống trong ký túc xá.”

Những người thuộc đẳng cấp thấp hơn ở Ấn Độ, những người nghèo, khó khăn, có lịch sử bị phân biệt đối xử, cũng có mặt rất ít tại các IIT. Thấp hơn 22.5% vị trí tại IIT được dành riêng cho các tầng lớp thấp nhất trong xã hội, thấp hơn so với tỉ lệ dân số ở Ấn Độ,. Tuy nhiên, các sinh viên vẫn cần phải đạt được một số điểm tối thiểu ở JEE. Trong số liệu quá khứ,  50% học sinh cuối cùng được nhận vớt. Thực tế thì điều này có nghĩa là chỉ có một nửa hạn ngạch cho học sinh thuộc tầng lớp dưới được nhập học mỗi năm.

Những “IITian” cũng lo lắng rằng những học sinh được nhận vào thông qua việc chống phân biệt đối xử sẽ đấu tranh ở IIT. Một bài báo vào năm 2003 ước tính rằng có 25% sinh viên tầng lớp dưới đã bỏ học. Trong khi tồn tại sự phàn nàn rất phổ biết là là những người hưởng lợi thực sự từ hệ thống ưu tiên cho người ở tầng lớp thấp thì lại là những người không hề nghèo.

Dù vậy, nhiều người nhận thấy hệ thống đã làm một cách khá tốt khi đối xử công bằng với các sinh viên có hoàn cảnh thiệt thòi.  “Có vài nhân tài đến từ các thành phố nhỏ và có hoàn cảnh khó khăn,” IITian Prashant Tandon nói rằng “ Trải nghiệm đầu tiên của tôi là với một nhóm bạn, có xuất thân từ tất cả các thành phần kinh tế xã hội. Với hệ thống này, nếu bạn thật sự thông minh, thật sự giỏi, bạn sẽ thành công”. Là một sinh viên tốt nghiệp năm 1997, tuy nhiên, anh cũng nói thêm “Tôi không biết điều này có thay đổi không khi mà việc luyện thi ngày càng trở nên quan trọng hơn.”

Vì là Viện mũi nhọn quốc gia, luật pháp Ấn Độ cho phép các viện IIT có thể tự thiết lập chính sách mà kết quả là hạ thấp sự có mặt của các tầng lớp thấp so với qui định bắt buộc trên toàn quốc, qua đó giảm bớt gánh nặng của chương trình “chống phân biệt đối xử.” Nhưng một số bất bình đẳng do tình trạng kinh tế xã hội cũng được chấp nhận như là một điều không may mắn của cuộc sống, không ai muốn nhìn nhận việc tiếp cận với trường luyện thi lại là một rào cản với cánh cổng vào IIT.

Các câu hỏi trong JEE không phải để học vẹt hay học thuộc lòng. Học sinh cần phải biết áp dụng các khái niệm và giải quyết các vấn đề phức tạp. Nhưng không có nghĩa là các chiến lược và các mẹo thi cử không thể áp dụng. Thực tế thì, những đề bài khó lại làm cho chiến lược thi trở nên quan trọng hơn.

Theo giám đốc của IIT Madras “Nếu có ai đó rất giỏi nhưng không được huấn luyện, không biết sử dụng chiến lược và không biết quản lý thời gian có thể sẽ thua ai đó không sáng láng bằng”.  Kể từ khi JEE được tổ chức để xác định và xếp hạng hàng ngàn sinh viên trên nửa triệu thí sinh, nó có một số câu hỏi thi cực kỳ khó. Một sinh viên đã được luyện thi đầy đủ có thể xác định và bỏ qua những câu hỏi khó nếu họ ngay lập tức không tìm ra một phương pháp khả thi nào, trong khi một sinh viên không luyện thi sẽ lãng phí thời gian vô ích để giải câu hỏi khó nhất của cuộc thi.

Ngoài chiến lược như vậy, trung tâm luyện thi cũng trợ giúp đắc lực cho sự thành công của sinh viên thông qua các tài liệu luyện thi mà sinh viên không bao giờ được học ở trường. Ngay cả đối với những sinh viên có thể tự học, việc học mọi tài liệu có thể nằm ngoài vấn đề tài chính. Phải chi hàng trăm dollar cho các cuốn sách giáo khoa cần thiết, và cũng khó kiếm.

Ngay cả những sinh viên tài năng nhất IIT cũng công nhận việc luyện thi đã giúp họ biết cách chia nhỏ các vấn đề dựa trên từng dạng mẫu hoặc bài thi thử và cung cấp cho họ cấu trúc để luyện tập. Khi chúng tôi hỏi Vipul Singh, người đạt hạng năm trên JEE, rằng liệu các trung tâm luyện thi có làm cho việc vượt qua JEE của những sinh viên nghèo Ấn Độ khó khăn hơn không? Anh đã trả lời: “Chắc chắn rồi”.

Vipul giải thích: “Cá nhân tôi không cần các lớp luyện thi để học những khái niệm, tôi đủ sức để tự học được. Nhưng tôi cần thực hành, thi thử và một người nào đó để nói cho tôi biết tôi đã làm sai ở đâu, khi nào tôi sẽ mất điểm… Đó là việc mà các lớp luyện thi đã trợ giúp rất nhiều.” Một IITian gay gắt chỉ ra, chi phí cho các trung tâm luyện thi là khoảng 4 USD mỗi ngày trong khi 94% người Ấn Độ sống ít hơn 4 USD một ngày. Các trung tâm luyện thi là một lợi thế mà chỉ có một số ít người có khả năng chi trả.

Kì JEE năm 2013 đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong đó có những nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi. Nó bao gồm việc chỉ cho 150.000 sinh viên có điểm số cao nhất tham gia phần thứ hai của JEE (gọi là JEE nâng cao), cùng với yêu cầu một mức điểm tối thiểu trong trường để hạn chế học sinh đi luyện thi mà bỏ bê việc học ở trường. Không ai biết việc này sẽ thành công hay không. Nhưng sau khi nó được công bố, các trường luyện thi lập tức thông báo tuyển sinh có học bạ tốt và tăng lệ phí.

Ngôi sao Bắc Đẩu của Ấn Độ

Trong khi IIT vẫn đang đẩy mạnh một cuộc chạy đua giáo dục không giống ai, thì vị thế đặc biệt của nó như là điểm đến duy nhất cho những con người thông minh, nỗ lực nhất của Ấn Độ đang dần suy yếu. Ấn Độ đang trở nên giàu có hơn, các lựa chọn thay thế cho các IIT đã tăng lên: từ các trường đại học nước ngoài cho đến các học viện cấp cao hơn ở Ấn Độ. Trong năm 2008, chính phủ đã phải gia tăng áp lực để học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận IIT và ủy quyền việc thành lập 8 khu cơ sở IIT mới. Những áp lực này cùng với ảnh hưởng của trường luyện thi đã dẫn đến việc chất lượng sinh viên tốt nghiệp IIT ngày càng đi xuống.

Bản thân cuộc thi cũng đã thay đổi. Nó bao gồm có việc nhìn vào kết quả học tập ở trường  như là yêu cầu đầu tiên (dù chỉ là yêu cầu tối thiểu) và sử dụng JEE như bài tuyển sinh cho nhiều trường cao đẳng kĩ thuật, chứ không còn dành riêng cho các học viện IIT.

Nhìn lại, IIT rõ ràng đã vượt qua sự mong đợi đặt ra cho nó vào năm 1951, sự thành công của nó đã thu hút được nhiều danh hiệu và người hâm mộ. Nhưng những câu hỏi khác liệu rằng lnó có đạt được mục tiêu của Nehru đào tạo những kĩ sư cần thiết cho Ấn Độ, thay vì IIT, như đang bị cáo buộc, đã trở thành một cỗ máy chảy máu chất xám.

Sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên IIT theo đuổi những bằng cấp sau đại học hoặc tìm việc làm tại Hoa Kì. Khoảng 2/3 số sinh viên, theo báo cáo của “60 Minutes.” Những lời chỉ trích không cho rằngviệc học sau đại học tại một trường cao cấp ở Mỹ là vấn đề, nhưng thật sự là sau đó có rất ít người quay trở lại.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng bởi vì Ấn Độ  đã đầu tư quá nhiều vào hệ thống IIT theo logic rằng đó là học viện mũi nhọn quốc gia. Sinh viên được trợ cấp chỉ phải trả một phần nhỏ chi phí giáo dục thực sự của họ. Chính phủ Ấn Độ trợ cấp hơn 80% chi phí của IIT, trong đó số tiền quyên góp từ các cựu sinh viên chỉ chiếm dưới 3% ngân sách của hệ thống. Một bài báo  đã chỉ trích “Trong khi tổng tài trợ của chính phủ đối với hầu hết các trường cao đẳng kĩ thuật khác chỉ khoảng 2-4 triệu USD mỗi năm, thì tiền đầu tư cho IIT vào khoảng 18 -26 triệu USD mỗi năm cho một IIT.”

Các IIT không tiết lộ bao nhiêu cựu sinh viên của mình sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, một nghiên cứu tiến hành khoảng giữa thập kỉ bảy mươi đã ước tính một con số  30,8%. Trong một bài phát biểu vào năm 2008, Thủ tướng Singh nói rằng khoảng một phần ba hoặc hơn các “IITian” định cư ở nước ngoài để trở thành “người dẫn đầu trong lĩnh vực mà họ nỗ lực”. Một nghiên cứu năm 2002 ước tính rằng khoảng 80% sinh viên Ấn Độ học ở nước ngoài không có ý định trở lại. Và gần như những sinh viên tài giỏi, thành công nhất lại là những người rời khỏi Ấn Độ. 80% trong số đó thuộc chuyên ngành khoa học máy tính, chuyên ngành nổi tiếng nhất tại IIT. Hầu hết là đến Hoa Kỳ.

Mất mát của Ấn Độ đã trở thành lợi ích cho các công ty uy danh nhất trên thế giới, đặc biệt là các công ty ở thung lũng Silicon. Hơn 25.000 IITian sống ở Hoa Kì. Một trong số đó người Mỹ gốc Ấn Độ Vinod Khosla, đồng sáng lập Sun Microsystems vào năm 1982. Khi được hỏi về tác động của sinh viên IIT lên lĩnh vực công nghệ của Mỹ, một nhân vật cấp cao của thung lũng Silicon đã đáp lại: “Ảnh hưởng lớn hơn nhiều mọi người nhận thấy. Microsoft, Intel, PCs, Sun Microsystems, bạn có thể kể ra. Tôi không thể tưởng tượng có lĩnh vực quan trọng nào mà các kĩ sư IIT lại không đóng vai trò dẫn đầu.” IIT rất nổi tiếng tại Facebook và Google, các cựu sinh viên được tuyển dụng rất nhiều, và tên tuổi cũng được tôn trọng trong các công ty uy tín.

Các sinh viên đã tốt nghiệp IIT mà chúng tôi nói chuyện có cái nhìn lạc quan về việc di cư của kĩ sư IIT ra nước ngoài. Archana Sekhar nói với chúng tôi “Tôi dĩ nhiên có thể thấy đồng nghiệp của tôi sẽ trở về Ấn Độ sau khi có cơ hội học sau đại học ở Hoa Kì. Nhiều người quay lại để thành lập các công ty riêng của họ. Hoặc khi ai đó đã ở hơn 10 năm ở Mỹ và có con, họ cũng muốn quay trở lại.” Bà cũng lưu ý rằng sự phát triển của Ấn Độ đã gia tăng “tính tương thích” của việc giáo dục các “IITian”và các cơ hội thì luôn rộng mở. Một cựu sinh viên cũng đồng ý: “Trong những năm bảy mươi, nếu bạn có thể đi nước ngoài, bạn sẽ làm. Nhưng đã có một sự đảo ngược trong từ 2000-2010 đối với những người ở lại hoặc có kế hoạch quay trở về từ Hoa Kì.”

Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp khác trả lời rằng Ấn Độ đã gặt hái được lợi ích từ những cựu sinh viên ở nước ngoài thông qua việc đầu tư. Theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, ít nhất là trong quá khứ, còn tốt hơn phải đối mặt với một “trận chiến vất vả” ở Ấn Độ. Tanmay Saksena nói với chúng tôi “Bạn có thể thành đạt và trả ơn Ấn Độ theo những cách bạn rất khác nhau – các công ty quỹ, vị trí, và các trường đại học…Nó hiệu quả hơn nhiều”

Đây là lập luận tiêu chuẩn của những đối thủ chống lại lý thuyết chảy máu chất xám. Các nhà chỉ tríc bác bỏ lập luận này, họ cho rằng mức độ đầu tư không đủ bù đắp cho mất mát từ trợ cấp giáo dục, thu thuế, và nguồn nhân lực. Nhưng điều làm những người bênh vực IIT cảm thấy thú vị đó là chảy máu chất xám đã giúp đưa Ấn Độ lên vị thế toàn cầu.

Narayana Murthy, đồng sáng lập của công ty phần mềm Infosys, nói với phóng viên của chương trình “60 Minutes” rằng anh ta không lo ngại về việc chảy máu chất xám:

“Chắc chắn là [cựu Thủ tướng] Nehru muốn tất cả thanh niên đóng góp vào sự thành công của Ấn Độ và họ đang làm điều đó theo một cách khác, bởi vì ngày nay các chuyên gia Ấn Độ được tôn trọng nhiều hơn so với những năm năm mươi.”

Nhiều người trong số các “IITian” chúng tôi gặp gỡ đã phản ánh quan điểm này; họ nói về những sinh viên tốt nghiệp IIT đã mang “thương hiệu Ấn Độ” ra toàn thế giới, nhận về sự tôn trọng vô giá cho quê hương mình và thuyết phục các công ty thiết lập hoạt động ở Ấn Độ.

Trên mức độ cá nhân, IIT cũng đã đẩy sinh viên giỏi Ấn Độ lên mức xuất sắc. Tanmay Saksena nói với chúng tôi: “Dù bạn đến từ tầng lớp thượng lưu hay trung lưu, được tiếp cận với các cơ hội toàn cầu, thì các tấm gương của các cựu sinh viên đang là lãnh đạo ở các công ty đa quốc gia hoặc bắt đầu tạo dựng công ty riêng thành công trên toàn cầu – một khi bạn đứng ở mức độ này, bạn sẽ suy nghĩ rất khác. Nó không phải chỉ là một công việc nhàn hạ ở Ấn Độ nữa. Đó là một vị trí ở ngân hàng đầu tư tại thành phố New York hoặc khởi dựng một công ty ở thung lũng Silicon. Nó là một vé đến sân chơi thế giới.”

Vipul Singh công nhận rằng chính sự ưu tú của IIT đã thúc đẩy anh: “Tôi đã tiếp xúc với một số giáo sư rất giỏi, và sự cạnh tranh mà tôi phải đối mặt từ các đồng nghiệp của tôi đã giúp tôi tiếp tục trở nên nhạy bén. Tôi cảm thấy có động lực để tiếp tục thực hiện tốt và vượt trội những gì tôi làm vì tôi cảm thấy ở vị trí người xếp hạng 5 của JEErất nhiều người đang nhìn lên tôi. “

Khi hệ thống IIT được hình thành trong những năm năm mươi và đầu những năm sáu mươi, Ấn Độ là một quốc gia mới và vật lộn với nhìêu khó khăn. Ấn Độ phải đối mặt với bạo lực và bất ổn trong việc Pakistan tách ra và nghèo đói cùng cực đã khiến người nước ngoài để xem Ấn Độ như một quốc gia chỉ có thể trông cậy vào viện trợ nước ngoài. Sự khác biệt giữa các IITs và những người khác đã tạo ra những khoảng chi phí hợp pháp cho những tầng lớp tinh hoa Ấn Độ. Nhưng đó chính là ý định. Vì Ấn Độ muốn trở thành một quốc gia hùng mạnh, IIT trở nên tỏa sáng như một ngôi sao Bắc Đẩu. Một học viện mang tầm thế giới trong một quốc gia đang còn thiếu những học viện như thế, nó đã chứng minh cho công dân Ấn Độ và thế giới rằng Ấn Độ có thể trở thành như thế nào. Nó đã thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những sinh viên tốt nghiệp của mình trở thành xuất sắc ở một mức độ mà họ sẽ không bao giờ dám mơ tới nếu như họ không theo con đường này.

Singh thừa nhận một số nhược điểm của IIT, nhưng anh không hối tiếc về những hy sinh ông phải lựa chọn cho việc theo đuổi những thành quả này. Và nhận xét của ông về IIT rất được công nhận.

Khi được hỏi về các khía cạnh thú vị nhất của kì thi JEE và Học viện Công nghệ Ấn Độ, Vipul Singh nói rằng, đối với anh, đó chính là vị thế cao của anh đã mở ra cơ hội để anh gặp gỡ mọi người. Anh nói với chúng tôi:

“Tôi đã được đi bốn chuyến ra nước ngoài, tất cả hoặc là do chính phủ tài trợ hoặc là một kỳ thực tập được trả tiền. Tất cả điều này là do tôi đã là một sinh giỏi và đã làm rất tốt. Tôi đã đến nhiều cuộc hội thảo mà tôi nói về những học sinh khao khát JEE, tôi nghe về những khó khăn của các bạn học sinh, và chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm của riêng tôi với các em.”

“Tôi thấy mình được tổ quốc yêu thương”.

Tác giả: Alex Mayyasi.