Dẫn nhập:

Không thể nào tóm lược về giáo sư Lê Thành Khôi trong một bài  viết – dù bài này có dài đến mấy đi nữa – vì nhiều lý do:

– Khó mà viết về giáo sư Lê Thành Khôi khi nhiều học giả – bên ta thì có Phan Huy Lê, bên Tây thì Charles Fourniau, Georges Condominas, …–  đã lên tiếng về ông từ hơn hai mươi năm nay. Cũng phải kể  quyển «Từ Đông sang Tây» mà cộng đồng trí thức đã xuất bản nhân ngày mừng giáo sư Lê Thành Khôi 90 tuổi (1) .

– Giải Phan chu Trinh 2013 đủ để nói về đóng góp của gs Lê Thành Khôi cho văn hóa …

– Riêng tác giả những dòng này lại không chuyên về Sử và hoàn toàn mù về giáo dục đối chiếu.

– Cuối cùng, cũng không thể dùng những từ «nói quá lố» (hay superlatif –  tiếng Pháp) đại loại kiểu «nhà bác học lừng danh thế giới», «vị giáo sư của Đại học hàng đầu», «nhà trí thức bách khoa toàn thư » «học giả uyên bác» – ngôn từ như thế hoàn toàn không thích hợp (dù là diễn đạt không sai sự thật!) với con người giáo sư Lê Thành Khôi vốn bình dị, thung dung.

Chỉ xin ghi lại đây vài mảnh ghép, nhặt nhạnh dăm ba điều tôi đã học được từ sách của giáo sư Lê Thành Khôi.

Độc giả, nếu cần, xin vui lòng tìm xem tiểu sử và thư mục của giáo sư Lê Thành Khôi trên mạng.

Về nguồn gốc loài người

Nguồn gốc loài người đi từ châu Phi hay châu Á là vấn đề được tranh luận gay gắt giữa nhiều nhà Tiền sử học. Gs Lê Thành Khôi dựa trên trường phái «gốc Á». Sự lựa chọn này không phải chỉ vì cảm tính. Ngành khảo cổ học, theo chổ chúng tôi được biết, vẫn chưa đi đến nhất quán nhưng những khám phá gần đây thiên về gốc Á.

Marcel Otte viết  «Châu Phi không hẳn là cái nôi của nhân loại, Trung quốc với l’homme de Pékin, và Iran, góp phần không nhỏ và hiện ta chưa gở rối hết những di chuyển của tổ tiên loài người ở thời Tiền sử»  (2).

Ở chương I, Lúc bình minh của lịch sử, trong quyển Histoire du Việt Nam (3), giáo sư Lê Thành Khôi tóm lược những dấu tích đầu tiên đã tìm được của tổ tiên người Việt (trang 55-65), những mô tả vẫn còn phù hợp với hiện trạng hiểu biết của khảo cổ học đương đại.

Như vậy không thể khẳng định như tác giả Hà văn Thùy trong bài «Thưa cùng giáo sư Lê Thành Khôi» rằng nguồn gốc của loài người đi từ châu Phi (4) để từ đó phê phán giá trị  các công trình của gs Lê Thành Khôi .

Về Sử học

Tác giả Hà văn Thùy khi phê bình  một bài viết của giáo sư Lê Thành Khôi   có nhận xét  rằng … «Một ông Tây nhìn sử Việt dưới con mắt thiên kiến» (4). Dĩ nhiên lời bình này không «nhắm» quyển Lịch sử Việt Nam nhưng tôi cũng cố  gắng đi tìm cái «thiên kiến», nếu có,  của giáo sư Lê Thành Khôi qua quyển sách này –   nhưng không thấy nó ở đâu.

Trái lại, nhìn bố cục của sách Lịch sử Việt Nam, L’ Histoire du Viet Nam (3) ai cũng thấy rằng quan niệm của giáo sư Lê Thành Khôi về lịch sử là lịch sử toàn cảnh. Lịch sử đi từ đất và người.

Người thì có nguồn, có gốc, có văn hóa, có chính trị. Sự cấu thành của quốc gia, vì thế,  đi từ lãnh thổ, từ dân cư, từ văn hóa, từ kinh tế… trong đó có cả vấn đề tâm linh và tín ngưỡng. Các biến cố lịch sử thành một chuỗi hợp lý, với phân tích nguyên nhân – hậu quả. Và sách Sử thành vô cùng …dễ đọc nếu không nói là …hấp dẫn.

Quan niệm lịch sử toàn cảnh thể hiện qua cách trình bày: quyển Lịch sử Việt Nam vẫn giữ bố cục theo thời gian nhưng bằng cách diễn đạt phân tích –  mỗi triều đại được giới thiệu bằng một hay nhiều tựa đề nói lên đặc thù của triều đại đó –. Chẳng hạn triều Nguyễn thì tập quyền, bành trướng phía Cam bốt và Lào, bế quan toả cảng và khủng hoảng. Những tựa đề khiến cho người đọc thêm động cơ để đi vào và đọc tiếp các phân tích cùng với tác giả.

Hơn thế nữa, bàng bạc khắp cuộc …hành trình – hành trình đọc sách này (3) – các chi tiết được chọn lọc một cách cẫn thận, phục vụ tốt cho … lịch sử.

Thí dụ 1:

Giáo sư Lê Thành Khôi «kể», chỉ với bốn trang 182-185 (trong đó có một trang cho bản đồ Đông Nam Á thời thế kỷ thứ XIII-XIV), sức mạnh của quân Nguyên (chúng chiếm hết Trung quốc), sự khôn ngoan của vua Trần Thái Tông, cái dũng khí với lý luận «chung / riêng» của Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và làn sóng dân chủ của Hội nghị Diên Hồng.

Đối với cộng đồng chỉ biết Pháp ngữ, viết S̉ử như thế vừa súc tích, vừa đủ miêu tả lý luận, vừa có minh họa (mười dòng trích từ Hịch tướng sĩ). Đó là chưa kể hai trang sau đó gs Lê Thành Khôi phân tích về những lý do của thắng lợi Việt Nam trên quân Nguyên. Người phàm phu tục tử lúc đó, đi vào chiều sâu của những phản ứng về phía Việt Nam trước giặc Nguyên bành trướng một cách rất là hiễn nhiên, thoải mái.

Thí dụ 2:

Ở trang 297, giáo sư Lê Thành Khôi trích Hồ Xuân Hương – dịch ra tiếng Pháp –

«Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?»

khi ông trình bày về văn chương Nôm, thế kỷ 18 với lời bình, trên khía cạnh hình thức, so sánh thơ Hồ Xuân Hương với ca dao và, về nội dung, bàn đến vấn đề thân phận phụ nữ trong xã hội.

Ở đây giáo sư Lê Thành Khôi dịch thành:

Ah! Si je pouvait me changer en homme

                              Combien d’actions d’éclat ne pouvais-je pas faire!

                    vừa không phản ý Hồ Xuân Hương vừa dùng một lối văn Pháp ngữ hoàn chỉnh

Kết quả: độc giả nói tiếng Pháp thích thú được tiếp cận với văn hóa Việt Nam, một tiếp cận toàn diện và cụ thể,  qua vài nét chấm phá sâu sắc chọn lọc và trình bày bởi  gs Lê Thành Khôi.

Không thiên kiến, một công trình nghiêm túc và đẹp  (ít nhất là dưới góc nhìn của một phàm phu tục tử).

Cầm trên tay quyển Histoire du Việt Nam, mà bản dịch là «Lịch sử Việt Nam»  vừa được xuất bản ở bên nhà (5), cảm giác đầu tiên của độc giả là sự nghiêm túc của công trình.

Thật vậy,

– Mỗi chương có từ 30 đến 80 chú dẫn, tức là có ngọn có ngành. Viết sử là viết trên  những dữ kiện đã được tìm thấy và công bố.

– Cuối sách có bảng lịch qua các thời đại, bảng các vấn đề đã phân tích xếp theo mẫu tự, bảng danh sách các tên họ tác giả, văn kiện và địa danh cũng theo mẫu tự … các bảng này rất tiện lợi cho người đọc dễ dàng việc tra cứu.

– Bảng lịch qua các thời đại lại có bố cục đối chiếu qua ba cột: lịch sử chính trị, lịch sử văn hóa và so sánh với những sự kiện của lịch sử toàn cầu.

– Danh sách các minh họa

– và Thư mục tổng quát

Hoàn thành một công trình như thế  là làm công việc của một nhà khoa học, đã đành rồi. Mà còn là làm công việc của một con kiến (kiến tha lâu đầy tổ) hay của con ong thợ, tiếng Pháp thì nói un travail de titan – công việc khổng lồ – cần mẫn ghi chú sau khi đã hoàn thành việc sưu tầm tra khảo và viết lách – ở cái thời mà máy tính chưa phổ cập như ta biết bây giờ.

– Sau cùng, qua thư mục và qua bảng danh sách các tên họ tác giả văn kiện và địa danh, ta thấy gs Lê Thành Khôi dùng cả bốn ngôn ngữ: Pháp ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh và cả Hán tự , một sự thông thái càng ngày càng hiếm, hiện thời.

– Chưa hết, cần phải nói thêm là giáo sư Lê Thành Khôi viết sử như viết văn. Trang 159-162, chiến  tranh  1075-1077 được kể như một thiên anh hùng ca – chant épique – Bài thơ Nam quốc thiên hà Nam đế cư… chúng ta đều nằm lòng nhưng cho độc giả tiếng Pháp, khi thấy bên cạnh những bản đồ ghi các mũi tấn công và bảo vệ của quân đội Lý thường Kiệt, bốn câu thơ trên thêm vào làm họ ngạc nhiên một cách thú vị. Bốn câu thơ này cũng là một trong các phương thức giáo sư Lê Thành Khôi dùng để dẫn giải vai trò của văn hóa trong quân sự.

Về văn hóa và phát triển

Đến cuối những năm 1980, những viện trợ phát triển, nhất là đối với châu Phi và trong một chừng mực nào đó, với châu Á và châu Mỹ La tinh, những viện trợ phát triển ít chú ý đến văn hóa.

Phát triển lúc ấy là phát triển theo hình mẫu Âu Mỹ. Những chuyên viên quốc tế chưa rời xa cái quan niệm paternaliste – kẻ cả – của người … văn minh mang ánh sáng khoa học kỷ thuật cho các nước … kém mở mang (6).

Trong khung cảnh giúp mở mang, cũng trước thập niên 1980,  khuynh hướng lúc ấy là dùng mẫu của các nước tiền tiến Âu Mỹ mang về cho các nước thuộc thế giới thứ ba – một tàn dư của quan niệm thuộc địa.

Lê Thành Khôi là một trong những người đầu tiên nêu lên tầm quan trọng của yếu tố văn hóa địa phương trong vấn đề phát triển (7).

Thế nhưng văn hóa là gì ? Là những phương thức thích ứng nhất mà cộng đồng đã sáng chế ra để có thể sinh hoạt và trường tồn trong một hoàn cảnh địa lý, vật chất, lịch sử nào đó. Vì thế, những cái «văn minh Âu Mỹ» không hẳn là thích hợp cho các nước «chậm tiến» mà viện trợ muốn giúp (6).

Giáo sư Lê Thành Khôi đưa ra những nhận xét về liên hệ giữa người và thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp, những vấn đề đặt ra khi cơ khí hóa nông nghiệp và  khi đô thị hóa.  Ông nhấn mạnh trên những khó khăn khi hoàn cảnh xã hội không đồng nhất về giai cấp, về những khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời ông cùng phân tích những «mẫu»  sản xuất và những «mẫu» tiêu thụ đặc thù (7).

Ba mươi năm sau, hiện World Bank vẫn dùng các phương thức ấy để phân tích hiện trạng kinh tế các nước đang phát triển.

Để kết luận, giáo sư Lê Thành Khôi nhấn mạnh đến vai trò của sáng tạo trong phát triển –  một khái niệm còn nguyên tính thời sự vì các mô hình kinh tế, phát triển lúc nào cũng phải được áp dụng một cách co giản và uyển chuyển cho hợp với những đặc thù của từng hoàn cảnh (7).

Gần mười năm sau đó, giáo sư Lê Thành Khôi cho xuất bản Culture, créativité et développement  (8) mà ta có thể dịch ra là Văn hóa, sự sáng tạo và sự phát triển trong đó ông từ tốn bắt đầu từ cơ sở của khái niệm bản sắc, đặc thù văn hóa, … để đi xa hơn, phân tích vai trò của văn hóa trong phát triển – phát triển toàn diện chứ không chỉ phát triển kinh tế.

Trong đường hướng đó, những cuộc chiến giành độc lập, từ Gandhi tới Hồ Chí Minh, cũng nằm trong định hướng phát triển. Ở đây là phát triển chính trị.

Hẹp hơn, trong phát triển kinh tế, vai trò của văn hóa cũng quan trọng. Thật vậy, với những cái hợp lý và không hợp lý của xã hội nông thôn; với ảnh hưởng của những giá trị tôn giáo khác biệt của Khổng giáo, Ấn độ giáo hay Phật giáo, … không thể nào áp dụng một phương thức độc nhất cho phát triển kinh tế những vùng miền hay quốc gia khác nhau.

Khái niệm văn hóa cần cho phát triển nhưng quá chú trọng đến văn hóa, khư khư giữ bản sắc hay bản thể (ông phân tích và phê bình khái niệm authenticité – đặc thù văn hóa – mà một lảnh đạo châu Phi đã lớn tiếng đề cao), … có thể là một cản trở cho phát triển.

Cuối cùng, giáo sư Lê Thành Khôi đề nghị một mô hình phát triển tổng hợp hết các yếu tố trên đồng thời dựa trên một triết lý độc đáo: giới hạn nhu cầu hay ham muốn của con người và đề cao sự thăng bằng giữa người và thiên nhiên (9). Muốn được như thế, ông lần lượt «xem lại» các lý thuyết về nhu cầu và bình luận, bổ túc, …về những giới hạn có thể để thích hợp với môi trường và bảo vệ môi trường. Cái mà ta gọi là phát triển bền vững.

Nếu dùng từ hiện đại thì mô hình đề nghị bởi giáo sư Lê Thành Khôi là một mô hình écologique  hay tôn trọng sinh thái. Giáo sư Lê Thành Khôi đi trước trào lưu vài ba thập kỷ!

Về văn hóa trong giáo dục

Năm 1991, khi quyển L’éducation : cultures et sociétés (10) mới vừa được xuất bản, cầm cuốn sách với cái bìa đỏ trên tay, giáo sư Lê Thành Khôi hỏi tôi có biết chữ Hán trên bìa ấy là chữ gì hay không. Thật là một câu hỏi làm tôi bối rối, vốn chữ Hán, tôi đã … trả các thầy tôi từ lâu. Giáo sư Lê Thành Khôi thì khác, ông thông thạo Hán văn. Chữ HỌC, ở đây là bút pháp của Zhao Zhi Qian mà giáo sư Khôi cho lên bìa sách, nhưng HỌC là một vấn đề ông nghiên cứu suốt cả đời …Học trên vi mô và giáo dục trên vĩ mô.       

Qua quyển sách này, giáo sư Lê Thành Khôi, như ông viết trong lời mở đầu, đi tìm một lý thuyết tổng quát về giáo dục. Tại sao phải dạy ? Để tái tạo văn hóa của xã hội ? Để sản xuất văn hóa ?

Thế là ông bắt đầu lại, đi từ những nền tảng, những khái niệm về luật xã hội (normes), về giáo dục tín ngưỡng, về những giá trị xã hội căn bản, giá trị của đạo Phật, đạo Thiên chúa hay của những triết gia như Khổng Tử, Marx, …và giáo dục công dân.

Ông cũng đề cập đến những diễn viên của giáo dục (gia đình, giai cấp, quốc gia,…)  để cuối cùng đề cập đến vai trò của những liên hệ quốc tế về giáo dục.

Rốt cuộc, giáo dục, trong nghĩa rộng – dù là giáo dục chính thống có tổ chức hay giáo dục gián tiếp, không có tổ chức -,  là những phương thức mà bất cứ xã hội nào cũng có trách nhiệm phải lo với giới trẻ để chúng học hòa đồng vào xã hội và góp phần cho cấu trúc, cho sự trường tồn của xã hội.

Giáo dục là cả cuộc đời của giáo sư Lê Thành Khôi. Giáo dục cho toàn cầu.

Trong những năm 1960-1980 các chữ như toàn cầu hóa, mondialisation hay globalization chưa hiện hữu, giáo sư Lê Thành Khôi bàn về giáo dục dựa trên các đặc thù về địa lý, nhân văn và nhất là triết lý, tín ngưỡng của các nước và vùng miền có văn hóa khác nhau.

Đối với ông, giáo dục và văn hóa mật thiết liên hệ với nhau, như hai mặt của một vấn đề, ảnh hưởng với nhau.

Góc nhìn này – nhìn toàn diện – có thể giúp ta hiểu được các diễn biến, dự trù các đường hướng và loại trừ những đánh giá chủ quan của những chính sách giáo dục.

Gần đây hơn, hai công trình đồ sộ về lịch sử giáo dục toàn cầu mà giáo sư Lê Thành Khôi cho ra đời  năm 1995 và năm 2001 (11) đã khiến thế giới khâm phục – gần 1500 trang ông đề cập đến những xã hội khác nhau, ở các châu lục khác nhau, với những tôn giáo và triết lý khác nhau, trong quá khứ cũng như trong hiện tại và với vài viễn ảnh tương lai.

Hai quyển này có thể xem như  một toàn thư về lịch sử văn hóa thế giới dưới lăng kính của giáo dục.

Sợi chỉ đỏ là cái «sứ mạng» mà các nền văn minh khác nhau theo đuổi. Sứ mạng đó là hòa hợp các thành viên cùng sống chung trong một xã hội bằng cách truyền cho họ những luật lệ xã hội, bằng cách … giáo dục họ.

Giáo sư Lê Thành Khôi cho thấy là bất cứ thời nào, trong quá khứ cũng như hiện tại, bất cứ xã hội nào, ở châu Á, châu Âu hay châu Phi, xã hội nào cũng lo giáo dục giới trẻ.

Mục đích thứ tư của giáo dục mà UNESCO đã truyền bá từ hơn hai mươi năm nay là học để cùng nhau chung sống. Mục đích ấy của giáo dục đã được các xã hội khác nhau, bằng những phương thức khác nhau,  thực hiện rồi.

Hai công trình này có thể đọc tùy theo sở thích và chuyên môn của độc giả. Riêng tôi, tôi đã tìm đọc ở đây lý thuyết của các nhà giáo dục từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây. Tôi cũng đã tra cứu về việc đi học của phụ nữ ở châu Á, châu Phi, …

Về giới trẻ

Như bất cứ nhà giáo nào, giáo sư Lê Thành Khôi quan tâm tới giới trẻ. Giáo dục mà không có học trò thì dạy cho các bức tường hay dạy trong sa mạc sao?

Năm 1978 ông cho phát hành quyển Jeunesse exploitée, jeunesse perdue? (12) – Tuổi trẻ bị bóc lột, tuổi trẻ bị đánh cắp? –  trong thư mục Xã hội học ngày nay của nhà xuất bản Đại học Pháp.

Đây có lẻ là quyển sách của giáo sư Lê Thành Khôi dễ đọc cho tôi nhất vì nội dung gần với chuyên ngành của tôi – bất bình đẳng ở trường, những phân tích sự kiện giáo dục và phương pháp sư phạm,…  Méo mó nghề nghiệp, trước khi đọc, tôi lướt mắt tôi đi tìm, trong các chỉ dẫn thư mục,  các tác giả mà ông kể. Rốt cục, chỉ thiếu có … Pierre Bourdieu mặc dù, thuộc về đề tài này, Pierre Bourdieu đã xuất bản quyển La reproduction sociale  tám năm trước đó (1970). Ngoài ra thì giáo sư Lê Thành Khôi … đã đọc đa số sách tôi đọc thời ấy: Berstein, Boudon, Castel, Isambert-Jamati, Sneyders, …  – một điều đáng kính phục vì xã hội học không phải là chuyên môn của ông!

Trẻ học, thành công hay thất bại ở trường, sau đó đi làm và thất nghiệp ra sao, những yếu  nào quyết định «số mạng» của các em,… là những vấn đề mà giáo sư Lê Thành Khôi lần lượt trình bày ở đây, một cách tổng quát, trong các xã hội theo mô hình kinh tế tư bản.

Cái đặc thù của công trình này là giáo sư Lê Thành Khôi nhắm đến các nước đang mở mang, trong đó có Việt Nam. Các chương cuối của sách nói về Tuổi trẻ và Cách mạng – vai trò của thanh niên trong các tranh đấu giải phóng đất nước và kiến thiết xứ sở . Ông vẫn giữ thái độ khách quan của nhà khoa học, một nhà khoa học toàn cầu – bằng cách mô tả tình trạng ở Argentine, ở Ceylan, …  nhưng qua cách tiếp cận và trình bày vấn đề, ta cũng đọc đoán được phần nào sự dấn thân của nhà khoa học, người Việt, đối với trường hợp Việt Nam.

Lời chót

Không chơi chữ, nhưng trước khi đặt câu hỏi «Học thế nào?» hay «Học những gì?», ta phải biết «Tại sao học?» và «Học để làm gì?». Giáo sư Lê Thành Khôi, suốt đời, đi tìm lý thuyết cho sự học, như một nhà triết lý giáo dục. Ông trả lời hai câu hỏi sau và xem việc HỌC như sinh hoạt tối cần thiết cho mọi xã hội – học để hấp thụ và truyền văn hóa  – học để sản xuất văn hóa – học để phát triển.

Xin kết luận một cách tình cảm,  bằng những chữ mượn của giáo sư Cao Huy Thuần, «Lê Thành Khôi: người anh cả của chúng tôi trong Đại học» (13).

 

Nguyễn Huỳnh Mai

—–

Chú thích:

(1) Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính (chủ biên), Từ Đông sang Tây. NXB Đà Nẳng, 2005, 464 trang.

Có thể đọc bài giới thiệu về sách này ở đây:

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/mung-anh-le-thanh-khoi-90-tuoi

hay  ở đây, một bài giới thiệu khác:

http://vanthanhbook.com/doc-sach-tu-dong-sang-tay.html

 

(2) Otte M., La Préhistoire de la Chine et de l’Extrême-Orient. Paris, Éditions Errance, 2011, 182 trang.

Một giới thiệu quyển sách này, trên mạng, có thể đọc được ở đây:

http://reflexions.ulg.ac.be/cms/c_37076/le-berceau-chinois-de-l-humanite

Marcel Otte là giáo sư về Tiền sử học ở ĐH Liège và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều ĐH trên thế giới, trong đó có Collège de France.

(3) Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858. Paris, NXB Sud Est Asie, 1987. 452 trang.

(4) Hà văn Thùy,  «Thưa cùng giáo sư Lê Thành Khôi»

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8166

(5) Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, Nhã Nam & Nhà xuất bản Thế Giới, 2014.

(6) Poncelet M., Une utopie post-tiersmondiste. La dimension culturelle du développement. Paris, L’Harmattan, 1995, 366 trang.

(7) Lê Thành Khôi, Culture et développement. Revue Tiers Monde. T. 25, N° 97,  (Janvier-mars 1984), trang. 9-28.

Có thể đọc trên mạng ở đây: http://www.jstor.org/stable/23590370

hay ở đây:

http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/tiers_0040-7356_1984_num_25_97_3355

(8)  Lê Thành Khôi,  Culture, créativité et développement. Paris, NXB L’Harmattan,  1992. 224 trang.

(9) sách dẫn trên (8), trang 171-208.

(10) Lê Thành Khôi, L’éducation: cultures et sociétés. Paris, NXB La Sorbonne, 1991, 352 trang.

(11) Lê Thành Khôi, Éducation et civilisations, tome 1: Société d’hier, Paris, UNESCO/NXB Nathan, 1995,704 trang.

Lê Thành Khôi, Éducation et civilisations, tome 2: Genèses du monde contemporain. Paris,  UNESCO/NXB Bruno Leprince – Horizon du monde, 2001, 734 trang.

Dưới đây là hai bài điểm sách của hai công trình này:

– Groux D., Lê Thành Khôl — Éducation et civilisations : Sociétés d’hier. Revue française de pédagogie, 1997, Vol. 121 n° 121, tr. 177-178.

http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/rfp_0556-7807_1997_num_121_1_3008_t1_0177_0000_2

– Gauthier P.-L., Lê Thành Khôi, Éducation et civilisations, tome 2: Genèses du monde contemporain. Revue Internationale d’Education de Sèvre, 2002, n° 29, tr. 26-28.

http://ries.revues.org/1829

(12) Lê Thành Khôi, Jeunesse exploitée, jeunesse perdue ? Paris, Presses Universitaires de France, 1978 (Collection Sociologie d’aujourd’hui), 227 trang.

(13) http://www.diendan.org/viet-nam/le-thanh-khoi-nguoi-anh-ca-cua-chung-toi-trong-dai-hoc