Thiết kế và biên soạn SGK theo định hướng phát triển bền vững – Olena Pometun

Thiết kế và biên soạn SGK theo định hướng phát triển bền vững – Olena Pometun

GS. TS. Olena Pometun

Trong lịch sử ngành GD, ở cùng một thời điểm, từng có rất nhiều cuốn SGK tốt nhưng hoàn toàn khác biệt nhau. Vào những năm 1980, ngành GD Liên bang Xô Viết đã rất nỗ lực để xây dựng chỉnh thể lí thuyết SGK. Tới tận hôm nay, những người biên soạn SGK của U-krai-na và nước ngoài vẫn quan tâm nhiều đến mục tiêu này. Người đọc có thể bắt gặp những câu như “Nó là đây – lí thuyết SGK! Nó chứa đựng tất cả, chỉ việc áp dụng…”. Thật không may là trong thực tế điều này là không thể. Hệ quả là SGK ngày nay có chất lượng rất khác nhau. Liệu có phải vì tác giả của chúng không biết tới lí thuyết SGK hay còn có những lí do khác để giải thích cho điều này?

Để lí giải cho hiện tượng trên, điều đầu tiên là cần xác định rõ khái niệm “SGK”. Khái niệm này tưởng chừng đơn giản mà lại không hề đơn giản. Ngày nay, giới hạn định nghĩa của từ này được trải rộng hơn khi SGK thường được tích hợp hay kết hợp cùng các ấn phẩm khác dành cho HS như “tuyển chọn các bài tập”, “sách tham khảo”, “máy đọc”, “bảng thuật ngữ”,… Hơn nữa, sự thiếu nhất quán trong cách hiểu về khái niệm SGK dẫn đến nhiều hình thức khác nhau của chúng: dạng bản cứng hoặc bản mềm, siêu văn bản, đa phương tiện, đĩa CD hay tài nguyên trên mạng Internet.

Rõ ràng để xác định rõ khái niệm “SGK”, cần bắt đầu từ chức năng của nó. Theo truyền thống, SGK có hai chức năng chính. Thứ nhất, nó là nguồn thông tin gồm các nội dung học tập theo quy định của chương trình GD, được trình bày dưới dạng thức dễ sử dụng; thứ hai, nó là công cụ hướng dẫn tổ chức quá trình dạy và học (bao gồm cả việc tự học của HS).

Để thực hiện được chức năng chính của nó, một cuốn SGK cần chứa đựng những thông tin nhất định theo quy định của phân phối chương trình môn học và chương trình giảng dạy. Tác giả SGK cần chọn lựa và cấu trúc những thông tin này theo một cách nào đó (phân phối, trình bày trong sách). Đây chính là quá trình biên soạn SGK mà tác giả viết sách cần phải tính đến các điều kiện, yêu cầu và giới hạn như:

–   Hình thức thể hiện thông tin phụ thuộc vào loại hình SGK: những thông tin đó sẽ thay đổi phụ thuộc vào dạng thức sách mà chúng ta thiết kế như dạng bản in, bản điện tử hay trên trang mạng.

–   Kiểu môi trường giảng dạy, mô hình giảng dạy mà sách được sử dụng: giảng dạy trong lớp học, giảng dạy theo dự án, theo mô-đun hay giảng dạy từ xa đều cần những loại hình SGK khác nhau.

–   Mục tiêu GD và mục đích mà SGK cần hỗ trợ thực hiện: nếu SGK chỉ đơn thuần giúp truyền tải kiến thức cho HS, quyển sách đó sẽ mang những đặc điểm hỗ trợ cho mục tiêu truyền tải kiến thức. Nếu ngoài việc cung cấp kiến thức, chúng ta muốn phát triển thêm những kĩ năng đặc biệt khác cho HS, thì các đặc điểm đó sẽ phải thay đổi. Nếu mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ phát triển tính cách cá nhân (như trong GD hướng học sinh hay GD lấy HS làm trung tâm), SGK cần chứa đựng những yếu tố tác động đến tình cảm, giá trị, suy nghĩ, văn hoá,… của HS.

–   Tuổi và đặc điểm cá nhân của mỗi HS (cách học của mỗi cá nhân).

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều các yếu tố cần lưu ý khi biên soạn SGK. Từ quan điểm này, SGK trở thành một mô hình toàn diện của quá trình dạy – học, phản ánh mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, phương pháp dạy và học.

Khi đã xác định được nền tảng cơ bản trên, chúng ta có thể lựa chọn một số yếu tố từ lí thuyết SGK và thiết kế chúng để cho ra đời quyển SGK hoàn chỉnh.

Những yếu tố đó là gì?

Một cuốn SGK hiện đại là một hệ thống phức hợp bao gồm hợp phần chữ và hợp phần ngoài chữ. Những hợp phần này được lựa chọn và được đặt trong từng chủ đề cụ thể theo nội dung chương trình (xem bảng Cấu trúc SGK dưới đây).

Từng thành phần này sẽ được thảo luận kĩ hơn trong phần dưới đây:

Tuỳ thuộc vào mục đích và vị trí trong SGK, phần nội dung chính có thể chia thành các phần giới thiệu, thông tin hoặc tóm tắt. Thông thường, phần giới thiệu (mở đầu cuốn sách hoặc mở đầu một chủ đề) mô tả những đề mục chính trong nội dung sách và hướng dẫn tóm tắt cách sử dụng sách. Đôi khi phần giới thiệu đề cập đến đặc trưng riêng biệt của môn học và liệt kê những kĩ năng chính HS cần đạt. Kĩ thuật này giúp HS rèn luyện kĩ năng sử dụng sách độc lập và hiệu quả.

Phần Thông tin bao gồm những sự kiện và khái niệm chính mà HS cần học. Phần này được chia thành nhiều phân mục, chương, chủ đề, đoạn với cách trình bày cô đọng và hợp lí cùng số lượng tối thiểu các sự kiện giúp HS nắm được ý chính. Số lượng chữ trong mỗi đoạn phụ thuộc vào độ tuổi và kĩ năng đọc của HS. Trung bình, một đoạn trong SGK lớp 10 có từ 2.500 đến 3.000 chữ và một chủ đề (cho một bài học) có 10.000 – 12.000 chữ.

Cấu trúc SGK

Hợp phần

Các thành phần

Chữ

Nội dung chính

Nội dung bổ sung

Phần chú giải

Giới thiệuThông tinTóm tắt 1. Tư liệu2. Khoa học thường thức3. Hư cấu

– Giải thích thuật ngữ

– Phần giải thích trong ngoặc trong phần chính văn

– Phần chú giải cho các minh hoạ

– Dữ liệu về các minh hoạ, tư liệu và tác giả của chúng.

Ngoài chữ

Các minh hoạ

Công cụ học tập

Công cụ định hướng

– Hình ảnh:• Tranh vẽ• Tranh mô phỏng

• Ảnh chụp

– Đồ hoạ:

• Bản đồ

• Bản đồ giản lược

• Hình vẽ

• Sơ đồ

• Đồ thị

• Biểu đồ

– Câu hỏi và bài tập

– Thứ tự các bước học

– Các câu hỏi tự kiểm tra

1. Mục lục

2. Tiêu đề và kí hiệu chủ đề

3. Kí tự tượng hình

4. Cấu trúc trình bày

5. Từ điển thuật ngữ và đề mục của:

– các thuật ngữ

– ngày tháng

– tên

6. Bảng thuật ngữ

7.Tiêu đề đầu trang, đề mục

8. Tài liệu tham khảo

Ở một số SGK, sau phần thân bài thường có một đoạn tổng kết, trong đó có tóm tắt lại các ý chính của đoạn hoặc của chủ đề, đánh giá các sự kiện đã trình bày và rút ra kết luận. Tuy nhiên, cho đến nay, quan điểm về phần tổng kết – phần giúp nâng cao hiệu quả học của HS – chưa được xác định rõ. Đồng thời, khi không có phần tổng kết, GV có thể yêu cầu HS tự tìm hiểu và rút ra kết luận của riêng mình.

Trước đây, phần nội dung bổ sung thường không được coi trọng. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã nhìn nhận lại vai trò quan trọng của nó trong SGK, đặc biệt đối với ngành khoa học nhân văn. Nội dung bổ sung bao gồm những tư liệu (lịch sử hoặc các môn rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ), các đoạn trích từ các tài liệu khoa học thường thức, tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu sử của các nhà khoa học… Các tư liệu này giúp khơi dậy niềm hứng thú của HS và giúp các em liên hệ bài học với thực tiễn đời sống. Phần chú giải có chức năng giải nghĩa các từ vựng mới trong phần văn bản chính hoặc chú thích thêm về phần tranh minh hoạ hoặc các số liệu.

Phần minh hoạ trong SGK bao gồm tranh vẽ, tranh mô phỏng, ảnh chụp, bản đồ, số liệu, biểu đồ, sơ đồ và các bảng biểu giúp HS tư duy trực quan, nâng cao hiệu quả học tập. Cần lưu ý sử dụng số lượng ảnh, biểu đồ, tranh và ảnh tư liệu theo tỉ lệ cân bằng và phù hợp với độ tuổi HS. Về mặt nguyên tắc, phần minh hoạ có tác dụng thay thế một phần của nội dung bằng chữ nhưng không được lặp lại phần nội dung bằng chữ đó và nên yêu cầu HS phân tích phần minh hoạ.

Thật khó nghĩ đến SGK ngày nay mà không có tập hợp các công cụ học tập – giúp HS nắm được nội dung học. Đó là một hệ thống tổng hợp các câu hỏi và bài tập, bảng và hướng dẫn bao gồm:

–    Các câu hỏi và bảng được đặt trước, trong và sau phần nội dung bằng chữ giúp tóm tắt, kiểm tra và gợi mở suy nghĩ về nội dung bài học. Câu hỏi và bảng cũng có thể đặt sau phần tranh minh hoạ và tư liệu nhằm làm phong phú thêm bài học;

–    Các câu hỏi và bài tập nên được thể hiện dưới nhiều dạng với mục đích rõ ràng, ví dụ yêu cầu HS nhắc lại những thông tin thu thập được, tìm kiếm thông tin và xử lí thông tin một cách sáng tạo.

Một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng SGK chính là việc sử dụng đa dạng và theo tỉ lệ hợp lí các loại hình bài tập. Điều này giúp GV mở rộng phương pháp luận của bài học với nhiều chiến lược và phương pháp giảng dạy khác nhau.

Một số thông tin thêm về các loại câu hỏi và bài tập như vậy:

–    Câu hỏi và bài tập mở đầu trước chủ đề bài học giúp kích hoạt kĩ năng và kiến thức đã có của HS;

–    Có thể đưa ra một bài tập trước mỗi đoạn để HS thực hiện trong quá trình đọc. Điều này giúp HS tự chia đoạn văn thành các phần nhỏ, tìm ý chính, theo dõi logic của nội dung bài học và đối thoại với tác giả khi đánh giá một sự kiện hay một sự việc. Các câu hỏi và bài tập của từng chủ đề tập hợp lại tạo nên một hệ thống giúp HS làm chủ nội dung môn học một cách độc lập;

–    Bài tập cuối mỗi chủ đề giúp đánh giá khả năng nắm bài học của HS. Có thể đa dạng hoá mức độ khó của bài tập như: vận dụng, sáng tạo hay phê phán…

Một khía cạnh quan trọng khác cần xem xét là cách diễn đạt nhiệm vụ cho HS. Trước đây, SGK thường dùng những kiểu câu hỏi như “tại sao”, “để làm gì”, “giải thích”, “so sánh”, “hãy chứng minh”… Ngày nay, người biên soạn sách thường cố gắng tạo ra cuộc đối thoại bình đẳng với HS bằng cách sử dụng những cụm từ như “hãy dựng lại bức tranh”, “hãy diễn đạt ý kiến của em” hay “đánh giá”,…

Cuối cùng, chúng ta cùng xem xét một thành phần tương đối đặc biệt trong một cuốn SGK hiện đại. Trước đây, các tác giả thường không nhìn nhận đầy đủ về vai trò hỗ trợ của nó. Ngay cả cho đến hiện nay, thành phần này cũng chưa được bàn tới nhiều và vẫn còn khá xa lạ với những người không thuộc chuyên môn – đó là công cụ điều hướng (navigation).

Nếu tìm hiểu kĩ chức năng hỗ trợ của loại hình công cụ này sẽ thấy chúng đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo sự gắn kết và hiệu quả của các bộ phận trong SGK. Phần mục lục thường được đặt ở đầu SGK (hoặc ở cuối nhưng vị trí đầu sách vẫn là lựa chọn tối ưu) sẽ giới thiệu được cấu trúc của sách và giúp người đọc dễ dàng tìm được chủ đề hoặc phần nội dung cần đọc. Tiêu đề và kí hiệu chủ đề cũng góp phần định hướng giúp HS chia nhỏ nội dung thành nhiều tiểu phần. Tiêu đề đầu mỗi trang giúp người đọc tìm được chủ đề cần đọc dễ dàng hơn và đầu đề mỗi mục chỉ rõ việc chuyển sang mục mới.

Các kí hiệu giúp người học phân biệt rõ ràng phần nội dung và bài tập nâng cao, cũng như phần tài liệu đọc thêm. Các kiểu chữ nghiêng, nửa đậm và chữ nhỏ giúp làm nổi bật phần nội dung, hỗ trợ hiệu quả về mặt cảm xúc với người đọc cũng như giúp phân loại các kiểu thông tin khác nhau.

Một công cụ định hướng mới thường được sử dụng ngày nay là các hình vẽ nhỏ, còn gọi là kí tự tượng hình giúp nhấn mạnh những phần khác nhau trong SGK.

Các công cụ tham khảo như bản mục lục các mốc thời gian, các tên, thuật ngữ, bảng biểu hay các tài liệu đọc thêm giúp biến SGK từ một cuốn sách học thụ động thành một tài liệu hướng dẫn thực hành. Các công cụ này có thể được in trên một tờ giấy riêng ở bìa sau hoặc bìa trước sách giúp tiết kiệm diện tích.

Những phương pháp tiếp cận trên đương nhiên dẫn đến một thay đổi cơ bản về vị trí cũng như cách sử dụng SGK. SGK giờ đây không còn là “trung tâm của vũ trụ” – nguồn thông tin xác thực duy nhất nữa mà chỉ là một trong những công cụ dạy và học trình bày thông tin theo quan điểm của người biên soạn. Một khía cạnh đáng chú ý khác là sự chuyển biến về mối quan hệ giữa người biên soạn sách và HS. Tác giả SGK cung cấp các cách diễn giải và bình luận về các sự việc, trong khi HS “thấy mình như” đồng tác giả – ở một mức độ nào đó – tham gia đối thoại với tác giả sách và với GV, trong trường hợp GV đưa ra cách lí giải khác.

Qua việc phân tích xu hướng biên soạn SGK ở U-krai-na cho thấy GV ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn trong việc tổ chức các hình thức học cho HS với SGK, ở trường cũng như ở nhà. Tuy vậy, để phát huy tối đa các cơ hội mới, theo chúng tôi điều quan trọng nhất vẫn là việc đào tạo GV.


GS. TS. Olena Pometun là Giáo sư, Tiến sĩ về Khoa học Giáo dục, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Quốc gia U-krai-na.