Một mô hình Kiểu-Mẫu – Dương Thiệu Tống, Phong Trần, Phanxipăng

Một mô hình Kiểu-Mẫu – Dương Thiệu Tống, Phong Trần, Phanxipăng

HTN: Chúng tôi đăng liền ba bài viết về cùng một mô hình trường trung học đã từng hiện diện ở ngoại thành Sài Gòn và ở Huế cách đây hơn 40 năm.

Bài 1. Một mô hình giáo dục trung học 41 năm về trước

Lời giới thiệu của Tuổi Trẻ: Chúng ta cần phải quan tâm đến việc cải tổ bậc trung học trước khi đổi mới nền giáo dục đại học…

Mọi khó khăn, dù lớn lao đến đâu, cũng có thể vượt qua nếu có tinh thần đoàn kết, bất vụ lợi của những người làm giáo dục.

Từ năm 1945, khi bắt đầu giảng dạy bậc trung học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn, cho đến ngày nay tôi vẫn có một niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng nền giáo dục tiểu học và trung học VN phải do người VN xây dựng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội và văn hóa VN, chứ không thể trông cậy các nhà giáo dục nước ngoài và cũng không thể bứng trồng nền giáo dục của một nước nào khác, dù là tân tiến nhất.

Mãi đến khi có cơ hội du học ở Anh (1956) và ở Mỹ (1963) tôi mới nhận ra ngoài nền giáo dục Pháp mà chúng ta rất quen thuộc, còn có nhiều nền giáo dục khác trên thế giới cũng tiến bộ không kém, đặt căn bản trên triết lý giáo dục phù hợp với nền văn hóa, xã hội, kinh tế riêng của từng nước. Tôi biết được điều này qua các môn học về giáo dục đối chiếu (comparative education) và giáo dục quốc tế (international education) mà tôi đã có dịp học tập và nghiên cứu lúc bấy giờ.

Sau khi du học trở về, tôi mong muốn tha thiết rằng nền giáo dục VN được đổi mới và tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ vào sự thay đổi ấy. Tôi nhớ lúc ấy vào khoảng tháng 3-1965, tức bảy tháng trước khi Trường trung học Kiểu mẫu (THKM) Thủ Đức được khai giảng khóa đầu tiên, tôi đệ trình ông khoa trưởng ĐH Sư phạm Trần Văn Tấn một bản dự án thành lập Trường THKM trực thuộc ĐH Sư phạm Sài Gòn.

Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới chưa từng có tại VN, với một chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều kiện riêng của nhà trường (school-based curriculum), sự phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp, việc thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho HS phổ thông, việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn (guidance) và khải đạo (counseling), việc áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy HS làm trung tâm (student-centered teaching and learning), việc sử dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập, tìm hiểu tâm lý và tuyển sinh…

Tất cả các hoạt động ấy chưa từng có tại bất cứ trường trung học nào ở VN vào thời ấy, kể cả một trường mới cũng mang tên là THKM nhưng được đặt tại Huế, hay loại trường trung học tổng hợp mà bộ giáo dục của chế độ cũ đang chuẩn bị thiết lập vào lúc ấy với sự góp sức của các chuyên gia Mỹ.

Sự táo bạo ấy của chúng tôi đã mang đến kết quả tốt đẹp không ngờ: Trường THKM Thủ Đức được khai giảng vào tháng 10-1965 nhờ sự quyết tâm của toàn thể ban giảng huấn và nhân viên văn phòng, với sự hỗ trợ về mọi phương diện của Trường ĐH Sư phạm và nhất là sự đóng góp bất vụ lợi của hội cha mẹ HS. Chỉ qua một niên học đầu tiên, Trường THKM đã trở thành một trung tâm giáo dục mới khá nổi tiếng, tiếp đón các phái đoàn giáo dục trong nước và quốc tế đến tham quan, và cuối niên học ấy nhà trường đã nhận được rất nhiều quà biếu làm phần thưởng cho HS.

Qua kinh nghiệm nói trên, tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục, bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu có sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí của toàn thể giáo viên và cha mẹ HS, nhất là khi mọi người thực tâm chăm lo giáo dục con em với tinh thần bất vụ lợi hoàn toàn. Nhà trường không thu học phí, không có “quĩ đen”.

Hiệu trưởng và các thầy giáo Trường THKM Thủ Đức chỉ ăn lương nhà nước, không có thì giờ dạy thêm ở nhà hay bất cứ nơi nào khác. HS cũng chỉ học ở trường là đủ, không cần phải học thêm ở bất cứ nơi nào. Thật là một điều khó tưởng tượng được ngày nay, nhưng các đồng nghiệp của tôi tại Trường THKM Thủ Đức lúc bấy giờ chỉ xem nó như là một chuyện rất bình thường.

Ngày nay, đa số HS Trường THKM Thủ Đức đều thành đạt vẻ vang trong nước và ngoài nước, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Điều này được chứng tỏ qua các cuộc họp của gia đình THKM tại TP.HCM vào tháng mười hằng năm.

TS Dương Thiệu Tống
Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/175127/mot-mo-hinh-giao-duc-trung-hoc-41-nam-ve-truoc.html

***

Bài 2: Nhớ trường Kiểu mẫu

Áo Trắng (Tuổi Trẻ) – Năm 1964, Đại học Sư phạm Huế có cơ ngơi mới rất khang trang: tòa nhà chữ Y ở hữu ngạn dòng Hương.

Được thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (khôi nguyên La Mã năm 1955, từng thiết kế nhiều công trình kiến trúc giá trị mà nổi bật có Dinh Độc Lập tại Sài Gòn), cả hai tòa nhà ba tầng nọ tọa lạc trong khuôn viên rộng 39.000m2, trước là Tòa Khâm sứ của Pháp.

Ngày 4-8-1964, nghị định 1352/GD/PC/NĐ được ban hành nhằm “thiết lập Trường trung học Kiểu mẫu Huế trực thuộc Trường đại học Sư phạm Huế”. Ngày 20-9-1964, Trung học Kiểu mẫu Huế khai giảng niên khóa đầu tiên gồm 8 lớp, 320 học sinh, 24 nhà giáo, 7 nhân viên, với hiệu trưởng Trần Kim Nở. Năm sau, 1965, Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức mới khai giảng khóa đầu. Năm sau nữa, 1966, Trung học Kiểu mẫu Cần Thơ được thành lập. Trung học Kiểu mẫu Huế trở thành “trưởng tràng” trong hệ thống các trường Kiểu mẫu tại Việt Nam.

Thời đó, hầu hết học sinh các trường phổ thông phải tuân theo qui định về đồng phục: nam mặc áo trắng, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài trắng. Riêng học sinh Kiểu mẫu hơi đặc biệt: nam mặc áo xanh da trời, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài hoặc váy xanh da trời. Ấy là hình thức. Còn nội dung và phương pháp học hành, thi cử của học sinh Kiểu mẫu có gì khác lạ?

Trước tiên, về qui chế, Trường trung học Kiểu mẫu không do Ty Giáo dục quản lý như tất cả trường công lập, bán công và tư thục trên địa bàn, mà trực thuộc Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, Trường trung học Kiểu mẫu vẫn giữ quyền tự trị nhất định: có ban giám hiệu độc lập và đội ngũ nhà giáo riêng đạt trình độ chuyên môn xuất sắc. Đường lối giảng dạy mà Trung học Kiểu mẫu chủ trương và áp dụng là chú trọng việc hướng dẫn từng cá nhân. Do đó, sĩ số mỗi lớp thường không quá 45 học sinh.

Yêu cầu đặt ra: trang bị cho học sinh một số kiến thức tổng quát tối thiểu và phổ thông để sau đủ khả năng theo đuổi bậc đại học, đồng thời cung cấp một số kiến thức thực dụng giúp học sinh hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai hoặc bất đắc dĩ thì có thể mưu sinh, nếu chẳng may không tiếp tục được việc học ở trường lớp. Cần lưu ý rằng nội dung chương trình giảng dạy của trường Kiểu mẫu thường xuyên được sửa đổi trên tinh thần linh động, uyển chuyển nhằm thích ứng kịp thời với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học giáo dục Việt Nam và thế giới.

Từ thập niên 1960, học sinh Trung học Kiểu mẫu đã được làm quen tân toán học, nhập môn lớp 6 liền “vui chơi” với lý thuyết tập hợp của Georg Cantor (1845 – 1918) thông qua tập hợp rỗng và tập hợp chứa ít nhiều phần tử với mấy mối quan hệ giao hoặc hội được thể hiện trực quan bằng giản đồ Venn.

Các môn khác gồm Việt văn, sinh ngữ lẫn cổ ngữ (Anh, Pháp, Hán), lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, vạn vật (tức sinh học) cũng có nhiều đổi mới so với các trường khác cùng thời, thể hiện qua bài học ngắn gọn với các kiến thức cập nhật, đề cao suy luận sáng tạo hơn ghi nhớ máy móc, chăm chú rèn giũa kỹ năng thí nghiệm và thực hành. Học sinh Kiểu mẫu còn học âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, lại được huấn luyện thêm nhiều môn mà các trường phổ thông khác không dạy như võ thuật, canh nông, chăn nuôi, công kỹ nghệ, doanh thương, kinh tế gia đình.

Lề lối thi cử của Trường Kiểu mẫu được cải tiến đáng kể: bãi bỏ thi lục cá nguyệt (học kỳ), bãi bỏ hệ số các môn thi cuối cấp (tú tài). Điều đó xuất phát từ quan niệm: cần trang bị kiến thức nền một cách toàn diện và không xem thi cử là quyết định tối hậu. Hồi ấy, các trường trung học chấm bài theo thang điểm 20, riêng Kiểu mẫu không dùng điểm số mà áp dụng điểm chữ: A (giỏi), B (khá), C (trung bình), D (kém), L (loại/liệt). Đề thi nhập học (tuyển sinh vào lớp 6 được áp dụng ngay từ niên khóa đầu tiên), thi tú tài và cả nhiều bài kiểm tra bình thường ở trường Kiểu mẫu đều được soạn chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn lựa, trả lời vắn tắt…

Niên khóa 1965 – 1966, Trung học Kiểu mẫu Huế đã có 12 lớp, 476 học sinh, 30 nhà giáo, 12 nhân viên, với hiệu trưởng Dương Đình Khôi. Năm học kế tiếp, trường được 15 lớp, 492 học sinh, 37 nhà giáo, 12 nhân viên, với hiệu trưởng Trần Hữu Long. Niên khóa 1974 – 1975, nhà giáo Lê Bá Quân làm hiệu trưởng Trung học Kiểu mẫu Huế. Kể từ năm học 1975 – 1976, Trung học Kiểu mẫu Huế chuyển tên thành Trung học Lê Lợi, tới mùa hè 1977 thì giải thể sau khi đào tạo 13 khóa học sinh.

Nhiều học sinh Kiểu mẫu Huế đã theo học đại học và sau đại học ở trong lẫn ngoài nước, ngày nay đang cống hiến năng lực ở bao lĩnh vực: giáo dục, y tế, báo chí, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh… Thầy trò cũ của Kiểu mẫu Huế vẫn thường xuyên liên hệ để thăm nom giúp đỡ nhau rất nghĩa tình, đã tổ chức một số đợt cứu trợ nạn nhân bão lụt và trợ cấp học bổng. Trên mạng Internet, cùng với hộp thư nhóm hoạt động liên tục lâu nay, thầy trò cũ của Kiểu mẫu Huế vừa tạo lập website http://www.kieumauhue.org. Mở trang web, liền nghe hành khúc Kiểu mẫu ca của Đặng Văn Nhuận vang vọng:

… Trong lòng miền Trung, Kiểu mẫu ta hiên ngang
Hồn thiêng rền vang tiếng nung nấu bao lòng trai tráng
Sức ta khơi mạch nguồn, ý ta luôn trường tồn
Cho ngày mai huy hoàng Việt Nam.

Được biết thời gian qua, Đại học Sư phạm Huế có lúc mong muốn tái lập Trung học Kiểu mẫu Huế để làm cơ sở thực tập lẫn kiến tập, đồng thời làm nơi phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Vì muôn vàn lý do, kế hoạch đó đến bây giờ vẫn chưa thể triển khai. Dẫu sao, các trường Trung học Kiểu mẫu Huế và Thủ Đức cũng như Cần Thơ thuở nào vẫn là mô hình rất đáng tham khảo cho công cuộc chấn hưng sự nghiệp giáo dục của nước nhà hiện nay.

Phanxipăng

Nguồn: http://tuoitre.vn/Ao-trang/202938/nho-truong-kieu-mau.html

***

Bài 3: Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức và Cải tổ giáo dục trug học Miền Nam trước 1975 và Cải cách giáo dục hiện nay

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (KMTĐ) chính thức khai giảng ngày 11/10/1965.  Ngay lúc trường còn hoạt động, ít người biết đến tên KMTĐ, một phần vì trường còn quá non trẻ, một phần vì vị trí cô lập của nhà trường.  Đến năm 1975, trường bị đóng cửa và khuôn viên trường hiện nay là Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao 2.

Dẫn Nhập

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (KMTĐ) chính thức khai giảng ngày 11/10/1965.  Ngay lúc trường còn hoạt động, ít người biết đến tên KMTĐ, một phần vì trường còn quá non trẻ, một phần vì vị trí cô lập của nhà trường.  Đến năm 1975, trường bị đóng cửa và khuôn viên trường hiện nay là Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao 2.

Nguồn Gốc Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức

Sau năm 1954, chương trình trung học công lập phổ thông miền Nam dựa trên chương trình Hoàng Xuân Hãn (HXH, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim).  Chương trình này, ra đời từ tháng sáu năm 1945, được soạn thảo dựa một phần rất lớn theo mô hình trung học Pháp, với tất cả những cái hay cũng như cái dở của nó.  So với những chương trình cải tổ nền trung học Việt Nam sau đó, chương trình HXH là một chương trình cải tổ nền trung học sâu và rộng nhất, từ việc thay đổi cấu trúc nền trung học cho đến việc đặt ra những môn học mới, thay đổi nội dung các môn học cũ (xem Dương Thiệu Tống 2000, trang 107–8).  Tuy nhiên, mô hình này phân biệt giữa học thuật và kỹ thuật, thiên về kiến thức từ chương, coi nhẹ vấn đề hướng nghiệp và có tính chất chọn lọc cao (elitist).  Ngay vào cuối thập kỷ 1950, giới giáo dục miền Nam đã có nhiều thảo luận về vấn đề cải tổ trung học để thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội lúc bấy giờ.

Trong Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc lần thứ nhất (HTGDTQ-I) tại miền Nam năm 1958, ba nguyên tắc định hướng (triết lý) giáo dục căn bản đã được đề xướng (xem Nguyễn Hữu Phước 2000, trang 256):
· Nhân bản;
· Dân tộc; và
· Khai phóng.

Giáo dục Nhân Bản (humanist) là giáo dục đặt con người là cứu cánh, chú trọng vào sự phát triển toàn diện, và tôn trọng những giá trị thiêng liêng của con người.
Giáo dục Dân Tộc (national) là giáo dục tôn trọng truyền thống dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh của con người trong gia đình, địa phương, nghề nghiệp, xã hội và quốc gia, và nhằm bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc.
Giáo dục Khai Phóng (open-minded) là giáo dục cởi mở đón nhận các văn hoá và tiến bộ trên thế giới trong tinh thần khoa học, và nhằm phát triển tinh thần xã hội và dân chủ.

Ba triết lý giáo dục này đựợc Bộ Giáo Dục miền Nam bắt đầu áp dụng vào chương trình trung học năm 1960 . Chúng chính là những triết lý giáo dục của KMTĐ sau này, và là của tất cả các trường trung học miền Nam thời đó.  Cần nhấn mạnh, đây là triết lý chung của Bộ Giáo Dục và không phải là nguyên tắc riêng của trường KMTĐ như nhiều người lầm tưởng.

Sau HTGDTQ-I, Bộ Giáo Dục bắt đầu dự án xây cất một trường tân tiến với các lớp học khang trang, học cụ đầy đủ, phương pháp giảng dạy hiện đại, và chương trình phù hợp cho nhu cầu phát triển của học sinh, xã hội.  Trường này sẽ là một nơi nghiên cứu và kiểm nghiệm giáo dục bậc trung học, và trực thuộc ĐHSP Saigon.  Dự án này là nguồn gốc nguyên thủy của trường KMTĐ và được bắt đầu tiến hành từ năm 1959 .

Muốn xây dựng một ngôi trường trung học tân tiến như KMTĐ cần hai nguồn lực chính: tài lực dồi dào và nhân lực hùng hậu.  Ngân sách giáo dục miền Nam thời bấy giờ đã nhờ một phần lớn vào viện trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) để thi hành những cải tổ giáo dục, nhất là từ năm 1960.

Ngoài ngân khoản xây cất và trang bị, USAID cũng đã tài trợ huấn luyện các giáo sư KMTĐ tại Mỹ và cố vấn sư phạm trong việc phát triển các môn hướng nghiệp và tổ chức hành chính tại KMTĐ. Đại Học Ohio tại Athens đã được USAID chọn làm cố vấn cho ĐHSP Saigon và trường KMTĐ.  PĐCVOhio (còn gọi là Ohio University Contract Team) cho trường KMTĐ gồm tất cả sáu vị giáo sư về ngành sư phạm chuyên về các môn hướng nghiệp hoặc tổ chức hành chính: Tiến sĩ Raines (Hướng Dẫn Khải Đạo), Bà Apple (Doanh Thương), Tiến sĩ McGinty (Kinh Tế Gia Đình), Tiến sĩ Pawelek, Ông Sells (Công Kỹ Nghệ) và Tiến sĩ Hubler (Tổ chức Hành chính).

Người đầu tiên chịu trách nhiệm phát huy chương trình GDTH tại KMTĐ là Giáo sư Dương Thiệu Tống, cũng là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Ban giảng huấn được chọn lựa gồm những nhà giáo xuất sắc nhất, chính Ban Giảng Huấn đã soạn thảo ra giáo trình chi tiết cho các môn học tại KMTĐ.

Tiến Trình Cải Tổ Giáo Dục Trung Học tại Miền Nam Trước 1975

Bước đầu trong kế hoạch cải tổ giáo dục trung học tại miền Nam trước 1975 là thiết lập các trung tâm thử nghiệm giáo dục mới, tức là các trường Kiểu Mẫu (Demonstration Schools).  Căn cứ trên các tài liệu chính thức, tại miền Nam Việt Nam đã có tất cả ba trường Kiểu Mẫu tại Huế, Thủ Đức và Cần Thơ. Trong ba trường Kiểu Mẫu thì KMTĐ là nơi có cơ sở vật chất dồi dào và đội ngũ giáo sư hùng hậu hơn cả.

Mô hình giáo dục tổng hợp (GDTH) tại KMTĐ, trên lý thuyết, có các đặc trưng sau đây:
· cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ;
· quy chế tổ chức và quản trị hữu hiệu;
· đội ngũ giáo sư hùng hậu, yêu nghề, có chuyên môn cao và kinh nghiệm quốc tế; và
· chương trình giáo dục toàn diện, thích nghi, thực dụng và tân tiến (bao gồm nhiều khía cạnh như các môn hướng học, hướng nghiệp; phương pháp giảng dạy mới; tinh thần tự học; khảo sát trắc nghiệm; sinh hoạt hiệu đoàn; hướng dẫn khải đạo; trại huấn luyện, vv).
· đưa vào các môn học hướng nghiệp như Công Kỹ Nghệ (CKN), Doanh thương, Kinh tế gia đình (KTGĐ), Hướng dẫn Đức dục, Khải đạo
· Các giáo trình và phương pháp giảng dạy các môn hướng học như Việt văn, Sinh ngữ, Kiến thức Xã hội (Sử Điạ), Toán, Lý hoá, Vạn vật, vv tại KMTĐ cũng khác và có nhiều cải tiến so với chương trình phổ thông cùng thời .

Bước thứ nhì trong kế hoạch cải tổ là lan truyền mô hình GDTH từ các trường Kiểu Mẫu đến các trường Dẫn Đạo (Pilot Schools).  Theo kế hoạch ban đầu của Bộ Giáo Dục, trong năm 1969 có tất cả 12 trường Trung Học Dẫn Đạo trên khắp miền Nam như sau :
· Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), Gia Hội (Huế) và Ban Mê Thuột tại Vùng 1;
· Nguyễn Huệ (Tuy Hoà), Lý Thường Kiệt và Cộng Đồng tại Vùng 2;
· Quốc Gia Nghĩa Tử (Saigon), Mạc Đỉnh Chi (Saigon) và Bến Tre tại Vùng 3;
· Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) tại Vùng 4.

Trường KMTĐ đã đóng vai trò chủ động trong việc phát huy chương trình GDTH đến các trường Dẫn Đạo.

Dĩ nhiên, các trường Dẫn Đạo không thể nào áp dụng hoàn toàn GDTH KMTĐ vì mô hình này đòi hỏi quá nhiều điều kiện như đã đề cập bên trên.  Vì thế, các trường tổng hợp Dẫn Đạo chỉ có thể mang các bộ môn hướng nghiệp vào chương trình học.  Lúc đầu vì thiếu giáo sư, giáo viên chuyên môn trầm trọng nên chương trình giảng dạy các môn này tại các trường Dẫn Đạo hầu như là một sự chắp nối.  Về sau, khi các giáo viên chuyên môn tốt nghiệp ĐHSP Saigon, và được bổ về làm việc tại các trường Dẫn Đạo thì việc giảng dạy mới dần dần trở thành có hệ thống và đồng nhất hơn.

Hai văn bằng tốt nghiệp KMTĐ: Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11 và Thành Chung Trung Học Tổng Hợp được Bộ Giáo Dục chính thức công nhận là tương đương và hưởng cùng quyền lợi với bằng Tú Tài 1 và Tú Tài 2 phổ thông Đến niên khoá 1972–73, văn bằng Thành Chung Trung Học Tổng Hợp trở thành Tú Tài Tổng Hợp.

Bước thứ ba trong kế hoạch cải tổ là chính thức áp dụng GDTH trong giáo dục bậc trung học.  Đến cuối năm 1971, Bộ Giáo Dục ban hành cuốn Chương Trình Trung Học Tổng Hợp Bậc Đệ Nhất và Nhị Cấp.  Theo chính sách này các môn Doanh Thương, Canh Nông, CKN và KTGĐ tại KMTĐ sẽ được dùng làm căn bản cho các môn hướng nghiệp trong chương trình tổng hợp toàn miền Nam.  Đến năm 1972, khi chương trình kiểm nghiệm GDTH được xem là thành công, Bộ Giáo Dục quyết định áp dụng chương trình GDTH cho một số lớn trường trung học trong miền Nam với danh xưng: trường Trung học Tổng hợp.  Đây được xem là giai đoạn cuối của kế hoạch cải tổ với sự thành hình của GHTH.  Như vậy, đến thời điểm này, việc cải tổ giáo dục bậc trung học miền Nam Việt Nam có thể được xem như là có chiều sâu, nhưng chưa có chiều rộng.  Tuy nhiên, vì những chuyển biến lớn lao của lịch sử Việt Nam, kế hoạch cải cách này đã chấm dứt đột ngột năm 1975.

Ý Nghĩa của Kiểu Mẫu, Giáo Dục Tổng Hợp và Hướng Nghiệp

Tên trường KMTĐ tiếng Anh là Thu Duc Demonstration School.  Tại các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc, vv, Demonstration Schools là các trường tiểu hoặc trung học có liên hệ đặc biệt với các Phân khoa Sư Phạm.  Các trường này là nơi mà các sinh viên sư phạm có thể đến để huấn luyện và thực tập nội dung giáo trình và những phương pháp giảng dậy mới.  Ngoài ra, các trường Demonstration cũng là nơi mà các trường khác đến học hỏi và bắt chước.  Trong trường hợp KMTĐ, trường trực thuộc ĐHSP Saigon và là nơi quan sát và thực hành sư phạm cho các sinh viên ĐHSP Saigon, như ghi trong mục tiêu thứ hai của Nghị định thành lập trường.  Như vậy, KMTĐ đúng là một trường Demonstration theo nghĩa nói trên.

Tuy nhiên KMTĐ khác với các trường Demonstration trong hai điểm sau.
– KMTĐ không chỉ là một trường Demonstration địa phương, mà còn mang kỳ vọng “trở thành một kiểu-mẫu cho học-đường Trung-học Việt-Nam tương lai” như mục tiêu thứ ba của Nghị định sáng lập trường.
– Thứ hai, nhiều trường Demonstration bên Mỹ là các trường hội đủ các tiêu chuẩn cao về cơ sở vật chất, học trình, ban giảng huấn, trình độ học sinh, vv.  Vì Demonstration là danh hiệu mà nhà trường, giáo sư, phụ huynh học sinh rất quý trọng, cho nên trẻ em muốn nhập học trường Demonstration thường được lọc lựa kỹ càng.  Trong khi đó, GDTH KMTĐ dựa trên căn bản triết lý giáo dục Nhân bản đại chúng.  Trên nguyên tắc, GDTH không gạt bỏ bất cứ học sinh nào vì những khiếm khuyết về thể xác, trí tuệ hay gia cảnh.  Vai trò của giáo dục không cần thiết phải dựa trên khả năng ban đầu của học sinh mà là giá trị thêm vào (value added) của các học sinh tốt nghiệp.  Điều đó hàm nghĩa học sinh bắt đầu vào học không cần giỏi, nhưng khi tốt nghiệp mỗi học sinh  đều có một hướng đi về nghề nghiệp hoăc học vấn lên cao thích hợp tốt với năng khiếu và sở thích cá nhân, có khả năng thích ứng với môi trường sống của xã hội, và có khuynh hướng đóng góp tốt cho gia đình và xã hội.

Giáo dục tổng hợp dịch từ chữ comprehensive education.  GDTH là một khái niệm có nhiều góc cạnh và do đó có thể định nghĩa từ nhiều quan điểm khác nhau.  Trong bài này chúng tôi xin nêu ra ba cách thông hiểu GDTH.

Cách thứ nhất, có tính cách lịch sử, do chúng tôi nghe kể từ Giáo sư Dương Thiệu Tống như sau.  Trước khi về làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường KMTĐ, Thầy Tống đã du học bên Anh.  Tại đây, Thầy đã có ấn tượng rất tốt về comprehensive education.  Thầy nhận thấy rằng grammar schools là những trường dành cho con cháu giới thượng lưu, technical schools là những trường cho giới bình dân, còn comprehensive schools là gạch nối, con cháu mọi giới đều có thể học được.  Theo lời Thầy, đây chính là nguồn gốc của chữ tổng hợp trong GDTH.

Cách thứ hai là định nghĩa GDTH bằng các thành phần chính yếu của hệ thống giáo dục này.  Như đã nói trong Phần 3, GDTH có thể xem như là một nền giáo dục trung học với tất cả các nhân tố không thể thiếu sau đây:
· cơ sở vật chất tân tiến và quy chế tổ chức hiệu quả;
· giáo sư giỏi, trình độ chuyên môn cao, cập nhật, nhiều kinh nghiệm và yêu nghề;
· học sinh có động lực học tập cao;
· các bộ môn hướng học và hướng nghiệp thích nghi và thực dụng;
· lối giảng dậy toàn diện nhấn mạnh thuyết trình, thảo luận, thính thị, thí nghiệm, du khảo; khảo sát trắc nghiệm; thi cử xếp hạng theo phương pháp thống kê;
· lối học hiểu, tự tra cứu, làm việc chung; lối suy nghĩ độc lập, phê phán, sáng tạo; và
· sinh hoạt hiệu đoàn và hướng dẫn cá nhân, cấp, khải đạo toàn diện.

Cách thứ ba là định nghĩa GDTH bằng các mục tiêu của phương pháp giáo dục này.  Theo cách nhìn này, GDTH là giáo dục trung học với ba chủ đích:
· thực hiện giáo dục tổng quát cho mọi học sinh hầu học sinh có thể trở thành công dân tốt, hữu dụng khi ra đời;
· thực hiện giáo dục hướng nghiệp giúp cho một số học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu cá nhân, tài khéo thực dụng để có thể chuẩn bị nghề nghiệp khi không thể tiếp tục học lên cao; và
· thực hiện giáo dục hướng học giúp cho một số học sinh chuẩn bị cho con đường hậu trung học trong cũng như ngoài nước.
Như thế, GDTH có thể xem là sự kết hợp hài hoà của giáo dục phổ thông và kỹ thuật chuyên nghiệp.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn cải chính một số hiểu nhầm về các bộ môn hướng nghiệp. Hướng nghiệp có nhiều điểm tương tự nhưng không đồng nghĩa dậy nghề (hay huấn nghiệp).  Liên hệ giữa hướng nghiệp và dạy nghề cũng giống như liên hệ giữa giáo dục và huấn luyện (hiện nay gọi là đào tạo).  Giáo dục hướng nghiệp cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng tổng quát, vừa lý thuyết lẫn thực hành, giúp cho học sinh phát triển năng khiếu, tài khéo cá nhân và khả năng giải quyết vấn đề hầu chuẩn bị học sinh cho việc làm trong tương lai.  Huấn luyện dạy nghề cung cấp cho học sinh các hiểu biết và kỹ năng chuyên biệt, cụ thể, thường là thực dụng, có liên quan trực tiếp đến các nghề nghiệp chuyên môn mà học sinh sắp làm.

Thí dụ như môn học  “Kinh tế Gia đình “ không phải là môn “ Nữ công gia chính, may vá nấu ăn”.  Môn học KTGĐ là một môn có mục đích và chương trình phổ quát hơn như thế rất nhiều.  Thí dụ như nấu ăn thật ra là những bài học về thực phẩm và dinh dưỡng.  Nói chung, môn KTGĐ giúp nữ sinh “góp phần duy trì những cái hay, cái đẹp của gia đình Đông phương, những giá trị căn bản của nền tảng gia đình Việt Nam; đồng thời thích nghi với những thay đổi, những thử thách của xã hội mới cũng như những tiến bộ về khoa học kỹ thuật ngõ hầu phục vụ gia đình hữu hiệu hơn

Môn học Công kỹ nghệ được xâ dựng dựa trên nguyên tắc:
· CKN (Industrial Arts) tại các nước Tây phương là một môn học phổ thông chú không phải hướng nghiệp như rất nhiều người lầm tưởng;
· Môn CKN không giống như chương trình các trường kỹ thuật chuyên nghiệp; và
· Ba mục tiêu chính của CKN là óc sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và sản xuất hàng loạt.

Chương trình Doanh Thương gồm có các môn như Doanh thương Tổng quát, Đánh máy chữ, Kế toán và Kinh tế Nhập môn.  Những môn này gồm những bài học nhập môn chỉ cốt truyền đạt đến học sinh những lý thuyết và kỹ năng sơ đẳng để khi bước vào đời họ có cơ may tự tìm tòi, học hỏi thêm.

Thành Quả của Kiểu Mẫu Thủ Đức và Giáo Dục Tổng Hợp

Thành quả của GDTH tại KMTĐ có thể đánh giá bằng nhiều cách khác nhau.  Một cách đánh giá tuyệt đối, nhìn từ quan điểm kế hoạch chính sách, là thử xét xem các hoạt động của KMTĐ đã đáp ứng được các mục tiêu thành lập trường hay không?  Một cách đánh giá tương đối, từ lối nhìn kinh tế, là đối chiếu lợi ích và phí tổn của GDTH với lợi ích và phí tổn của giáo dục phổ thông/kỹ thuật chuyên nghiệp.  Nhìn từ quan điểm “giáo dục vị nhân sinh” này, GDTH có thể xem là thành công nếu lợi ích của GDTH (so với tổn phí GDTH) cao hơn lợi ích của giáo dục phổ thông/kỹ thuật chuyên nghiệp cùng thời (so với tổn phí của các nền giáo dục này).

Chúng ta cần lưu ý hai điểm sau đây trong lối đánh giá kinh tế trên.  Thứ nhất, lợi ích của giáo dục không chỉ bao gồm giá trị thêm vào cho bản thân của các học sinh tốt nghiệp (khi học lên, đi làm việc hay giao tế, lập gia đình, vv) mà cả những lợi ích ngoại tác (external benefits) cho toàn xã hội nữa (công dân tốt, hiểu biết quyền lợi và trách nhiệm, hệ thống liên lạc (network), vv).  Thứ hai, trong việc tính toán chi phí giáo dục, chúng ta có thể bỏ qua đầu tư xây dựng ban đầu và chỉ tập trung vào ngân sách hiện hành hàng năm.  Phân tích chi phí–lợi ích như vậy đòi hỏi quá nhiều số liệu, dữ kiện vừa định lượng vừa định tính mà chỉ có một nghiên cứu khoa học sâu rộng và tốn kém mới may ra cung cấp nổi.  Vì nhiều lý do, kể cả lý do lịch sử, một công trình như vậy đã và không thể xẩy ra.

Liên Quan giữa Kiểu Mẫu Thủ Đức và Giáo Dục Ngày Nay

1. Cải tổ giáo dục bậc trung học tại miền Nam Việt Nam trước 1975, tạm gọi là GDTH Kiểu Mẫu, kéo dài 17 năm là một kinh nghiệm rất quí báu.  Dù sao đi nữa, nó là một gia tài về giáo dục của người Việt.  Chính phủ và các nhà giáo dục Việt Nam ngày nay có thể rút tỉa từ nó những cái hay, tốt và hợp lý để dùng cho việc cải tổ, cũng như những cái dở hoặc không thích hợp để tránh.

2. Dù cải tổ giáo dục ở bậc nào (tiểu, trung hay đại học), sự cải tổ cần phải được thực hiện cho toàn hệ thống giáo dục ở bậc đó.  Hệ thống giáo dục bao gồm những phần sau đây liệt kê theo thứ tự quan trọng: nguyên tắc (triết lý) giáo dục; mục đích giáo dục; giáo trình; giáo chức; môn học; phương pháp dạy; thái độ học; cơ sở vật chất (trường lớp, học liệu, học cụ); tổ chức, sinh hoạt và quy củ học đường; và sự cộng tác của phụ huynh và địa phương.

3. Ngân sách giáo dục phải được gia tăng ở mức độ cao tương xứng với nhu cầu của công việc cải tổ.  Đây là nhân tố cần phải có cho việc cải tổ được tiến hành thuận lợi.  Viện trợ quốc tế về tài chính, cơ sở/dụng cụ, cố vấn và huấn luyện cần nên có ở giai đoạn đầu hoặc trong những trường hợp đặc biệt như việc kiểm nghiệm mô hình giáo dục hoặc để thiết lập những trường Kiểu Mẫu.

4. Ba triết lý giáo dục: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng đã thích hợp cho Việt Nam 45 năm về trước, chúng tôi nghĩ bây giờ các nguyên tắc này còn thích hợp hơn nữa ở khung cảnh thanh bình và thống nhất, và với nhu cầu hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện tại.

5. Muốn có giáo dục tốt thì cần phải có thầy giáo tốt.  Việc cải tổ sư phạm là rất cần thiết và khẩn cấp.  Tu nghiệp, huấn luyện và đào tạo giáo chức ở ngoại quốc và ở tại Việt Nam theo nhu cầu của thời điểm và địa phương.  Cần thành lập thêm các trường sư phạm và cải tiến các trường sư phạm hiện có.  Trong khả năng ngân sách, tăng lương bổng của giáo chức cho tương xứng với chức năng củanhững người mở óc, mở tim, dẫn dắt các thế hệ tương lai.

6.Trên thực tế kinh tế của Việt Nam vẫn còn thua kém rất nhiều so với phần lớn các nước trên thế giới.  Những gì bình thường ở các nước tiên tiến là xa xỉ đối với Việt Nam.  Thí dụ sỉ số lớp học thấp, từ 30 đến 40 học sinh, với phòng ốc trường sở khang trang, dụng cụ thực hành quá tối tân là qua tốn kém, và thật ra chưa hẳn là thích hợp với đại đa số học sinh Việt Nam.  Thay vào đó, việc cải tổ nên chú tâm vào cách nâng cao thái độ và tinh thần học của học sinh, và thái độ và tinh thần giáo dục của người thầy.  Máy móc dụng cụ lỗi thời thì cần phải thay đổi với những gì mới, nhưng phải phù hợp với ngân sách và thích hợp với bối cảnh địa phương.  Một điểm nên chú ý trong việc cải tổ là nền kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu là nông nghiệp với gần 80% dân số sinh sống tại nông thôn.

7. Để theo kịp đà tiến hoá về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại, thông tin, vv của các nước tiền tiến, việc thành lập một số trường kiểu mẫu tại các thành phố lớn trên cả ba miền là cần thiết.  Các trường này nhằm giáo dục và đào tạo những học sinh/sinh viên vừa có vốn liếng văn hoá đầy đủ, vừa có năng khiếu trong một lãnh vực chuyên biệt.  Đây là những người sẽ trở thành những công dân tốt, những chuyên viên, chuyên gia ưu tú mà Việt Namrất cần trên con đường phát triển kinh tế và xã hội.  Các trường kiểu mẫu này không nhất thiết phải giống trường GDTH KMTĐ, nhưng phải có nhiều điểm tương đồng với những thành phần chính yếu của một hệ thống giáo dục tân tiến ngày nay (tức là tương tự hay trội hơn hệ thống GDTH KMTĐ).  Thực thi khiá cạnh này của giáo dục cần một ngân khoản quốc gia đặc biệt tương đối dồi dào và dài hạn.  Giai đoạn đầu cần dựa ít nhiều vào viện trợ quốc tế để cắt ngắn thời gian thành hình.

8. Về việc cải tổ giáo dục nền trung học nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chính thức mời các giới chuyên môn (kể cả cựu viên chức, cựu giáo sư và học sinh GDTH Kiểu Mẫu) gửi kiến nghị đại cương và chi tiết cụ thể cho việc cải tổ  theo đường hướng GDTH Kiểu Mẫu ngày trước.  Sau đó cần tổ chức một hội thảo giáo dục trung học toàn quốc về chủ đề này để đi tới một mô hình chung.

Vì chúng tôi không phải những chuyên gia giáo dục, những ý kiến trình bày trên sẽ không tránh khỏi sai nhầm hay thiếu sót, kính xin thầy cô, bạn hữu và người đọc bổ sung những sơ xuất đó.  Dù sao chúng tôi vẫn hy vọng rằng các kiến nghị này sẽ có một phần nào ích lợi thực tiễn cho sự cải tổ và phát triển giáo dục tại Việt Nam trong tương lai.

Kết Luận

Trường Trung Học KMTĐ đã là một trung tâm thử nghiệm quy mô và quan trọng nhất trong kế hoạch cải tổ giáo dục trung học miền Nam Việt Nam trước năm 1975.  Kế hoạch này bao gồm Bộ Giáo Dục, USAID, PĐCV Ohio, ĐHSP Saigon và trường KMTĐ.  Nhiệm vụ của trường là kiểm nghiệm một đường lối giáo dục mới với kỳ vọng trường sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu cho tất cả các trường trung học công lập phổ thông miền Nam.  Để đạt tới mục tiêu đó, trường KMTĐ đã áp dụng GDTH với các đặc điểm sau: cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giáo sư ưu tú và chương trình giáo dục tân tiến và toàn diện.  Chủ đích của GDTH đào tạo những công dân tốt, có trách nhiệm, với vốn liếng văn hoá đầy đủ và tài khéo thực dụng nhằm thích ứng trong mọi hoàn cảnh kinh tế và xã hội.  Tuy hoạt động trong những điều kiện rất khó khăn, trường đã gặt hái được một số thành quả rất đáng khích lệ.  Vì những chuyển biến lớn lao của lịch sử, cuộc thử nghiệm này chấm dứt một cách đột ngột khi trường KMTĐ bị giải thể năm 1975.

Các vị giáo sư KMTĐ không những chỉ giúp các học sinh của mình mở tim, mở óc và trở thành những công dân tốt và hữu dụng.  Các thầy cô còn để lại một di sản tinh thần to lớn, đó là một mô hình GDTH, những giáo trình, những kinh nghiệm trong việc thực thi công tác giáo dục tại trường.  Nếu biết khôi phục, điều chỉnh cho hợp thời và khéo léo tận dụng, đây chính là những vật liệu vô cùng quan trọng và quý báu cho việc xây dựng một mô hình giáo dục trung học thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, toàn vùng hoá hiện thời.  Chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là vai trò và đóng góp của KMTĐ trong quá trình cải tổ giáo dục trung học tại Việt Nam ngày nay.

Phong Trần biên soạn theo tư liệu của Trần Nam Bình và Nguyễn Vũ Dũng