HOW TO TEACH (DẠY THẾ NÀO)
(Nói chuyện với các thầy cô Trường Đại học FPT tại Ba vì, 24-03-2013)
Thưa các thầy cô,
GS Ngô Bảo Châu thường xuyên phải trả lời câu hỏi: giáo sư hãy chia sẻ kinh nghiệm học tập để vươn lên tới đỉnh cao. Trả lời đại khái mãi, hãy chăm chỉ đam mê, thấy cũng xấu hổ, nên GS đã hệ thống thành bài nói “Học như thế nào” (How we learn) để trình bày quan điểm của mình về ba vấn đề:
- Động cơ học tập hay nói cách khác tại sao phải đi học?
- Học thành người hay học kỹ năng? Tóm lại là học cái gì?
- Học thế nào để không nhàm chán?
Tôi may mắn được nghe bài nói này và thấy có khá nhiều điểm đồng cảm. Nhất là về phương pháp suy nghĩ.
Tuy nhiên có cách học thì phải có cách dạy, có trò thì phải có thầy. Dạy và học là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Sao GS Châu không đề cập? Sao trên mạng, ngoài đời đâu đâu cũng chỉ nói đến sự học mà không nói đến nghiệp dạy? Thất học thì có khác gì Mất dạy?
Bởi vậy mới mạo muội lấy cảm hứng từ GS Châu để viết “Dạy thế nào” (How to teach) dù chưa một giờ được chính thức làm thầy.
Ai là thầy và Tại sao phải dạy?
Bạn thân của tôi, một người rất thành đạt bảo: đời dạy hết, khỏi cần ai dạy!
Đạp bùm một con người xuống cái ao đời, tức là cả thế giới, là xong một cái nghiệp dạy. Bơi được hết!
Khổng Tử bảo: ba người cùng đi trên đường, tất có một người là thầy ta!
Vậy là ai cũng có thể là thầy, ai cũng dạy được ta.
Có thể hiểu rằng, nghiệp dạy là tổng quát, bao trùm. Dạy là gen bẩm sinh của muôn loài, chẳng cứ con người. Chúng phải dạy con cái chúng tự kiếm ăn để duy trì nòi giống.
Khi ta ra đời, ta đã là một đứa học trò đầy khao khát cho cha mẹ ta trở thành người thầy đầu tiên. Khi con ta ra đời, đến lượt ta nhận trách nhiệm làm thầy.
Bây giờ ai cũng sẵn sàng buông câu: thầy bà không ra gì. Tức là nói tất cả chúng ta đều không ra gì! Trẻ em không ra gì, trước hết và chủ yếu là tại những người thầy đầu tiên và gần gũi nhất – cha mẹ chúng!
Tại sao phải dạy?
Thầy tôi nói, có ba mục đích giảng dạy:
- Teach for name (dạy để lấy danh): dạy như đi diễn thuyết, dạy cốt có nhiều trò nghe, chen nhau dạy trường chuyên, lên mặt dạy người…
- Teach for food (dạy để kiếm ăn): như sếp dạy quân để gánh vác bớt việc, như thầy giáo đứng lớp vì mưu sinh!
- Teach for life (dạy để sống): như chim mẹ dạy chim con kiếm mồi, như sư phụ dạy đệ tử truyền nhân.
Cũng có thể một người thầy, cùng bài giảng, nhưng hóa thân thành ba với ba người trò khác nhau. Ai đó hôm nay sẽ bảo tôi đang lấy danh, ai đó bảo là tôi vì công việc mà đăng đàn, biết đâu ai đó có được bài học để thoát hiểm trong đời.
Dạy kỹ năng hay là dạy làm người?
Tranh luận kiểu này xưa như “sống để ăn hay ăn để sống?”
Làm người là làm gì nếu không phải để thực thi những kỹ năng sống?
Ta hay nói làm người ngầm có ý so với việc sống với bản năng của loài thú. Thực tế là có học hành làm người đến đâu chẳng nữa, nếu thả vào rừng với bầy thú, thì ta thế nào cũng thành thú mà thôi. Vậy khái niệm làm người ở đây có lẽ cũng chỉ là để giữa người với nhau – kiểu “tao người hơn mày” và suy cho cùng thì cũng một loại kỹ năng cạnh tranh.
Tại sao làm người bây giờ lại khó hơn?
- Vì thế giới đã thay đổi quá nhanh, và bạn phải so sánh cạnh tranh với quá nhiều người. Hay nói cách khác bạn đánh mất khả năng định vị mình.
Vậy cái cần dạy nhất là dạy cho trò biết anh ta đứng đâu giữa đời này?
Cho anh ta một cái thước để tự đo.
Cho anh ta những điển hình thực tế để ngẫm nghĩ.
Cho anh ta những số liệu thống kê để mở rộng tầm nhìn.
Đâu có nhất thiết phải dạy anh ta cách thức đi lên, hay đi xuống?
Ví dụ như dạy viết văn đi, bảo anh ta cứ viết đi và đăng lên mạng xem có bao nhiêu người “like” (thích).
Cho anh ta xem mấy đoạn văn mà anh ta thấy dở ẹc mà câu khách vào đọc ầm ầm.
Lại cho anh ta xem những áng văn anh ta cho là bất hủ mà không ai đoái hoài.
Cung cấp cho anh ta những số liệu thống kê, trước đây viết văn thế nào, còn bây giờ một ngày có bao nhiêu nhà văn tự xưng, có bao nhiêu áng văn mới nổi…
Vậy dạy thế nào?
GS Châu bảo: học là một trò chơi. Tôi xin thêm một chút, cả dạy với học mới thành một trò chơi. Bên dạy chơi với bên học. Mục tiêu không nhất thiết phải giống nhau.
Cố gắng đạt thắng-thắng
Quyết tâm tránh thua-thua
Nếu phải thắng-thua thì thầy nhất thiết phải là bên thắng.
Tỷ như giờ giảng 90’. Một trận bóng đá. Bên thầy cố nhồi vào đầu bọn trẻ một kiến thức gì đó, trước mắt cho xong giờ, chấm công, có một chút hy vọng mong manh là sau chúng dùng được đâu đó. Bên trò thì vô tư, chuyện riêng, tán gẫu cốt sao đến trước điểm danh, gây cảm tình và kiến thức đủ để qua được môn này.
Thầy và trò là người chơi, môi trường là sân chơi, quy định là luật chơi, cấp trên (chính quyền, khảo thí…) là trọng tài.
Tôi ngạc nhiên là các thầy phải tự ra đề thi, chấm thi. Thế khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi?
Lại có luồng tin cho rằng, bây giờ bài giảng online đầy trên mạng. Chắc cũng không cần thầy? Bên Mỹ còn có nguyên một phong trào “The End of University” (Đóng cửa các trường học). Tôi thì cho rằng bài giảng, dù trên mạng cách nào đi nữa cũng chỉ là một quả bóng để chơi trên sân mà thôi. Không thay được người chơi?
Để dạy cho tốt, tôi tâm đắc ba chữ: CHO, CHIA và CHƠI!
Dạy là cho, cho tức là thầy phải mất.
Cho đi công sức, thời gian của thầy: chuẩn bị, diễn thuyết… Công sức chuẩn bị chính là kungfu tuyệt đỉnh của người dạy.
Cho đi năng lượng, trình diễn, như người ta nói “bán cháo phổi”.
Dạy là chia sẻ, tức là cùng trải nghiệm.
“Nội dung không có nhiều ý nghĩa, chỉ có trải nghiệm nội dung mới có giá trị giáo dục.” (John Dewey)
Cùng chia sẻ cảm xúc từ những trải nghiệm:
- Trải nghiệm thật
- Trải nghiệm lịch sử
- Trải nghiệm văn học
Dạy là chơi
Chơi phải có thắng thua, phải hưởng thụ niềm vui người thắng và đau nỗi đau của kẻ thua! Hết cuộc chơi, hai bên lại là bạn.
Mấy tâm sự thật mạo muội. Mong các thầy cô bỏ quá!
*Về tác giả: TS. Nguyễn Thành Nam hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học FPT.