Cái dấu “than” ở cuối là câu mà lâu nay tôi vẫn nghe: trên báo chí, trong phát biểu của nhiều chuyên gia (giáo dục và không giáo dục), các diễn đàn “mạng”.

Còn với tôi thì đó là cái dấu hỏi: “Cần gì, học nấy?”

Cái dấu hỏi ấy, lâu nay đã ở trong đầu tôi, bây giờ càng trở nên lớn hơn vì mấy chuyện vừa nghe.

Chuyện I. Mấy ngày nay trên một trang báo mạng xôn xao chuyện học sinh “trả lời phỏng vấn”: Quang Trung và Nguyễn Huệ có quan hệ thế nào?.

Kết quả thì đủ loại “quan hệ”: anh em, bạn chiến đấu,…và kèm theo câu trả lời khác, cũng của buổi phỏng đó: “Nguyễn Du à? Không biết là ai”.

Các “còm men” dưới chuyện đó cũng đủ loại: một số tỏ ra thất vọng (chắc là tầng lớp cổ suý cho lối học “kinh viện”); số khác thấy điều đó cũng bình thường (sao cứ phải biết “chi tiết” về Quang Trung?); còn có những người  tỏ ra tự hào vì chính mình cũng không biết Nguyễn Du là ai. Có sao đâu, trong công việc, họ chẳng bao giờ thấy cần đến cái ông Nguyễn Du ấy cả.

Vậy thì dạy Nguyễn Du làm gì. Cần gì học nấy thôi.

Chuyện II. Một đoạn đối thoại với học viên cao học:

– Chúng em dạy THPT, có bao giờ cần đến “không gian tô pô”, đến “phiếm hàm tuyến tính” đâu mà phải học hả thầy?”.

–  Chắc các bạn chỉ dạy học sinh kiến thức trong chương trình THPT thôi chứ?

– Tất nhiên rồi ạ!

– Vây thì để dạy THPT, các bạn chỉ nên học hết kiến thức lớp 12. Các bạn có bao giờ cần đến kiến thức đại học đâu, nói gì đến cao học. Hơn nữa, nếu định dạy Toán thì chỉ cần học Toán đến lớp 12, chẳng cần học văn, chẳng cần biết Nguyễn Du là cái ông nào.

Học viên cười, nhưng hình như trong đầu họ bắt đầu nẩy ra câu hỏi: phải chăng Cần gì, học nấy?

 

Chuyện III. Các đề thi của ta, môn Toán chẳng hạn, thường rất ít gắn với thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải ra các đề kiểu như “Một bà đi chợ có…” “Muốn bắc cái cầu qua sông….”. Nghĩa là mọi bài toán phải có nguồn gốc thực tế.

Tất nhiên, điều đó đúng. Nhưng không nên nghĩ rằng, khi dạy toán tất cả các kiến thức đều phải gắn với thực tế. Phải chăng những bài như giải phương trình; chứng minh bất đẳng thức,… là “vô bổ”.  Có một chân lý đã được thừa nhận: sức mạnh của Toán học nằm ở chính sự trừu tượng của nó. Và Toán học là môn học rèn luyện con người tư duy trừu tượng.

Không theo nghề toán thì có cần đến tư duy trừu tượng hay không? Chỉ e thiếu nó, người lao động bình thường khó có thể trở thành người lao động sáng tạo.

Cần gì học nấy, giá mà biết được mình cần gì thì tốt biết bao! Khi người nguyên thuỷ vẽ lên vách hang, họ đã nhận thức được là họ không chỉ cần có miếng ăn. Miếng ăn thời nguyên thuỷ…khó kiếm lắm! Thế mà khi bụng chưa đủ no, họ đã cần đến nghệ thuật. Vậy nên con người hiện đại, dù làm bất cứ việc gì,  cũng cần rất nhiều thứ: từ vặn cái đinh ốc đến câu Kiều, hay nhận ra rằng, đêm nay trăng sáng quá…

Học cả đời rồi, sắp đến lúc không còn học thêm được gì nữa, mà vẫn cứ luẩn quẩn với câu hỏi: “Cần gì học nấy”? “Học để làm gì?”, hay không nên đặt ra câu hỏi đó, vì bản thân việc học đã là mục đích? Và đáng ra cần hỏi “làm gì để có cơ hội được học thêmHọc thế nào? Nói chung nên để trẻ con  vừa chơi vừa học hay cũng cần để các cháu thấy, nói chung học không hoàn toàn là chơi?

 

Không biết hỏi ai, thử nhờ trang Học thế nào chỉ giáo.

Hà Huy Khoái

***

Học Thế Nào chưa kịp trả lời chú Khoái thì cô Huỳnh Mai đã trả lời giúp:

Về vĩ mô, nếu cần gì học nấy thì không phải học nữa. Chỉ cần lập trình cho một robot nó làm cho ta. Nó sẽ làm nhanh hơn, tốt hơn và không mệt như ta. Tôi không đùa đâu, hiện tại và nhất là trong tương lai, robot đang và sẽ có khả năng thay ta nhiều lắm.
Ngày xưa, thợ rèn phải làm từng cái đinh cái vít. Hiện máy làm hết rồi đó.

Về vi mô, cần gì học nấy thì sẽ hạn chế tầm nhìn – cứ như con ngựa bị người ta che hai bên mắt để nó chỉ thấy khoảng đường trước mặt mà chạy. Con người còn có hỉ nộ ái ố chứ đâu có hạn chế trong nhu cầu sống, nhu cầu làm việc hay làm giàu.

Đó là chưa nói đến sự phức tạp của cuộc sống. Phải biết một ít về
. luật, luật lao thông là một thí dụ,
. thuế vụ – tôi phải khai thuế mỗi năm-
. kinh tế – xem lúc nào nên mua nhà chẳng hạn –
. môi trường, xử lý rác, tránh ô nhiễm, …
. vệ sinh thường thức, y khoa và tâm lý, … để có thể tự lo cho bản thân vàchăm sóc trẻ.
. …

Nếu cần gì học nấy thì phải có đến 36 kiếp để học hết những gì mỗi một trong chúng ta cần trên đời!

Ta chỉ có một kiếp sống thành ra tạm thời …

Học để phát triển

Con người khác với các loài động vật. Lúc mới sinh ra chỉ có tiềm năng chứ chưa biết kiếm sống. Phải học hết. Ngày xưa thì học với gia đình, cha thợ mộc thì con sau này cũng làm nghề mộc. Ngày nay thì đến trường. Nói như trẻ ở mẫu giáo « học chơi, học hát, học chữ và học yêu cha, yêu mẹ, yêu bà,… », nhất là… học để biết mình là ai…Đá có mài thì mới thành ngọc!

Học để tự do

Thí dụ như một bác sĩ chuyên khoa mắt. Lúc « hứng » ông ấy lên núi làm nghề chăn cừu. Nhưng sau vài năm, xuống núi, ông vẫn còn khả năng chăm sóc mắt cho dân tình. Không học, ông ấy sẽ không có tự do chọn lựa đó.

Học để hạnh phúc

Đẽo đá là một nghề nặng nhọc, lại không cho địa vị cao trong xã hội. Thế nhưng đã có những em rất hứng thú tiếp xúc với đá, cần cù dùng từng nét dao búa nhỏ để tạo hình và mừng vui với kết quả của công việc. Có những nhà bác học miệt mài trong phòng thí nghiệm… Nếu đó không là một hạnh phúc thì động cơ nào khiến họ làm việc?

Học để sống với người khác

Trường học là nơi trẻ vừa được bảo vệ, nơi không vụ lợi, cho trẻ có cơ hội sống cùng với người khác và tập tành kinh nghiệm ở đời. Lúc học xong, trẻ sẳn sàng đủ … võ nghệ để ứng xử trong xã hội.

Học suốt đời

Đúng rồi, vì tri thức biến đổi không ngừng. Người già vẫn học, nếu không thì sẽ thành …quá quá hạn sử dụng, hết thích ứng.

Similar Posts