Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày và xin ý kiến đóng góp đã nhận được sự quan tâm của công luận với nhiều luồng ý kiến, thậm chí có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: Đây là một đề án đáng để góp ý. Nó không còn quá nhàn nhạt, chung chung, giáo điều và hô khẩu hiệu như các đề án trước đây. Vì phạm vi của đề án rất rộng, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề mà bộ trưởng Phạm Vũ Luận coi là then chốt và đột phá khẩu: Xây dựng đội ngũ giáo viên và thay đổi căn bản phương pháp học tập và giảng dạy.
Trong cuốn sách “Về giáo dục đào tạo, đôi điều ghi lại”, NXB GD Việt Nam 2011, GS. Trần Văn Nhung, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quan điểm của mình về bản chất của quá trình giáo dục và đào tạo: Đó là bốn đỉnh của một tứ diện gồm Gia đình – Nhà trường – Xã hội – Tự học. Nếu ba đỉnh đầu đã được thừa nhận thì đỉnh thứ tư là một bước đột phá trong quan điểm, vì lúc này bản thân người học được tham gia vào quá trình giáo dục, đào tạo chính mình. GS. Nhung chia sẻ: “Dù có được giáo dục từ tấm bé trong gia đình, trong nhà trường hay ra xã hội, khả năng tự học thêm, tự thẩm thấu, tự hoàn thiện mình luôn đóng vai trò quyết định. Nhất là trong thời đại IT/ICT ngày nay, đòi hỏi “tự học” (Self Learning) theo nghĩa rộng, càng trở nên quan trọng và phổ cập.”
Đổi mới giáo dục: phải xuất phát từ đội ngũ giáo viên
Nếu con cái tự hào về cha mẹ của mình. Nếu học sinh tự hào về thầy cô của mình. Nếu công dân tự hào về đất nước của mình. Nếu mỗi người tự hào về chính mình, họ sẽ sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn.
Vai trò của người thầy giáo trong giáo dục vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là người dẫn dắt học sinh đến với kiến thức, truyền cho học sinh ngọn lửa đam mê tìm kiếm và khá phá, họ còn là những tấm gương để học trò noi theo, phấn đấu, là động lực khiến các học sinh vượt qua khó khăn tiến về phía trước.
Người thầy giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phong cách học, truyền đạt phương pháp học cho học sinh. Vì thế, muốn đổi mới phương pháp học từ thụ động sang chủ động, trước hết phải đổi mới từ phương pháp dạy của người thầy.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của văn hào Nga Anton Chekhov nói về những điều cần có của một con người “Trí tuệ minh mẫn – Đạo đức trong sáng – Thân thể sạch sẽ”. Và yêu cầu này rất đúng khi áp dụng làm tiêu chuẩn của một người thầy giáo. Trí tuệ minh mẫn có nghĩa là chuyên môn vững vàng, luôn có khả năng trau dồi, học hỏi, tiếp thu những cái mới, cái hay để tiến bộ không ngừng. Đạo đức trong sáng nghĩa là làm việc với cái tâm, vì học trò, đối xử công bằng, đúng mực với học sinh, yêu thương học sinh, luôn là tâm gương về nhân cách cho học sinh noi theo. Thân thể sạch sẽ là luôn chỉn chu trong ăn mặc, nói năng, giữ chuẩn mực thần thái của người thấy giáo. Thầy cô giáo trong mắt học trò phải luôn đẹp về mọi mặt.
Để có được một đội ngũ giáo viên như vậy chúng ta phải đổi mới ngay từ khâu đào tạo, tránh đào tạo kiểu hình thức chủ nghĩa, cưỡi ngựa xem hoa và thuần túy lý thuyết như hiện nay. Tôi chia sẻ quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội, trong bài trả lời phỏng vấn điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây: “Đào tạo tay nghề cũng phải thay đổi, chúng ta không đào tạo theo lý thuyết nữa. Trước nay chúng ta bồi dưỡng giáo viên theo lý thuyết tức là mời giáo sư này, giáo sư kia dạy tràn lan đại hải, giáo viên dự 1-2 giờ hết rồi đi về. Bộ bồi dưỡng xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện về trường rồi cuối cùng cũng chẳng được là bao. Bồi dưỡng là phải nâng được nhận thức, quan điểm, trình độ mới nhưng phải chỉ cho họ làm thế nào, mà chỉ cho họ làm thế nào thì phải là người giỏi. Phải đào tạo những giáo viên giỏi, trang bị lại nhận thức cho họ để sắp xếp. Quan điểm của tôi phải dùng người giỏi để bồi dưỡng cho giáo viên chứ không thể dùng học vị.”
Cuối cùng, ta phải có những chế độ đãi ngộ xứng đáng (trong khả năng có thể) để giáo viên có thể yên tâm công tác, cống hiến. Không thể hô hào hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục suông được, nhất là trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Người thầy giáo không đòi hỏi gì lớn lao, nhưng đóng góp của họ phải được ghi nhận, và nhất thiết phải có sự công bằng.
Học tập chủ động: Hiệu quả nhưng khó triển khai?
Không phải cho đến hôm nay chúng ta mới biết được lợi ích của việc học tập tích cực. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Nói cho tôi biết và tôi quên. Đưa cho tôi xem và tôi nhớ. Cho tôi tham gia vào và tôi hiểu”. Các bậc lương sư nổi tiếng trước đây cũng luôn gắn liền học với hành, truyền đạt kiến thức và tranh luận thông qua các thể loại phong phú như bình, phú, xướng, họa… Khổng tử đâu chỉ dạy học trò trong phòng học, ông cho học trò “xuống núi” để thực hành các thuật “trị quốc, bình thiên hạ”.
Bao thế hệ học trò thời hiện đại cũng đã biết đến học tập tích cực. Nếu không có học tập tích cực, làm sao ta có được bao nhiêu giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhà chính trị, tướng lĩnh quân đội tài giỏi, mưu lược đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây, bảo vệ và xây dựng tổ quốc ngày hôm nay?
Nhưng tình hình hiện nay trong giáo dục đang ở mức báo động. Không hiểu từ lúc nào nhưng học sinh, sinh viên ngày nay đang học tập một cách quá thụ động. Cách làm cứng nhắc, rập khuôn từ giảng dạng, tổ chức giảng dạy đến đánh giá, thi cử đã triệt tiêu hoàn toàn sử chủ động sáng tạo của học sinh. Cái gì người ta cũng làm mẫu cho học sinh để học sinh lặp lại một cách cơ học. Đó là cách dạy của những người lười biếng, thiếu trách nhiệm, chạy theo thành tích trước mắt. Một điều chúng ta quên rằng mục tiêu của giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà hơn hết là dạy học sinh cách tìm hiểu kiến thức. Phải dạy cho học sinh biết tự học.
Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ 20 đã từng nói “Giá trị của giáo dục đại học không phải ở việc học nhiều sự kiện, mà là luyện cho trí óc suy nghĩ”. Mục tiêu đó, giá trị đó khó lòng đạt được nếu học sinh sinh viên không biết tự học, tự suy nghĩ, mày mò mà thay vào đó chỉ tiếp thu kiến thức và những lời giải thích, bình luận một cách thụ động.
Khổng Tử, người được tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” (người Thầy của muôn đời) đã nói về sự học “Kẻ nào chẳng gắng sức để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào không cố gắng tỏ bày ý kiến, thì ta chẳng giúp cho phát triển được. Kẻ nào biết một góc mà chẳng chịu tìm hiểu thêm ba góc kia thì ta chẳng dạy cho”. Như thế, có thể nói Khổng Tử đánh giá rất cao vai trò của tự học, của sự gắng sức, của sự chủ động. Bản thân Khổng Tử thành tài cũng do tự học mà nên.
Ta đã biết lợi ích của học tập chủ động. Nhưng việc triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Đã có biết bao nhiêu lời hô hào, đã có biết bao nhiêu hội thảo, tập huấn, đã có biết bao nhiêu phong trào thi đua nhưng kết quả vẫn thật khiêm tốn. Bởi ta chưa hiểu một điều căn bản là triển khai một vấn đề như thế là một việc khó, nhất định phải có một kế hoạch tổng thể và dài hơn, phải có những chính sách nhất quán, đồng bộ. Đặc biệt, đâ không phải là công việc của ngày một, ngày hai.
Đơn cử một ví dụ thực tế: từ vài năm nay, giáo dục đại học có chủ trương rút từ 210 tín chỉ xuống còn 140 tính chỉ với chủ đích tăng cường thời gian học tập chủ động của học sinh. Và hệ quả là gì? Chủ động đâu chưa thấy, nhưng chất lượng đào tạo giảm xuống rõ rệt (dù rằng con số thống kê về SV tốt nghiệp, SV giỏi vẫn rất… đẹp). Vì sao? Vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị gì cho sự thay đổi này. Sinh viên chưa được chuẩn bị tốt, thầy giáo cũng thế. Tất cả chỉ là sự cắt xét cơ học. Đúng ra, khi đổi cách học, ta phải đổi cách ra bài tập, cách kiểm tra đánh giá, cách tổ chức công tác cố vấn học tập. Nhưng ta đã không làm thế, chỉ đơn giản là cắt giờ dạy của giáo viên và đẩy hết cho sinh viên.
Tương tự như vậy, ở trường phổ thông, ta hô hào đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển sang triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm nhưng vẫn giữ khung chương trình cũ, cách ra bài tập cũ, cách chấm giờ học cũ (có soạn giáo án chi tiết không? có bám sát chương trình không), cách thi cũ. Giáo viên bị gò bó trong một khuôn khổ, bứt phá ra là có nguy cơ bị đánh giá yếu kém. Đổi mới sao được.
Đổi mới phương pháp giảng dạy phải gắn liền với đào tạo giáo viên, với đổi mới cách thức đánh giá tiết học, đánh giá giáo viên, đánh giá học sinh. Phải áp dụng đánh giá theo chuẩn đầu ra chứ không phải theo từng khung giờ. Và tất cả phải làm từng bước, không thể đi nhanh.
Là một giáo viên, tôi thực sự vui mừng và hy vọng khi Bộ giáo dục đã đưa ra được một đề án có nội dung tốt và tương đối khả thi. Còn nhiều điều phải bàn thêm, bổ sung những kế hoạch cụ thể, tuy nhiên bước khởi đầu như vậy là khá khả quan. Quan trọng là chúng ta dám mạnh dạn bước tiếp, triển khai được những ý tưởng. Vừa làm vừa hoàn chỉnh nhưng không đi chệch mục tiêu ban đầu, nhất định không “đẽo cày giữa đường”, không “đánh trống bỏ dùi” và không “đầu voi đuôi chuột”. Như hình ảnh của bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von, ta bước vào trận chiến và không được phép run chân, chùn bước.
Trần Nam Dũng
Giảng viên trường ĐH KHTN TP. HCM
Trần Văn Nhung
Tứ diện đều: Chúng ta đều biết đến tam giác đều Gia Đình – Nhà Trường – Xã hội tạo nên con người. Như anh Dũng đã nói trong bài báo, tôi cho rằng tứ diện đều mà đáy là ba đỉnh nói trên, và đỉnh thứ tư là Tự học/Tự thẩm thấu mới là bốn yếu tố đầy đủ để tạo nên con người hoàn chỉnh, nhất là trong kỷ nguyên IT/ICT hiện nay. Chỉ khi thành một tứ diện đều thì nó mới có thể tích, còn tam giác đều có thể tích bằng không! Tuy nhiên, theo tôi, tại mỗi thời điểm bất kỳ của cuộc đời con người, tam giác và tứ diện vừa nói đến không đều, nhưng nếu lấy trung bình theo thời gian trong cả cuộc đời thì chúng đều.
Xin nhắc lai một câu nói của W.A.Ward để góp phần minh họa cho bài báo của TS. Dũng: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.”