Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết ban đầu Bộ đã định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, sử dụng phần mềm xét tuyển chung nhưng không được sự đồng tình của các trường nên đành phải làm theo phương thức truyền thống. Năm tới Bộ sẽ bàn bạc lại với các trường để có thể ứng dụng CNTT trong xét tuyển, giúp thí sinh và các trường không phải vất vả như năm nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói:
Qua phản ảnh của báo chí, trong đợt xét tuyển vừa qua Bộ rất băn khoăn việc thí sinh và phụ huynh phải đến trường thay đổi nguyện vọng, đặc biệt những thí sinh ở xa. Bộ đã kịp thời có giải pháp để giúp thí sinh không phải đi xa vất vả. Ngay từ ngày 11.8 thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển thông qua Sở GD-ĐT. Đến nay có khoảng 12.000 thí sinh thực hiện qua kênh này (khoảng 10% số thí sinh rút hồ sơ). Số còn lại vẫn muốn đến trường để rút-nộp hồ sơ. Bộ rất chia sẻ, nhưng đây là điều Bộ không hề mong muốn.
Theo thống kê của Bộ, việc thí sinh rút hồ sơ ra khỏi trường điểm cao để nộp vào những trường thấp hơn chỉ diễn ra với khoảng 30-40 trường, nghĩa là chỉ chiếm 10% trên tổng số trường ĐH, CĐ của cả nước. Đây là những trường ĐH lớn có sức thu hút thí sinh mạnh mẽ. Vì vậy số lượng thí sinh đi lại vất vả để rút hồ sơ không thể so sánh với hàng triệu lượt thí sinh dự thi các đợt tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. Vì vậy về tổng thể kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích đã giúp làm giảm rất lớn tốn kém cho xã hội.
Nhiều người cũng cho rằng đổi mới cách xét tuyển như năm nay lẽ ra sẽ “được” nhiều hơn nhưng do sự chuẩn bị của Bộ chưa tốt nên dư luận chỉ nhìn thấy cái “mất”?
Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên các bộ phận tham mưu của Bộ đã phải nghiên cứu để chuẩn bị rất kỹ càng. Tất cả các giải pháp đều được lấy ý kiến dư luận rộng rãi. Bộ cũng lường trước những khó khăn phát sinh và có những giải pháp xử lý tình huống kịp thời. Ví dụ như khi công bố kết quả thi, trước nguy cơ hệ thống bị quá tải thì ngay lập tức Bộ đã có giải pháp phân tải về một số trường ở các khu vực. Hoặc trong đợt xét tuyển đầu tiên, khi số lượng thí sinh rút hồ sơ bắt đầu tăng lên thì Bộ đã cho phép thí sinh được nọp đơn điều chỉnh nguyện vọng qua kênh của các Sở GDĐT. Tất cả những giải pháp ấy không phải được thực hiện chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính đơn giản mà cần chuẩn bị sẵn các giải pháp kỹ thuật từ trước thì mới làm được. Thực tế thì 10 ngày đầu của đợt xét tuyển thí sinh nộp hồ sơ là chính. Các giải pháp kỹ thuật chỉ có tác dụng nửa sau của đợt xét tuyển.
Còn về phần mềm xét tuyển thì sao, phải chăng vì Bộ bị động nên dẫn tới việc trường nào dùng của trường ấy như nhiều người đã nhận xét?
Thực tế phần mềm xét tuyển đã được hoàn thiện từ rất sớm không hề bị động. Bộ đã đưa lên mạng kèm theo hướng dẫn cụ thể để các trường tải về sử dụng. Mặt khác Bộ cung cung cấp thuật toán cụ thể để các trường có thể dựa vào đó xây dựng phần mềm riêng cho trường mình nhưng đảm bảo được tất cả những nguyên tắc qui định của qui chế tuyển sinh. Một số ý kiến cho rằng phần mềm xét tuyển không lọc ảo nên khi thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng gây ảo rất lớn, làm thí sinh hoang mang. Hoàn toàn không phải như vậy! Khi chạy phần mềm, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng. Do đó các trường mới xác định được điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh tham khảo.
Nhưng trong suốt hơn 2/3 thời gian đầu các thí sinh không được hưởng lợi từ ứng dụng này khi mà trường nào cũng công bố những danh sách dài dằng dặc trong đó tên của mỗi thí sinh xuất hiện 3 – 4 theo 3 – 4 NV mà các em đã đăng ký…
Khi thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng thì các trường phải công bố đầy đủ các nguyện vọng để thí sinh tham khảo, tránh sai sót. Còn khi chạy phần mềm xét tuyển thì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng có ưu tiên cao nhất thôi. Từ ngày 11-8 Bộ yêu cầu các trường công bố điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh biết đến thời điểm đó mình có trúng tuyển hay không và những thí sinh thấp hơn ngưỡng điểm này không nên nộp hồ sơ vào nữa. Một số trường có thể đến lúc đó chưa đủ chỉ tiêu nên dẫu có chạy phần mềm thì điểm chuẩn xét tuyển dự kiến cũng chỉ bằng điểm nhận hồ sơ nên họ thấy không cần thiết phải chạy. Nhưng khi số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu thì họ buộc phải chạy mới ra được dự kiến điểm chuẩn. Có thể một số trường cũng chậm trễ, nhưng Bộ cũng đã nhắc nhở thường xuyên.
Do lần đầu tiên chạy phần mềm, một số trường có khó khăn nhưng khi được hướng dẫn cụ thể, các trường đã sử dụng tốt. Sắp tới các trường lại phải sử dụng phần mềm đó thì mới ra được danh sách trúng tuyển.
Vậy điều gì mà Bộ thấy cần phải rút kinh nghiệm để những năm sau nếu vẫn thực hiện phương thức xét tuyển như năm nay để làm tốt hơn?
Năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ, mặc dù đã tính toán rất kỹ càng nhưng đúng là có những vấn đề Bộ không thể quyết định theo ý muốn chủ quan của mình được. Ví dụ thời gian xét tuyển đợt này 20 ngày, Bộ và các trường đều thấy dài và muốn rút ngắn. Nhưng khi đưa ra thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần phải kéo dài để tạo điều kiện cho những cháu vùng sâu vùng xa kịp nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Hoặc hiện có nhiều người than phiền sao không ứng dụng CNTT trong khâu xét tuyển để thí sinh không phải đến trường nộp, rút hồ sơ. Việc này Bộ đã tính toán ngay từ đầu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã xây dựng phần mềm xét tuyển chung. Khi đó thí sinh chỉ đăng ký qua mạng. Đồng thời có thể thực hiện được việc đăng ký một ngành ở nhiều trường. Sau đó kết thúc thời hạn đăng ký thì Bộ chạy phần mềm cho ra kết quả rồi chuyển về các trường để gọi thí sinh nhập học. Phần mềm đã chạy thử trên các mẫu khác nhau. Nhưng khi đưa ra thảo luận thì các trường phản đối! Các trường cho rằng như vậy là phạm tới quyền tự chủ của các trường!
Ý kiến phản đối của các trường cũng có lý, khi mà họ đòi hỏi được tự chủ trong tuyển sinh. Vậy phải chăng cái gốc của vấn đề xét tuyển này là do Bộ đã sai về mặt pháp lý khi đứng ra điều hành việc xét tuyển cho các trường?
Luật GDĐH qui định các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh. Như vậy, những trường thực hiện tự chủ tuyển sinh có đề án tự chủ tuyển sinh, như ĐH Quốc gia Hà Nội và gần 200 trường thì có thể thực hiện theo đề án. Nhưng những trường tuyên bố tham gia kỳ tuyển sinh chung này, sử dụng kết quả THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải tuân thủ các quy định trong quy chế. Tất nhiên, khi một giải pháp không được nhiều trường ủng hộ thì buộc Bộ phải cân nhắc. Sang năm Bộ sẽ bàn bạc lại với các trường để điều chỉnh cho hài hòa giữa tự chủ của các trường và quyền lợi của thí sinh.
Nếu các trường vẫn mong muốn được tự chủ tuyển sinh thì nên chăng Bộ giao việc này cho các tổ chức khác có tư cách pháp lý vững vàng hơn, chẳng hạn như Hiệp hội các trường ĐH, CĐ thay vì giao cho Cục Khảo thí như hiện nay? Làm như thế nào thì họ phải bàn với nhau…
Bộ rất mong muốn các trường tự chủ thực hiện việc tuyển sinh của trường mình. Nếu Hiệp hội hay bất kỳ tổ chức nào làm tốt công tác tổ chức thi mà các trường tin cậy thì Bộ rất hoan nghênh!
Cảm ơn Thứ trưởng Bùi Văn Ga!
Quý Hiên (thực hiện)