Nhiều người dùng máy tính ở Việt Nam chắc hẳn còn nhớ FrontPage, một phần mềm tạo trang web nằm trong bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office. Tuy vậy, chắc ít người biết về tác giả của FrontPage. Đó là Charles Ferguson, người sáng lập ra một trong những công ty Internet đầu tiên vào năm 1994. Chỉ sau khi thành lập hai năm, Ferguson đã bán công ty cùng phần mềm FrontPage của mình cho Microsoft với giá 133 triệu đô la. Microsoft đã mua FrontPage để tích hợp nó vào bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office.
Ferguson là một trong số những người đầu tiên đã tận dụng thành công Internet để có được một tài sản lớn trong khoảng thời gian rất ngắn. Tốt nghiệp cử nhân toán ở UC Berkeley năm 1978, Ferguson lấy bằng tiến sỹ về khoa học chính trị ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1989. Ferguson đã làm tư vấn độc lập về chiến lược cho Nhà trắng, Bộ thương mại, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, các hãng công nghệ lớn như Apple, Motorola, Texas Instruments. Ông cũng từng là giảng viên ở MIT và Berkeley, và tham gia các tổ chức think tank có uy tín như Brookings Institution và Council on Foreign Relations.
Thế nhưng, lĩnh vực làm cho tên tuổi Ferguson được biết đến nhiều nhất là điện ảnh. Năm 2005, Ferguson thành lập hãng phim riêng của mình. Phim đầu tay do ông sản xuất và đạo diễn là No End in Sight (2007) được đề cử tranh giải Oscar, và phim thứ hai, Inside Job (2010) đã thành công hơn khi giành giải Oscar cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất.
Inside Job và câu chuyện được kể
“Inside Job” (Nội gián) là một phim tài liệu về cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2000. Phim có ngân sách sản xuất 2 triệu USD và do hãng Sony Pictures Classics phát hành. Người đọc thuyết minh là Matt Damon, một trong những ngôi sao hàng đầu ở Hollywood, nổi tiếng với giải Oscar cho phim Good Will Hunting và series phim Bourne.
Đất nước Iceland xinh đẹp ở Bắc Âu được giới thiệu trong đoạn đầu của phim. Với dân số 320.000 người, GDP 13 tỷ USD, tổn thất ngân hàng sau khủng hoảng là 100 tỷ USD. Nền kinh tế bong bóng bắt đầu từ năm 2000, khi chính phủ Iceland nới lỏng nhiều quy định về thị trường tài chính và tư nhân hóa 3 ngân hàng quốc doanh của mình. Ba ngân hàng tí hon này, chưa bao giờ hoạt động ở nước ngoài, đã vay 120 tỷ USD, số tiền lớn gấp 10 lần nền kinh tế Iceland, tạo ra thị trường chứng khoán bùng nổ, giá bất động sản tăng vọt, và những đại gia vung tiền mua nhà ở London, New York và du thuyền hàng chục triệu USD. Các công ty kiểm toán Hoa Kỳ, như KPMG, đưa ra các báo cáo kiểm toán tốt đẹp về các ngân hàng và quỹ đầu tư Iceland. Các công ty đánh giá tín nhiệm Hoa Kỳ, tiếp tục đánh giá Iceland rất triển vọng, năm 2007 các ngân hàng Iceland được đưa lên mức tín nhiệm cao nhất (AAA).
Khi các ngân hàng Iceland sụp đổ vào cuối năm 2008, gần như tất cả người dân đều bị ảnh hưởng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 3 lần sau 3 tháng. Nhiều người mất hết số tiền tiết kiệm cả đời của mình.
Điều tương tự đã xảy ra ở nước Mỹ, với quy mô và mức độ phức tạp lớn hơn nhiều lần. Khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers bị phá sản và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG sụp đổ vào tháng 9/2008, Iceland cùng với thế giới đã chính thức đi vào cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chính sách nới lỏng giám sát (deregulation)
Khủng hoảng xảy ra không phải là một tai nạn bất ngờ. Nó gây ra bởi một ngành tài chính bị mất kiểm soát. Từ thập niên 1980, sự phát triển của ngành tài chính Hoa Kỳ đã dẫn tới một loạt các khủng hoảng tài chính với mức độ trầm trọng tăng dần. Mỗi khủng hoảng gây tổn thất nhiều hơn, trong khi ngành tài chính càng kiếm được nhiều tiền hơn.
Sau cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930, ngành tài chính Hoa Kỳ được quy định và kiểm soát chặt chẽ. Tới tận năm đầu những năm 1980, khi chính quyền Reagan khởi đầu quá trình nới lỏng/giải quy (deregulation) kéo dài 30 năm, với sự ủng hộ của các chuyên gia kinh tế và giới vận động hành lang của ngành tài chính. Năm 1982, chính quyền Reagan nới lỏng quy định cho các công ty tiết kiệm và cho vay (một dạng quỹ tín dụng), cho phép các công ty này đầu tư mạo hiểm bằng tiền gửi tiết kiệm của người dân. Kết quả là đến cuối thập niên 1980, người dân đã mất 124 tỷ đô la Mỹ trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay.
Hàng ngàn nhà quản lý của các công ty tiết kiệm và tín dụng phải đi tù. Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là Charles Keating. Năm 1985, khi chính quyền liên bang bắt đầu điều tra Charles Keating, ông ta đã thuê một nhà kinh tế có tên là Alan Greenspan làm tư vấn. Trong thư của mình gửi các nhà điều tra, Alan Greenspan đã ca ngợi kế hoạch kinh doanh vững chắc và khả năng của Charles Keating, và cho rằng không có rủi ro gì khi cho phép Keating đầu tư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Keating đã trả cho Greenspan 40.000 USD.
Một thời gian ngắn sau đó, Charles Keating phải vào tù. Alan Greenspan được tổng thống Reagan bổ nhiệm làm chủ tịch của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Quỹ dự trữ liên bang (FED) vào năm 1987. Greenspan được các tổng thống sau đó là Clinton và Bush tái bổ nhiệm cho bốn nhiệm kỳ tiếp theo và chỉ nghỉ hưu vào năm 2006.
Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Clinton vào thập niên 1990, chính sách nới lỏng giám sát/giải quy được tiếp tục mở rộng với sự tham gia của Greenspan, bộ trưởng tài chính Robert Rubin (cựu CEO của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs), và Larry Summers, một giáo sư kinh tế của đại học Harvard.
Năm 1998, Citicorp và Travelers có ý định hợp nhất. Sự sáp nhập này vi phạm quy định của Luật Glass-Steagall, được thông qua từ thời kỳ đại khủng hoảng năm 1930s, không cho phép ngân hàng thương mại nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân được đầu tư mạo hiểm. Dù việc sáp nhập này là phạm luật, Greenspan không nói gì, Fed đưa ra miễn trừ một năm. Năm 1999, với sự thúc giục của Larry Summers và Robert Rubin, quốc hội thông qua Luật Gramm-Leach-Bliley, được biết tới với tên khác là Luật giải cứu Citigroup (Citigroup Relief Act). Luật này thay thế Glass-Steagall, dọn đường cho sự ra đời của tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, Citigroup, và các sự sáp nhập tương tự trong tương lai.
Bộ trưởng tài chính Robert Rubin, sau khi hết nhiệm kỳ, đã kiếm được 126 triệu USD với chức phó chủ tịch Citigroup.
Cuộc khủng hoảng tiếp theo diễn ra vào cuối thập niên 1990. Các ngân hàng đầu tư đã “thổi” một bong bóng khổng lồ có tên “cổ phiếu công nghệ Internet”, dẫn tới bong bóng nổ tung năm 2001 làm thiệt hại 5000 tỷ USD của các nhà đầu tư. Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã không làm gì.
Những người chơi của thị trường
Tới lúc đó, thị trường tài chính được cấu trúc thành một số công ty khổng lồ, mà mỗi một công ty lớn đến nỗi sự sụp đổ của nó có thể đe dọa toàn hệ thống. Những người chơi khống chế ngành tài chính Hoa Kỳ bao gồm 5 ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Morgan Stanley, Lehman Brothers, Merrill Lynch, Bear Stearns, hai tập đoàn tài chính Citigroup, JPMorgan Chase, các công ty bảo hiểm chứng khoán AIG, MBIA, AMBAC và ba công ty định giá tín nhiệm Moody, Standard & Poors, Fitch.
Bắt đầu từ đầu thập niên 1990, nới lỏng quy định giám sát (deregulation) và tiến bộ công nghệ dẫn tới sự bùng nổ của các sản phẩm tài chính phức tạp, gọi là các công cụ tài chính phái sinh. Dùng các công cụ này, các ngân hàng có thể đặt cược vào sự tăng giảm giá dầu mỏ, sự phá sản của một công ty, thậm chí vào thời tiết. Tới cuối những năm 1990, tài chính phái sinh là một thị trường 50 ngàn tỷ USD không được giám sát.
Năm 1998, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đề xuất việc giám sát thị trường tài chính phái sinh. Bộ tài chính, với Larry Summers và Robert Rubin đã phản đối ngay lập tức. Larry Summers, đang họp với 13 ngân hàng, gọi điện thoại cho Brooksley Born, chủ tịch CFTC với một thái độ hách dịch, gần như yêu cầu Born phải dừng lại. Ngay sau đó, Greenspan (chủ tịch Fed), Rubin (bộ trưởng tài chính) và Levitt (chủ tịch ủy ban chứng khoán SEC) ra một tuyên bố chung lên án Born, và khuyến nghị quốc hội giữ nguyên quy định không giám sát thị trường tài chính phái sinh.
Năm 2000, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua luật Commodity Futures Modernization Act, trong đó nêu rõ các sản phẩm tài chính phái sinh sẽ không bị giám sát.
Sự bùng nổ thị trường tài chính phái sinh
Trong thị trường tài chính truyền thống, khi người mua nhà trả góp hàng tháng, tiền được trả cho người cho vay. Vì các khoản trả góp bất động sản có thời hạn hàng chục năm, người cho vay rất thận trọng.
Trong hệ thống mới, người cho vay bán các khoản vay bất động sản (mortgage) cho các ngân hàng đầu tư. Ngân hàng đầu tư ghép hàng ngàn các khoản vay này với các loại tín dụng khác như cho vay bất động sản thương mại, vay thẻ tín dụng, vay mua xe hơi, vay tiền học đại học, để trở thành một loại chứng khoán hóa, một loại công cụ tài chính phức tạp gọi là giấy nợ đảm bảo bằng tài sản/collateralized debt obligations (CDO). Ngân hàng đầu tư sau đó bán CDO cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư mua CDO không còn biết đằng sau cái CDO mình nắm giữ là tài sản gì thực sự và ai là người nợ tiền mình.
Các ngân hàng đầu tư thuê các công ty đánh giá tín nhiệm để đánh giá CDO, và rất nhiều CDO đã được xếp loại AAA, là loại đầu tư tín nhiệm cao nhất. Điều này làm cho CDO trở nên rất phổ biến với các quỹ hưu trí, là các nhà đầu tư thường chỉ mua các chứng khoán rất tốt và ít rủi ro.
Hệ thống này là một quả bom hẹn giờ. Người cho vay không quan tâm đến việc người vay mua bất động sản có thể trả được hay không, và họ bắt đầu cho vay các khoản rủi ro hơn. Ngân hàng đầu tư cũng không quan tâm, càng bán được nhiều CDO thì lợi nhuận càng cao. Các công ty đánh giá tín nhiệm, được các ngân hàng đầu tư trả tiền, không có trách nhiệm gì nếu đánh giá mức độ rủi ro cho CDO của họ là sai. Từ năm 2000 đến 2003, số lượng các khoản vay bất động sản tăng gấp 4 lần mỗi năm.
Không ai trong chuỗi chứng khoán hóa này quan tâm đến chất lượng khoản vay bất động sản, họ chỉ quan tâm tới tối đa hóa số lượng, và thu lợi nhuận cho mình.
Số lượng các khoản vay bất động sản dưới chuẩn (subprime), các khoản vay rủi ro nhất, cũng tăng nhanh chóng. Tuy nhiên khi hàng ngàn các khoản vay dưới chuẩn được gộp vào thành CDO, nhiều CDO vẫn được đánh giá tín nhiệm ở mức cao nhất AAA. Các ngân hàng đầu tư có vẻ thích các khoản vay dưới chuẩn hơn, vì nó có lãi suất cao hơn và đem lại lợi nhuận cao.
Bỗng nhiên, hàng trăm tỷ đô la được đưa vào kênh đầu tư này hàng năm. Vì ai cũng có thể vay tiền mua nhà, số lượng bất động sản bán ra và giá tăng vọt. Bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử đã được tạo ra.
Từ năm 1996 đến 2006, giá nhà ở Mỹ tăng gấp đôi. Tất cả các ngân hàng đầu tư, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bear Stearns, Lehman Brothers, Merrill Lynch đều lao vào thị trường CDO. Số lượng các khoản vay dưới chuẩn tăng từ 30 tỷ lên 600 tỷ trong 10 năm. Công ty tài chính Countrywide Financial, nhà cho vay dưới chuẩn lớn nhất, đã cho vay 97 tỷ USD, và thu được lợi nhuận 11 tỷ USD từ đó. Angelo Mozilo, CEO của Countrywide, kiếm được 470 triệu USD từ 2003 đến 2008.
Ở phố Wall, các khoản thưởng hàng năm tăng vọt. Các nhà môi giới và CEO trở nên cực kỳ giàu có trong thời kỳ này. Lehman Brothers đứng đầu thị trường CDO vay dưới chuẩn, và CEO của họ là Richard Fuld đem về nhà 485 triệu USD. Goldman Sachs đã bán được ít nhất 3,1 tỷ USD các loại CDO chất lượng kém dưới chuẩn trong nửa đầu năm 2006. CEO của Goldman Sachs là Henry Paulson là CEO được trả lương cao nhất ở Wall Street. Tháng 5/2006, tổng thống Geroge W.Bush bổ nhiệm Henry Paulson làm bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ. Là một công chức chính phủ, Paulson phải bán 485 triệu USD cổ phiếu Goldman Sachs đang nắm giữ. Nhờ một luật thuế thông qua từ thời tổng thống Bush cha, Paulson không phải trả một đồng thuế nào. Việc này giúp Paulson tiết kiệm 50 triệu USD.
Về nguyên tắc, Cục dữ trữ liên bang Fed có toàn quyền hành động để giám sát thị trường cho vay bất động sản với luật Home Ownership and Equity Protection. Khi giám đốc Greenline, một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lớn, đến gặp Alan Greenspan và thắc mắc về trường hợp của Countrywide Financial với 150 loại mortage lãi suất điều chỉnh khác nhau, Greenspan trả lời “thậm chí nếu ông có bằng tiến sỹ về toán, ông cũng không thể hiểu loại chứng khoán nào là tốt, loại nào là xấu”. Thế nhưng, Greenspan đã không hành động gì.
Rủi ro tăng cao
Trong cơn say này, các ngân hàng đầu tư càng muốn vay nhiều tiền để mua các khoản vay bất động sản, để tạo ra càng nhiều CDO càng tốt. Năm 2004, Henry Paulson, CEO của Goldman Sachs, giúp vận động hành lang Ủy ban chứng khoán quốc gia (SEC) để cho phép tăng tỷ lệ đòn bẩy, giúp các ngân hàng đầu tư tăng cường vay mượn. Tỷ lệ đòn bẩy (leverage) của các ngân hàng đầu tư trở nên cao một cách đáng lo ngại, tới mức 33:1. Như vậy chỉ cần một mức giảm nhỏ của giá trị tài sản nắm giữ (3%) là có thể đưa ngân hàng vào tình huống mất thanh khoản.
Một quả bom hẹn giờ khác đã xuất hiện: AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. AIG bán hàng loạt sản phẩm tài chính phái sinh, là các Hợp đồng hoán đổi tổn thất tín dụng/ Credit Default Swap (CDS). Với các nhà đầu tư CDO, CDS là một loại hình bảo hiểm. Nếu nhà phát hành CDO bị phá sản, AIG sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người mua CDO. Tuy nhiên, do CDS, một công cụ phái sinh, hoàn toàn không bị giám sát bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào, cho nên ai cũng có thể bán sản phẩm này, nghĩa là bảo hiểm cho một tài sản nào đó mà không cần phải tuân thủ theo những quy định ngặt nghèo của ngành bảo hiểm. Thêm vào đó, ai cũng có thể mua CDS mà không cần thiết phải sở hữu tài sản cần bảo hiểm. Điều này giúp cho các bên tham gia vào thị trường CDS có thể dùng đòn bảy tài chính lên đến vô hạn.
Vào năm 2008, tổng cộng giá trị ước lượng của thị trường CDS là 62 nghìn tỷ USD (nhiều hơn GDP toàn thế giới) trong khi giá trị ròng chỉ là 2 nghìn tỷ USD. Điều này có nghĩa là cho 1 USD tài sản có thật, có 31 người đã mua hợp đồng bảo hiểm cho 1 USD đó. Nếu rủi ro xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm thì AIG hay các công ty bảo hiểm phải trả trung bình 32 USD cho 1 USD giá trị tài sản. Tại sao AIG lại liều lĩnh như vậy? Đơn giản vì vào năm 2007, thị trường cho rằng xác suất Lehman Brothers phá sản gần như bằng không. AIG đã không lập dự phòng rủi ro cho các khoản tổn thất tiềm năng, mà trả các khoản thưởng tiền mặt khổng lồ cho cán bộ của mình. Bộ phận sản phẩm tài chính của AIG (AIGFP) ở London đã phát hành 500 tỷ USD giá trị CDS, trong số đó phần lớn dành cho các CDO của các khoản vay dưới chuẩn. 400 nhân viên của AIGFP được thù lao 3,5 tỷ USD từ 2000 đến 2007. Joseph Cassano, phụ trách AIGFP, kiếm được 315 triệu USD. Tháng 8/2007, Josepth Cassano phát biểu với các nhà đầu tư trong cuộc họp trực tuyến của AIG “Chúng tôi không nhìn thấy khả năng nào, với bất kỳ lý do nào, xảy ra việc chúng ta mất một đô la nào từ các giao dịch này”.
Sụp đổ
Tháng 3/2008, ngân hàng đầu tư Bear Stearns hết tiền mặt, và được JP Morgan Chase mua lại. Giao dịch được hỗ trợ bằng 30 tỷ USD bảo lãnh khẩn cấp từ FED. Ngày 7 tháng 9/2008, bộ trưởng tài chính Henry Paulson thông báo chính quyền liên bang mua lại Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty cho vay mua nhà trả góp lớn nhất, trước nguy cơ sụp đổ của hai công ty khổng lồ này với khoản thua lỗ 14 tỷ USD trong năm và giá cổ phiếu giảm 90% so với năm 2007.
Ngày 15 tháng 9, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản. Hai ngày sau, công ty bảo hiểm AIG bị mất thanh khoản và chính phủ Hoa Kỳ phải tiếp quản. Bộ trưởng tài chính Paulson và chủ tịch Fed Ben Bernanke yêu cầu quốc hội cung cấp 700 tỷ USD để giải cứu ngành tài chính. Ngày 3 tháng 10, tổng thống Bush ký luật về Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỷ USD. Thị trường tài chính toàn cầu gần như tê liệt. Merrill Lynch, bên bờ vực phá sản, được Bank of America mua lại. Tháng 12 năm 2008, hai công ty sản xuất ô tô lớn là GM và Chrysler suýt phá sản. Tỷ lệ thất nghiệp lên trên 10% ở Mỹ và châu Âu. Kinh tế nhiều nước trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Hàng chục triệu người ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới bị mất việc làm, mất nhà và mất hết khoản tiết kiệm cả đời của mình..
Và vai trò của các giáo sư kinh tế
Từ năm 1998 đến 2008, ngành tài chính bỏ hơn 5 tỷ đô la để vận động hành lang và đóng góp chính trị. Sau khủng hoảng, họ còn bỏ nhiều tiền hơn nữa.
Ngành tài chính đã khôn khéo tăng tác động của họ. Bằng một cách mà phần lớn người Mỹ không biết. Đó là thông qua việc mua chuộc ngành nghiên cứu kinh tế. Theo George Soros, một nhà đầu tư có tên tuổi ở phố Wall, ngành kinh tế học là một đối tượng chủ yếu tạo ra ảo tưởng về việc nới lỏng giám sát tài chính, vì lợi ích cá nhân của họ.
Từ những năm 1980, các nhà kinh tế là những người ủng hộ chính cho việc bãi bỏ giám sát ngành tài chính, và họ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách công của chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ có một vài nhà kinh tế cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng. Thậm chí sau khi khủng hoảng xảy ra, rất nhiều người phản đối việc cải cách các quy định.
Nhiều giáo sư kinh tế đã nhận những khoản tiền lớn để làm tư vấn. Các giáo sư ở các trường kinh doanh thường không sống bằng lương giảng viên. Họ có thu nhập rất cao ở ngoài đại học.
Martin Feldstein là giáo sư kinh tế của đại học Harvard, là một trong những nhà kinh tế có uy tín nhất thế giới. Nhận huy chương John Bates Clark của Hiệp hội kinh tế Hoa Kỳ, giải thưởng danh giá nhất dành cho các nhà kinh tế trẻ dưới 40 tuổi năm 1977, Feldstein đã công bố hơn 300 bài báo nghiên cứu về kinh tế. Feldstein nổi tiếng nhất về lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính công. Trong 20 năm, Feldstein giảng môn “Các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học”, là lớp học lớn nhất, thu hút nhiều sinh viên đăng ký học nhất tại Harvard. Sinh viên và nghiên cứu sinh của Feldstein bao gồm các những người sau này trở thành các học giả nổi tiếng trong kinh tế như Larry Summers (chủ tịch Harvard và bộ trưởng tài chính), David Ellwood (đứng đầu trường chính sách công Kennedy của ĐH Harvard), Lawrence Lindsey và Harvey Rosen (cố vấn kinh tế của tổng thống Bush), Glenn Hubbard (chủ tịch hội đồng tư vấn kinh tế của Bush, trưởng khoa kinh doanh ĐH Colombia)…
Là Chủ tịch hội đồng tư vấn kinh tế trong chính quyền Reagan, Feldstein là kiến trúc sư chính của chính sách nới lỏng giám sát tài chính. Từ năm 1988 đến 2009, Feldstein là thành viên hội đồng quản trị của cả AIG và AIG Financial Products, với thù lao hàng triệu USD.
Charges Ferguson: trong thập kỷ vừa qua, ngành tài chính đã đóng góp chính trị 5 tỷ USD, một số tiền rất lớn. Ông có thấy đây là vấn đề không?
Martin Feldstein: không.
Charges Ferguson: ông có hối tiếc gì khi tham gia hội đồng quản trị của AIG?
Martin Feldstein: không. Tuyệt đối không.
Charges Ferguson: ông có hối tiếc gì về các quyết định kinh doanh của AIG?
Martin Feldstein: tôi không thể nói gì về AIG.
Charges Ferguson: ông đã viết rất nhiều bài báo khoa học về các chủ đề khác nhau. Ông chưa bao giờ thấy lý do phải nghiên cứu rủi ro của Hợp đồng hoán đổi tổn thất tín dụng (CDS) không được giám sát?
Martin Feldstein: chưa bao giờ
Charges Ferguson: câu hỏi tương tự về lương thưởng cho các nhà quản lý, mối liên hệ với quản trị công ty, tác động của đóng góp chính trị?
Martin Feldstein: gì cơ, tôi không biết rằng tôi có thể đóng góp gì thêm hay không
Glenn Hubbard lấy bằng tiến sỹ kinh tế ở Harvard năm 1983, là giáo sư của đại học Columbia từ năm 1988. Glenn Hubbard được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch hội đồng tư vấn kinh tế trong chính quyền Bush từ 2001-2003. Từ năm 2004 đến nay, Hubbard là trưởng khoa kinh tế ĐH Columbia.
Năm 2004, đỉnh cao của bong bóng, Glenn Hubbard là đồng tác giả một báo cáo rất phổ biến với William C. Dudley, kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Trong báo cáo này, Hubbard ca ngợi các sản phẩm tài chính phái sinh và chuỗi chứng khoán hóa, cho rằng chúng giúp phân bổ vốn tốt hơn, và nâng cao tính ổn định tài chính. Hubbard cũng cho rằng các công cụ này làm giảm tính bất ổn của nền kinh tế, làm giảm tần suất và mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng. Tài chính phái sinh giúp bảo vệ các ngân hàng khỏi thua lỗ, và phân bổ rủi ro.
Nhiều giáo sư kinh tế kiếm được nhiều tiền khi giúp cho ngành tài chính tạo ảnh hưởng tới chính sách. Analysis Group, Charles River Associates, Compass Lexecon, và Law and Consulting Group quản lý một ngành nhiều tỷ USD khi cung cấp các nhà nghiên cứu kinh tế cho các công ty. Ralph Ciofi và Matthew Tannin, quản lý quỹ phòng hộ của Bear Stearns, bị khởi tố vì gian lận tài chính. Sau khi thuê Analysis Group, họ được trắng án. Glenn Hubbard được trả 100.000 USD để tham gia biện hộ trong phiên tòa.
Hubbard kiếm được 250.000 USD một năm khi tham gia hội đồng quản trị của Met Life, và từng tham gia HĐQT của Capmark, một công ty cho vay bất động sản thương mại lớn, đã phá sản năm 2009. Hubbard cũng tư vấn cho Nomura Securities, KKR Financial Corporation, và nhiều công ty tài chính khác.
Laura Tyson, giáo sư kinh tế của ĐH Berkeley, là giám đốc hội đồng kinh tế quốc gia trong chính quyền Clinton. Sau khi rời chính phủ, bà ta tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley với thu nhập 350.000 USD một năm.
Ruth Simmons, chủ tịch đại học Brown, nhận thù lao hơn 300.000 USD một năm tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Larry Summers, bộ trưởng tài chính đóng vai trò quan trọng trong quyết định không giám sát công cụ tài chính phái sinh, trở thành chủ tịch ĐH Harvard năm 2001. Trong khi làm việc tại Harvard, Summers kiếm hàng triệu USD nhờ tư vấn cho các quỹ đầu tư, và hàng triệu USD với các cuộc nói chuyện, phần lớn cho các ngân hàng đầu tư. Khi quay lại làm giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia cho tổng thống Obama, bản khai tài sản được công bố cho thấy Summers có tài sản ròng từ 16,5 đến 39,5 triệu USD. Larry Summers từ chối trả lời phỏng vấn cho đoàn phim “Inside Job”.
Frederic Mishkin, thành viên hội đồng thống đốc của Quỹ dữ trự liên bang (Fed), sau khi trở về làm giáo sư ở ĐH Columbia năm 2008, khai báo tài sản ròng từ 6 đến 17 triệu USD.
Năm 2006, Mishkin là đồng tác giả một báo cáo nghiên cứu về hệ thống tài chính của Iceland. Mishkin được Phòng thương mại Iceland trả 124.000 USD cho báo cáo này. Trong lý lịch (CV) của Mishkin, tiêu đề báo cáo đã thay đổi từ “Sự ổn định tài chính ở Iceland” thành “Bất ổn tài chính ở Iceland”. Khi được Ferguson phỏng vấn năm 2010, Mishkin nói rằng, đó là một lỗi đánh máy.
Richard Portes, một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất ở Anh, giáo sư của London Business School, cũng được Phòng thương mại Iceland đề nghị viết một báo cáo ca ngợi hệ thống tài chính của Iceland.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Bloomberg năm 2007, Richard Portes phát biểu “Các ngân hàng Iceland có thanh khoản rất tốt. Họ kiếm được lợi nhuận từ việc đồng krona giảm giá. Họ là các ngân hàng mạnh, nguồn vốn, thị trường của họ được đảm bảo trong các năm tới.
John Campbell, trưởng khoa kinh tế của ĐH Harvard, khi trả lời phỏng vấn của Ferguson, đã cho rằng Harvard không đòi hỏi các giáo sư phải khai báo xung đột lợi ích trong các báo cáo nghiên cứu, và không phải báo cáo các thu nhập ở ngoài trường cho Harvard. Campbell không cho đó là một vấn đề rủi ro.
Trong quá trình làm phim “Inside Job”, nhóm làm phim đã gửi thư cho chủ tịch và hiệu trưởng các trường Harvard, Columbia và một số đại học hàng đầu khác, hỏi các câu hỏi chi tiết về các chính sách đối với xung đột lợi ích trong học thuật, và đề nghị phỏng vấn. Tuy nhiên không có ai trả lời, trừ việc đưa ra link tới trang web của trường.
Suy nghĩ sau khi xem phim
Phim tài liệu “Inside Job” đã cho thấy một góc nhìn về cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Bộ phim mô tả những điểm yếu kém nghiêm trọng trong nền tài chính Hoa Kỳ: những thay đổi môi trường chính sách và hoạt động ngân hàng đã đóng vai trò gì trong cuộc khủng hoảng tài chính. Dù chỉ trình bày góc nhìn riêng của các tác giả và có thể còn nhiều tranh cãi, phim Inside Job đã được rất nhiều người đánh giá cao.
“Inside Job” đã chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng trong giới học thuật kinh tế của đại học Hoa Kỳ. Các khoản thù lao kếch xù, dẫn tới xung đột lợi ích (conflict of interest) và tự do học thuật bị ảnh hưởng.
Vì quyền tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, nhiều người hiểu nhầm rằng tự do học thuật không phải là vấn đề của giáo dục đại học Hoa Kỳ. Tuy vậy, vấn đề không đơn giản như vậy. Cơ sở của tự do học thuật Hoa Kỳ, Tuyên bố năm 1940 về các nguyên tắc tự do học thuật của Hiệp hội các giáo sư đã viết:
Các trường đại học phải hoạt động vì mục tiêu phúc lợi chung, không vì lợi ích của cá nhân giảng viên hay của đại học. Mục tiêu này phụ thuộc vào khả năng tự do tìm kiếm và tự do bày tỏ quan điểm về sự thật. Tự do học thuật là cốt yếu để đảm bảo mục tiêu này, và cần được áp dụng trong cả giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tuyên bố về tự do học thuật năm 1940 đã phải trải qua các thử thách lớn sau khi ra đời. Hầu hết các đại học đã đưa các nguyên tắc của tuyên bố vào chính sách chính thức của mình. Việc này đã giúp cho giáo dục đại học Hoa Kỳ chống lại được các thử thách không nhỏ, ví dụ thời kỳ “đe dọa đỏ” những năm 1950 khi các giáo sư đại học bị bắt phải ký cam đoan không tham gia hoặc tố cáo các đồng nghiệp có liên hệ với các tổ chức cộng sản. Gần đây, vụ khủng bố 11/9/2001, cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan tạo ra áp lực chính trị từ trong và ngoài nước buộc phải hạn chế tự do học thuật trong vấn đề có liên quan (ví dụ Hồi giáo và kinh Koran).
Rõ ràng là thị trường tài chính và lòng tham của nó đã tác động không nhỏ vào tự do học thuật của ngành kinh tế học ở Hoa Kỳ trong 30 năm vừa qua. Thực tế đòi hỏi những người làm giáo dục Hoa Kỳ có các chính sách thích hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề này.
Sau khi phim “Inside Job” được trình chiếu và nhận giải Oscar, nhiều tranh cãi đã nổ ra trong đại học Columbia. Hai giáo sư của trường, Hubbard và Mishkin, phản đối các quan điểm đưa ra trong phim. Một số giáo sư khác ủng hộ họ. Một số cuộc họp ở cấp khoa, hội đồng khoa học và cấp quản trị cao nhất đã diễn ra. Cuối cùng, Columbia đã đưa ra chính sách mới, yêu cầu tất cả các giáo sư công bố các hoạt động bên ngoài, có thể tạo ra xung đột lợi ích. Chính sách mới bắt buộc các giáo sư cập nhật CV của mình và đưa lên trang web của trường, chậm nhất 6 tháng một lần. Họ buộc phải liệt kê tất cả các tổ chức bên ngoài đã hợp tác trong 5 năm qua, bất kể là có thu phí hay miễn phí, bao gồm các hoạt đông tư vấn, nghiên cứu, thành viên, đứng tên hội đồng quản trị, hay tuyên bố ý kiến chuyên gia. Ai không tuân thủ sẽ bị kỷ luật, nhưng hình thức kỷ luật không được nêu cụ thể trong chính sách.
Đối với những người làm chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam, bài học trên là một kinh nghiệm bổ ích cần nghiên cứu. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, vấn đề này có thể áp dụng trong những ngành có nhiều khả năng xung đột lợi ích cao như chính sách công và y dược.