Ở Đại học, tôi thường được phân công giảng dạy sinh viên năm thứ 2, thứ 4 và hướng dẫn khóa luận. Do công việc kiêm nhiệm phụ trách dạy môn Tin học cho trường THPT Chuyên KHTN, tôi có điều kiện trực tiếp sử dụng các học liệu dành cho cấp 3, quen biết và có đôi chút hiểu biết về tình hình dạy Tin học ở cấp 3 ở nhiều địa phương trên cả nước.

Trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh việc giảng dạy Tin học và CNTT hiện nay rất lạc hậu, và điều này gây tổn hại lớn đến ngành CNTT cũng như làm suy yếu một trong những tư duy khoa học quan trọng trong thời hiện đại.

  1. Học Tin học quá muộn sẽ làm ngành CNTT tụt hậu

Ở Việt Nam, CNTT là 1 ngành quan trọng, được Đảng và Nhà nước coi là một mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế. Và để có thể cạnh tranh trong ngành công nghiệp, chúng ta cần thật nhiều những chuyên gia – lập trình, thiết kế hệ thống, quản trị hệ thống. Những người này phải có khả năng tương tác, nhận và bàn giao công việc với các đối tác nước ngoài.Ngành CNTT của chúng ta thực sự thiếu trầm trọng những nhân lực có chất lượng cao.

Dù là một trong những Khoa CNTT có sức thu hút lớn nhất của cả nước, nhưng chúng tôi chưa đào tạo ra thật nhiều những cử nhân có “chất lượng ở mức quốc tế” như vậy. Đó là một trong những trăn trở của tập thể Khoa CNTT.

Một trong những điều chúng tôi cố gắng làm, là đưa việc giảng dạy chuyên môn vào ngay từ đầu, nhưng phải đến sau năm thứ 3 và thứ 4, sinh viên mới dần có đủ khả năng để đi thực tập. Thời lượng của việc học tập chuyên môn là rất ít. Mặc dù cấp THPT đã có môn lập trình, nhưng gần như sinh viên lên Đại học lại học lại từ đầu.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, để trở thành chuyên gia xuất sắc, bạn phải bỏ ra 10000h luyện tập. Ngành CNTT cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực CNTT, rất nhiều hãng khởi nghiệp bởi những thanh niên còn rất trẻ. Và những người rất trẻ này thường được tiếp xúc với máy tính, lập trình từ bé.

Bill Gates trước khi khởi nghiệp Microsoft đã lao vào lập trình từ lớp 5. Sergey Brin (sáng lập Google) đã được bố (một giáo sư Toán học người Nga) dạy lập trình từ năm 7 tuổi. Ngay cả ở Việt Nam, những bạn trẻ có độ thành công tương đối cao (trong phạm vi hiểu biết của tôi) như Hồ Vĩnh Hoàng [Founder của TOSY, chuyên Tin Tổng hợp,], Vương Vũ Thắng [Founder của VCCorp, chuyên Tin Tổng hợp], Nguyễn Hòa Bình [Founder của PeaceSoft, chuyên Tin Nguyễn Huệ], Nguyễn Đình Nam [Founder của VP9, chuyên Tin Tổng hợp]cũng đều là học sinh chuyên Tin ở cấp 3. Do đã bắt đầu tích lũy “10,000h luyện tập” sớm (trước khi vào Đại học) nên họ có khả năng thành công cao hơn những người xuất phát chậm.

Ở ngay Đại học Công Nghệ, chỉ có khoảng ¼ số sinh viên vào thẳng của Khoa CNTT, Đại học Công Nghệ là có nền tảng lập trình tốt (phần lớn là học sinh có giải Tin học trong kỳ thi HSG Quốc gia). Đa phần trong tổng số ¾ sinh viên còn lại là những người thi Đại học ở khối A và khối A1 thì gần như không biết gì về lập trình, và phải dạy lại từ đầu. Và sau này, gần như tuyệt đại đa số các bạn có thành tựu đều là những học sinh chuyên Tin từ cấp 3.

Tuy nhiên, hiện nay, Tin học ở cấp THPT là môn “siêu phụ”. Giáo viên Tin học chỉ được coi là giáo viên loại 2. Gọi là “siêu phụ” vì theo kiểu “so sánh” hay có ở VN, “Tin học” còn “phụ” hơn cả Sinh – Sử – Địa. Những môn trên còn có thi tốt nghiệp, thi Đại học. Còn Tin học không được thi tốt nghiệp, không được thi Đại học (kể cả vào các khoa CNTT).

Chính vì thế, nên ở cấp 3, việc dạy và học Tin học đa phần bị buông lỏng, giáo viên muốn dạy như thế nào cũng được (đừng cho điểm quá thấp là được). Về mặt căn bản, học sinh không học đủ, không làm được những bài tập lập trình rất cơ bản. Giáo viên Tin học có thể phải kiêm nhiệm thêm hàng núi các công việc “vô danh” khác và ít có điều kiện trau dồi chuyên môn. Chính vì bị coi là môn phụ, tuyệt đại bộ phận phụ huynh đều ngăn cản con học Tin học sớm. Trong quá trình giảng dạy tại trường chuyên, một trong những vấn đề khó khăn nhất chính là việc thuyết phục phụ huynh cho phép con học Tin học, theo đuổi niềm đam mê.

Trong khi đó ở nước ngoài, học sinh sớm được học lập trình, “hý hoáy” sớm với máy tính, lập trình nên sau này khả năng phát triển lớn hơn nhiều.

Khác với nhiều ngành nghề, CNTT là ngành phụ thuộc rất lớn vào trí tuệ và kỹ năng lao động (kỹ năng lập trình, kỹ năng vận hành các hệ thống tin học). Như vậy ngành CNTT của Việt Nam hoàn toàn có thể “cất cánh” trở thành một ngành mũi nhọn. Và để tiềm năng này trở thành hiện thực, hãy coi trọng và khích lệ học sinh học Tin học từ bé.

  1. Sự cần thiết của tư duy Tin học

Tin học, Công Nghệ Thông Tin là lĩnh vực rất rộng. Ở đây tôi quan niệm việc sử dụng máy tính hay những chương trình ứng dụng như Word, Excel chỉ là kỹ năng mà bất kỳ ai trong xã hội hiện đại cũng đều phải biết. Dạy tin học là dạy kỹ năng lập trình và tư duy thuật toán.

Nhiều người cho rằng, sau Cách mạng Công Nghiệp, thì CNTT chính là làn sóng Cách mạng KHKT tiếp theo triệt để thay đổi lịch sử loài người – nhờ máy tính mà nhiều thay đổi to lớn xảy ra trong lao động, sản xuất, khoa học, công nghệ, chính trị – gần như trong mọi hoạt động của con người.

Trong một nền kinh tế dựa vào công nghệ cao – khi mà “nội dung” (content) sẽ là một trong những mặt hàng chính thì Lập trình – thao tác trên các dữ liệu thô, tạo ra các tri thức có giá trị trở thành một kỹ năng thiết yếu, một nghề nghiệp thu hút trong thị trường lao động.

Gần như mọi khía cạnh của nền kinh tế, mọi hoạt động khoa học ngày nay đều có sự hiện diện của Tin học.  Xu hướng dữ liệu lớn (giờ chúng ta đang bơi trong biển dữ liệu, vậy làm thế nào để có thể “chắt lọc” được những tri thức đáng giá) là minh chứng rõ nét cho xu thế này.

Chính vì thế, có được một tư duy tốt về thuật toán và kỹ năng lập trình sẽ giúp ích rất lớn cho học sinh.

So với nhiều ngành Khoa học khác, Tin học rèn dũa cho học sinh tư duy thuật toán và tính thực tế. Ở mức độ đơn giản, học sinh phải có được kỹ năng giải quyết vấn đề: từ một tập hợp đầu vào, cần phải xử lý như thế nào để có được một kết quả thỏa mãn. Ở mức cao hơn, học sinh phải rèn luyện kỹ năng sáng tạo ra vấn đề, rồi tìm cách giải quyết nó. Ngoài ra, Tin học sẽ giúp học sinh có được sản phẩmthông qua quá trình lao động. Điều này khiến cho việc học nói chung không chỉ mang tính lý thuyết, mà còn tăng tính thực hành.

Qua quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy việc dạy các kỹ năng lập trình cơ bản sẽ giúp :

Tăng tốc quá trình phát triển của học sinh.

Thúc đẩy sáng tạo

Tăng tính tự tin

Năng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện

Giúp học sinh thấy được ứng dụng cụ thể của các môn khoa học khác, đặc biệt là Toán học

Định hướng nghề nghiệp

Ở nước ngoài

Ở Hoa Kỳ, Tổng Thống Barack Obama trong thông điệp liên bang 2013, đã nhấn mạnh vào “việc xây dựng các kỹ năng cho học sinh đáp ứng một nền kinh tế công nghệ cao”, và sau này, ông kêu gọi  “giới trẻ – thay vì chỉ biết tiêu thụ, hãy sản xuất ra thông tin”, và “không chỉ sử dụng máy điện thoại di động, hãy lập trình cho nó”. Hoa Kỳ đã nhiều chương trình tài trợ đưa việc giảng dạy lập trình vào khối tiểu học và trung học.

Anh quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã đưa việc học lập trình thành điều bắt buộc trong các trường tiểu học và trung học. Trẻ em sẽ học lập trình ở độ tuổi 5 đến 16. Ở giai đoạn 1, học sinh học viết chương trình nhỏ, các khía cạnh đơn giản của thuật toán, cài đặt và thực thi trên thiết bị điện tử. Trong giai đoạn 2, học sinh được học cách thiết kế và viết các chương trình phức tạp hơn, tương tác với môi trường xung quanh. Ở giai đoạn 3 (cấp trung học), học sinh học về đại số Boolean, tư duy thuật toán. Giai đoạn 4 tập trung vào sáng tạo và định hướng nghề nghiệp.

Lời kết

Việc dạy tin học và lập trình sớm không chỉ có ích cho toàn bộ học sinh, mà còn trợ giúp rất lớn cho ngành CNTT và quá trình hiện đại hóa đất nước.

Hệ thống Giáo dục phổ thông ngày nay đã quá lạc hậu trong việc giảng dạy CNTT. Và tôi kỳ vọng vào công cuộc Đổi mới Giáo dục mà Bộ Giáo dục đang tiến hành có thể góp phần thay đổi thực trạng này.

Tuy nhiên khi đọc các bài báo về các phương án thi cử mà Bộ Giáo Dục đưa ra, tôi có cảm nhận rằng, môn Tin học sẽ vẫn chỉ là một môn “Siêu phụ”.

Trong quá trình đổi mới giáo dục, Bộ Giáo Dục hãy thực sự cầu thị, mời các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực tin học, các chuyên gia trong ngành CNTT cùng tham gia.

Hồ Đắc Phương

Giảng viên Đại học Công Nghệ

 

PS. Khi đưa trước cho nhiều người đọc, tôi nhận được nhiều lời khuyên rằng viết ra thật vô ích, mọi việc về chương trình chắc chắn là sẽ được ai đó mà Bộ Giáo dục ủy nhiệm độc lập làm một mình, mọi việc trưng cầu, góp ý sẽ chỉ là hình thức. Tuy nhiên, với ý thức công dân, với trách nhiệm của một người đứng trên bục giảng, tôi vẫn viết ra. Và tôi thực sự hy vọng rằng, bài viết này sẽ được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đặc biệt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người mà theo báo chí mô tả là cực kỳ hiểu về ngành CNTT đọc, để có thể có thể hiểu tâm tư một bộ phận không nhỏ của giáo viên Tin học, để có thể đưa ra những quyết sách mạnh mẽ hòng thay đổi diện mạo ngành Công Nghệ Thông Tin và ngành Giáo dục.

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *