Tham luận của PGS.TS. Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM – tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 7/1/2017 tại Đà Nẵng.
Đặt vấn đề
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và các phương tiện truyền thông thời gian gần đây [1-14] đưa tin về lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là lớn. Trong đó nhấn mạnh về chủ yếu trong số người thất nghiệp là những người được đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong Báo cáo điều tra lao động việc làm Quý 1 năm 2016 của Tổng cục thống kê, Bộ kế hoạch đầu tư [1], cả nước có 1.12 triệu người lao động trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên bị thất nghiệp trong tổng số 54.4 triệu người thuộc lực lượng lao động, chiếm tỷ lệ 2.25%, chiếm 2.05% tỷ lên ở dân số 15+. Trong đó số lao động thất nghiệp này có 38,7% (khoảng 431 nghìn) là số lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên.
h11
Hình 1.1. Tỷ lệ thất nghiệm theo dân số và theo tuổi lao động (15+)
Theo tỷ lệ phân bổ trong số lao động thât nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật này thì nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 44,7%. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở đến hơn 80%.
h12
Hình 1.2. Phân bổ tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ
Với con số trên 200,000 lao động có trình độ chuyên môn trở lên thất nghiệp chúng ta thấy lớn. Nhưng so với thế giới thì con số này có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạng chung của thế giới không chỉ ở mỗi Việt Nam. Ở Trung quốc, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7% phần trăm số người trong độ tuổi lao động, giảm còn 4% trong năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ trên thế giới trong độ tuổi từ 25 đến 64 tuổi trong năm 2014 [16] được thống kê như Hình 1.3. Ngay cả những nước phát triển tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thất nghiệp vẫn cao. Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp có trình độ vẫn chiếm khoảng 12%. Như vậy con số 431 nghìn lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường.
h13Hình 1.3. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp trên thế giới (từ 25-64 tuổi) [16]
Mặt khác, theo thống kê điều tra dân số nước ta năm 2014 của Tổng cục thống kê thì trong hơn 90 triệu dân, có khoảng 4.5 đến 5 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 7%. Và với 200 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4.4%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngưỡng cần quan tâm là 5%. Tổ chức này cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân và các giải pháp để giảm thiểu được con số thất nghiệp này nhằm giảm chi phí của xã hội.
2. Những nguyên nhân chính
Những nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay
Tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoăc cơ cấu cung – cầu không gặp nhau;
Chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu;
Sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi;
Tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo;
Tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoặc cơ cấu cung – cầu không gặp nhau
Hiện nay cơ sở dữ liệu về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội và nguồn đào tạo nhân lực cho từng ngành nghề cụ thể chưa được phổ biến để các tổ chức đào tạo sử dụng để phân tích phục vụ công tác điểu chỉnh quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh… Các trung tâm dự báo nguồn nhân lực cũng có những con số dự báo về các lĩnh vực nhưng khá rộng. Những con số dự báo ấy là có, nhưng rồi không có trường đại học nào sử dụng được để xác định chỉ tiêu, cũng như học sinh hay phụ huynh cũng không thể căn cứ để làm một kênh chọn lựa. Hiện nay các trường đại học chỉ xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có. Với cơ chế quản lý “học phí thấp”, để có thể vận hành hệ thống tổ chức, các trường phải tuyển cho “hết chỉ tiêu ứng với năng lực”. Và với số lượng trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6.6 trường đại học, cao đẳng [5] và không có đơn vị nào kiểm soát số lượng nguồn nhân lực đào tạo theo từng ngành nghề dẫn đến số lượng nhân lực cung – cầu theo từng ngành nghề tương ứng khó có thể gặp nhau.
Chất lượng nguồn nhân lực cung không đáp ứng đồng bộ được với chất lượng cầu
Với con số hơn 425 trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau. Và chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thất nghiệp sinh viên sau khi tốt nghiệp. Không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%. Vì vậy vấn đề này là tất yếu và bình thường giống như một lớp sinh viên đại học, dù là đã đạt chuẩn đầu vào, nhưng sau 4 năm học thì có em học vượt, có em học xuất sắc, có em học khá và có em không thể ra trường. Cơ chế thị trường cũng vận hành theo cách đó, tổ chức đào tạo nào không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì tất yếu sẽ tự bị loại trừ. Tuy nhiên, vấn đề dễ thấy là từ trước đến nay có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa? Nhưng con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học thì thường xuyên.
Sự biến động không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi
Đây là nguyên nhân khách quan của sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Thời gian đào tạo người lao động có trình độ đại học trung bình là 4 năm. Sau thời gian đào tạo, sự biến động của nhu cầu nhân lực là việc tất yếu. Trong những năm gần đây, khi kỹ thuật công nghệ phát triển mạnh, nguồn nhân lực đã thay đổi cơ cấu. Những dây chuyền sản xuất tự động đã thay thế rất nhiều nhân lực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ làm thay đổi lớn cơ cấu nhân lực. Dự đoán đến 2030 cơ cấu này càng thay đổi. Dự đoán rằng 2 tỷ công việc sẽ biến mất và thay vào đó sẽ tạo ra 2 tỷ công việc khác. Vì vậy, không khác hơn là các đơn vị đào tạo và người lao động phải tự thích nghi với sự thay đổi này.
Vấn đề tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng
Việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ở các trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp. Các giáo viên hướng nghiệp cũng chỉ được “tập huấn” “cưỡi ngựa xem hoa” cho có như mỗi lần tập huấn “cán bộ coi thi”. Việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều hơn. Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ huynh. Lâu nay các trường đại học tự thân vận động. Tự tổ chức tư vấn và quảng bá. Một số trường thì chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn, cần mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình. Quan điểm “học đại học để đổi đời” cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác. Dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học.
3. Đề xuất một số giải pháp
Có ý kiến đề xuất ban hành hạn ngạch về giáo dục đại học [14]. Mô hình xã hội đang phát triển như thế giới tự nhiên. Tự nhiên luôn luôn tồn tại cơ chế chọn lọc. Cơ chế thị trường cũng đang vận hành theo cơ chế chọn lọc ấy. Hai tập hợp nguồn nhân lực cung và cầu quan hệ tham chiếu với nhau bằng một ánh xạ toàn phần. Khi ban hành hạn ngạch về giáo dục đại học, ánh xạ ấy trở về dạng song ánh. Mối quan hệ này thật lý tưởng nhưng không thể hoạt động, doanh nghiệp có sự chọn lọc nhân lực của mình và người lao động có sự lựa chọn nơi họ muốn làm việc. Cần tìm ra các giải pháp bền vững hơn không áp đặt mà hệ sinh thái giáo dục và nền kinh tế vẫn vận hành tốt theo quy luật tự nhiên của nó. Thay vì chúng ta hạn chế mâu thuẫn xảy ra giữa cung và cầu bằng cách hạn chế cung bằng cầu, thì cần những giải pháp có tính bền vững hơn.
Các giải pháp đề xuất chủ yếu là để giải quyết các nguyên nhân đã nêu.
Cân đối cung và cầu nguồn nhân lực
Cần thiết lập hệ thống quản lý chuỗi cung ứng nguồn nhân lực giữa đào tạo và doanh nghiệp sử dụng. Hệ thống này hỗ trợ các trường có được cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như Bộ giáo dục và Đào tạo có cơ sở để quy hoạch lại cơ cấu ngành nghề ở các trường đại học. Tuy nhiên, trở ngại ở đây sẽ là quyền tự chủ của các đơn vị đào tạo.
Giải pháp này cũng chỉ đáp ứng được phần nào việc giảm sự lệch pha giữa nguồn cung và nguồn cầu. Nhưng như phân tích ở trên, người lao động tự chọn nhà tuyển dụng và ngược lại. Nhà tuyển dụng có quyền lựa chọn người lao động phù hợp nhất với mình.
h31Hình 3.1 Thực trạng về việc làm
Mỗi đơn vị đào tạo phải có những giải pháp nội bộ nhằm nâng cao tỷ lệ có việc làm của sinh viên
Cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm với người học về việc đảm bảo việc đào tạo người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Mà cụ thể nhất là Hiệu trưởng nhà trường. Nếu trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, trường đại học cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ. Nếu không thì kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ, người học sẽ mất nhiều cơ hội. Ví dụ, nếu như kỷ nguyên số hỗ trợ được học trực tuyến (hoặc các hệ thống MOOC), thì người học sẽ có thời gian với doanh nghiệp. Tố chất của người học là rất sáng tạo, cần tạo ra môi trường để họ phát huy sáng kiến và hỗ trợ tạo ra những nhân tố khởi nghiệp, những nhân tố tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. Có như vậy mới giảm được tình trạng thất nghiệp của người học.
Nhạy cảm thay đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển
Khi cơ cấu ngành nghề thay đổi thì các ngành nghề mới sẽ ra đời, thay thế một số ngành không còn được xã hội quan tâm. Cần lưu ý với các trường đại học ở thời gian đào tạo. Xã hội luôn luôn biến động, vì vậy chúng ta không nên giữ người học quá lâu để đào tạo. Phải kịp thời trả người học về với thị trường lao động càng sớm càng tốt. Như vậy phải rút ngắn thời gian đào tạo, đồng nghĩa với thay đổi hàng loạt các phương pháp giảng dạy, thay đổi tư duy, cách học của người học. Đào tạo ra một kỹ sư toàn diện hơn.
Chú trọng tư vấn hướng nghiệp và phân luồng giáo dục
Nâng tầm nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cho các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng là học sinh và phụ huynh. Họ chính là khách hàng của ngành giáo dục và vấn đề đặt ra là chúng ta phải cung cấp đầy đủ thông tin nhất đến họ để người khách hàng của chúng ta trở nên thông minh hơn, hiểu rõ hơn về ngành nghề, bậc đào tạo. Có như vậy họ mới có những sự lựa chọn tốt hơn, hiệu quả. Tư vấn hướng nghiệp cần triển khai sâu rộng đến cho thí sinh và cho phụ huynh học sinh. Lưu ý rằng bản chất giá trị thông tin được tạo ra trong các kỷ nguyên trước đây là sự thiếu thốn. Nhưng trong kỷ nguyên số hiện nay thì giá trị cốt lõi của thông tin được tạo ra bởi sự đầy đủ. Và đó là nhiệm vụ của chúng ta: cung cấp thật đầy đủ, thật rõ ràng tất cả thông tin đến khách hàng.
Ngoài ra, chúng ta cần mang xã hội đến với các em, hoặc đưa các em học sinh vào trong xã hội. Ở các bậc đào tạo từ cao đẳng trở lên, sinh viên có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp, với môi trường xã hội. Thời điểm đó, các em đã lựa chọn con đường nghề nghiệp cho mình. Câu hỏi đặt ra, có quá muộn hay không? Có nên chăng các em học sinh cũng được tiếp cận với doanh nghiệp, với môi trường làm việc từ sớm. Để các em nhận thức và có thể có những lựa chọn đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về bản chất ngành nghề, các bậc nghề nghiệp. Việc chú trọng đến tư vấn hướng nghiệp và đưa các em vào môi trường xã hội sẽ tạo động lực tốt việc thực hiện phân luồng giáo dục được thực chất hơn.
Cần thay đổi cơ chế quản lý
Tăng cường triển khai tự chủ đại học, để cho các trường tự chủ trong mọi vấn đề. Chúng ta cần gỡ bỏ rào cản học phí “thấp nhất thế giới” càng sớm càng tốt. Chúng ta nên để cho xã hội chung tay xây dựng giáo dục ngày càng vững chắc. Nếu học phí thấp, các trường sẽ chạy theo số lượng để có thể đủ kinh phí vận hành đơn vị. Để duy trì đáp ứng nhu cầu phổ cập hóa giáo dục đại học, cũng có nhiều giải pháp để thực hiện, không nhất thiết phải tất cả khách hàng đều phải đóng một học phí thấp như nhau.
Cần chú trọng đến thu nhập của giáo viên, những người ươm mầm non của tương lai đất nước ở các bậc mầm non, tiểu học, trung học phổ thông. Tạo điều kiện để thầy cô có được cơ hội trau dồi kiến thức, bồi dưỡng và cập nhật những phương pháp giảng dạy, đánh giá mới mà thế giới đang có. Nếu một người giáo viên sau khi tốt nghiệp đại học, quay về giảng dạy cho học sinh với những kỹ năng của mình cho đến ngày về hưu. Trong khi xã hội đang chuyển mình từng ngày, giáo dục cũng chuyển mình từng ngày. Hậu quả, giáo dục đại học có đổi mới đến đâu, trong 3.5 năm đến 4 năm cũng sẽ khó thay đổi được, khó tăng được khả năng thích ứng và cơ hội có việc làm của các em.
4. Chia sẻ các giải pháp giúp tỷ lệ có việc làm cao của sinh viên tốt nghiệp tại Đại học SPKT HCM
Thực trạng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ GD&ĐT. Trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng công nghệ và ứng dụng. Trường có bề dày truyền thống hơn 54 năm, giữ vai trò là trường đại học nòng cốt trong sự phát triển hệ thống các trường sư phạm kỹ thuật toàn quốc; cung cấp chủ yếu lực lượng giáo viên dạy nghề, và kỹ sư công nghệ có chất lượng cao cho cả nước, đặc biệt cho khu vực phiá Nam. Nhà trường luôn đặt mục tiêu hàng đầu là người học ra trường có việc làm đúng ngành nghề, trong thời gian sớm nhất hoặc có thể ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của nhà trường trong suốt 54 năm qua.
h41Hình 4.1. Tỷ lệ sinh viên có việc làm khảo sát theo thời điểm tốt nghiệp
h42Hình 4.2. Tỷ lệ sinh viên làm việc đúng chuyên ngành
h43Hình 4.3. Tỷ lệ sinh viên có việc làm theo mức thu nhập bình quân/tháng
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của nhà trường được thống kê trong 2 năm gần đây đạt con số rất cao. Trong năm 2016, có gần một nửa (49%) SV chưa tốt nghiệp đã có việc làm. Kết quả khảo sát của năm 2016 sau 6 tháng tốt nghiệp tỉ lệ sinh viên đã có việc làm là 91%, sau 12 tháng chỉ còn 2% cựu sinh viên đang tìm việc. Trong số sinh viên có việc làm, tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề cũng tăng dần từng năm và đạt gần 80%. Thu nhập bình quân mỗi tháng của các sinh viên có việc làm cũng được phân bổ lại theo năm. So sánh dữ liệu khảo sát về thu nhập của hai năm 2015 và năm 2016 cho thấy mức thu nhập của cựu sinh viên đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể năm 2015 tỉ lệ cựu sinh viên có thu nhập từ 10 đến dưới 15 triệu đồng là 8% thì năm 2016 tăng lên 12% đạt 20%, tỉ lệ cựu sinh viên có mức thu nhập trên 15 triệu và trên 20 triệu cũng tăng so với năm trước. Tỷ lệ sinh viên ra trường đáp ứng công việc ngay của nhà tuyển dụng cũng khá cao. Để đạt được tỷ lệ sinh viên có việc làm cao như trên, nhà trường đã triển khai rất nhiều các giải pháp đồng bộ việc thu hút thí sinh giỏi ở đầu vào, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, dịch vụ, phục vụ sinh viên, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp…
h44
Hình 4.4. Mức độ đáp ứng ngay công việc của sinh viên ra trường có việc làm
Các giải pháp đã triển khai để tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm cao
Sứ mạng và tầm nhìn
Việc chọn định hướng công nghệ trong sứ mạng và tầm nhìn mang yếu tố quyết định, giúp tỷ lệ SV có việc làm cao nhờ đáp ứng đúng yêu cầu phát triển hiện nay của nền kinh tế bởi trong suốt những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước chủ yếu đầu tư vào sản xuất, ít có công ty có bộ phận R&D – nghiên cứu và phát triển. Định hướng công nghệ giúp nhà trường trang bị cho người học kiến thức, thái độ nghề nghiệp (thừa hưởng từ lịch sử hợp tác của trường với Đức, Mỹ) và kỹ năng (kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm) gần nhất với các công nghệ và quy trình sản xuất đang có trên thị trường. Định hướng này cũng giúp người học thích nghi nhanh với sự chuyển động và thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Đồng thời để người học có thể tiến xa hơn trên con đường lập nghiệp, nhà trường còn cung cấp cho SV tư duy sáng tạo, khởi nghiệp, thói quen tự học và trình độ ngoại ngữ đáp ứng với thời đại kỹ sư toàn cầu.
Chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIOh45
Hình 4.5. Số lượng tín chỉ của CTĐT nhà trường qua các giai đoạn hiệu chỉnh
Từ định hướng công nghệ, việc xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) theo tiếp cận CDIO mang yếu tố quyết định lên tỷ lệ SV có việc làm. 100% các CTĐT hiện hành được thiết kế và xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai thực hiện và vận hành). Các bên liên quan (stakeholders) cùng với nhà trường vẽ ra chân dung của người kỹ sư hiện tại và tương lai với chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT bao phủ toàn diện năng lực của người học từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ. Các môn học tích hợp ra đời sau khi xây dựng ma trận đối sánh dựa vào CĐR. Nhờ vậy, khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và các yêu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng được thu hẹp nhờ SV tốt nghiệp ra trường có kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yêu cầu nhà tuyển dụng. Người học được đào tạo đủ tất cả các phẩm chất của người kỹ sư cần có, từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng và ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Cấu trúc CTĐT của tất cả các ngành bắt buộc sinh viên phải trải qua 20 tín chỉ thực hành, thí nghiệm, thực tập tại trường và ở các doanh nghiệp. Giải pháp này giúp các kỹ sư tốt nghiệp ra trường có kỹ năng thực hành thành thạo, được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao với nhận xét KS tốt nghiệp từ ĐH SPKT TP HCM nói được và làm được. Thành công đến từ CTĐT của nhà trường có sự đóng góp không nhỏ của các bên liên quan (doanh nghiệp, cựu sinh viên, giảng viên, chuyên gia, tổ chức giáo dục, sinh viên) và trong đó việc tham gia đáng kể của Hội cựu SV và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp trong việc xây dựng và hiệu chỉnh các chương trình đào tạo. Trường luôn chú trọng việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới theo dự báo phát triển và nhu cầu của thị trường. (Điện tử y sinh, Logistics, Kinh doanh thời trang…). CTĐT của trường được hiệu chỉnh thường xuyên định kỳ hằng năm (10%), thay đổi theo chu kỳ đào tạo 4 năm. Môn học “Nhập môn ngành kỹ thuật” trong CTĐT giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, lập kế hoạch học tập, biết mình sẽ học những gì, học như thế nào trong suốt bốn năm và đặc biệt là tạo ra sự đam mê và yêu nghề ngay từ khi nhập học.
Vai trò của tiếng Anh
Trong thời buổi hội nhập, SV tốt nghiệp không biết tiếng Anh được coi như còn mù chữ và tiếng Anh là yếu tố then chốt trong xin việc thời hội nhập. Trường đã tăng dần chuẩn đầu ra về tiếng Anh liên tục trong các năm qua từ 450 TOEIC lên 550 TOEIC gắn với điều kiện xét tốt nghiệp của sinh viên. Với quan điểm: không có tiếng Anh, sinh viên sẽ khó có được cơ hội việc làm tốt và tiến xa, nhà trường đã bổ sung tổ hợp môn toán, ngữ văn và tiếng Anh (D1) vào tổ hợp tuyển sinh đầu vào của nhà trường. Mỗi học kỳ, trường đều tổ chức nhiều đợt thi phân loại tiếng Anh đầu vào và và đánh giá đầu ra cho sinh viên. Chương trình tiếng Anh tăng cường được xây dựng để cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên. Hiện nay, toàn bộ các bài giảng chuyên ngành được giảng dạy bằng slide tiếng Anh, khuyến khích sử dụng giáo trình của các ĐH Anh, Mỹ kèm chính sách khuyến khích giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng được ban hành. Năm 2016, nhà trường đã xây dựng và tuyển sinh 05 ngành đào tạo chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh, năm 2017: 10 ngành. Bên cạnh đó, trường đã “nhập khẩu” các học phần đại cương toán học, vật lý, hóa cao cấp của ĐH Mỹ và tích hợp vào các CTĐT.
Đổi mới mạnh mẽ, triệt để phương pháp dạy và học (dạy số, blended learning with LMS), phương pháp đánh giá.
Các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá được tổ chức tập huấn, chia sẻ định kỳ ở các cấp độ khác nhau, toàn trường, khoa, bộ môn. Giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực phù hợp với nội dung giảng dạy, giảng dạy tích hợp các kỹ năng công việc (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề…), tổ chức học tập theo dự án (project-based learning, capstone projects) giúp người học quen với tư duy sáng tạo, hình thành kỹ năng làm việc nhóm và quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp và giải quyết vấn đề thực tế của xã hội… Hơn 1.000 khóa học được triển khai với hình thức kết hợp (blended learning) với việc sử dụng hệ thống LMS (Learning Management System) của Pearson Education và sắp tới của Black Board, đã tạo cho người học phong cách chủ động, học tập mọi lúc, mọi nơi, tự lập kế hoạch học tập, phát huy khả năng học tập suốt đời và phù hợp với yêu cầu liên tục tự cập nhật, nâng cao trình độ và văn hóa làm việc của con người trong kỷ nguyên số. Để phục vụ cho hệ thống quản lý đào tạo trên, trường đã đầu tư lớn vào hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm quản lý và mạng thông tin tốc độ cao. Đồng thời, trường cũng vận động USAID và Intel VN tài trợ cho Trung tâm dạy học số – Digital Learning Studio. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hệ thống đào tạo giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của GV và SV, để các đơn vị thực hiện các giải pháp đa dạng khác.
Đổi mới mạnh mẽ về kiểm tra, đánh giá cũng tác động không nhỏ đến tỷ lệ việc làm nhờ thông qua đánh giá, thiết lập được các kỹ năng cần thiết cho SV nhất là kỹ năng học liên tục, học cả đời để thích ứng với cách làm việc của doanh nghiệp. Việc chuyển từ đánh giá 100% cuối kỳ rồi 30% giữa kỳ + 70 % cuối kỳ, và hiện tại là 50% quá trình (4-6 lần trong HK, thông qua LMS) và 50% cuối kỳ đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thái độ học tập của SV, nâng cao tinh thần học tập liên tục, tinh thần tự giác và trang bị kiến thức chủ động không dồn vào kỳ thi cuối kỳ. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào khả năng có việc của các em. Các học phần phù hợp sử dụng hệ thống thông tin trong kiểm tra đánh giá, nhà trường khuyến khích tổ chức thi online.
Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá đã tạo ra áp lực và tải trọng quá lớn đối với giảng viên. Ví dụ, với lớp 100 SV, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận… Vì vậy, phát triển hệ thống trợ lý giảng dạy (TA – teaching assistant) từ học viên cao học và SV năm cuối phải song hành. Hệ thống TA không những giúp giảm tải cho giảng viên, đáp ứng việc thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá mà còn mang giúp sinh viên thêm thu nhập, được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng với vai trò là trợ lý giảng dạy, đồng thời giảm các nguy cơ tiềm ẩn khi các em phải kiếm việc làm thêm bên ngoài. Trong năm học 2015-2016, trường đã chi gần 1 tỷ đồng cho công tác TA.
Hợp tác toàn diện với doanh nghiệp theo nguyên tắc win-win
Các khoa trong trường luôn chủ động tổ chức các học phần tại các doanh nghiệp, gửi sinh viên đến doanh nghiệp học tập hoặc mời chuyên gia đến trường để giảng dạy, chuyển giao các công nghệ mới, dạy kỹ năng mềm. Thực tập xí nghiệp được triển khai rộng rãi ở tất cả các khoa. Đang thiết kế một số chương trình đào tạo theo dạng sandwich: 2 HK học trong trường, 1 HK làm ở doanh nghiệp với chức danh Trợ lý Kỹ sư.
Đưa môi trường công nghiệp vào các xưởng thực tập của trường, tập cho SV có tác phong và kỷ luật công nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Áp dụng các quy tắc 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) vào các xưởng thực tập. Mục đích chính là tạo cho người học thói quen tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng sản phẩm.
Phối hợp với doanh nghiệp thành lập các Trung tâm đào tạo trong trường. Trong những năm qua, nhiều công ty lớn tài trợ xây dựng các Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, tặng thiết bị, máy móc thực hành với giá trị nhiều triệu đô la. Dự án tài trợ: Toyota TTEP, Mercedes, General Electric, Rockwell, Siemens, Bosch, Omron, National Instruments, Textronix,…theo nguyên tắc 2 bên cùng có lợi (win-win): Thiết bị đào tạo được miễn thuế, công ty có thể sử dụng để huấn luyện cho nhân viên và đại lý. Thời gian còn lại, sinh viên của trường được thực hành trên các hệ thống thiết bị công nghiệp mới nhất nên rất tự tin khi ra làm ở các công ty. Ngoài các dự án tài trợ, rất nhiều thế hệ sinh viên được hỗ trợ các nguồn học bổng từ doanh nghiệp, cựu sinh viên. Doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều các hội nghị, hội thảo chia sẻ kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng xin việc, kỹ năng viết CV… hằng năm. Mỗi năm nhà trường tổ chức 2 tuần lễ vàng tuyển dụng và 2 hội chợ việc làm. Mỗi tuần lễ vàng hay hội chợ được sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp về trường để tuyển dụng với hơn 700 vị trí tuyển dụng mỗi đợt. Mỗi tháng thường xuyên có từ 3-4 doanh nghiệp trực tiếp tới trường phỏng vấn tuyển dụng sinh viên năm cuối. Phòng Quan hệ doanh nghiệp hỗ trợ đưa SV tới doanh nghiệp phỏng vấn. Phối hợp, giới thiệu SV tới phỏng vấn tại các chương trình việc làm do hội doanh nghiệp, hiệp hội thương mại như KOCHAM (Hàn Quốc), AMCHAM (Mỹ), JBAH (Nhật), Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam… Sinh viên được tiếp cận và trải nghiệm với đa dạng các loại hình doanh nghiệp. Mỗi năm nhà trường nhận hơn 2 tỷ đồng tài trợ quỹ học bổng và hơn 1 tỷ đồng kinh phí tài trợ các hoạt động cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp. Mỗi một năm học từ 8.000 đến 10.000 sinh viên được tham gia các hoạt động tiếp cận doanh nghiệp, khoảng 5.000 em được tham quan doanh nghiệp và hơn 15 khóa tập huấn kỹ năng mềm cho khoảng 2.700 sinh viên. Hội đồng tư vấn doanh nghiệp được thành lập để tư vấn cho nhà trường trong nhiều hoạt động như: thiết kế, đánh giá và góp ý hiệu chỉnh chương trình đào tạo, phối hợp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, cung cấp nơi thực tập cho GV và SV, định hướng mở ngành mới, phối hợp tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ mới, Capstone projects… nhà trường cũng phối hợp với các công ty tổ chức giảng dạy tiếng Nhật, triển khai Góc Nhật bản, cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động Nhật Bản. Hiện có hơn 2.000 KS tốt nghiệp từ trường đang làm việc tại Nhật.
Chính sách cán bộ
Thu hút và đào tạo đội ngũ thầy cô giáo giỏi, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo để SV ra trường dễ kiếm việc làm. Thu nhập bình quân đầu người cao (17 triệu/người/tháng), đảm bảo cho cán bộ, giảng viên yên tâm công tác. Tạo môi trường làm việc dân chủ, thuận lợi để giữ chân người tài. Khuyến khích đội ngũ nâng cao trình độ. Khuyến khích dành cho giảng viên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh các học phần chuyên ngành. Chính sách khuyến khích cho giảng viên giảng dạy bằng hình thức blended learning. Trả lương tăng thêm theo hệ thống đánh giá năng lực KPI. Định kỳ mỗi năm, tổ chức rất nhiều khóa học ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, nhân viên trường, các buổi chia sẻ tập huấn, cập nhật về phương pháp kiểm tra đánh giá, cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn được tổ chức. Nhiều khóa huấn luyện xây dựng chương trình, kiểm định, nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên được triển khai. Nhà trường cử hơn 30 giảng viên sang ASU (Đại học bang Arizona – Hoa Kỳ) theo dự án HEEAP để học tập về phương pháp xây dựng chương trình, giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Hơn 70 giảng viên tham dự các khóa bồi dưỡng tiếng Anh tại Philippines…
Nghiên cứu khoa học (NCKH) và sân chơi kỹ thuật cho SV
Ngoài các đề tài NCKH SV, nhà trường tổ chức rất nhiều sân chơi học thuật phù hợp với sinh hoạt của SV như Open Lab, Innovation Lab… mở 24/24. Những sân chơi học thuật luôn đổi mới chủ đề, thu hút rất nhiều sinh viên tham gia như: Nhà hát múa rối nước tự động, robot chơi bóng rổ, robot leo dây, quà giáng sinh công nghệ cao… Các sân chơi này kết hợp được các nhóm sinh viên đến từ nhiều khoa khác nhau. Sinh viên trải nghiệm được thực tế rất nhiều loại kỹ năng cần thiết của một kỹ sư tại doanh nghiệp. Trường cũng khuyến khích việc sáng tạo và khởi nghiệp với sự ra đời của Khoa sáng tạo và khởi nghiệp – nơi ý tưởng hay, sáng tạo của bất kỳ SV nào sẽ được hỗ trợ và cấp kinh phí để tạo ra sản phẩm. Một điều đặc biệt mà các trường đại học cần chú ý khi tạo sân chơi học thuật cho sinh viên là tạo điều kiện để sinh viên tự trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Danh sách sân chơi học thuật và sức thu hút sinh viên: 1. Vietnam Robot Contest 5 đội và 100 SV tham gia 2. International Micom Rally Car Contest: Lào, Campuchia, 10 trường ĐH phía Nam. 3. X-mas hi-tech gifts: 50 đội tham gia, ứng dụng IoT 4. International Dancing Robot Contest: VN, Lào, Campuchia, Thái Lan 5. Cuộc thi Rối nước tự động: 30 đội sinh viên năm nhất 6. Robot leo dây: 50 đội 7. Robot chơi bóng rổ: 20 đội 8. Sản phẩm IoT: 40 đội 9. Robot summo: 45 đội 10. Robot tìm đường mê cung: 30 đội 11. Cuộc thi thiết kế LED trang trí: 35 đội. Ngoài các sân chơi trên, SV còn tham gia các sân chơi quốc tế như Robocon, Shell Eco-Marathon Philippines… mà sinh viên trường đã từng đạt giải cao: Giải vô địch Robocon VN năm 2009, thứ ba khu vực, Vô địch đua xe năng lượng mặt trời, vô địch đua xe sinh thái tiết kiệm, giải nhì Shell Eco-Marathon 2015 và giải 3 Shell Eco-Marathon năm 2016. 2 đội của trường đại diện cho các ĐH Việt Nam lọt vào vòng chung kết 10 đội tốt nhất của các ĐH trong khu vực ở cuộc thi Thử thách sáng tạo tại Singapore.
h46Hình 4.6. Số lượng sân chơi học thuật và đề tài NCKH sinh viên
Giúp SV yên tâm học tại trường
Nhà trường tạo tạo rất nhiều các loại hình thức dịch vụ tư vấn hỗ trợ SV. Hỗ trợ SV nghèo có việc làm ngay trong trường qua hệ thống trợ lý giảng dạy TA và hàng loạt các cửa hàng do SV tự quản như rửa xe, thay nhớt, sửa xe gắn máy, cà phê, sửa vá quần áo, sửa chữa máy tính…Khoa Sáng tạo và khởi nghiệp tạo ra không gian mở cho các ý tưởng sáng tạo và trải nghiệm các kỹ năng cần có để khởi nghiệp. Phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên phối hợp với các phòng chức năng, các khoa để quản lý đội ngũ ban tư vấn viên. Ban tư vấn học tập là giải pháp đổi mới của nhà trường thay cho hệ thống cố vấn học tập trong hai năm gần đây. Ban tư vấn được đánh giá làm việc rất hiệu quả. Ban có nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn cho sinh viên ở tất cả các lĩnh vực học thuật chuyên ngành, quy chế, tâm lý, đời sống…, hỗ trợ tư vấn kịp thời giúp sinh viên vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. Trung tâm Dịch vụ sinh viên (TTDVSV) tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên rất thiết thực, sáng tạo giúp nâng cao kỹ năng mềm đặc biệt là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm, tự học. Nhà trường có hơn 25 câu lạc bộ sinh viên trải nghiệm với hình thức mở, thu hút khoảng 10.000 lượt sinh viên/năm đến rèn luyện kỹ năng tổ chức, sinh hoạt truyền thống, vui chơi giải trí lành mạnh. Các hoạt động tổ chức cho sinh viên đến các nhà mở, mái ấm, trung tâm xã hội tại các địa phương làm từ thiện, dạy học, dạy kỹ năng… được tổ chức 2 lần mỗi tháng. Qua các hoạt động này, sinh viên có thể khẳng định trách nhiệm của mình với xã hội, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn hơn và quý trọng cuộc sống đang có. Mỗi năm TTDVSV giới thiệu hơn 1.000 lượt SV tham gia làm việc bán thời gian tại các cơ sở kinh tế và hộ dân giúp các em áp dụng một phần kiến thức đã học vào thực tế, tập khởi nghiệp, kiếm thêm thu nhập và giúp xã hội giải quyết việc thiếu nhân lực trong khoảng thời gian cao điểm. Tổ chức nhiều hoạt động sinh viên giúp sinh viên trong học tập, rèn luyện và tham gia vào các dịch vụ phục vụ như dịch vụ sửa đồ, sửa máy tính, rửa xe thay nhớt, giúp các phòng ban tin học hóa, làm web, đưa tin, tư vấn qua mạng, trợ giảng online… qua đó sinh viên học được cách làm việc trong một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp như trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Các khu tự học, không gian kỹ thuật mở, đẹp, yên tĩnh do sinh viên tự quản được nhà trường đầu tư, tạo môi trường giúp sinh viên nâng cao khả năng tự học & học nhóm, khắc phục được phần nào việc thiếu không gian tại phòng trọ và không có thói quen tự học trước đây cho sinh viên.
Nâng chất lượng đầu vào thông qua hoạt động quảng bá thương hiệu và tư vấn tuyển sinh
Đầu vào tốt là một trong các yếu tố quyết định chất lượng đầu ra để đảm bảo tỷ lệ SV có việc làm cao. Điểm chuẩn tăng liên tục suốt 8 năm qua. Nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu (Thành lập kênh truyền hình kỹ thuật số UTE-TV, marketing trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên facebook…), kết nối với trên 200 trường trung học phổ thông để đưa các sân chơi khoa học kỹ thuật về cho học sinh trải nghiệm, tư vấn ngành nghề cho các em ngay từ khi còn ở bậc trung học để học sinh chủ động trước khi vào đại học, với tâm thế tốt hơn, chọn đúng nghề, yêu thích tạo nên động lực, tinh thần học tập tốt hơn ở bậc đại học. Chỉ tiêu từng năm thay đổi tăng và giảm theo các khảo sát về việc làm và dự báo nhu cầu xã hội, cắt giảm mạnh tất cả các ngành dư thừa nhân lực. Mở các ngành mới theo hướng đa ngành/đa lĩnh vực, ngành theo xu thế phát triển kinh tế. Tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng: ngày mở, tập huấn giáo viên hướng nghiệp, tư vấn online, tư vấn cà phê…
Hệ thống đảm bảo chất lượng
Nhà trường đã xây dựng hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng bên trong rất chặt chẽ. Một số cột mốc của nhà trường về đảm bảo chất lượng: 2005-2006: Kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học (đợt 1) theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD & ĐT; 2006-2007: Đạt chứng nhận ISO 9001:2000 do tổ chức Intertek (Hoa Kỳ) cấp; 2011: Đánh giá ngoài chương trình Sư phạm Kỹ thuật Điện công nghiệp theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; 2014: Trường là thành viên liên kết của tổ chức AUN-QA.Đến thời điểm hiện nay, Nhà trường đã kiểm định 04 CTĐT theo chuẩn AUN-QA với điểm khá cao. Hoàn thành đánh giá ngoài nhà trường theo tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến đến năm 2020, tất cả các CTĐT của trường đều được đánh giá theo AUN-QA, 3 chương trình theo ABET. Đối với một đơn vị đào tạo, việc kiểm định hay đánh giá ngoài là giải pháp cần thiết để khách quan nhìn nhận việc vận hành của tổ chức, phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm còn chưa tốt.
Nhận định
Tỷ lệ có việc làm của SV ra trường cao là yêu cầu bắt buộc, sống còn của các trường ĐH hiện nay nếu cạnh tranh bình đẳng theo quy luật thị trường. Chất lượng đào tạo của nhà trường cũng được phản ánh trung thực qua thông số nêu trên. Kết quả của quá trình đào tạo của nhà trường luôn được thể hiện rõ bởi tỷ lệ sinh viên có việc làm trước, ngay và sau khi ra trường đúng ngành nghề đào tạo, rãi rộng ở các vị trí công việc, cấp độ trong các tổ chức của nền kinh tế trong và ngoài nước. Việc đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm là một quá trình, không phải một đích đến nhất thời. Để SV dễ kiếm việc, trường cần rất nhiều thời gian để triển khai các giải pháp đồng bộ đã nêu ở trên cũng như sự tham gia tích cực của cả guồng máy chính trị cũng như các bên có liên quan trong và ngoài trường.
Kết luận
Vấn đề người lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp sẽ là bài toán không thể giải quyết triệt để. Tuy nhiên, nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ, chúng ta sẽ giảm được đáng kể nguồn lực của xã hội, tránh gây lãnh phí cho xã hội. Và, Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất quan trọng.