Khi suy nghĩ về lịch sử của chúng ta, những thời đại thịnh suy, những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, thì tôi có một tình cảm rất vững chắc là dân tộc ta chỉ có thể tiến bộ khi mở cửa ra và hòa mình vào thế giới. Những thời kỳ “bế quan tỏa cảng”, cấm vận, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại, khi ta phải đối mặt với chính mình, đều kết thúc bằng loạn lạc, nội chiến, suy thoái. Một chính sách ôn hòa, khoan dung, mở lòng ra với những nền văn hóa khác sẽ không làm mất đi bản chất dân tộc, mà ngược lại, sẽ chắp cánh cho chúng ta. Nhưng để có thể giao lưu với những nền văn hóa khác, có lẽ điều kiện tiên quyết là ta phải hiểu họ, hai bên phải tìm được tiếng nói chung, để cùng nhau thảo luận và đi tới. Hiểu là một quá trình học tập, giáo dục của chúng ta sẽ phải nhắm tới mục tiêu này, sao cho học sinh thả mình vào biển kiến thức chung của nhân loại, học cách lắng nghe và tin tưởng, lắng nghe những ý kiến khác và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người.Cuộc đại khủng hoảng giáo dục của chúng ta thực chất là một khủng hoảng của lòng tin. Thầy cô không còn hết lòng vì học trò, học trò không còn tin yêu thầy cô nữa, và cha mẹ thì dường như chỉ muốn con cái thực hiện những ước mơ mà đời họ đã không đạt được. Đáng thương thay cho những tâm hồn non trẻ và những đầu óc trong sáng của trẻ em chúng ta! Vậy thì cải cách giáo dục, trước hết, sẽ không phải là cải cách chương trình, cũng chưa phải là cải cách giáo khoa, mà chính là cải cách con người. Chúng ta cần một thế hệ giáo viên mới, với tâm thức mới, tư tưởng cởi mở, chừng mực, khoan dung hơn, nhiệt tình hơn. Tôi không nói tất cả giáo viên hiện nay đều kém cỏi, ắt hẳn phải có những con người giỏi giang và tâm huyết thì nền giáo dục mới đứng vững được cho tới lúc này, nhưng họ chắc phải là thiểu số và cần có thêm người giúp sức.
Trẻ em của chúng ta, tương lai của chúng ta, xứng đáng được những con người có khả năng nhất, công bình nhất và tâm huyết nhất dạy dỗ và hướng dẫn. Mỗi một con người ấy, với tâm hồn và trí tuệ của họ, sẽ nhân lên hiệu quả giáo dục, họ sẽ có khả năng tạo ra những bài giảng tốt, ngay cả khi chương trình học và sách giáo khoa vẫn còn chưa đạt được trình độ mà chúng ta mong đợi. Sẽ thật là ảo tưởng khi tìm cách xây dựng một hệ thống chương trình lý tưởng và hoàn hảo, áp đặt nó lên những con người không có khả năng sử dụng được nó, và chờ đợi nó phát huy tác dụng. Chính là điều ngược lại mà chúng ta phải làm, chọn những con người tài giỏi nhất, có tâm nhất trên đất nước của chúng ta, đặt vào tay họ những đứa trẻ của chúng ta, và nhận lấy từ họ tất cả những ý tưởng cần thiết để xây dựng chương trình học và các sách giáo khoa phù hợp. Trong tư tưởng ấy, mời các bạn tham khảo dưới đây những cuộc thi tuyển giáo viên phổ thông của nước Pháp, để giúp chúng ta hình dung rõ hơn cách tuyển giáo viên cũng như là những phẩm chất mà đất nước họ chờ đợi và đòi hỏi nơi giáo viên của mình.
1. Giới thiệu các cuộc thi tuyển giáo viên Pháp
André Chervel vạch lại lịch sử cuộc thi tuyển giáo viên Trung học Pháp trong bài “Les agrégés de l’enseignement secondaire Répertoire 1809-1950” (Giáo viên Trung học. Danh mục 1809-1950). Theo ông, việc tuyển giáo sư giảng dạy để thay thế các giáo sư chính thức trong các trường Đại học bắt đầu từ năm 1766, dưới thời vua Louis XV. Năm 1802, dưới thời Napoléon Bonaparte, các trường Trung học được mở ra và bắt đầu chế độ tuyển giáo viên. Nghị định 17/03/1808 thiết lập lại thể loại các giáo viên Trung học, và các trường Trung học bắt đầu tự tuyển giáo viên của riêng trường mình. Năm 1821, cuộc thi tuyển giáo viên được chính thức thiết lập. Kể từ năm 1830 cuộc thi này trở nên cuộc thi quốc gia diễn ra hàng năm và chỉ bị gián đoạn hai lần (vào năm 1852 và 1870). Nghị định năm 1972 cho phép mở ra các cuộc thi nội bộ.
Cuộc thi CAPES thì được mở ra từ năm 1950. Như vậy hiện nay hai cuộc thi tuyển giáo viên chính và quan trọng nhất của Pháp là CAPES và Agrégation.
Cuộc thi CAPES (viết tắt tiếng Pháp của Chứng chỉ khả năng dạy học cấp Giáo dục Trung học, tạm dịch ở đây là cuộc thi Giáo viên Trung học) và cuộc thi Agrégation (tạm dịch là cuộc thi Giáo viên Trung học các cấp) là hai cuộc thi tuyển để trở thành Giáo viên Trung học và Đại học. Ngoài ra còn có các cuộc thi trình độ tương đương nhưng quy mô nhỏ hơn như CAPET (Chứng chỉ khả năng giảng dạy kỹ thuật) hoặc CAPLP (Chứng chỉ khả năng giảng dạy tại trường dạy nghề).
Hai cuộc thi tuyển giáo viên cấp Trung học này cung cấp cho những người thi đậu những danh hiệu khác nhau. Người thi đậu cuộc thi Giáo viên Trung học các cấp (từ đây gọi tắt là GVTHCC) thì mang danh hiệu “Giáo sư Trung học các cấp” (professeur agréé), trong khi người thi đậu cuộc thi Giáo viên Trung học (từ đây gọi tắt là GVTH) thì mang danh hiệu “Giáo sư Trung học”.
Các loại kỳ thi tuyển:
Lúc đầu, chỉ có một kỳ thi GVTH và một kỳ thi GVTHCC. Từ năm 1987, có hai kỳ thi GVTH: kỳ thi công chúng, dành cho sinh viên và các giáo viên trẻ, và kỳ thi nội bộ, dành cho các giáo viên đã đạt được thâm niên từ 3 năm trở lên. Cũng vậy, kỳ thi GVTHCC đã nhân đôi lên từ năm 1989, và các giáo viên, cho dù họ có chứng chỉ GVTH hay không, cũng đều có thể tham dự kỳ thi GVTHCC nội bộ sau 5 năm công tác.
Kỳ thi loại thứ 3: CAER (kỳ thi đạt mức thang lương), dành cho các thầy cô đứng lớp theo hợp đồng của các trường tư thục, tương đương với hai kỳ thi GVTH và GVTHCC. Như vậy, có hai kỳ thi là CAERPC (kỳ thi đạt mức thang lương GVTH) và CAERPA (kỳ thi đạt mức thang lương GVTHCC). Về phương diện các môn thi, các cuộc thi này diễn ra đồng thời với các cuộc thi nội bộ và đòi hỏi cùng những điều kiện về thâm niên. Số lượng vị trí mà chúng cung cấp là tương đối hạn chế, và trái lại với các cuộc thi nội bộ, chúng cho phép cùng lúc ứng thí vào kỳ thi dành cho công chúng (nhưng nếu thi đậu, thì phải chọn một trong hai, và sự chọn lựa đó sẽ không được thay đổi nữa).
2. Thể thức thi
Cần phân biệt các loại cuộc thi dành cho công chúng và các cuộc thi dành riêng cho giáo viên đã đạt được một mức thâm niên nào đó (ít nhất là 5 năm, chẳng hạn, để dự thi GVTHCC chế độ nội bộ).
Ở cả hai kỳ thi này, đợt thi đầu tiên là thi viết.
Những thí sinh đạt được kết quả tốt nhất ở kỳ thi viết sẽ được công bố “đủ điều kiện” và được mời trình diện ở kỳ thi nói.
Số lượng thí sinh được chấp nhận sau khi đậu kỳ thi viết và kỳ thi nói (thí sinh thi đậu) được xác định bởi luật pháp và phụ thuộc vào số vị trí giáo viên cần tuyển.
3. Chuẩn bị kỳ thi
Việc chuẩn bị cho kỳ thi GVTHCC và GVTH dành cho công chúng được thực hiện trong khuôn khổ Đại học, mặc dù việc chuẩn bị kỳ thi GVTH được quản lý về mặt hành chánh bởi Viện đào tạo giáo viên (IUFM – Instituts de Formation des Maîtres).
Để đăng ký thi GVTH, cần phải có bằng Cử nhân.
Để thi vào GVTHCC, cần có bằng Thạc sĩ 1 (Master 1), hoặc có chứng chỉ GVTH/GVTH Kỹ thuật/GVTH dạy nghề, những bằng hoặc chứng chỉ này có thể liên quan đến ngành khác hơn là ngành dự thi.
Cả hai cuộc thi này đều cho phép tham dự tất cả các công dân của Cộng đồng Châu Âu.
Trong một số môn học, chương trình thi GVTH tương ứng một phần với chương trình thi GVTHCC, theo cách mà khiến cho thí sinh có thể chuẩn bị cùng lúc cả hai cuộc thi.
Việc đăng ký dự thi được thực hiện ở Ban Giám đốc của Khối Đại học, nhưng độc lập với việc đăng ký học đào tạo được giảng dạy tại Đại học đó.
4. Phê chuẩn hợp lệ và nghề nghiệp
Sau khi được chấp nhận tại cuộc thi, việc phê chuẩn hợp lệ một năm thực tập sẽ là cần thiết để hội nhập vào một trong những cơ cấu nhân viên của Bộ Giáo dục quốc gia. Thí sinh thi đậu bước đầu sẽ là một thực tập viên trước khi trở thành giáo viên biên chế.
Mỗi khối giáo viên sở hữu một vị thế đặc biệt xác định bởi nghị định. Sự khác nhau giữa Giáo sư TH và Giáo sư THCC là lớn, đặc biệt là về lương và số giờ giảng dạy (15h hay 18h mỗi tuần), về sự thăng tiến nghề nghiệp hay là loại trường mà họ trực thuộc.
Chứng chỉ GVTHCC cũng không phải là một điều kiện tiên quyết để giảng dạy ở Đại học vì tất cả các giáo sư THCC, TH và TH nghề đều có thể yêu cầu một vị trí trong giảng dạy cấp cao. Trong trường hợp này, người đó không có vị thế giảng viên-nghiên cứu, như là vị thế của các Giảng viên tổ chức hội thảo (Maître des conferences) và các Giáo sư Đại học (Professeur des Universités).
5. Tuyển dụng:
Đây là cuộc thi tuyển của Bộ Giáo dục quốc gia. Tư tưởng của cuộc thi là cuộc tranh tài về trí tuệ, nhưng ưu tiên những phẩm chất về giao tiếp. Sự thông thái, nhưng cả sự sáng sủa và đơn giản là là những phẩm chất không thể thiếu đối với bất cứ nhà sư phạm tương lai nào. Những thí sinh trúng tuyển được phân bổ về các Trường bởi Bộ. Tuy nhiên, những cuộc thi công chúng hay nội bộ không phải là những cách duy nhất để tuyển dụng, ngay cả khi về mặt số lượng đó là cách quan trọng nhất. Ví dụ ngoài việc thi tuyển còn có chế độ bổ nhiệm: Bộ bổ nhiệm các giáo sư TH và THCC đã được chọn trong một “danh sách đủ điều kiện”. Điều kiện để được xét bổ nhiệm là từ 40 tuổi trở lên và đã có hoạt động giảng dạy trong vòng ít nhất là 10 năm, trong đó 5 năm là biên chế đối với những người mong muốn trở thành GVTH, và điều kiện phải là GVTH đối với những người yêu cầu chức GVTHCC. Chế độ thăng tiến này bao gồm các điều kiện về danh hiệu và bằng cấp: để trở thành GVTH, cần phải có bằng Cử nhân hoặc tương đương. Để trở thành GVTHCC, cần phải có chứng chỉ GVTH.
6. Ví dụ: Trường hợp thi tuyển giáo viên chuyên ngành Văn học hiện đại
Đối với chuyên ngành này, các kỳ thi công chúng bao gồm các môn thi: Luận văn, tiếng Pháp cổ, ngữ pháp, tu từ học và ngôn ngữ (sinh ngữ và tử ngữ). Trong kỳ thi GVTHCC, một chương trình văn học tổng quát và so sánh sẽ được bổ sung vào chương trình văn học Pháp.
Trong các cuộc thi nội bộ, cũng như là thi GVTH công chúng, sẽ có một môn thi về giảng bài kiểm tra khả năng giảng dạy môn học của thí sinh.
Từ khi mở ra kỳ thi GVTHCC nội bộ, kỳ thi GVTH đề nghị chỉ chọn một ngôn ngữ duy nhất, sinh ngữ hoặc là tử ngữ, và không bắt buộc thi môn tiếng Latin nữa. Mặt khác, những cuộc thi nội bộ ít đòi hỏi về lý thuyết hơn và tập trung hơn theo hướng mối quan hệ nghề nghiệp với môn học: chỉ những môn học gần với thực tế hàng ngày của việc giảng dạy được đại diện ở đó, và suy nghĩ về mục đích nghề nghiệp của môn học được đánh giá theo cùng danh hiệu của bằng Thạc sĩ của thí sinh.
Việc thẩm định đôi này là đặc trưng cho các cuộc thi công chúng. Vấn đề là phải diễn đạt một sự thông thái nhất định, nhưng mục đích của cuộc thi là tuyển giáo viên, và do đó những phẩm chất sư phạm – sự rõ ràng, hứng thú mà họ gợi nên – cũng quan trọng như là kiến thức thực sự.
Thay lời kết
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ năm 1762, – khi cuốn sách “Emile hay là về giáo dục” của Rousseau được xuất bản ở Paris, ý tưởng của nó chống lại nền Giáo dục được đảm trách bởi Giáo hội Công giáo khiến ông phải bị lưu đày, xua đuổi trong nhiều năm, – cho đến khi các đạo luật về giáo dục năm 1881 và 1882 dưới thời chính phủ Jules Ferry đã thiết lập nên một nền giáo dục thế tục, miễn phí và bắt buộc đối với trẻ em từ 6 đến 13 tuổi. Nước Pháp đã trải qua cuộc cách mạng 1789, các thể chế khác nhau, các cuộc chiến tranh cũng như nội chiến, họ đã bắt đầu đầu tư cho giáo dục một cách hệ thống như vậy kể từ nền Cộng hòa đệ tam (1870-1940) và giữ vững truyền thống ấy cho đến ngày nay. Như vậy chúng ta có lý do để tin rằng, không phải là các cuộc cách mạng cũng như các cuộc chiến tranh có thể đem lại văn minh và dân chủ, mà là một nền giáo dục vững mạnh.
Việc thi tuyển giáo viên sẽ đặt ra nhiều chi phí tốn kém, nhưng chúng ta có thể tìm được chi phí cho nó bằng cách loại bỏ các cuộc thi tuyển sinh đại học, và chuyển kinh phí đó sang thi tuyển giáo viên. Những cuộc thi tuyển sinh đại học thật sự không có một lý do nào để tồn tại, trừ phi là thi tuyển vào các trường lớn như trường Y, hay Trường ĐH Kỹ thuật. Cứ hình dung hàng năm, sĩ tử nghèo khó từ các thôn quê nghèo, cơm đùm cơm nắm, ăn ngủ vạ vật cùng cha mẹ, để mong thi đậu vào một trường Đại học, thì ta không khỏi đau lòng. Tại sao cái tinh thần hiếu học đáng quý như thế của dân ta, mà nó làm nên niềm tự hào từ bao đời nay, của đất nước ta, cũng như của người Việt Nam trên thế giới, nó lại bị ngăn chặn tàn nhẫn và vô lý như vậy? Vì sao không khuyến khích Đại học đại chúng, vì sao cánh cửa trường Đại học không mở ra cho tất cả những người nào mong muốn trau giồi tri thức?
Một khi không bị áp lực phải học để thi đậu Đại học, thì rõ ràng là việc học sẽ thoải mái hơn, và áp lực về điểm số cũng sẽ không còn ý nghĩa. Vì suy cho cùng, một bảng điểm xuất sắc có thực sự là cần thiết không, và cần cho việc gì? Để đi du học chẳng hạn, cũng chỉ cần một bảng điểm trung bình khá; để xin việc làm, có ai hỏi bảng điểm của bạn không? Thầy cô cũng sẽ không dùng điểm để ép trò học, mà phải tìm cách khơi lên sự hứng thú của trò đối với môn học. Khi đó, chúng ta sẽ học với lòng tin dành cho con người, và tình yêu dành cho tri thức.
Nguyen Lan Huong – Université de Paris IV
Từ các cuộc thi tuyển giáo viên của Pháp, CAPES và Agrégation, nghĩ về giáo dục Việt Nam.
Sách tham khảo:
Franco Bernard, Le CAPES et l’Agrégation de Lettres modernes, Ed. Armand Colin, Paris, 1993.
Rousseau Jean-Jacques, Emile ou de l’éducation, Ed. Classique Garnier, Paris, 1999.