Giáo sư Lê Thành Khôi sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống Nho học và Phật giáo ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Lycée Albert Sarraut năm 1947, ở tuổi 24, anh sang Pháp du học. Sau khi bảo vệ xong Luận án Tiến sĩ về kinh tế học (1949) ở Paris, ông lại tiếp tục học và tốt nghiệp Học viện Luật pháp Quốc tế tại Den Haag, Hà Lan, rồi lại học và lấy bằng Cử nhân Văn chương ở Trường Đại học Sorbonne, học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Năm 1968, ông hoàn thành Luận án Tiến sĩ về Công nghệ Giáo dục và bảo vệ lấy học vị Tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội. Thời trẻ, Giáo sư Lê Thành Khôi được đào tạo một cách căn bản theo hướng đa ngành. Hệ thống kiến thức và phương pháp luận đa ngành đó là một vốn quý, một ưu thế của ông trên con đường nghiên cứu và hoạt động khoa học của mình.
Giáo sư Lê Thành Khôi hoạt động trên nhiều lĩnh vực, qua nhiều ngành và tổ chức khoa học. Ông đã giảng dạy tại Đại học Paris (Khoa Luật và Kinh tế học), Viện Khoa học Kinh tế Ứng dụng, Đại học Caen, Đại học Nanterre, Trường Cao đẳng Thực hành (École Pratique des Hautes Etudes), nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội (IEDES). Từ năm 1963, ông được mời làm tư vấn cho một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Phòng Quốc tế Lao động (BIT, Genève), Cục Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật các nước Pháp ngữ (ACCT), Trường Đại học của Liên hiệp quốc ở Tokyo, Chương trình UNDP. Năm 1971, ông được bầu làm Giáo sư Đại học Paris V (René Descartes). Cùng với công tác giảng dạy, ông vẫn tiếp tục làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học trên thế giới.[1]
Năm 1992, ông nghỉ hưu nhưng vẫn say mê nghiên cứu và sáng tạo. Tôi nhớ mãi năm 2001, anh chị Lê Thành Khôi về thăm quê hương và lưu lại Hà Nội ba tháng để khảo sát một số di tích lịch sử, văn hóa, chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Anh tặng tôi cuốn sách Un désir de beauté (Ước ao cái đẹp, Paris, 2000) với những tấm ảnh nghệ thuật rất đẹp. Anh đã dành sáu tháng để học lớp chụp ảnh nghệ thuật và rất thích thú sử dụng những tấm ảnh tự tay chụp trong trước tác của mình. Tôi rất kính phục tinh thần học tập và nghị lực sáng tạo của một nhà khoa học lão thành.
Giáo sư Lê Thành Khôi là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế học, luật học, giáo dục học đến văn học, văn hóa, sử học, nghệ thuật, mỹ học. Hơn 60 năm sống giữa Paris – một trung tâm tiên tiến và sôi động của nền văn minh phương Tây, ông đã tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại, những luồng tư tưởng tiến bộ, nhất là những lý thuyết và phương pháp tiếp cận khoa học mới. Nhưng tấm lòng của ông luôn hướng về Đất Mẹ, vẫn giữ trong tâm hồn và phong thái của mình cốt cách của truyền thống văn hóa Việt Nam và phương Đông.
Giáo sư Lê Thành Khôi để lại một di sản khoa học đồ sộ. Ông có 25 công trình nghiên cứu khoa học với tư cách tác giả, 33 công trình là đồng tác giả đã xuất bản. Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Pháp và quốc tế. Đó là những công trình vừa chuyên sâu vừa đa ngành. Tất cả nói lên một tư duy, một phong cách nghiên cứu rất nghiêm túc, hiện đại, một trí tuệ đầy tính sáng tạo, một con người trung thực, thẳng thắn. Ở Giáo sư Lê Thành Khôi có một sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây.
Trong di sản đồ sộ của Giáo sư Lê Thành Khôi, có hai chuyên khảo về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đó là cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud Est Asie, Paris, 1982). Đây là hai công trình có giá trị khoa học cao đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức không chỉ ở Pháp và Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, góp phần phổ biến một hình ảnh trung thực về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trong một thời gian dài gần như cả nửa sau thế kỷ XX, giới Việt Nam học thế giới coi đây là hai công trình mang tính kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam.
Tôi rất hoan nghênh Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới chủ trương dịch ra tiếng Việt và xuất bản hai công trình này của Giáo sư Lê Thành Khôi. Ban biên tập lấy cuốn Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858) làm nền và thêm mục V “La conquête française” (Pháp chiếm Việt Nam) chương VIII và cả chương IX “La colonisation française” (Thực dân Pháp khai thác thuộc địa) của cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh) để thành một bộ Lịch sử Việt Nam trọn vẹn từ nguồn gốc đến Cách mạng tháng Tám 1945 và thành lập nước Việt Nam độc lập.
Hai cuốn sách này tuy mang hai tiêu đề khác nhau nhưng nội dung và cách trình bày về cơ bản là thống nhất: Việt Nam được trình bày qua các thời kỳ phát triển kết hợp lịch sử với văn hóa, kinh tế, nghệ thuật. Cuốn thứ nhất – Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation – xuất bản năm 1955 nhưng tác giả đã biên soạn từ những năm 1951-1955. Theo Lời nói đầu của ông, đây là phần thứ nhất viết về lịch sử và sẽ có phần thứ hai dành cho văn minh. Vì vậy, đầu sách có một phụ đề là “Le milieu et l’histoire” (Môi trường và lịch sử), sau phần nhập đề giới thiệu về đất nước và con người là phần lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thời Pháp thuộc, kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của một nước Việt Nam mới. Do đó, việc lấy phần cuối của cuốn sách đầu ghép vào phần sau của cuốn sách thứ hai (Từ nguồn gốc đến năm 1858) là hoàn toàn phù hợp với nội dung và cách trình bày của tác giả, đồng thời được chính tác giả chấp thuận.
Trong cuốn sách thứ nhất, tác giả đã trình bày lịch sử Việt Nam bằng một quan điểm và phương pháp luận hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Tác giả quan niệm lịch sử không thể chỉ giới hạn trong lịch sử chính trị, lịch sử các vua chúa mà là lịch sử toàn diện bao gồm tất cả các lĩnh vực của cuộc sống con người, từ kinh tế, xã hội cho đến các thiết chế chính trị, văn học, nghệ thuật. Vì vậy, viết lịch sử, ngoài các tư liệu chữ viết, còn cần khai thác tư liệu của nhiều ngành khoa học liên quan như khảo cổ học, bi ký học, tiền tệ học, dân tộc học, xã hội học, dân số học cho đến các ngành ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, luật pháp… Tác giả cũng nhận thức sâu sắc, lịch sử không chỉ là một khoa học của quá khứ mà là một khoa học của thời hiện đại, góp phần giải đáp những vấn đề của cuộc sống hôm nay, vì lợi ích của sự phát triển. Trên tầm nhìn mang tính toàn bộ của lịch sử, tác giả luôn luôn gắn sự phát triển của Việt Nam với lịch sử khu vực và thế giới, nhất là với Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu.
Cuốn thứ hai nổi bật lên giá trị về tính cập nhật của công tác tư liệu. Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước độc lập và thống nhất, Giáo sư Lê Thành Khôi có dịp về thăm gia đình, quê hương và đặc biệt là tiếp cận với những thành tựu nghiên cứu khoa học trong nước. Ông rất vui mừng trước những thành tựu đó, nhất là những khám phá mới về các nguồn tư liệu chữ viết, về lịch sử chống ngoại xâm, đặc biệt là về khảo cổ học, dân tộc học. Nhìn vào thư mục của cuốn sách xuất bản năm 1982, có thể thấy ông đã sử dụng nhiều công trình nghiên cứu trong nước. Ông đã nghiên cứu kỹ những kết quả khoa học đó và vận dụng một cách chọn lọc vào công trình Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858. So với cuốn sách xuất bản năm 1955, nội dung của cuốn thứ hai đã có nhiều thay đổi theo hướng cập nhật và hiện đại.
Bộ lịch sử Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi nói lên tầm hiểu biết uyên bác, sử bút nghiêm túc, khách quan, trung thực của một cây đại thụ sử học Việt Nam sống xa quê hương nhưng trái tim luôn cùng một nhịp thở với Tổ quốc Việt Nam.
Tôi rất vinh dự được viết lời giới thiệu này để nói lên vài nét tóm lược với bạn đọc hai công trình nghiên cứu tiêu biểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi, một nhà bác học về khoa học xã hội và nhân văn, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới. Tôi hy vọng bản dịch tiếng Việt cuốn Lịch sử Việt Nam của dịch giả Nguyễn Nghị sẽ đáp ứng mong đợi của nhiều nhà khoa học, nhiều bạn đọc Việt Nam chưa có điều kiện tiếp xúc với nguyên bản tiếng Pháp của Giáo sư Lê Thành Khôi.
Hà Nội, mùa hè năm 2014
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê
[1]. Về hành trạng và thư mục của Giáo sư Lê Thành Khôi, xin tham khảo Từ Đông sang Tây, Nxb Đà Nẵng, 2005.